top of page

Bạo lực kỳ thị lần đầu tiên thúc đẩy nhiều người Mỹ gốc Á đến với hoạt động xã hội

Translated from The Wall Street Journal's article Violence Spurs Many Asian-Americans to Activism for First Time


Vụ xả súng ở Atlanta và nạn bạo lực sắc tộc gia tăng trong đại dịch đã thức tỉnh nhiều gia đình vốn trước đó né tránh vấn đề chủng tộc.

By Shan Li, Liyan Qi, on 07-04-2021, 13:00:00

Vụ xả súng ở Atlanta và nạn bạo lực sắc tộc gia tăng trong đại dịch đã thức tỉnh nhiều gia đình vốn trước đó né tránh vấn đề chủng tộc. Năm ngoái, kỹ sư công nghệ của Thung lũng Silicon, Ben Tang, đang trò chuyện với đứa con gái 6 tuổi thì bị một nhóm thanh niên đi ngang nhổ nước bọt. Anh cho biết vụ việc khiến mình cảm thấy uất ức. Trong 20 năm nay kể từ khi rời Trung Quốc qua định cư và sau này trở thành công dân Mỹ, anh đã từng bị phân biệt chủng tộc, nhưng chưa khi nào cảm thấy mất an toàn. Bây giờ anh trở nên cảnh giác hơn mỗi khi đi dạo với con mình. Đỉnh điểm là vào tháng Ba, khi một tay súng giết tám người ở ba tiệm spa ở Atlanta, gồm 6 người gốc Á. Điều này khiến anh nhận ra rằng: “Không lên tiếng thì chả có ai thèm giúp mình”. Nhiều ngày sau anh tham dự buổi tuần hành chính trị đầu tiên trong đời, ở San Jose, California, để phản đối chủ nghĩa bài Á châu. Hàng ngàn người Mỹ gốc Á khác tràn ra các con đường khắp các thành phố trên đất nước vào cuối tuần, và nhiều dùng mạng xã hội để lên tiếng ủng hộ và nâng cao nhận thức về bạo lực chủng tộc. Đối với nhiều người trong số họ, đây là lần đầu tiên họ công khai thể hiện sự uất ức và sợ hãi dồn nén trong năm ngoái khi nạn kỳ thị người gốc Á gia tăng. Lần đầu tiên, một số người nhập cư gốc Á thế hệ đầu đã cởi mở nói chuyện với con cháu về vấn đề phân biệt chủng tộc và trải nghiệm khi là một dân tộc thiểu số ở Mỹ, một sự thay đổi sau nhiều năm của một định kiến rằng người nhập cư chỉ biết chăm chỉ làm lụng và thường không muốn dính đến rắc rối. Dân biểu bang Texas, Gene Wu, một người nhập cư gốc Hoa thế hệ đầu, cho biết nhiều người gốc Á đang tự hỏi rằng cuộc đời mình ở Mỹ sẽ đi về đâu. Trong nhiều năm qua, họ tưởng rằng sự thành đạt về tài chính và sống kín miệng sẽ che chắn họ khỏi nạn phân biệt chủng tộc, ông Wu, một đảng viên Dân Chủ, kể. “Nhiều người trước đây, kể cả ba má tôi, dạy rằng: Nếu chịu khó thầm lặng chú tâm làm lụng, thì chúng ta sẽ là thiểu số kiểu mẫu, chúng ta sẽ được bảo vệ”. Đại dịch bắt đầu làm thay đổi điều đó khi người ta thấy rằng âm thầm theo đuổi giấc mơ Mỹ sẽ không hoàn toàn che chắn mình khỏi bạo lực kỳ thị. “Xã hội không hề che chở chúng tôi, mà chỉ là do chưa tới lượt mình thôi”. Nạn bạo lực nhằm vào người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất nước Mỹ đã tăng 149% giữa năm 2019-2020, theo một phân tích của Đại học bang California, San Bernadino. Tháng trước, một phụ nữ 75 tuổi ở San Francisco, một dân nhập cư gốc Hoa, đã giằng co với một kẻ hành hung sau khi tên này đấm bà. Tuần trước ở thành phố New York, một người đàn ông bị cáo buộc với nhiều tội trạng hành hung liên quan đến