top of page

Amy Coney Barrett diễn dịch Hiến pháp theo trường phái nguyên bản (originalism) - nó có nghĩa là gì?


Tom McCarthy, ngày 26 tháng 10, 2020

Việc phê chuẩn bà Amy Coney Barrett trở thành Phụ thẩm Tối cao Pháp viện đánh dấu sự ra đời của một phe đa số bảo thủ vững chắc mà nhiều nhà phân tích cho rằng sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống Mỹ cho cả một thế hệ.


Bước chân của bà Barrett đến pháp viện sẽ khiến khối bảo thủ dễ dàng đi đến con số năm lá phiếu bầu trong các vụ án trong tương lai liên quan đến mọi thứ, từ các quy định về môi trường cho đến quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, với phụ thẩm bảo thủ mới nhất tuyên bố trong các phiên điều trần chuẩn thuận rằng bà ta là một người theo trường phái originalism (nguyên bản), Barrett còn có thể tác động đến việc quyết định những phần tranh tụng nào sẽ làm rung chuyển pháp viện cho nhiều năm tới -- và kể cả việc lọc chọn các vụ án để xét xử trước Tối cao Pháp viện.


Qua nhiều chặng đường lịch sử Mỹ, hiếm khi có một nhánh triết lý tư pháp nào trở nên nổi bật đến mức có thể thu hút sự soi mói trong mắt dư luận. Tuy vậy, việc Trump bổ nhiệm hàng loạt thẩm phán trong bốn năm vừa rồi, bao gồm ba ứng cử viên Tối cao Pháp viện tán thành trường phái “originalism,” đã mang thuật ngữ này vào cuộc tranh luận chính trị.


Bà Barrett định nghĩa thuật ngữ này cho Thượng viện như sau: “Trong tiếng Anh, nó có nghĩa rằng tôi diễn dịch Hiến pháp là pháp luật, rằng tôi diễn dịch văn bản của nó qua cái nhìn của những người đã phê chuẩn nó”. Bà cũng phát biểu thêm, “Để ý nghĩa của nó không thay đổi qua thời gian. Và tôi không có quyền hiện đại hoá nó hoặc pha trộn góc nhìn chính của riêng tôi với nó.” Aziz Huq, một giáo sư luật tại Đại học Chicago, cho biết hiện đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về giá trị của trường phái nguyên bản “có chút liên quan” đến cuộc tranh luận chính trị hiện tại, nơi thuật ngữ này thường được dùng bởi cánh hữu như một cách ngụy trang cho chương trình nghị sự chính trị bảo thủ.


“Lập luận chính trị về trường phái nguyên bản thường liên kết chặt chẽ với các ưu đãi chính sách của đảng Cộng hoà mà đã giúp thăng cấp các thẩm phán với quan điểm này,” ông Huq nói. “Nó nhằm mục đích tự quảng cáo rằng nó là thứ gì đó ngoài vòng chính trị, nhưng từ ban đầu, và qua cách nó được áp dụng trong các pháp viện, nó rõ ràng gắn kết chặt chẽ với một khuynh hướng và đảng phái chính trị cụ thể.”


Các quan chức dân cử và nhiều người khác từng để ý rằng 86% các thẩm phán Trump bổ nhiệm đều là người da Trắng và 75% đều là đàn ông, cũng đã bắt đầu nghe thấy một lời nhắn ẩn ý trong thuật ngữ trên: một lời kêu gọi đầy luyến tiếc cho một giai đoạn lập quốc khi đàn ông da Trắng độc chiếm quyền lực. Cảm tưởng này được củng cố bởi việc tổng thống này liên tục từ chối phủ nhận chủ nghĩa Da trắng Thượng đẳng.


“Cô có đi theo trường phái originalism không?” Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot, một luật sư, được một nhà báo hỏi vào tháng này. Bà Lightfoot cười khẩy. “Cô hỏi một người phụ nữ đồng tính da Đen nếu cô ta là một originalist?” Lightfoot trả lời. “Không, thưa cô, tôi không phải. Hiến pháp không hề cho rằng tôi là một con người với quyền vốn có qua bất kỳ kiểu cách nào, vì tôi là phụ nữ, vì tôi là người da Đen, vì tôi đồng tính -- tôi không đi theo trường phái originalism.”


