top of page

70% người Mỹ gốc Á Ủng Hộ Affirmative Action, nhưng vẫn còn nhiều hiểu lầm

Với việc vụ kiện về Chương trình Hỗ trợ Thiểu số (Affirmative Action) đang tiến gần hơn đến bậc cửa Tối cao Pháp viện, các nhà hoạt động người Mỹ gốc Á nói rằng phần lớn công việc của họ sẽ bao gồm xoá bỏ những hiểu lầm xoay quanh tác động của chương trình này.


Kimmy Yam, ngày 14 tháng 11, 2020

Người đi bộ trên sân Harvard trong khuôn viên đóng của Đại Học Harvard ở Cambridge, Massachusetts vào ngày 20 tháng 4, 2020. Adam Glanzman / Bloomberg via Getty Images file


Phán quyết của Toà Thượng thẩm Liên bang vào ngày thứ Năm vừa qua để duy trì Chương trình Hỗ trợ Thiểu số của trường Đại học Harvard đã khơi lại cuộc tranh luận về vai trò của người Mỹ gốc Châu Á trong các vấn đề công bằng chủng tộc ở tầm cao học. Những người ủng hộ và học giả chỉ ra rằng trong khi nhóm Sinh Viên Đấu Tranh Cho Tuyển Sinh Công Bằng (SFFA) nộp đơn kiện khẳng định người Mỹ gốc Châu Á bị phân biệt chủng tộc có chủ đích trong quá trình tuyển sinh của Harvard, các nghiên cứu cho thấy tuyệt đại đa số người Mỹ gốc Á ủng hộ chương trình. Với việc vụ kiện này đang tiến gần hơn đến bậc cửa Tối cao Pháp viện, nơi SFFA khả năng cao sẽ khiếu nại phán quyết, các nhà hoạt động người Mỹ gốc Á phát biểu rằng phần lớn công việc của họ sẽ tiếp tục bao gồm xua tan những lầm tưởng xoay quanh tác động của Chương Trình Hỗ Trợ Người Thiểu Số và cách cộng đồng người Mỹ gốc Á nhìn nhận vấn đề. John C. Yang, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận Asian Americans Advancing Justice (AAJC), trò chuyện với NBC Asian America như sau: “Các chính sách tuyển sinh nhắm tới hỗ trợ nhóm chủng tộc thiểu số có vai trò mấu chốt đối với toàn thể hệ thống giáo dục, doanh nghiệp, và sau cùng là thế giới con em chúng ta sẽ thừa hưởng. Cần giảm thiểu sự đối đầu lẫn nhau, thay vào đó cần phải hiểu rằng chính sách tuyển sinh hỗ trợ nhóm chủng tộc thiểu số là một lợi thế.” Theo cuộc khảo sát quốc gia 2020 Asian American Voter Survey (Khảo sát cử tri Mỹ gốc Á năm 2020) với 1570 cử tri, chủ yếu bao gồm sáu nhóm dân tộc gốc Á lớn nhất nước Mỹ, cho thấy 70% người Mỹ gốc Châu Á ủng hộ Chương trình Hỗ trợ Thiểu số) và 16% phản đối. Người Mỹ gốc Hoa, nhóm ít có khả năng ủng hộ chương trình này nhất, vẫn ưu ái với số đông 56%. Dữ liệu tuyển sinh của chính Harvard cho thấy chính sách tuyển sinh hỗ trợ nhóm chủng tộc thiểu số có lợi cho mọi cộng đồng, kể cả học sinh Mỹ gốc Á, đem lại một cộng đồng sinh viên đa dạng hơn, ông Yang phát biểu. Thống kê tuyển sinh của Harvard cho thấy số sinh viên người Mỹ gốc Á được nhận tăng 27% kể từ năm 2010, theo phản hồi từ trường đại học đối với vụ kiện. Khi nhìn vào khoá tốt nghiệp năm 2023, người Mỹ gốc Châu Á chiếm 25%, trong khi sinh viên gốc Latin chỉ chiếm hơn 12% và sinh viên da Đen chiếm hơn 14%.


