top of page

Tòa án Tối cao có ý "tuyên án tử" cho quyền phá thai

By Josh Gerstein, Alexander Ward, on 02-05-2022, 19:30:00

“Chúng tôi kết luận rằng phán quyết về Roe và Casey cần phải được lật lại,” Thẩm phán Alito viết trong bản sơ thảo ý kiến phía đa số được lưu hành trong pháp viện. Theo một văn bản sơ thảo ý kiến đa số lưu hành trong pháp viện mà POLITICO thu được, Tòa án Tối cao đã bỏ phiếu tán thành việc vô hiệu hóa phán quyết lịch sử Roe v. Wade. Dựa trên quyết định năm 1973 của Tòa, quyền phá thai nhận được sự bảo vệ tuyệt đối từ hiến pháp liên bang, và quyết định này tiếp tục được duy trì trong vụ kiện Planned Parenthood v. Casey vào năm 1992. Kết quả ý kiến sơ thảo này là một lời cự tuyệt thẳng thừng đầy thị uy nhắm đến hai phán quyết trên. “Ngay từ đầu thì Roe đã sai một cách tai hại,” ông Alito viết. “Chúng tôi kết luận rằng phán quyết về Roe và Casey cần phải được lật lại,” ông viết trong văn bản tiêu đề “Ý kiến của Tòa án.” “Đã đến lúc để lưu ý đến Hiến pháp và giao trả vấn đề phá thai về lại cho các đại biểu do người dân bầu cử.” Trong quá khứ, biến chuyển vẫn thường xảy ra trong quá trình cân nhắc lại các vụ kiện gây tranh cãi. Các thẩm phán có thể và đôi khi thay đổi phiếu bầu của mình giữa lúc các văn bản ý kiến đã lưu hành, và những phán quyết quan trọng có khi phải trải qua nhiều lần dự thảo và bỏ phiếu, có khi là chỉ trong vài ngày trước khi phán quyết được tiết lộ. Cho đến khi chính thức công bố, nhiều khả năng là trong vòng 2 tháng tới, thì quan điểm của tòa vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng. Trước hết, quyết định sơ bộ tháng 2 này sẽ đặt dấu chấm cho sự bảo vệ tuyệt đối dài nửa thế kỷ cho quyền phá thai của hiến pháp liên bang và cho phép tiểu bang tự xem xét nên giới hạn hay cấm tiệt phá thai. Chưa rõ từ lúc đó đến nay đã có sự thay đồi nào trong văn bản sơ thảo hay không. Xuyên suốt lịch sử của tòa án, việc tiết lộ quyết định sơ bộ với công chúng trong khi ca kiện vẫn đang chờ kết quả chưa bao giờ xảy ra. Diễn biến vô tiền này chắc chắn sẽ châm dầu thêm vào cuộc tranh luận về vụ tố tụng vốn dĩ đã là hao tốn giấy mực nhất của nhiệm kỳ. Qua ý kiến sơ thảo này, chúng ta có thể nhận biết phương hướng suy nghĩ của các thẩm phán về một trong những vụ kiện quan trọng nhất được trình lên tòa trong 5 thập kỷ gần đây. Một số nguời theo dõi phiên tòa dự đoán rằng phía bảo thủ đa số sẽ cắt bớt quyền phá thai thay vì thẳng tay “tuyên án tử” cho một tiền lệ pháp 49 tuổi. Văn bản sơ thảo cho thấy tòa án đang tìm cách để bác bỏ lý luận và sự bảo vệ pháp lý của phán quyết Roe. “Ngay từ đầu thì Roe đã sai một cách tai hại. Nó có lập luận hết sức lỏng lẻo, và phán quyết này đã đem đến những hậu quả thiệt hại. Và thay vì giúp đất nước hóa giải vấn đề phá thai, RoeCasey lại kích động tranh cãi và gia tăng chia rẽ.” Trích lời Thẩm phán Samuel Alito trong một bản sơ thảo ý kiến đa số ban đầu Theo lời một người quen thuộc với quá trình cân nhắc của tòa, 4 Thẩm phán do đảng Cộng hòa bổ nhiệm khác — Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh