top of page

Ban vận động tranh cử Trump ‘nhắm vào 3.5 triệu cử tri da Đen để cản trở họ bỏ phiếu’ vào 2016


Dan Sabbagh, ngày 28 tháng 9, 2020

Miêu tả hình ảnh: Donald Trump trong cuộc tranh luận vào năm 2016. Mục tiêu của chiến dịch tranh cử tổng thống của Trump là để thuyết phục người Mỹ gốc Phi châu không ủng hộ Hillary Clinton bằng cách tung lên những “quảng cáo đen tối” trên tường Facebook của họ. Ảnh: Bloomberg//Bloomberg từ Getty Images


Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của Donald Trump bị cáo buộc đã chủ động nhắm vào 3.5 triệu người da Đen ở các tiểu bang dao động để ngăn họ bỏ phiếu bằng cách cố tình tung lên những quảng cáo tiêu cực về Hillary Clinton trên Facebook.


Nỗ lực thầm lặng này tập trung vào 16 tiểu bang dao động, trong số đó có những tiểu bang mà Trump đã thắng một cách sít sao sau khi làn sóng phiếu bầu của những người Mỹ gốc Phi châu theo Đảng Dân chủ bị suy sụp.


Những cáo buộc này đến từ điều tra của Channel 4 News. Đài truyền hình này nhận được một bản sao của một cơ sở dữ liệu bầu cử lớn được ban vận động tranh cử của Trump sử dụng.


Sau khi thu gom hồ sơ của 198 triệu người Mỹ, trong đó gồm có những thông tin về thân phận trong gia đình và địa vị kinh tế đã được các công ty nghiên cứu về thị trường thu thập, cuộc điều tra này cho rằng cử tri được phân thành tám nhóm.


Một nhóm được đặt tên “chướng ngại.” Những người được đưa vào nhóm riêng biệt này - nhóm người được cho rằng sẽ bỏ phiếu cho Clinton hoặc không bỏ phiếu - phần đông là người da Đen.


Cuộc điều tra cho rằng mục tiêu của ban vận động tranh cử của Trump là để thuyết phục họ không nên ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ, bằng cách tung lên tường Facebook của họ những “quảng cáo đen tối” nhằm tấn công Clinton, và trong một số trường hợp còn biện rằng bà thiếu sự cảm thông đến người Mỹ gốc Phi châu.


Nỗ lực này đã được bày ra phần nào bởi Cambridge Analytica, công ty cố vấn tranh cử khét tiếng mà năm ngoái đã ngừng hoạt động sau khi bị phát giác rằng họ dùng những thủ đoạn bẩn thỉu để trợ giúp việc thắng cử trên khắp thế giới, cũng như truy cập vào hàng chục triệu tài khoản Facebook trái phép.


Ở Michigan, tiểu bang mà Trump đã thắng cử nhờ có hơn 10,000 lá phiếu, 15% số cử tri là người da Đen. Tuy nhiên, theo như cơ sở dữ liệu mật, họ chiếm đến 33% số người nằm trong nhóm “chướng ngại”, nghĩa là cử tri người Mỹ gốc Phi châu đã bị “quảng cáo đen tối” nhắm vào nhiều hơn các nhóm khác.


Ở Wisconsin, tiểu bang mà Đảng Cộng hòa thắng cử nhờ giành được hơn 30,000 lá phiếu, chỉ 5.4% số cử tri là người da Đen, nhưng họ lại chiếm 17% số cử tri trong nhóm “chướng ngại.” Theo Channel 4 cho biết, con số này suy ra là tương đương với hơn một phần ba tổng số cử tri người Mỹ gốc Phi châu ở tiểu bang này. Họ đều được đưa vào nhóm người sẽ nhận thông tin tiêu cực về Clinton trên trang Facebook của họ.


Các quảng cáo công kích mà ban vận động của Trump tung lên mạng xã hội gồm có một bài được biết đến là quảng cáo “kẻ săn mồi siêu hạng”, trong đó có trích một đoạn video thu lại phát ngôn gây tranh cãi của bà Clinton trong năm 1996 mà phe Cộng hòa cho rằng ám chỉ đến người Mỹ gốc Phi châu.


Clinton từng nói: “Chúng thường là loại trẻ con được gọi là kẻ săn mồi siêu hạng - không có lương tâm, không biết đồng cảm. Chúng ta có thể bàn về lý do tại sao chúng trở thành thế này, nhưng trước nhất là chúng ta phải kìm hãm chúng,” để biện minh rằng việc “chống lại băng nhóm và các thành viên bằng nỗ lực có tổ chức” là điều cần thiết.


