top of page

Bệnh nhân của tôi tái nhiễm COVID-19 lần hai. Còn niềm tin nào vào miễn dịch cộng đồng?

Các ca tái nhiễm Covid-19 mới có thể là dấu hiệu cho thấy miễn dịch cộng đồng chỉ là điều viển vông.


D. Clay Ackerly, ngày 12 tháng 7, 2020



Các nhân viên y tế từ myCovidMD cung cấp xét nghiệm kháng thể Covid-19 miễn phí tại Inglewood, California, vào ngày 19 tháng 6 năm 2020. Thông tin về phản ứng miễn dịch với coronavirus hiện vẫn còn là một ẩn số lớn. Mark Ralston/ AFP/ Getty Images


“Gượm đã. Tôi có thể bị nhiễm Covid-19 lần hai á?” bệnh nhân 50 tuổi của tôi hỏi trong bàng hoàng. Lúc này đang là đầu tháng Bảy, và ông thì vừa nhận được kết quả dương tính với SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19, lần thứ hai - ba tháng kể từ lần nhiễm trước.


Mặc dù chúng ta vẫn đang mù mờ, chưa tường tận về khả năng miễn dịch cho loại bệnh mới này, một số lượng nhỏ ca bệnh, và con số này đang tăng nhanh, cho thấy rằng khả năng tái nhiễm là hoàn toàn có thể.


Covid-19 có thể đã trở nên tồi tệ hơn vào lần hai. Lần nhiễm đầu, bệnh nhân của tôi chỉ bị ho nhẹ và đau họng. Ngược lại, các triệu chứng của lần nhiễm thứ hai lại tệ hơn rất nhiều: sốt cao, khó thở, thiếu oxy dẫn đến hàng tá các chuyến ghé thăm bệnh viện.


Các báo cáo và những cuộc hội thoại gần đây với các đồng nghiệp của tôi cho thấy những bệnh nhân như thế này không hề đơn độc.Chẳng hạn như hai bệnh nhân ở New Jersey, họ dường như tái nhiễm với Covid-19 lần thứ hai sau hai tháng kể từ khi hồi phục hoàn toàn từ lần nhiễm đầu tiên. Daniel Griffin, một bác sĩ và nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia ở New York, gần đây đã mô tả một trường hợp tái nhiễm được trên podcast This Week in Virology.


Mặc dù khả thi, nhưng không có khả năng bệnh nhân của tôi chỉ nhiễm bệnh một lần duy nhất và lần nhiễm này kéo dài suốt ba tháng Một vài bệnh nhân Covid-19 (hiện được gọi là “những người mang bệnh dai dẳng”) dường như đã phải chịu sự nhiễm và các triệu chứng dai dẳng.


Tuy nhiên, bệnh nhân của tôi đã khỏi bệnh ở lần đầu tiên - bằng chứng là hai lần xét nghiệm PCR âm tính - và cảm thấy khỏe mạnh gần sáu tuần sau đó.


Tôi tin rằng nhiều khả năng bệnh nhân của tôi đã bình phục hoàn toàn sau lần nhiễm đầu tiên, sau đó tái nhiễm Covid-19 lần thứ hai sau khi tiếp xúc với một thành viên gia đình trẻ tuổi bị nhiễm virus. Ông ấy đã không thể làm xét nghiệm kháng thể sau lần nhiễm đầu tiên, vì vậy chúng tôi không biết liệu hệ thống miễn dịch của ông có đáp ứng kháng thể hiệu quả hay không.


Dù sao đi chăng nữa, những nghiên cứu mặc dù còn hạn chế cho đến nay trên bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục cho thấy rằng không phải tất cả bệnh nhân đều phát triển kháng thể sau khi bị nhiễm bệnh. Một số bệnh nhân, đặc biệt là những người chưa từng thể hiện các triệu chứng bệnh, họ có khả năng thực hiện phản ứng kháng thể ngay sau khi bị nhiễm nhưng nó sẽ nhanh chóng suy yếu sau đó - một khía cạnh làm gia tăng thêm nhiều mối lo lắng.


