top of page

Bác sĩ giải mã 8 quan niệm sai lầm về vaccine Covid-19

Updated: Feb 3, 2021


Theo dữ liệu từ Johns Hopkins University, Mỹ đã chạm ngưỡng kỷ lục 400,000 ca tử vong do coronavirus đầu tuần trước, trên tổng số hơn 2.1 triệu ca toàn cầu được ghi nhận hiện tại.


By Faye Chiu, on 25-01-2021, 22:30:00

Một nhân viên đang được tiêm vaccine Moderna phòng Covid-19 tại Ararat Nursing Facility, Los Angeles hôm 7 tháng Một.

(CNN) Theo dữ liệu từ Johns Hopkins University, Mỹ đã chạm ngưỡng kỷ lục 400,000 ca tử vong do coronavirus đầu tuần trước, trên tổng số hơn 2.1 triệu ca toàn cầu được ghi nhận hiện tại.

Đồng thời đang xuất hiện các biến chủng mới với những đột biến có thể khiến Covid-19 dễ dàng lây lan và thậm chí có thể tăng tỷ lệ tử vong. Tuy vậy, cũng có tin vui với việc hai vaccine được cấp phép sử dụng khẩn cấp bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho đến nay đều an toàn và rất hiệu quả.

Theo kết quả khảo sát của CNN được công bố hồi 21 tháng Một, hai phần ba người Mỹ (66%) trả lời họ sẽ cố gắng đi tiêm phòng và hiện tại cầu đang vượt quá cung, trong khi đó có khoảng 30% nói rằng mình sẽ không làm vậy. Với những người vẫn còn đang băn khoăn về vaccine, đâu là những quan niệm sai lầm phổ biến, và làm thế nào để mỗi người chúng ta có thể làm sáng tỏ những ngộ nhận này?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Chuyên gia phân tích Y tế của CNN - Tiến sĩ Leana Wen, bác sĩ cấp cứu, giáo sư thỉnh giảng tại George Washington University Milken Institute School of Public Health, về cách mọi người có thể hiểu rõ, giảm bớt lo ngại và chia sẻ thông tin chính xác về vaccine Covid-19. CNN: Vì sao việc mọi người nhận thức được những quan niệm sai lầm về vaccine phòng coronavirus lại quan trọng?

Bác sĩ Wen: Một trong những quy tắc quan trọng của y tế cộng đồng là người truyền tải thông điệp thường quan trọng hơn chính thông điệp đó. Bạn có thể được một ai đó tin tưởng. Đó có thể là bố mẹ, đồng nghiệp hoặc bạn bè. Tiêm chủng là hy vọng tốt nhất để kết thúc đại dịch, và chúng ta cần thuyết phục mọi người làm điều đó. Một quy tắc khác của y tế cộng đồng là bắt trúng “tâm bệnh.” Có thể coi đó là tìm hiểu lý do tại sao người ta lại lưỡng lự về vaccine phòng coronavirus. Cách bạn tiếp cận một người lo lắng về việc vaccine có an toàn hay không sẽ khác hoàn toàn với người còn không tin coronavirus có thật. Lắng nghe nỗi lo của người khác với sự cảm thông và thấu hiểu là vô cùng quan trọng.

Có một số quan niệm sai lầm mà tôi thường nghe bệnh nhân kể, nhưng ai trong số chúng ta cũng có thể đối đáp lại khi người xung quanh nhắc đến chúng. CNN: Hãy bàn về độ an toàn của vaccine. Hẳn là sẽ có nhiều quan niệm sai lầm xoay quanh vấn đề này. Wen: Một giả thiết phổ biến đó chính là tiêm vaccine sẽ làm bạn nhiễm coronavirus. Tôi đã nghe điều này mỗi năm với vaccine phòng cúm: Thường bệnh nhân sẽ nói rằng họ không muốn tiêm phòng cúm vì nghĩ rằng mình sẽ nhiễm cúm từ nó. Cả hai điều đó đều sai. Nếu ai đó lo lắng về việc này, hãy nói với họ là không có vaccine nào được kiểm nghiệm ở Mỹ chứa virus sống. Vậy nên việc nhiễm coronavirus từ tiêm phòng là hoàn toàn không thể. Nhiều quan niệm sai lầm khác xoay quanh việc sử dụng mRNA cho vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna. Tôi đã nghe mọi người lo lắng về việc liệu vaccine có thể ảnh hưởng đến mã gene của họ hay làm thay đổi chúng hay không.

