top of page

Băn khoăn gối đầu giường của người ủng hộ Trump: Vì sao phụ nữ không chịu hẹn hò với tôi?


Khi một lực lượng đông đảo cho rằng những giá trị bạn theo đuổi là lạc hậu, quan điểm chính trị bạn tin vào là vô nhân đạo và lãnh tụ chính trị của bạn đáng khinh thì lỗi không nằm ở họ, mà là ở bạn. By Andi Zeisler, on 09-07-2021, 18:00:00

Khi một lực lượng đông đảo cho rằng những giá trị bạn theo đuổi là lạc hậu, quan điểm chính trị bạn tin vào là vô nhân đạo và lãnh tụ chính trị của bạn đáng khinh thì lỗi không nằm ở họ, mà là ở bạn. Việc cựu Tổng thống Donald Trump nổi lên như một gương mặt đại diện cho nền chính trị Cộng hòa đương đại đã thể hiện rõ nét sức mạnh của trạng thái bất hoà nhận thức. Sự mâu thuẫn trong tư tưởng của các bình luận viên phe bảo thủ chính là ví dụ điển hình. Chính những kẻ cho rằng “chính trị bản sắc” đã chia rẽ cộng đồng, lại là những người từ chối thừa nhận rằng thế giới quan của bản thân đề cao người da trắng theo lẽ “tự nhiên”. Họ dè bỉu những món đồ chơi trung tính hình củ khoai là trò làm quá của bọn cấp tiến, nhưng lại không chút do dự yêu cầu một người thừa nhận cảm thấy xúc động về ngày nhậm chức phải bỏ việc. Hiếm hoi lắm mới có một vài người từ phe Cộng hòa dũng cảm đứng lên và đặt ra giới hạn trước những cuộc bạo loạn, nhưng nhìn chung, phe bảo thủ đã ngưng việc tham gia xây dựng chính sách để vào vai ác giống như lãnh tụ của mình. Quả là một giai đoạn nhiễu nhương. Thế mà, câu hỏi khiến họ trằn trọc suốt đêm lại là: Vì sao không ai muốn hẹn hò với mình? Năm 2018, tạp chí Washingtonian có đưa tin về phát hiện của những người trẻ thuộc phe bảo thủ tại D.C rằng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời Trump hoặc các cơ quan ngôn luận cánh hữu là điểm trừ trên các ứng dụng hẹn hò. Một bài viết của The Federalist năm 2017 phản biện rằng các trang mai mối cho phép “làm quen có cơ sở” – hay “lựa chọn đối tượng chung sở thích và quan điểm” – lại chính là cách giúp Trump đắc cử. Nhà báo Ross Douthat của tờ The New York Times đã tán dương sáng kiến “tái phân bổ” giới tính của nhà kinh tế học Anh Robin Hanson như biện pháp giảm thiểu sự kỳ thị nữ giới tới mức cuồng sát của một bộ phận những kẻ bất lực trong việc tìm bạn tình. Áng văn mới nhất được dâng lên điện thờ những trái tim cô đơn của phe bảo thủ mang tên “Tư tưởng phân biệt chính trị - Rào cản trong quyền tự do cá nhân” do nhà báo Eric Kaufmann viết cho tờ National Review, cho rằng sự thờ ơ của các sinh viên nữ đối với những người ủng hộ Trump không chỉ gây tổn thương mà còn là sự kì thị. Kaufmann khẳng định: Đây là bằng chứng của việc “chủ nghĩa chuyên chế cấp tiến” đang khiến “tầng lớp thượng lưu Mỹ trẻ tuổi” mất hứng bởi “sự kháng cự tư tưởng tiến bộ về chủng tộc, giới tính và tình dục của phe bảo thủ”. Đúng vậy: Số lượng người Mỹ không khoan nhượng trước sự bất công về chủng tộc, giới tính và tình dục đang gia tăng. Mù quáng thì chẳng có gì hay cả, và cũng chẳng mấy ai tìm kiếm đối tượng không trân trọng trọn vẹn lòng nhân của họ. Nhưng với Kaufmann, kẻ có quan điểm lệch lạc không có lỗi, lỗi là ở những người dám từ chối ân ái với chúng. Giải pháp? Nếu không đưa được vào tròng, hãy đưa vào luật. Sau khi khoanh vùng nhóm bảo thủ cánh hữu thành “một nhóm chính trị thiểu số có dấu hiệu suy giảm tại các cơ quan cao cấp,” anh ta kêu gọi các giải pháp về mặt thể chế nhằm ưu tiên cho nhóm này, “Những ai ở cánh hữu, cùng với những đồng minh cởi mở bên phe tả, sẽ phải viện tới nhà nước và luật pháp để giới hạn quyền tự trị của các tổ chức về mức vừa đủ để bảo vệ sự tự do cá nhân.” Động cơ để Kaufmann cùng nhóm đàn ông bảo thủ đã nhắc tới ở trên, quan tâm về việc không mấy ai hứng thú yêu đương với những ủng hộ viên của Trump, cũng đáng để ta đặt dấu hỏi. Những gã trên mạng từ lâu vẫn luôn mô tả những cử tri Dân chủ cấp tiến, ủng hộ nữ quyền là loài mặt người mình chim xấu xí, không thể mê nổi, vừa “giữ giá” vừa dâm dục và sẽ sống muôn kiếp cô đơn cùng lũ mèo. Trong khi đó, nhóm đàn ông MAGA thường