Một lịch sử được dùng để chia rẽ và khiến sinh viên thiểu số chống lại nhau Ông Yang chỉ ra rằng nhóm SFFA, dẫn đầu bởi Edward Blum, nhà hoạt động bảo thủ da Trắng, liên tục đặt người Mỹ gốc Á vào thế đối đầu với các nhóm thiểu số khác trong suốt quá trình kiện tụng. Sau khi Thẩm phán Sandra Lynch của Toà án Phúc thẩm phán quyết việc Harvard sử dụng yếu tố chủng tộc trong những tiêu chí không có gì là “sâu rộng quá đáng” mà thực chất “có ý nghĩa” để bảo đảm sự đa dạng trong tập thể sinh viên không giảm xuống, ông Blum tuyên bố rằng ông sẽ cậy nhờ Tối cao Pháp viện “để chấm dứt các chính sách nhập học dựa trênchủng tộc bất công và vi hiến ở Harvard cũng như tất cả các trường cao đẳng và đại học.” “Người Mỹ gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương luôn bị lợi dụng như công cụ chia rẽ và một vài nhóm đã cố tình phô bày sự bất đồng quan điểm của người Mỹ gốc Á với Chính sách Hỗ trợ Thiểu số như một cách để che đậy chủ trương chống người da Đen và Latin,” Yang giải thích. “Các nỗ lực ấy che giấu sự thật rằng đa số người phản đối chính sách này thực sự muốn tăng số lượng sinh viên da Trắng và giảm số sinh viên da Đen, Latin, và thổ dân Mỹ.” Pawan Dhingra, nhà xã hội học và giảng viên môn Nghiên cứu Mỹ ở trường cao đẳng Amherst, giải thích: cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề tuyển sinh với chủ ý cân bằng chủng tộc tiếp tục là một vấn đề tranh luận sôi nổi trong cộng đồng người Mỹ gốc Châu Á, vì lý do tích cực. Khát khao bước chân vào trường danh giá có nguồn gốc từ niềm tin rằng giáo dục là cách duy nhất để trẻ em Mỹ gốc Á có thể cạnh tranh với các sắc dân khác, đặc biệt là người da Trắng, vì công việc và tương lai đảm bảo. Nhóm người Mỹ gốc Á phần lớn là dân nhập cư, gồm 59% sinh tại nước ngoài, theo Pew Research Center. Con số ấy tăng thành 73% đối với người lớn. Với tốc độ phát triển nhanh đáng kể, người Mỹ gốc Á trở thành nhóm nhập cư phát triển nhanh nhất đất nước so với các chủng tộc khác. Nhưng Dhingra chỉ ra rằng, khác với các sắc dân khác trong nước, người Mỹ gốc Á không có những mối quan hệ xã hội mà họ có thể dựa dẫm vào để kiếm công việc hay trải nghiệm thực tập. Học giả này cũng cho rằng nhiều người không còn sự “an nhàn từ văn hoá quen thuộc” ở xứ người mà người Mỹ khác, đặc biệt tầng lớp trung lưu, có thể coi nhẹ và đấy là điều nhiều nhân viên tuyển sinh thường thấu hiểu được.


Ngôi trường ưu tú là bước đệm chống lại phân biệt chủng tộc “Vì nhiều bậc phụ huynh nhập cư vươn lên nhờ nền giáo dục thay vì chơi thể thao hoặc tham gia nghệ thuật, họ nhờ con đường học tập để giúp con họ vượt bậc và nổi bật so với đứa trẻ khác,” Dhingra giả thích. “Kết quả dễ hiểu từ nỗ lực của cha mẹ là con mình vào trường đại học ưu tú.” Khi nhắc tới các trường Ivy League, nhiều cha mẹ nhận thức được danh tiếng ưu tú của trường có thể là bước đệm giữa con họ và những phân biệt chủng tộc trong không chỉ thị trường lao động mà hơn thế nữa, ông Dhingra bảo. Cha mẹ thúc đẩy con cái vào các ngôi trường này vì mong muốn bảo vệ con họ từ những kỳ thị sau này. Nhưng Dhingra nhanh chóng chỉ ra rằng điều ấy không có nghĩa bọn họ phản đối Chương trình Hỗ trợ Thiểu số, đặc biệt theo kết quả khảo sát trước đây. “Gia đình nào định hướng con cái vào trường Ivy League có thể và thường ủng hộ Chương trình Hỗ trợ Thiểu số,” ông Dhingra phát biểu. “Và các gia đình có thể phản đối chương trình mà ít kén chọn trường hoặc không có trường dự kiến nào. Việc phản đối chương trình không liên quan tới sự hứng thú với Ivy League.” Học giả cũng tin rằng mục tiêu học cao học không có nghĩa phụ huynh có lý do giận dữ với các Chương trình Hỗ trợ Thiểu số, vì yếu tố hạn chế sinh viên Mỹ gốc Á không phải tuyển sinh dựa trên chủng tộc. Tuyển sinh dựa trên người thân, thể thao và yếu tố khác lại có ảnh hưởng. Một bài viết của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia tiết lộ 43% sinh viên Da trắng được nhận vào Harvard nằm trong mục: vận động viên tuyển dụng, học sinh có người thân tốt nghiệp từ trường hoặc con cái của giảng viên và nhân viên. Số phần trăm ấy có bao gồm “danh sách quan tâm của trường khoa" - gồm những ứng viên có bố mẹ hoặc người thân quyên góp cho trường. Bài nghiên cứu ghi chú khoảng 75% sinh viên Da trắng trong số mục nêu trên, gọi là “ALDCs", thừa nhận, “họ sẽ không được nhận nếu họ là Da trắng không trong ALDCs. “Loại bỏ ưu đãi cho vận động viên và người thân của sinh viên tốt nghiệp sẽ thay đổi."


