top of page

Biden nên hành động nhanh chóng, cương quyết, và gãy gọn

Translated from the Atlantic article Biden Should Go Big, Fast, and Simple


Tân tổng thống không được lặp lại những sai lầm của Obama.


Derek Thompson, ngày 20 tháng 1, 2021

Getty/The Atlantic


Khi Franklin D. Roosevelt trở thành tổng thống vào năm 1932, đất nước đang đối mặt với những cuộc khủng hoảng đồng tâm: thảm họa khẩn cấp do việc ngân hàng bị đóng cửa; suy thoái kinh tế diện rộng; và hơn thế nữa, những vấn đề sâu lắng mà cuộc khủng hoảng kinh tế đã nêu rõ, bao gồm cả tình trạng tầng lớp người cao tuổi chịu cảnh nghèo khó. Trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống, Roosevelt đã đối diện với hai cuộc khủng hoảng nêu trên với một tinh thần thẳng thắn đáng nhớ trong lịch sử. Ông mở lại các ngân hàng và trực tiếp tuyển dụng hàng ngàn người Mỹ thông qua các biện pháp như Quân đoàn Bảo tồn Dân sự. Sau đó, gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã ký Đạo luật An sinh Xã hội. Đạo luật này đã giảm tỷ lệ nghèo ở người cao tuổi và trở thành một trong những chương trình liên bang phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.


Tổng thống Joe Biden cũng phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng đồng tâm, những cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài trong tương lai khi bạn bóc tách chúng: mối đe dọa sinh học của đại dịch, suy thoái kinh tế và hơn nữa là vấn đề trẻ em trong tình trạng nghèo khó. Ông cũng phải đối mặt với một vấn đề đang phủ bóng cả thế kỷ, chính là cuộc khủng hoảng sinh tồn của biến đổi khí hậu.


Trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống, Biden nên đối mặt với hai cuộc khủng hoảng đầu tiên như Roosevelt đã từng làm. Trước hết nên dập cuộc hoả hoạn trong thời khắc này — sau đó chiến đấu với ngọn lửa của tương lai. Với sự kiểm soát thống nhất của chính phủ, Biden và Đảng Dân chủ có thể đẩy nhanh việc chấm dứt đại dịch, đặt nền tảng cho tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, xóa bỏ tình trạng nghèo đói ở trẻ em và đưa Mỹ trên con đường trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ giảm thiểu biến đổi khí hậu.


Nhưng để đạt được bất kỳ những gì đã được nêu trên, Biden sẽ phải loại bỏ một số sai lầm của chế độ Dân chủ mà ông từng là phó tổng thống trước đây.


Thay vì tìm cách thay đổi hành vi của người Mỹ bằng những lời thúc đẩy tế nhị như chính quyền của Barack Obama đã làm, Biden nên nhắm đến việc làm cho các chính sách độc nhất của mình trở nên đơn giản và dễ hiểu nhất có thể. Thay vì xâu kim cho sự trung lập về thâm hụt như người tiền nhiệm của ông đã làm, ông nên đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ để thổi bay ngân sách ngay lập tức nhằm lấp đầy lỗ hổng do đại dịch đã để lại. Nếu cách tiếp cận của chính quyền Obama thường quá khôn khéo và tràn ngập trong tình trạng ngân sách dễ bị lung lay, thì công thức mà Biden nên áp dụng phải làm ngược lại: mạnh bạo, nhanh chóng, và đơn giản.


Vào năm 2009, Tổng thống Barack Obama và Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát chính phủ thống nhất trong khi một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng khác đang diễn ra. Họ đã chiến đấu với suy thoái kinh tế bằng một đợt kích thích kỷ lục trong vài tháng đầu tiên trước khi đưa ra Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng được ký vào năm 2010. Gói kích thích kinh tế và Obamacare là những đạo luật tốt nhưng vẫn có những sai sót lớn. Biden nên học hỏi từ cả hai.


Gói kích thích của Obama quá nhỏ và quá tế nhị. Nó quá nhỏ vì Đảng Cộng hòa đã chống đối một cách cố chấp và liên minh Dân chủ đã lo ngại về khoản thâm hụt hàng triệu USD cần thiết để thu hẹp khoảng cách trong tỷ lệ GDP. Gói kích thích cũng quá tế nhị vì nhóm của Obama, bao gồm cả sa hoàng Cass Sunstein, đã bị mê hoặc bởi ngành khoa học mới nổi về sự “thúc đẩy,” hay là các chính sách lén lút để khuyến khích người Mỹ đưa ra quyết định hiệu quả. Như một ví dụ, điều khoản thuế cốt yếu trong dự luật kích thích kinh tế năm 2009 đã trao tiền cho các gia đình bằng cách cắt giảm khấu trừ thuế trả lương một cách khiêm tốn. Cái ý tưởng nhằm để "thúc đẩy" ở đây là nếu người Mỹ nhận được séc một lần từ chính phủ, họ có thể tiết kiệm được tiền. Nhưng nếu họ xem tài khoản ngân hàng của mình và trả lời - Ồ, khoản tiền này nhiều hơn tôi mong đợi! - thì họ có thể chi tiêu ngay lập tức. Thật không may, việc cắt giảm thuế diễn ra lén lút đến mức nhiều người thậm chí còn không biết về chính sách này, chứ đừng nói đến việc ghi công cho Obama.


Theo Jordan Weissmann từ tạp chí Slate đã lập luận, Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng cũng có các vấn đề về quy mô và sự tinh tế như đã nêu trên. Nó quá nhỏ vì, một lần nữa, các thành viên của liên minh Dân chủ, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Joe Lieberman, đã từ chối ủng hộ những phần tham vọng nhất của nó, chẳng hạn như một lựa chọn công khai. Đạo luật mang tính lịch sử này đã không tạo được ảnh hưởng ngay lập tức, bởi vì các thành phần quan trọng nhất của nó đã bị trì hoãn để giảm tác động ngân sách trong 10 năm. Chẳng hạn, việc mở rộng Medicaid chỉ bắt đầu cho đến vài năm sau khi Obama ký luật.