Ứng cử viên của Đảng Dân chủ đã lên tiếng xin lỗi vì đã dùng những lời lẽ đó sau khi đối diện với những nhà hoạt động đấu tranh cho phong trào Quyền sống của người da Đen đáng quan trọng vào tháng Hai năm 2016. Tuy nhiên, ngôn từ đó đã được ban vận động của Trump ghi nhận và tái chế nhiều lần trên mạng.


Một quảng cáo tấn công khác được cho rằng bắt nguồn từ một uỷ ban hành động chính trị do Cambridge Analytica dẫn dắt. Đoạn video quảng cáo đưa lên hình ảnh của một phụ nữ da Đen trẻ trông như một người ủng hộ Clinton nhưng lại ngưng đọc kịch bản và nói: “Tôi thật sự không tin vào những gì mình đang nói.”


Khi được nhắc rằng cô chỉ là một diễn viên, cô đáp lại rằng cô “không diễn kịch tốt đến thế”.


Jamal Watkins, phó chủ tịch Hiệp hội Quốc gia vì sự Thăng tiến của Người da Màu (NAACP), cho rằng nỗ lực đàn áp cử tri ngầm trong năm 2016 gây choáng váng và đáng lo ngại.


“Chúng ta phải dùng dữ liệu - dù chúng tương tự như cơ sở dữ liệu hồ sơ cử tri - nhưng để động viên, thuyết phục, và khuyến khích mọi người cùng tham gia. Chúng ta không nên dùng những dữ liệu này để tìm người để ngăn cản và giữ chân ở nhà. Việc này dường như là một thay đổi về cốt lõi của khái niệm về nền dân chủ,” Wakins nói với Channel 4.


Ước tính có 2 triệu cử tri người Mỹ gốc Phi châu khắp nước Mỹ từng bỏ phiếu cho Barack Obama vào năm 2012, nhưng lại không đi bầu cho Clinton. Ở Wisconsin, số phiếu bầu cho Trump bằng số phiếu bầu cho Mitt Romney vào năm 2012, nhưng Clinton thua vì số phiếu của bà suy sụp. Thăm dò cho thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ này nhận ít hơn 230 ngàn phiếu so với Obama.


Bí quyết thắng cử của Trump là ông nhắm vào cử tri người da Đen ở những thành phố của bang Milwaukee, Wisconsin. Ở một phường, nơi 80% trong tổng số 1,440 cử tri là người Mỹ gốc Phi châu, gần một nửa, hoặc là 44% số cư dân phường được đưa vào nhóm “chướng ngại.”Tổng cộng có 636 người, 90% trong số đó là người Mỹ gốc Phi châu.


Một số yếu tố khác cũng đã dẫn đến việc Clinton thua cuộc, bao gồm một dự luật từng bị cáo buộc rằng đã đàn áp cử tri người Mỹ gốc Phi.


Nhắc lại đến Wisconsin, tiểu bang Đảng Cộng hòa cầm quyền, từng đưa ra lệnh bắt buộc công dân trình bày chứng minh thư còn hiệu lực để được bầu. Sách lược này bị phản đối vì được cho rằng nó gây ảnh hưởng đến cử tri nghèo khó và người Mỹ gốc Phi châu một cách không công xứng.


Uỷ ban vận động tranh cử của Trump đã chi 44 triệu USD vào việc quảng cáo trên Facebook và tung ra 6 triệu quảng cáo. Nhưng vì chuyện cũng đã lâu, điều này có nghĩa rằng chỉ vài đoạn quảng cáo tấn công từ chiến dịch Trump được thâu lại. Hơn nữa, Facebook cũng sẽ không tiết lộ số bài quảng cáo hay cụ thể bài nào đã được tung lên trong thời điểm đó.


Công ty này nói rằng “kể từ năm 2016, bầu cử đã thay đổi và Facebook cũng vậy - điều đã từng xảy ra với Cambridge Analytica sẽ không tái diễn năm nay”. Họ cũng bổ sung rằng hiện nay đã có “luật cấm đàn áp cử tri” và họ đang “vận hành chiến dịch thông tin cử tri lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.


Ban vận động bầu cử của Trump, Đại hội Quốc gia Đảng Cộng hòa, và nhà Trắng đều từ chối không đưa ra ý kiến.


Một viên chức từ uỷ ban của Trump đã từng bác bỏ việc chiến dịch nhắm đến một nhóm cử tri nào đó.


Người dịch: Khang Tôn

Biên tập: Cookie Duong

Comments


bottom of page