Lý do vì sao vài người Mỹ gốc Á vẫn phản đối sự cấp tiến Sự hiểu lầm vẫn xảy ra với người Mỹ gốc Á. Các chuyên gia chỉ ra rằng một huyền thoại thịnh hành mà khích động những người phản đối chương trình ủng hộ thiểu số, cũng như nhóm người đứng sau vụ kiện, là vì có số giới hạn chấp nhận dành cho học sinh Mỹ gốc Á. Cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự hạn chế. Cô Janelle Wong, giáo sư về ngành chính trị và chính phủ tại Đại học Maryland, College Park, lưu ý rằng một quan niệm sai lầm nguy hiểm khác là chương trình ủng hộ thiểu số có nghĩa là cho sinh viên da Đen và Latin cơ hội mà họ đã không phải cố gắng giành lấy. “Không, chương trình ủng hộ thiểu số không phải là một ưu đãi đặc biệt. Đây là một biện pháp để giải quyết các rào cản trong hệ thống hiện nay đối với các sinh viên da Đen và gốc Latin, những người vừa đủ tiêu chuẩn và xứng đáng được vào đại học,” cô cho biết. Ông Vincent Pan, đồng giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận người gốc Trung ủng hộ Chính sách Hỗ trợ Thiểu số (Chinese for Affirmative Action), đồng ý và cho biết rằng mặc dù sự ủng hộ và dẫn đầu từ cộng đồng người Mỹ gốc Á về vấn đề ủng hộ thiểu số thường không được để ý đến, tuy nhiên, một phần của cộng đồng chúng ta vẫn tiếp tục làm đồng lõa trong hoạt động chính trị của bên cánh hữu để xóa bỏ các chương trình chống sự phân biệt chủng tộc. Ông Pan đề cập đến người Mỹ gốc Á và người Thái Bình Dương: “Quan điểm của họ đánh gục hoạt động chống lại sự phân biệt chủng tộc đối với người châu Á. Vì việc này đòi hỏi sự đoàn kết đa chủng tộc, đề cao nhu cầu của các nhóm người Mỹ gốc Á ít có nhu cầu hơn và xóa bỏ định kiến chống người da Đen.” Hơn nữa, cô Wong cho biết, việc loại bỏ các chương trình như vậy đã có tác động tiêu cực đến các cộng đồng da màu khác, đặc biệt là cộng đồng người gốc Latin và da Đen và khả năng tiếp cận nền giáo dục và thu nhập của họ. Một nghiên cứu của Đại học California, Berkeley, khám phá rằng sau năm 1998 của Dự luật 209 có hiệu lực, cấm chương trình ủng hộ thiểu số dựa trên chủng tộc trong các trường đại học công lập của California, hàng năm cả 10,000 sinh viên thiểu số năm nhất đã nộp đơn "vào các trường đại học công và tư chất lượng thấp hơn." Việc này đã gây ra sự sụt giảm trong việc các ứng học viên đạt bằng đại học và sau đại học. Vào thập niên 2010, đạo luật này đã dẫn đến "sự sụt giảm ít nhất 3% trong số những người thiểu số ở California mới vào nghề kiếm được trên $100,000." Cô Wong không chắc rằng Tối cao Pháp viện sẽ xử vụ kiện Harvard khi bị kháng cáo, đặc biệt vì các tòa án cấp dưới đã thống nhất phán quyết rằng trường đại học không phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á và vẫn giữ quan điểm rằng quy trình tuyển sinh có ý thức về chủng tộc là hợp hiến. Với phán quyết vào thứ Năm ủng hộ trường, các nhà hoạt động cảm thấy tích cực về tương lai của chính sách hỗ trợ thiểu số này. Tuy nhiên, như ông Pan nói, công việc ở đây là vẫn chưa xong. Ông nói: “Đối với những người Mỹ gốc Á và người Thái Bình Dương ủng hộ công bằng chủng tộc và dân quyền, điều tối thiểu là ủng hộ chính sách hỗ trợ thiểu số. Điều này bao gồm sự lãnh đạo đối với tất cả các cộng đồng được đại diện, cũng như trong các cộng đồng của chúng ta và về việc tuyển sinh đại học công bằng hơn, nhưng không chỉ về vấn đề đó.”

Translated by: Que Do, Anh Ho

Edited by: Khoa Le

Comments


bottom of page