Điều này cũng không đúng. Sẽ rất hữu ích nếu ta hiểu được công nghệ mRNA là gì. Cụm “mRNA” viết tắt của messenger RNA (RNA truyền tin), một phần của mã di truyền, dạy các tế bào cách tạo ra protein. Sau đó, protein được tạo ra bởi mRNA sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch, dạy cơ thể chúng ta cách phản ứng với coronavirus nếu chúng ta tiếp xúc với nó trong tương lai. Việc hiểu được mRNA không làm gì sẽ rất quan trọng: Nó sẽ không bao giờ thâm nhập vào nhân tế bào, nơi chứa DNA của chúng ta. Có nghĩa là vaccine sẽ không tiếp xúc với DNA cũng chúng ta, và vì thế sẽ không thay đổi mã gene. CNN: Công nghệ mRNA khá mới mẻ. Nhiều người lo lắng có lẽ nó còn quá mới và được phát triển quá vội vàng.

Wen: Ở đây có hai điểm cần chú ý để trả lời mối lo ngại này. Đầu tiên, công nghệ mRNA thực ra đã được phát triển hơn một thập kỷ. Thứ hai, tôi nghĩ rất cần thiết phải giải thích rằng trong nghiên cứu khoa học hay quá trình phê chuẩn đều không cho phép đi đường tắt. Đúng là các nhà khoa học đã phát triển được vaccine trong thời gian kỷ lục. Nhưng đó là bởi cộng đồng nghiên cứu toàn cầu cùng chung tay làm việc. Họ không hề bắt đầu từ con số 0, mà đã có tiền đề từ đợt bùng phát SARS và MERS, rất nhiều nơi đã bắt đầu nghiên cứu phát triển vaccine. Chính phủ Mỹ và các nước khác đã đầu tư rất nhiều tiền vào nghiên cứu. Và thẳng thắn mà nói, chúng tôi đã may mắn khi có được hai vaccine nghiên cứu an toàn và hiệu quả. Nhưng mỗi một giai đoạn nghiên cứu lâm sàng đều được tuân thủ như những vaccine khác, với hàng chục ngàn tình nguyện viên thử nghiệm. Các ủy ban gồm nhiều nhà khoa học độc lập đã kiểm tra số liệu và đảm bảo không đi đường tắt trong quá trình cấp phép vaccine.

CNN: Vậy còn các phản ứng dị ứng? Một quan niệm phổ biến hiện nay là vaccine gây ra rất nhiều phản ứng tự vệ, do đó không an toàn.

Wen: Đúng là có một số báo cáo về các phản ứng phản vệ khi được tiêm. Các phản ứng trên có thể xảy ra với bất cứ sản phẩm y tế nào. Trong phòng cấp cứu, chúng tôi điều trị các phản ứng dị ứng bằng thức ăn và thuốc. Chữa trị chúng, so với chữa trị Covid-19, dễ dàng hơn rất nhiều.

Hiện tại, không rõ tại sao những phản ứng rất hiếm như vậy lại xuất hiện. Đó chính là nguyên nhân vì sao chúng tôi yêu cầu những người được tiêm chủng ở lại 15 phút sau khi được tiêm. Trong trường hợp có tiền sử những dị ứng nghiêm trọng, thời gian chờ sẽ là 30 phút. Nếu có bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào xảy ra, chúng tôi có thể giải quyết bằng EpiPen. Những khả năng ít ỏi của phản ứng dị ứng hiếm gặp không thể là cớ cho việc không tiêm phòng. Lợi ích thực tế của vaccine vượt xa những phản ứng nguy hiểm hiếm gặp (và có thể chữa trị được). Những người dị ứng với đồ ăn hay thuốc cũng có thể đi tiêm. Lý do duy nhất bạn không nên tiêm đó chính là nếu bạn biết mình có phản ứng đặc biệt với một thành phần nào đó của vaccine. CNN: Một quan niệm khác nữa là chúng ta không biết vaccine sẽ khiến cho bản thân được miễn dịch trong bao lâu, vậy nên việc đi tiêm phòng khá vô dụng. Wen: Trước hết, cần hiểu rằng quan niệm sai lầm bắt nguồn từ một phần sự thật. Đúng là ta không biết vaccine có thể kéo dài miễn dịch trong bao lâu. Các nghiên cứu cho đến nay cho kết quả chúng sẽ có hiệu quả ít nhất là trong vài tháng, nhưng ta không rõ liệu tấm màng bảo vệ đó có mai một theo thời gian hay không. Cũng có khả năng các biến chủng khiến đòi hỏi các vaccine mới trong tương lai phải thích nghi, và những ai đã được tiêm cần tiêm thêm một liều tăng cường - như trong trường hợp của tiêm uốn ván. Cũng có thể vaccine coronavirus, cũng như vaccine cúm, là thứ bạn sẽ phải tiêm hàng năm. Nhưng chỉ bởi bạn cần tái tiêm một thời điểm nào đó trong tương lai không có nghĩa là bạn không nên đi tiêm nó ngay từ đầu. Hãy nghĩ về vaccine cúm: Chỉ bởi bạn phải tiêm nó hàng năm mà bạn không nên đi tiêm nó sao. CNN: Vậy còn những người trẻ khỏe phát biểu rằng chỉ có người già và có bệnh nền mới cần tiêm vaccine thì sao? Wen: Hiện nay, lượng cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế, chúng ta nên ưu tiên những người có thể bị ốm nặng được tiêm trước. Tất nhiên, khi đã có đủ nguồn cung, chúng tôi hy vọng tất cả mọi người đều được tiêm phòng. Đây là lý do tại sao. Thứ nhất, kể cả với những người trẻ và khỏe mạnh cũng có thể bị nhiễm coronavirus và bị chúng đánh gục. Dù không phổ biến bằng, nhưng cũng đã có những ca tử vong trong độ tuổi này. Thứ hai, chúng ta cần đạt được miễn dịch cộng đồng qua tiêm chủng. Đó chính là khi virus sẽ chậm lây lan lại, và hy vọng là sẽ dừng. Các chuyên gia y tế cộng đồng như Bác sĩ Anthony Fauci đã ước lượng chúng ta cần tiêm chủng cho 70 đến 85% dân số để đạt được ngưỡng đó. Chúng ta càng sớm được tiêm phòng thì càng sớm có thể quay lại được trạng thái cân bằng bình thường trước đại dịch và chấm dứt cơn khủng hoảng dịch bệnh này. Và điều đó không chỉ có nghĩa là chỉ người già và dễ bị tổn thương cần được tiêm phòng, mà nó còn bao gồm tất cả chúng ta.