and Amy Coney Barrett — đã bỏ phiếu thuận theo ông Alito trong cuộc hội ý giữa các thẩm phán sau phiên tòa tranh luận hồi tháng 12, và danh sách này vẫn chưa có thay đổi tính đến tuần này. Ba Thẩm phán Stephen Breyer, Sonia Sotomayor, và Elena Kagan do đảng Dân chủ bổ nhiệm vẫn đang biên soạn các luận văn phản đối, người này cho biết. Về lá phiếu của Chánh án John Roberts và liệu ông sẽ tán thành ý kiến của thẩm phán khác hay nêu ra chính kiến riêng cho bản thân thì vẫn chưa rõ. Theo một ghi chú trong văn bản sơ thảo ý kiến đa số đầu tiên, đây là lập trường của các thẩm phán vào ngày 10 tháng 2. Nếu bản thảo của ông Alito được chấp nhận, tòa án sẽ đứng về phía Mississippi trong vụ kiện về đạo luật gần như hoàn toàn cấm phá thai khi thai lớn hơn 15 tuần tuổi của tiểu bang. Chánh án Roberts xác nhận tính chân thực của văn bản này và cho biết ông đã ra lệnh điều tra về vấn đề rò rỉ thông tin nội bộ. “Hành vi phản bội tính bảo mật của Tòa với ý đồ phá hoại sự liêm chính trong quy trình xét xử này sẽ không thành công. Công việc của Tòa sẽ không bị ảnh hưởng dù thế nào,” ông Roberts cam kết trong một tuyên bố. “Hành động bội ước cá nhân này là sự xúc phạm đối với Tòa án cũng như cộng đồng công nhân viên chức làm việc ở tòa.” Ông Roberts cũng nhấn mạnh rằng ý kiến sơ thảo “không đại diện cho phán quyết của Tòa hay lập trường cuối cùng của bất kỳ thành viên nào về những vấn đề của vụ kiện.” Phát ngôn viên của tòa từ chối phát biểu trước khi phán quyết chính thức được công bố. POLITICO nhận được bản sao ý kiến sơ bộ từ một người quen thuộc với những ca tố tụng liên quan đến vụ kiện Mississipi kèm theo các chi tiết chứng minh độ xác thực của văn kiện. Bản ý kiến sơ bộ này dài 98 trang, bao gồm 31 trang phụ lục về các đạo luật tiểu bang liên quan đến phá thai trong lịch sử. Văn kiện có 118 chú thích và đầy đủ các dẫn chứng về sách vở, những phán quyết trước đây của tòa, cũng như nhiều tài liệu gốc khác. Thời điểm bản thảo này xuất hiện trùng khớp với quy trình xét xử của tòa. Cả hai phía trong cuộc tranh luận quyền phá thai đều đã sẵn sàng nghe quyết định của tòa. Việc bản sơ thảo ý kiến đa số của ông Alito bị lọt ra ngoài là một trường hợp rò rỉ thông tin rất hiếm hoi đối với truyền thống bảo mật quá trình cân nhắc của Tòa Án tối cao. Phía đa số trong phiên tòa tranh luận tháng 12 có chiều hướng thiên về ủng hộ đạo luật của Mississippi, và các dự đoán về phán quyết sắp tới ngày càng gay gắt kể từ đó. Chiếu theo quy trình xét xử lâu đời, các thẩm phán sẽ tiến hành bỏ phiếu sơ bộ cho các vụ kiện sau phiên tòa tranh luận rồi bổ nhiệm một thành viên của phía đa số để soạn thảo bản nháp trình bày ý kiến của tòa. Các thẩm phán thường sẽ thảo luận và chỉnh sửa bản sơ thảo, trong vài trường hợp các thẩm phán có thể hoàn toàn thay đổi lá phiếu của mình, nghĩa là quan điểm hiện này của tòa đối với Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization (vụ kiện của Mississipi) vẫn có thể thay đổi. Thông thường thì chánh án sẽ ấn định các ý kiến đa số nếu như chánh án thuộc về