Tuy nhiên, những nhà phân tích luật pháp khác cho rằng việc tìm kiếm một "ý nghĩa nguyên bản chung" của hiến pháp, bao gồm ý nghĩa của những tu chính án được đưa ra sau này để loại bỏ sự kỳ thị và mở rộng quyền được bầu cử, là một đuờng lối suy luận pháp lý chính đáng mà càng ngày càng được áp dụng bởi cả hai bên cánh tả và cánh hữu. Những nhà phân tích chỉ ra rằng các viên chức quản lý của hội đồng luận tội từ hạ viện được Adam Schiff lãnh đạo đã dựa vào một số lập luận mang tính chất nguyên bản khi lý luận rằng nếu hiểu theo ý nghĩa của những từ "tội nặng và nhẹ" và "hối lộ" như cách mà những nhà lập quốc đã hiểu thì Trump đã phạm những tội đó. Những thẩm phán cấp tiến của Tối cao Pháp Viện gần đây đã dùng một cách phân tích mang tính nguyên bản để đưa ra một số lập luận liên quan đến những vấn đề như kiểm soát vũ khí, tiền lương, những Đại cử tri không bầu theo như đã hứa hẹn, và chuyện Quốc hội uỷ quyền cho những cơ quan từ nhánh hành pháp có quyền đưa ra chính sách. Keith Whittington, giáo sư chính trị học chuyên ngành lý thuyết hiến pháp tại trường đại học Princeton nói rằng "mục đích chính của trường phái nguyên bản chỉ là để lý luận rằng quy tắc hợp hiến trong hiến pháp nên được hiểu theo cách mà những người sáng lập nó hiểu từ lúc đầu, và khi mà có thể xác định được cách hiểu đó thì những phiên toà nên dựa vào nó."


"Tuy nhiên, điều này không đòi hỏi chính sách của chính phủ phải được đưa ra giống như cách mà nó có thể từng được đưa ra ở một thời trước; và cũng không đòi hỏi việc quay lại với những thông lệ cụ thể nào mà thời kỳ trước cho là đúng"

Tuy nhiên, theo Huq cho biết, lý luận mang tính chất nguyên bản gợi lại một thời khi khái niệm về vai trò của chính phủ liên bang thu hẹp hơn nhiều, và điều này là một công cụ hiệu quả để phá huỷ những chính sách bảo vệ sức khoẻ của công dân và những quy định khác.


Dự án bảo thủ này có thể tăng tiến khi Barrett ngồi trên băng ghế thẩm phán, Huq nói. "Điều mà tôi nghĩ mình có thể lường trước là, trên danh nghĩa của trường phái nguyên bản, chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến những nỗ lực mạnh mẽ từ toà án để hạn chế phạm vi quyền lực của chính quyền điều hành, đơn vị luôn đưa ra giúp đỡ của chính phủ - và cản trở việc chính quyền can thiệp để ngăn chặn những tổn hại do thay đổi khí hậu gây ra, ngăn chặn vấn đề ô nhiễm, và những vấn đề liên quan đến sự an toàn trong nghề nghiệp - danh sách còn rất dài”.


Huq nói rằng trường phái nguyên bản theo như cách mà tòa án áp dụng nó cũng có một điểm mù gây thảm hại, chính là nó không thể đương đầu với nạn bạo lực mang tính hệ thống trong luật pháp mà ảnh hưởng đến những thành phần người thiểu số.


“Pháp viện hầu như không có gì để nói về những lĩnh vực hoạt động của chính phủ, nơi mà khái niệm về chủng tộc đóng một vai trò to lớn mặc dù điều này không được ghi nhận trong luật pháp,” theo lời ông. “Ăn sâu trong hệ thống tư pháp hình sự là một tư duy mang tính kỳ thị chủng tộc cùng với những thành kiến về chủng tộc. Tuy nhiên, những đạo luật khi được viết ra lại không nhắc đến vấn đề liên quan đến chủng tộc, vì vậy mà pháp viện không có gì để nói. Tối cao Pháp viện hầu như không có vụ án nào liên quan đến sự thành kiến về chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự, và đây là lý do tại sao.”


Người dịch: Cookie Duong & Khang Ton

Biên tập: Khanh Vy Le

Comments


bottom of page