khoe mẽ về các nghiên cứu chỉ ra rằng những người phụ nữ cùng phe nóng bỏng hơn rất nhiều. Nếu họ bằng lòng hẹn hò trong cộng đồng của mình thì mọi thứ đều ổn, đúng không? Sai. Theo Kaufmann, vấn đề nằm ở việc đa số những phụ nữ trẻ lại cả gan từ chối đi chơi với những người còn không thèm để mắt tới họ. Sao họ dám? Kaufmann lựa chọn cách diễn giải khá độc đáo cho những tài liệu mình đã trích dẫn. Nhưng dù chỉ quan sát đơn thuần, những luận điểm của họ không có gì mới. Hầu hết phụ nữ, không riêng gì giới “thượng lưu”, có nhu cầu tìm hiểu những người họ thực sự thích và được đối phương đáp trả. Cũng không có gì lạ khi những người quan tâm tới chính trị muốn được sẻ chia tâm hồn, thể xác và tương lai với một người bạn đồng hành có chung thang giá trị; người luôn giúp họ được đắm chìm trong tình yêu lẫn “tình đồng chí”. Sẽ thật giả dối nếu ta vờ như trước thời Trump ai cũng không có khuynh hướng chính trị và tiêu chuẩn riêng. Và như thế, gắn điều này với vấn đề nhân quyền quả thật là kì cục. Có một cụm từ để chỉ những kẻ ép buộc người khác về tình dục và cảm xúc, và chắc chắn không phải là “đủ chuẩn để cưới” (marriage material). Những luận điệu này không chỉ phi lý như những phiên bản của “Handmaid’s Tale” do người hâm mộ chắp bút mà chúng còn mâu thuẫn với những nguyên tắc của chính chủ nghĩa bảo thủ Mỹ. Mẫu người phụ nữ có học không muốn quen biết nhóm người theo Trump là một ví dụ chính xác cho định nghĩa thị trường tự do mà chúng luôn rao giảng. Nhìn qua, chúng đích thực là những món hàng tồn: Chúng là những chiếc thùng rỗng kêu to; chúng gắn liền khẩu súng với sự nam tính; chúng không tò mò và luôn gạt đi những thứ bản thân không hiểu; và, giống như bậc thánh nhân người Florida đã hai lần bị luận tội mà chúng tôn sùng, cảm thấy khó chịu khi bị từ chối. Nếu phụ nữ nói không với chúng và thị trường có sự điều chỉnh, mọi thứ đều đang vận hành hệt như cách đám người đó tin vào. Và phần nào trong trách nhiệm cá nhân, với góc nhìn bảo thủ lạc hậu, chặn đứng được quan điểm về chăm sóc sức khỏe toàn dân (em có nghĩ mình không nên ốm không?), mức lương tối thiểu 15 đô (thế giới không nợ em tiền, bông tuyết ạ) cùng với chính sách chống phân biệt đối xử dưới hàng vạn dạng thức? Nếu lòng trung với kẻ sắp-thành độc tài đang là vật cản trong tình yêu, đương nhiên phản ứng hợp lý nhất sẽ là đi tìm nguyên nhân chứ không phải đổ lỗi cho người đã “quẹt trái”. Đương nhiên, phe bảo thủ cũng đã liên tục bày tỏ mong muốn chối bỏ những nguyên tắc cốt lõi khi bị thị trường đẩy vào thế yếu. Ross Douthat và Robin Hanson đã chứng tỏ rằng khi cơn khát tình không được thoả mãn, bảo thủ mấy thì cũng theo chủ nghĩa xã hội cả thôi. Điều khiến những gã đàn ông này phát rồ không nằm ở việc mất đi những cuộc thảo luận thân mật về thuế suất biên và dừng tài trợ Medicare; mà là việc phụ nữ có quyền định đoạt cơ thể mình, cũng như ai được chạm vào nó. “Chủ nghĩa chuyên chế cấp tiến” cũng chỉ là một con ngáo ộp khác được dựng lên, giống hệt những luận điệu reo rắc sự sợ hãi trước đây, vốn là thứ chỉ đường dẫn lối cho phe bảo thủ trong những vấn đề liên quan tới nạo phá thai, kiểm soát sinh đẻ, giáo dục mầm non, bản dạng giới và nhiều thứ khác nữa, dù có sử dụng bao nhiêu thuật ngữ chuyên ngành hay định nghĩa kinh tế sáo rỗng cũng không tài nào che đậy. Đa số chúng ta đều sớm biết rằng không thể ép người khác thích mình, không phải ham muốn nào cũng hai chiều, và ta luôn học được từ việc tự kiểm điểm. Ai chưa biết thì nên ghi lại: Khi một lực lượng đông đảo cho rằng những giá trị bạn theo đuổi là lạc hậu, quan điểm chính trị bạn tin vào là vô nhân đạo và lãnh tụ chính trị của bạn đáng khinh thì lỗi không nằm ở họ, mà là ở bạn.


Đông PhongBảo Trân

Translators: Phuong Dang

1 comentário


Anh Nhật
Anh Nhật
11 de set. de 2021

cái bài thổ tả thối đếch chịu nổi, quan điểm chính trị và chuyện hẹn hò là 2 vấn đề khác hẳn nhau mà cũng cố đẩy vào 1 bài, lại đếch có dẫn chứng luận cứ gì, mẹ bọn thổ tả bố láo thật sự =))

Curtir
bottom of page