phía đa số. Nếu không, thẩm phán lớn tuổi nhất của phía đa số sẽ đưa ra quyết định. ‘Hết sức lỏng lẻo’ Thẩm phán Alito được Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm vào năm 2006. Theo ông, phán quyết năm 1973 về quyền phá thai là một quyết định sơ sài và hoàn toàn sai lầm, nó tạo ra một cái quyền chưa từng được Hiến pháp nhắc tới, và chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng ngờ nghệch nhằm mang vấn đề gây tranh cãi này ra khỏi các luồng ý kiến chính trị khác nhau trong nhà nước. Kết luận sơ thảo của ông Alito sẽ bác bỏ phán quyết rằng đạo luật Mississippi ngăn cấm phá thai là vi phạm tiền lệ pháp của Tòa Phúc thẩm số 5 ở New Orleans. “Các phân tích lịch sử (của Roe) nếu không thỏa hiến pháp thì là hoàn toàn sai,” ông Alito tiếp tục, bổ sung thêm rằng những lập luận của nó “hết sức lỏng lẻo,” và rằng phán quyết ấy đã đem đến “nhiều hậu quả thiệt hại.” “Kết luận duy nhất chính là quyền phá thai không có cơ sở lịch sử lẫn truyền thống của Quốc gia,” ông Alito viết. Ông Alito gật gù trích dẫn một loạt lời phê bình dành cho Roe. Ông còn nhắc đến các tượng đài chính trị cấp tiến như Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg quá cố và giáo sư Laurence Tribe của trường Luật Harvard, những người đã từng tỏ thái độ hoài nghi với lập luận của Roe hoặc về tác động của nó lên tiến trình chính trị. Các chỉ trích gay gắt mà ông Alito dành cho Roe, cộng với sự ủng hộ từ ít nhất bốn thẩm phán khác cũng là dấu hiệu cho thấy chiều hướng hữu khuynh của tòa án trong những thập kỷ gần gây. Phán quyết Roe được đưa ra vào năm 1973 với kết quả 7-2, do 5 thẩm phán do đảng Cộng hòa bổ nhiệm bỏ phiếu cùng với 2 thẩm phán do tổng thống thuộc đảng Dân chủ đề cử. Việc bãi bỏ Roe sẽ khiến cho các dịch vụ phá thai bị hạn chế đáng kể tại nhiều địa phương miền Nam và Trung Tây gần như là ngay tức khắc, gần một nửa các tiểu bang thuộc khu vực này đã chuẩn bị để ban hành lệnh cấm phá thai ngay lập tức. Các tiểu bang vẫn có thể hợp pháp hóa các dịch vụ phá thai. “Hiến pháp không hề ngăn cấm trường hợp người dân của tiểu bang kiểm soát hay ngăn cấm việc phá thai,” bản sơ thảo kết luận. “RoeCasey tự chiếm lấy cái thẩm quyền ấy. Giờ đây chúng tôi bãi bỏ những phán quyết trên và giao trả thẩm quyền này về lại cho người dân cùng các đại biểu dân bầu.” Lời văn hoa mỹ nhưng hùng hồn và cay độc trong bản sơ thảo này đúng với thương hiệu của thẩm phán Alito. Điểm này từng vài lần khiến cho một đồng nghiệp cũng do tổng thống Bush bố nhiệm là Chánh án Roberts thấy bất bình. Bản sơ thảo của Alito có vài điểm mang tông giọng gần như mỉa mai, chỉ trích nặng nề ý kiến số đông trong Roe viết bởi Thẩm phán Harry Blackmun, được Richard Nixon chỉ định và đã qua đời vào năm 1999. Roe cho ta ‘cảm giác’ rằng Tu chánh án thứ 14 là điều khoản làm tròn nhiệm vụ hợp pháp hoá, nhưng thông điệp lại có vẻ ngầm ám chỉ quyền nạo phá thai có tồn tại đâu đó trong Hiến pháp và việc chỉ điểm chi tiết đó ở đâu không quá quan trọng,” ông Alito viết. Alito tuyên bố rằng một trong những nguyên lí cốt lõi