CNN: Tôi tin là bà đã gặp một số trường hợp nghĩ rằng mình có thể không phải đeo khẩu trang sau khi được tiêm nữa. Wen: Hiểu biết của chúng ta về vaccine Covid-19 hiện nay đó chính là nó ngăn không cho ta bị ốm, và nó cũng sẽ ngăn ngừa các triệu chứng nguy kịch có thể đưa chúng ta đến mức nhập viện và tử vong. Điều đó rất quan trọng. Nhưng chúng ta không biết liệu vaccine có ngăn ai đó đang mang bệnh lây lan cho những người khác hay không. Thêm nữa, dù cho vaccine đạt hiệu quả đến 95%, rất tuyệt vời, nhưng nó vẫn không phải 100%. Đó là lý do tại sao mọi người vẫn phải sử dụng các biện pháp phòng tránh sau khi được tiêm. Khi chúng ta đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng bằng tiêm phòng, chúng ta có thể sẽ không cần khẩu trang nữa. Trước thời điểm đó, hãy nghĩ vaccine như một trong nhiều công cụ, dù không thể thay thế các công cụ khác, nhưng rất quan trọng trong việc cứu sống nhiều nhân mạng.

CNN: Vậy còn những người nói rằng họ lo lắng về các ảnh hưởng dài hạn, và nghĩ rằng chỉ cần đủ người tiêm phòng, họ sẽ không còn cần bận tâm nữa?

Wen: Quan điểm này dựa trên thực tế cần được tiếp cận bằng cảm thông và thấu hiểu. Rất nhiều khảo sát cho thấy người dân Mỹ không muốn được trở thành những người đầu tiên được tiêm. Cũng có nhiều người muốn được tiêm đầu, và hiện tại, nhu cầu đang vượt quá nguồn cung. Trong thời gian vài tháng tới, hàng triệu người sẽ được tiêm. Khá dễ hiểu để chứng minh cho các trường hợp những người chúng ta đang nói đến, rằng vaccine an toàn và hiệu quả cho không chỉ hàng chục ngàn tình nguyện viên, mà còn hàng chục triệu người được tiêm. Bạn sẽ được tiêm khi đến lượt, và việc dùng nó cũng như những ví dụ khác đã được tiêm chủng trong cộng đồng, là một các để thuyết phục những họ hàng, bạn bè còn lưỡng lự. Lòng khiêm tốn và trung thực chính là chìa khóa. Chúng ta nên biết rằng vaccine còn khá mới mẻ nên vẫn chưa thể biết trước được những hệ quả lâu dài. Nhưng cũng nên nói rằng chẳng có lý do gì để phải tin vào việc vaccine sẽ có hậu quả xấu trong dài hạn. Chúng ta đã có lịch sử dài phát triển vaccine, và theo khoa học, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy chúng có hậu quả lâu dài. Chúng ta biết rằng Covid-19 có thể gây nên những biến chứng nặng và tử vong. Chúng ta biết rằng hàng chục ngàn người dân Mỹ đang chết dần mỗi ngày. Họ, có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chúng ta. Chúng ta đang sống giữa đại dịch, và điều đó đòi hỏi tất cả chúng ta cùng ra sức bảo vệ bản thân cũng như mọi người xung quanh.

Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Derek Phan

Comments


bottom of page