Đưa ra bằng chứng hoặc chỉ ra những mâu thuẫn bất hợp lý trong lập luận của một kẻ đề ra thuyết âm mưu vẫn chưa đủ vì các thuyết âm mưu, theo định nghĩa, không thể bị chối cãi.
Jovan Byford, ngày 22 tháng 7, năm 2020
Translated from Snopes article Six Rules of Engagement for Conspiracy Theorists
Hình ảnh từ Rebekah Zemansky / Shutterstock.com
Bài viết này được tái xuất bản ở đây với sự cho phép của Báo Cuộc hội thoại (The Conversation). Nội dung này được chia sẻ ở đây vì chủ đề có thể thu hút độc giả của Snopes; tuy nhiên, nó không đại diện cho công việc của người xác thực thông tin hoặc biên tập viên của Snopes.
Với những hứa hẹn trong cuộc tìm kiếm vắc-xin ngừa COVID-19, vấn đề về những ý tưởng xung quanh phong trào tẩy chay vắc-xin cũng đang lôi kéo nhiều sự chú ý. Theo một khảo sát gần đây, 1 trong 6 người Anh sẽ từ chối chích ngừa COVID-19 khi đã có thuốc. Mặc dù sự do dự về vắc-xin là một vấn đề phức tạp với nhiều nguyên nhân, số lượng thuyết âm mưu về vi-rút corona đang được phổ biến chẳng giúp ích được gì trong việc quyết định dùng hay không dùng vắc-xin.
Cuộc chiến chống lại các thuyết âm mưu liên quan đến COVID-19 xảy ra ở mọi mặt. Nó đòi hỏi một chiến dịch y tế cộng đồng rộng lớn và những công ty truyền thông xã hội phải kiểm tra sự lây lan của luồng thông tin sai lệch. Nhưng tất cả chúng ta ai cũng cần đóng góp vào nỗ lực này. Nhiều người trong chúng ta sẽ biết đến một ai đó đã từng đầu hàng trước những thuyết âm mưu về cuộc khủng hoảng hiện tại.
Tôi đã nghiên cứu những thuyết âm mưu trong suốt hơn 2 thập kỷ qua và đã nói chuyện với rất nhiều tín đồ của các thuyết âm mưu. Dưới đây là 6 quy tắc tôi áp dụng khi nói chuyện với các nhà thuyết âm mưu trong nỗ lực thay đổi suy nghĩ của họ.
1. Xác định quy mô của nhiệm vụ
Nói chuyện với những người ủng hộ thuyết âm mưu vốn không phải dễ. Đưa ra bằng chứng hoặc chỉ ra những mâu thuẫn bất hợp lý trong lập luận của một kẻ đề ra thuyết âm mưu đơn thuần vẫn chưa đủ vì các thuyết âm mưu là, theo định nghĩa, không thể bị bác bỏ.
Việc thiếu bằng chứng ủng hộ thuyết âm mưu, hay chứng cớ tích cực chống lại sự tồn tại của nó, được các tín đồ đổ thừa cho sự khéo léo và khả năng lừa bịp công chúng của kẻ đứng sau đầy quyền lực. Vậy nên quý vị phải kiên nhẫn và chuẩn bị cho sự thất bại của mình khi tranh luận.
2. Nhận ra mặt cảm xúc
Sức lôi cuốn của thuyết âm mưu không ở trong sức mạnh của cuộc tranh luận mà là trong sự mãnh liệt của niềm đam mê được cổ xúy. Nền tảng của thuyết âm mưu bắt nguồn từ sự oán trách, phẫn nộ, và từ cái chết của các lý tưởng về một thế giới tốt đẹp.
Điều này truyền cảm xúc mạnh mẽ đến những người tin thuyết âm mưu. Tính khí nóng nảy có thể bộc phát và những cuộc đối thoại trở thành những màn la hét. Việc quan trọng là không để chuyện này xảy ra. Sẵn sàng làm giảm bớt căng thẳng và duy trì cuộc trò chuyện mà không nhất thiết phải “nhường đường”.
3. Tìm hiểu những gì họ thật sự tin
Trước khi thử thuyết phục ai đó, hãy tìm hiểu rõ về đặc tính và nội dung của những điều họ (các nhà thuyết âm mưu) tin. Với thuyết âm mưu, thế giới này không chỉ có tín đồ và kẻ nghi ngờ – còn có nhiều điều ở giữa nữa.
Có một nhóm tín đồ nhỏ xem thuyết âm mưu là sự thật theo nghĩa đen và đặc biệt là rất giỏi chống lại sự thuyết phục. Phần đông tuy có thể không coi mình là “tín đồ” nhưng sẵn sàng chấp nhận rằng những nhà thuyết âm mưu đang đào bới để khám phá gì đó và ít ra họ cũng đặt đúng câu hỏi. Xác định rõ bản chất, và ở mức độ nào đó, niềm tin của họ sẽ giúp bạn điều chỉnh phản ứng của mình sao cho phù hợp.
5G antenna không có gì liên quan đến coronavirus.
Ngoài ra, thử tìm hiểu những thuyết âm mưu cụ thể mà họ ủng hộ. Họ cho rằng 5G hay Bill Gates đứng sau vi-rút corona? Hay cả hai? Họ đã xem những video hay trang web nào? Sau khi bạn đã tìm hiểu rõ, thu thập thật nhiều bằng chứng phủ nhận điều họ đọc bằng các nguồn thông tin uy tín và đáng tin cậy, bao gồm cả những trang web xác thực thông tin độc lập.