của Roe "hoàn toàn vô lí," tức sự phân biệt về "khả năng sống" giữa các phôi thai không đủ khả năng sống ngoài tử cung và các phôi thai đủ khả năng sống ngoài tử cung. Trong một vài đoạn văn, ông đã mô tả các bác sĩ và y tá thực hiện quá trình chấm dứt thai kì là "kẻ phá thai." Năm 2020, khi Roberts bỏ phiếu cùng những thẩm phán tự do ngăn chặn một điều luật tại Louisiana nhằm áp đặt nhiều quy chế khắt khe hơn với các trung tâm nạo phá thai, phiếu tán thành duy nhất của ông đã sử dụng cụm từ trung tính hơn, “những người cung cấp dịch vụ nạo phá thai”. Ngược lại, vẫn vụ kiện này, Thẩm phán Clarence Thomas đã dùng từ “kẻ phá thai” 25 lần trong ý kiến phản đối của ông. Cách Alito dùng cụm "sai một cách tai hại" để mô tả Roe giống cách dùng từ của Tổng biện lí Mississippi Scott Stewart vào tháng 12 rồi khi bảo vệ lệnh cấm phá thai sau 15 tuần thai của bang. Năm 2020, cụm từ cũng xuất hiện trong một bài quan điểm Kavanaugh viết trong một điều luật năm 2020 rằng kết án ở bồi thẩm đoàn trong các vụ hình sự phải được cả hội đồng nhất trí. Trong bài quan điểm đó, Kavanaugh đã gọi hai phán quyết nổi tiếng của Toà án Tối cao là “sai một cách tai hại”: phán quyết năm 1944 cho phép tiếp tục bắt giam người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến II, Korematsu v. Hoa Kỳ, và phán quyết năm 1896 mở đường cho hành vi phân chia chủng tộc dưới phân loại “phân chia bình đẳng,” Plessy v. Ferguson. Toà án Tối cao chưa bao giờ chính thức bãi bỏ Korematsu, nhưng đã phản bác lại phán quyết này trong một vụ kiện năm 2018 do Roberts xét xử và cho phép lệnh cấm di chuyển của Tổng thống Donald Trump thời ấy. Di sản của Plessy v. Ferguson Plessy tiếp tục giữ vai trò pháp luật trong gần sáu thập kỉ, đến khi tòa án bãi bỏ Plessy qua phán quyết sát nhập trường học Brown v. Hội đồng Giáo dục năm 1954. Trích lời Kavanaugh, Alito nhận xét Plessy như sau: “Phán quyết này ‘sai một cách tai hại,’ vào chính ngày quyết định được đưa ra.” Bản thảo của Alito cũng bao gồm một danh sách ghi chú dài khoảng hai trang, liệt kê những phán quyết mà các thẩm phán đời sau đã lật ngược quyết định của thẩm phán đời trước — trong đó nhiều trường hợp đã được phe tự do khen ngợi. Có nhiều tranh cãi xoay quanh ẩn ý của bản thảo rằng cho phép các tiểu bang cấm nạo phá thai ngang bằng việc chấm dứt hợp pháp hoá phân chia chủng tộc. Nhưng phép so sánh càng nhấn mạnh niềm tin của các thẩm phán bảo thủ rằng Roe nhiều sai sót tới mức các thẩm phán nên gạt qua một bên sự chần chừ thường thấy khi lật ngược phán quyết đời trước và bãi bỏ Roe hoàn toàn. Bản thảo của Alito còn đào sâu hơn vào lãnh địa chủng tộc vô cùng nhạy cảm này, qua một ghi chú rằng một số người ủng hộ nạo phá thai thời đầu cũng có nhiều quan điểm mang tính ủng hộ thuyết ưu sinh. "Những người ủng hộ này một phần do mong muốn kìm hãm dân số người Mỹ gốc Phi," Alito viết. "Tác động về mặt nhân khẩu học của Roe là không thể chối cãi. Số lượng thai nhi da đen bị nạo phá hoàn toàn mất cân xứng với các màu da khác." Alito viết rằng ông không có ý định vu khống