Hơn nữa, việc tái nhiễm trong thời gian ngắn có thể sẽ đi kèm với nhiều lại virus khác, bao gồm cả các chủng khác của coronavirus. Vậy nên nếu như các bệnh nhân Covid-19 tái nhiễm sau vài giây phơi nhiễm, đó không phải là một điều hiếm gặp.


Nhìn chung, còn quá nhiều những ẩn số về SARS-CoV-2 mà chúng ta chưa biết hết được.Chúng ta không biết có bao nhiêu khả năng miễn dịch một khi người đó nhiễm virus, chúng ta không rõ nó sẽ kéo dài bao lâu, hay cần bao nhiêu kháng thể để có thể tạo nên hệ miễn dịch. Và mặc dù có một số hy vọng liên quan đến khả năng miễn dịch tế bào (bao gồm cả phản ứng tế bào T) trong trường hợp không có phản ứng kháng thể lâu bền, những bằng chứng sơ khởi của việc tái nhiễm cũng đặt ra câu hỏi về sự hiệu quả của những phản ứng miễn dịch này.


Điều đáng lo ngại nữa là những trường hợp như bệnh nhân của tôi có thể sẽ làm mờ hy vọng về hệ thống miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào lý thuyết rằng hệ thống miễn dịch của chúng ta một khi đã tiếp xúc với mầm bệnh sẽ cùng nhau tạo ra một lá chắn bảo vệ cộng đồng khỏi tái nhiễm và lây lan thêm.


Có một số phương pháp để giải thoát chúng ta khỏi cơn đại dịch này, bao gồm các liệu pháp và vắc-xin an toàn, hiệu quả và có sẵn, cũng như khả năng miễn dịch cộng đồng (hoặc một số kết hợp của cả hai).


Thông thường, miễn dịch tự nhiên sẽ được các chuyên gia cân nhắc như lựa chọn cuối cùng trong tình huống xấu nhất. Nó đòi hỏi phải cho nhiễm hàng loạt trong cộng đồng (và, trong trường hợp Covid-19, tăng khả năng mất mạng vì tỷ lệ tử vong của bệnh) trước khi lá chắn bảo vệ được tạo ra. Miễn dịch cộng đồng đã từng được thúc đẩy bởi các chuyên gia ở Thụy Điển và (gia đoạn đầu trong đại dịch) ở Anh, và đã cho thấy những kết quả kinh khủng.


Tuy nhiên, những mơ mộng về miễn dịch cộng đồng, hay cảm giác an tâm vì bản thân đã nhiễm bệnh hoặc cơ thể đã có kháng thể đang ngày càng thông dụng trong cộng đồng. Một khi chúng ta bỏ qua những chứng cứ khách quan, sống sót hậu Covid-19 (mà không có những di chứng gây suy nhược cơ thể) mang lại hai niềm hy vọng: chúng ta sẽ không bị tái nhiễm, và cũng không trở thành mối họa lây nhiễm virus cho cộng đồng, công sở và người thân.


Mặc dù những nghiên cứu và báo cáo gần đây đã đặt thêm nhiều nghi vấn về khả năng có được khả năng miễn dịch cộng đồng, những cuộc đối thoại trên toàn nước Mỹ tiếp tục nhóm lên hy vọng mơ hồ rằng rằng điều này hoàn toàn khả thi. Trong những tuần trở lại đây, các chuyên gia y tế hàng đầu đã ngụ ý rằng sự gia tăng các ca nhiễm hiện tại có thể mang đến khả năng miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2021, thêm vài đó là vào ngày 6 tháng 7, tờ Wall Street cũng có một bài viết dựa trên quan điểm cá nhân mang góc nhìn lạc quan tương tự.


Lối suy nghĩ mơ mộng này thực sự có hại. Nó sẽ khuyến khích nguy cơ thực hiện các hành vi xấu. Tuy hiếm nhưng hãy lấy ví dụ những “Bữa tiệc Covid”, nơi mọi người tụ tập lại cố tình để bị nhiễm virus, hay những cuộc tụ tập lớn mà không đeo mặt nạ, được một số người coi là cách nhanh nhất để thoát khỏi đại dịch, trên cả phạm vi cá nhân lẫn cộng đồng. Thay vì ước ao bản thân thoát khỏi thực tại này, thực tại dựa trên những thông số và nghiên cứu khoa học, chúng ta phải thừa nhận rằng những bằng chứng ngày càng chất chồng đang thách thức lại lối tư duy nguy hại kể trên.