sắc tộc đã đánh đập một phụ nữ 65 tuổi gốc Phi Luật Tân sau khi nói rằng bà ta “không thuộc về nơi này”, cảnh sát cho hay. Tay súng trong vụ Atlanta, Robert Aaron Long, đã bị cáo buộc với 8 tội danh giết người. Hắn kể với cảnh sát rằng mình thực hiện tội ác do bị nghiện tình dục, theo các quan chức hành pháp, vốn đang điều tra liệu vụ việc có liên quan đến kỳ thị chủng tộc hay không. Dù sao đi chăng nữa, thì nhiều người Mỹ gốc Á cảm thấy vụ án trên đã làm dấy lên cảm giác lo sợ trước bạo lực. “Đó đã có thể là tôi. Có thể là má tôi”, Echo Lei, 32 tuổi, mới từ Trung Quốc qua Mỹ để học sau đại học 10 năm trước, cho hay. Sau vụ xả súng, cô Lei cùng chồng, Henry Pao, và đứa con trai 4 tuổi tham dự buổi tuần hành chính trị đầu tiên trong đời ở thành phố New York để phản đối bạo lực kỳ thị nhằm vào người gốc Á. “Tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh khi đứng ở đó,”, anh Pao cho biết. “Tôi muốn làm một điều gì có ý nghĩa cho cộng đồng. Tôi muốn làm một điều gì có ý nghĩa cho con cái mình.” Cynthia Choi, đồng giám đốc điều hành của tổ chức Người Hoa Đấu Tranh Cho Chính sách Nâng đỡ Dân tộc Thiểu Số, đồng sáng lập hội Ngăn Chặn Bạo lực Chống Người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương vào tháng 3 năm 2020 nhằm giám sát các vụ bạo lực và phân biệt chủng tộc nhằm vào sắc tộc này. Cô cho hay tổ chức của mình, một trong ba dự án hậu thuẫn sáng kiến này, đã nhận được rất nhiều sự đóng góp và sự tham gia của tình nguyện viên trong năm ngoái. “Nhiều người mong muốn nhìn thấy hành động," cô nói. Gracie Xia, một học sinh cấp 2 ở San Mateo, California, đang trong quá trình kết nạp vào một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Nâng Đỡ người Á châu, cùng với bạn bè, để nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề quan trọng liên quan đến cộng đồng Mỹ gốc Á. Việc nhìn thấy bà mình sợ hãi sau khi theo dõi nhiều vụ tấn công vào người cao tuổi gốc Á đã phần thúc đẩy cô bé tham gia vào tổ chức này. “Người ta thường không nghĩ rằng người gốc Á ủng hộ công lý xã hội”, bé Xia nói, “nhưng con nghĩ điều ấy rất quan trọng”. Nhiều người gốc Á thế hệ trước có một cái nhìn khác khi trưởng thành ở Mỹ. Anh Pao, 40 tuổi, di cư từ Đài Loan sang Mỹ khi còn là một thiếu niên, nói rằng gia đình không hề bàn tới chuyện phân biệt chủng tộc. “Ba má tôi là dân nhập cư thế hệ đầu,” theo lời anh Pao, một chuyên gia phần mềm tài chính ở Princeton, N.J. “Tư duy của họ chỉ đơn giản là, đừng dính vào rắc rối”. Ba của chị Lei, 53 tuổi, đã nghĩ hưu, định cư ở Mỹ từ năm 2019, nói rằng gia đình cũng không đề cập tới vấn đề chủng tộc vì chuyện này không phải vấn đề lớn ở Trung Quốc và đứa con gái ông không mấy khi gặp phải nạn phân biệt sau khi tới Mỹ. Họ nay đang bàn tán về việc này, và ông Lei đã tham gia buổi tuần hành đầu tiên vào 27/3 ở Princeton. “Chuyện này không thể thay đổi dễ dàng, nhưng ta phải bắt tay vào hành động”, Lei nói, “Phải lên tiếng trước khi mọi trở nên tồi tệ hơn."

Người dịch: Nhan Tran

Biên tập: Tung Nguyen


Comments


bottom of page