ai khi chỉ ra điều trên. “Về phía chúng tôi, chúng tôi không tra vấn động cơ của người đã ủng hộ hay người không ủng hộ luật hạn chế nạo phá thai,” ông viết. Alito cũng đề cập đến mối lo ngại về ảnh hưởng của quyết định này lên diễn ngôn công chúng. "Chúng tôi không thể cho phép quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài như lo ngại về phản ứng của công chúng," Alito viết. "Chúng tôi không giả bộ như biết rằng hệ thống chính trị hay xã hội sẽ phản ứng như thế nào với quyết định bãi bỏ RoeCasey ngày hôm nay. Và thậm chí nếu có thể thấy trước được tương lai, chúng tôi cũng không có quyền để thông tin ấy ảnh hưởng tới quyết định của mình." Trong bài quan điểm chính cho phán quyết Casey năm 1992, Thẩm phán Sandra Day O’Connor, Anthony Kennedy và Davis Souter đã cảnh báo rằng toà án sẽ trả “cái giá đắt đỏ” vì đã lật ngược Roe, dù một số công chúng và cộng đồng luật sư cũng đã chỉ trích phán quyết này. “Dù đã dẫn đến một số phản đối, phán quyết này vẫn có tác dụng,” ba thẩm phán đã viết. “Cả một thế hệ đã lớn lên và coi khái niệm về tự do của Roe như điểm tham chiếu để định nghĩa khả năng phụ nữ được tham gia vào xã hội và đưa ra quyết định về sức khoẻ sinh sản; không có sự xói mòn về nguyên lí tự do hay sự tự chủ cá nhân nào xảy ra để ta coi các nguyên lí cốt lõi của Roe là giáo điều cả.” Khi Dobbs được đem lên tranh luận vào tháng 12, Roberts có vẻ đã lệch nhịp với các thẩm phán bảo thủ khác. Hiện tượng này cũng xảy ra trong một số vụ kiện khác, trong đó có vụ kiện phản biện Đạo luật Sức khỏe Hợp túi tiền. Trong buổi tranh biện mùa thu năm ngoái, Roberts dường như đang tìm cách cho phép luật cấm 15 tuần của Mississippi mà không hoàn toàn bãi bỏ khung lí thuyết của Roe. "Tôi thấy, khả năng sống không liên quan gì đến khả năng lựa chọn cả. Nhưng, nếu vấn đề này thực sự là về khả năng lựa chọn, thì 15 tuần vẫn chưa đủ sao?" Roberts đặt câu hỏi trong các buổi tranh luận. "Vấn đề của chúng ta ngày hôm nay là thời gian 15 tuần ấy." Sự ủng hộ ngầm dành cho những đồng nghiệp bảo thủ Bản sơ thảo ý kiến của ông Alito không nhắc đến quan điểm của ông Roberts quá nhiều, nhưng dường như có vài phần trong bản thảo lại chiếu cố chủ ý của những thẩm phán khác. Một trích đoạn lý luận rằng từ thập kỷ 1970, thái độ của xã hội đối với vấn đề mang thai ngoài giá thú “đã thay đổi đáng kể” và rẳng nhu cầu nhận nuôi tăng cao khiến cho việc phá thai không còn thiết yếu như trước. Lập luận này ăn khớp với các vấn đề mà thẩm phán Barrett — người được Trump bổ nhiệm và thành viên mới nhất của tòa — đã nêu lên vào phiên tòa tháng 12. Theo bà, mang thai cho đến lúc sinh con không đồng nghĩa với việc bắt buộc người mẹ chịu trách nhiệm với việc nuôi dạy con bởi vì luật pháp cho phép người dân đưa con đi nhận nuôi vô điều kiện. “Tại sao không tận dụng các đạo luật bảo vệ danh tính cha mẹ khi đưa con đi nhận nuôi (safe haven laws) để giải quyết vấn đề này?” bà Barrett, nguời nhận nuôi 2 trong số 7 đứa trẻ của mình, nói. Phần lớn lập luận trong bản sơ thảo của ông Alito quả quyết rằng nếu Hiến