Nghiên cứu nguồn gốc thông tin sẽ giúp bạn tập trung vào cái cốt lõi của những khẳng định thiếu căn cứ. Đừng bao giờ đặt câu hỏi về trí thông minh hay ý thức đạo đức của họ vì đây là cách kết thúc một cuộc đối thoại nhanh nhất.
4. Thiết lập điểm chung
Một trong những vấn đề chính về các thuyết âm mưu là chúng không chỉ tồn tại giữa những kẻ gàn bướng hay những tay chính trị cực đoan. Trong thời kỳ khủng hoảng và lo lắng, họ có thể làm ô nhiễm cái nhìn về thế giới của cả những người bình thường.
Các thuyết âm mưu làm thực tế trở nên ít hỗn loạn hơn, và đánh vào những mối lo lắng lớn có căn cứ về thế giới này như sự tập trung của quyền lực tài chính và chính trị, chính sách theo dõi đám đông, sự bất bình đẳng hay thiếu minh bạch trong chính trị. Vì vậy, khi đề cập đến những thuyết âm mưu, hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận những mối lo lắng lớn và hạn chế cuộc thảo luận chỉ về việc liệu các thuyết âm mưu có thể cung cấp một câu trả lời đầy đủ/cân xứng hoặc có ý nghĩa hay không.
Nhiều người tìm đến các thuyết âm mưu vì họ thật sự, tuy bị chỉ dẫn sai, tò mò làm sao để lý giải mọi thứ trong cuộc sống. Đôi khi họ thấy mình là những người hoài nghi lành mạnh và là nhà nghiên cứu tự tìm tòi học hỏi về những vấn đề phức tạp. Tránh chỉ trích hay chế giễu họ về điều này. Thay vào đó, trình bày việc đó như một thứ, trong nguyên tắc, bạn trân trọng và chia sẻ. Mục tiêu của bạn, sau tất cả, là không phải làm họ trở nên kém tò mò hay kém hoài nghi, mà là để thay đổi điều mà họ tò mò hoặc hoài nghi.
Hầu hết các nhà thuyết âm mưu nhìn không giống như vầy.
Thuyết âm mưu thường nghe có vẻ thuyết phục vì chúng bắt đầu bằng việc trình bày và diễn giải chi tiết các sự kiện khoa học hoặc lịch sử đáng tin cậy. Vấn đề là những sự thật và lập luận này dẫn đến kết luận khác thường.
Mầm mống của sự thật mà thuyết âm mưu dựa trên là điểm khởi đầu vững chắc cho một cuộc thảo luận. Sự đồng tình của bạn trên ít nhất một vài sự thật sẽ giúp bạn tập trung phân tích cái phép tính trong bất kỳ trí tưởng tượng nào cho phép 2 cộng 2 bằng 5.
5. Thách thức sự thật, tôn trọng lập luận của họ
Lý giải các thuyết âm mưu đòi hỏi cách tiếp cận hai hướng. Việc đầu tiên là thách thức bằng chứng và nguồn gốc của nó. Giải quyết các mệnh đề cụ thể và thảo luận những yếu tố thiết lập nên một nguồn đáng tin cậy. Hãy đề nghị cùng nhau xem xét các bằng chứng, bao gồm cả các trang web xác thực thông tin.
Nếu bạn đang nói chuyện với một tín đồ trung thành, họ có thể thậm chí sẽ không nói chuyện hay cùng bạn kiểm chứng. Nhưng nếu họ chưa bị lôi kéo vào niềm tin cực đoan, họ sẽ có thể, và điều này có thể khiến họ bắt đầu đặt câu hỏi về chính quan điểm của họ.
Cách tiếp cận thứ hai liên quan đến việc thách thức sự liên quan và giá trị của thuyết âm mưu một cách khái quát. Bạn có thể muốn chỉ ra rằng trong suốt lịch sử, các thuyết âm mưu đã không đưa ra câu trả lời chính đáng.
Chẳng hạn, những tuyên bố từ lâu của những người từ chối AIDS rằng thuốc kháng virus có hại hơn virus HIV không những không được chứng minh mà còn góp phần gây ra hàng trăm ngàn ca tử vong ở châu Phi hạ Sahara (sub-Saharan Africa). Những lý thuyết gần đây và vô căn cứ tương tự về vắc-xin bại liệt gây vô sinh trực tiếp dẫn đến căn bệnh đang hoành hành trở lại ở Nigeria, Pakistan và Afghanistan.
Các lời khẳng định sai lệch liên quan đến COVID-19 thuộc thể loại như trên. Đặt những lý thuyết âm mưu này trong bối cảnh lịch sử của chúng có thể chứng minh rằng chúng không có gì mới, và chúng không đặt ra những câu hỏi đúng về đại dịch và nguyên nhân của nó. Điều này chỉ có thể khuyến khích người nào đó hướng sự tò mò và hoài nghi của bản thân đến những mối quan tâm đáng thì giờ hơn.
6. Cuối cùng, phải thực tế
Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng các lời khuyên này sẽ có hiệu quả. Không có lập luận hay chiến lược hoàn hảo nào có thể khiến một nhà thuyết âm mưu hoài nghi về chính niềm tin của họ. Do đó, hãy đặt kỳ vọng thực tế. Mục đích của việc nói chuyện với các nhà thuyết âm mưu không phải là để thay đổi họ, mà để gieo câu hỏi đúng trong một cuộc tranh luận, và hy vọng điều đó cho phép họ dần dần xây dựng khả năng chống lại sự hấp dẫn đến từ thuyết âm mưu.
Translated by Vy Nguyen
Copy edits by Tuan Nguyen
Comments