Theo ý kiến cá nhân, trải nghiệm bệnh nhân của tôi đóng vai trò như một dấu hiệu cảnh báo, trên một vài mặt trận.


Đầu tiên, quỹ đạo của việc nhiễm trùng ban đầu mức độ vừa phải sau đó là các triệu chứng nặng hơn khi tái nhiễm cho thấy chủng coronavirus mới này có thể chung xu hướng với một số loại virus khác như sốt xuất huyết, bạn sẽ nhiễm bệnh nặng hơn sau mỗi lần mắc.


Thứ hai, mặc dù giới khoa học hy vọng về khả năng miễn dịch qua trung gian kháng thể hoặc tế bào, dựa theo mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân của tôi, lần tái nhiễm thứ hai với Covid-19 cho thấy những phản ứng như vậy có thể không mạnh mẽ như chúng ta hy vọng.


Thứ ba, nhiều người có thể mất cảnh giác sau khi bị nhiễm bệnh vì họ tin rằng họ đã được miễn dịch hoặc không có khả năng lây lan thêm cho cộng đồng. Như trường hợp bệnh nhân của tôi đã chứng minh rằng, những giả định này chứa nguy cơ gây hại cho sức khỏe của chính họ lẫn sức khỏe của những người ở xung quanh.


Cuối cùng, nếu như có thể tái nhiễm trong một khoảng thời gian ngắn như thế, sẽ có các nghi vấn được đặt ra về hiệu quả và độ bền của vaccine được phát triển để chống lại căn bệnh này.


Tôi biết rằng bệnh nhân của tôi chỉ là một ví dụ đại diện, nhưng khi kết hợp với những ví dụ khác đang dần lộ diện xuất hiện, những câu chuyện ngoại lệ như của ông ấy là một dấu hiệu cảnh báo về một dấu hiệu tiềm tàng. Trên thực tế, nếu bệnh nhân của tôi không phải là ngoại lệ mà thay vào đó là chứng minh cho một quy tắc, thì nhiều người có thể nhiễm Covid-19 nhiều hơn là một lần, với mức độ nguy hiểm khó lường.


Khi không có sự chắc chắn về khả năng miễn dịch cá nhân cũng như cảm giác an tâm mang đến bởi miễn dịch cộng đồng, công việc vất vả để cùng nhau vượt qua đại dịch sẽ vẫn tiếp tục. Những nỗ lực của chúng ta phải đi xa hơn việc ngồi chờ đợi các phác đồ điều trị hiệu quả hay vaccine. Chúng phải bảo gồm phòng ngừa liên tục thông qua việc sử dụng khẩu trang, che chắn mặt, rửa tay và cách li xã hội, cũng như là xét nghiệm diện rộng, truy tìm và cách li các ca nhiễm mới.


Đây là một căn bệnh mới: việc tìm hiểu thêm về căn bệnh này còn nhiều gian nan, và chúng ta phải chú tâm đến sự thật, cho dù những sự thật đó có làm ta không cảm thấy thoải mái như thế nào đi chăng nữa. Miễn dịch cộng đồng tự nhiên gần như chắc chắn vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta không thể đặt hy vọng vào nó.


D. Clay Ackerly, MD, MSc, là một bác sĩ nội khoa và bác sĩ chăm sóc chính hành nghề tại Washington, DC. Ông vừa là một giảng viên của Trường Y Harvard vừa là trợ lý giám đốc y tế tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Ông cũng đã từng giữ các vị trí trong chính phủ và khu vực tư nhân, bao gồm Nhà Trắng, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, và gần đây nhất, là giám đốc y tế của Privia Health. Có thể liên lạc thông qua địa chỉ dclayackerly @ gmail.


Translated by Duong Nguyen

Copy & edited by Gary Nguyen

Comments


bottom of page