pháp có bao hàm quyền phá thai, thì việc phá thai đã đã không bị kết tội rộng rãi đến như vậy vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong bản thảo của mình, vị thẩm phán bảo thủ đính kèm phần phụ lục dài 31 trang liệt kệ những đạo luật buộc tội việc phá thai được ban hành vào quãng thời gian đó. Ông Alito tuyên bố “một truyền thống nghiêm cấm việc phá thai bằng hình pháp không bị gián đoạn … kể từ những ngày đầu tiên của thông luật cho đến năm 1973” "Trước nửa cuối thế kỉ 20, luật pháp Mỹ không hề ủng hộ quyền phá thai theo hiến pháp. Không hề. Hoàn toàn không. Không điều khoản hiến pháp của bang nào đã thừa nhận quyền gì như thế cả," Alito thêm vào. Bản thảo của Alito lập luận rằng các quyền lợi được Hiến pháp bảo vệ nhưng không được nhắc đến trực tiếp - hay còn được gọi là luật ẩn - phải có gốc rễ sâu sắc trong lich sử và truyền thống Hoa Kỳ. Cách phân tích trên có vẻ mâu thuẫn với một số quyết định gần đây của tòa án, trong đó gồm cả những điều luật ủng hộ quyền cho người đồng tính. "Chúng tôi khẳng định rằng RoeCasey phải bị bãi bỏ. Hiến pháp không hề nhắc đến phá thai, và không có quyền nào như thế được bảo vệ ngầm bởi bất cứ điều khoản hiến pháp nào..." - Trích lời Thẩm phán Samuel Alito trong một bản sơ thảo ý kiến đa số ban đầu. Các thẩm phán phía tự do khả năng cao sẽ thắc mắc lời khẳng định của Alito trong bản sơ khảo ý kiến rằng bãi bỏ Roe sẽ không gây nguy hiểm tới những quyền lợi khác mà các tòa án đã lấy quyền riêng tư làm cơ sở, ví dụ như quyền mua các biện pháp tránh thai, thực hiện các hoạt động tình dục riêng tư có đồng thuận, và kết hôn với người đồng giới. “Chúng tôi nhấn mạnh rằng quyết định của chúng tôi là dựa trên quyền hiến pháp của việc phá thai và không phải bất kỳ quyền nào khác,” ông Alito viết. “ Ý kiến này không có ngụ ý rằng những tiền lệ pháp ngoài vấn đề phá thai sẽ bị ảnh hưởng.” Ý kiến sơ thảo của ông Alito bác bỏ ý kiến rằng lệnh cấm phá thai là minh chứng cho sự đàn áp phụ nữ trong xã hội Mỹ. “Không phải là phụ nữ không có quyền hạn bầu cử hay chính trị,” ông viết. “Tỉ lệ đăng ký và bỏ phiếu của phụ nữ luôn cao hơn so với nam giới.” Tòa án Tối cao vẫn luôn là một trong các cơ quan bảo mật nhất của Washington. Bảo vệ tính cơ mật của quá trình cân nhắc nội bộ là niềm kiêu hãnh của Tòa. Như câu nói ưa thích của cố thẩm phán Ginsburg, “Trong Tòa án Tối cao, người biết thì không nói, và người nói thì không biết,” Qua những thập kỷ gần đây, danh tiếng cẩn mật kia cũng đã phần nào mai một nhờ vào loạt sách xuất bản của các thư ký luật, giáo sư luật, và phóng viên điều tra. Có thể dễ dàng nhận thấy một vài tác giả đã đọc qua bản sơ thảo ý kiến như cái mà POLITICO thu được, nhưng sách của họ chỉ xuất hiện khi những vụ kiện liên quan đã được kết luận. Cuộc tranh luận cuối cùng giữa các thẩm phán diễn ra vào 27/4. Tòa án đã lên lịch trong hai tháng sắp tới cho các phiên tòa công bố phán quyết của những vụ kiện đang xét xử, bao gồm cả vụ kiện phá thai Mississippi.


Người dịch: Vũ YênRen Dinh

Biên tập: Đông Phong


bottom of page