Biden có thể khắc phục những lỗi này bằng cách đặt sức nặng, tốc độ và sự đơn giản vào trọng tâm của chương trình làm việc của mình. Và có lẽ ông ấy sẽ làm được. Theo báo cáo từ The New York Times và The Washington Post, dự luật giải cứu đầu tiên của Biden, với gần 2 ngàn tỷ USD chi tiêu, sẽ bao gồm hàng trăm tỷ USD cho vaccine và xét nghiệm, trợ cấp thất nghiệp, viện trợ của bang và địa phương. Để lấy cảm hứng về chính sách COVID-19, Biden có thể học hỏi từ Israel, quốc gia đã mạnh bạo tiến hành mua vaccine sớm và phân phối một cách nhanh chóng và dữ dội— chuyển đổi công viên, trường học và bãi đậu xe thành các trung tâm tiêm chủng — và sử dụng các tiêu chí đơn giản để xác nhận nhóm người tham gia đợt tiêm ngừa đầu tiên: nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi.


Trọng tâm của cuộc viện trợ từ chính phủ Hoa Kỳ sẽ là các khoản thanh toán trị giá 2.000 USD trực tiếp đến các cá nhân. (Nói chính xác hơn thì số đó bao gồm 600 USD đã được gửi cho hàng triệu hộ gia đình.) Các khoản thanh toán trực tiếp trái ngược với chủ nghĩa gia đình ranh mãnh được các quan chức Obama ưa thích trong gói kích thích năm 2009. Người Mỹ sẽ không nhìn thấy 2.000 USD xuất hiện trong tài khoản ngân hàng và tự bảo - Ồ, mặc dù không hiểu rõ vì sao, nhưng tôi cảm thấy đang bị thúc giục một cách vô thức để mua thêm tất. Họ sẽ cảm thấy rất tỉnh táo, rất phấn chấn. Séc là khẩu pháo hoa giấy của kho vũ khí kích thích kinh tế — không hiệu quả tối đa, chỉ tuyệt vời ở mức tối đa.


Sự tuyệt vời này đáng chú ý. Một bài học từ những năm Obama là việc hoạch định chính sách thông minh không chỉ là làm những việc trí óc; đó là làm những điều tốt và phổ biến một cách để bạn luôn nắm quyền và có thể làm được thêm nhiều điều tốt hơn. Việc đảng Dân chủ không thể kích thích nền kinh tế một cách hợp lý vào năm 2010 — hoặc nhận được tín nhiệm cho những đóng góp rất thực sự của họ — đã dẫn đến những tổn thất thảm khốc giữa nhiệm kỳ tại Hạ viện khiến họ không thể hoàn thành được nhiều điều trong sáu năm cầm quyền cuối cùng của Obama. Vì những lý do không có gì bí ẩn, các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ khác thường cho việc trao 2.000 USD cho mỗi hộ gia đình Mỹ như một món quà kích thích-qua-an ủi để vượt qua một năm ở địa ngục (một nghiên cứu chỉ ra rằng có bảy trong 10 đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ các khoản thanh toán trực tiếp). Với những séc kích thích, Biden có thể tự nhận mình là trung gian đáng tin cậy của cử tri Hoa Kỳ, những người có thể lần đầu tiên thích một tổng thống Mỹ.


Tăng tốc quy trình phân phối vaccine và làm cho các gia đình bắt đầu chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa nên là những ưu tiên hàng đầu của Biden. Sự kết hợp giữa lĩnh vực bán lẻ và giải trí mở rộng cộng với tỷ lệ tiết kiệm quốc gia cao nên dẫn đến sự bùng nổ kinh tế kỷ lục trong nửa cuối năm 2021.


Tiếp theo đó, Biden nên chú tâm vào thành phần trẻ em. Dự luật cứu trợ hiện tại của ông đã kêu gọi mở rộng tín dụng thuế trẻ em. Nhưng việc cắt giảm tỷ lệ trẻ em trong tình trạng nghèo khó không nên chỉ là một phần nhỏ trong danh sách những việc mình phải làm.


Hoa Kỳ có một thành tích đáng xấu hổ khi nói đến sự nghèo đói và bất bình đẳng của thành phần những nước trẻ nhất. Tỷ lệ nghèo ở trẻ em của Mỹ không chỉ cao hơn so với các nước giàu tương tự, chẳng hạn như Canada và Úc; nó cũng cao hơn Mexico và Nga. Vấn đề này có hai mặt. Thứ nhất, Hoa Kỳ chi tiêu ít hơn một nửa so với Vương quốc Anh hoặc Đan Mạch cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Thứ hai, quá nhiều chi tiêu phúc lợi của Hoa Kỳ cho trẻ em không đến được với các gia đình nghèo, một phần là do chính phủ chuyển phần lớn chi tiêu đó thông qua mã thuế thu nhập liên bang (điều này gây rất ít ảnh hưởng đối với các gia đình không có thu nhập chịu thuế).


Dự luật cứu trợ của Biden bao gồm việc mở rộng tín dụng thuế trẻ em. Đó là một khởi đầu tốt. Nhưng các khoản tín dụng thuế là một công cụ không hiệu quả để chống lại tình trạng trẻ em đói nghèo. Theo Bộ Tài chính, hơn 1/5 hộ gia đình có trẻ em không yêu cầu CTC. Đó có thể là do họ không biết nó tồn tại hoặc vì họ đã nhầm lẫn khi khai thuế.


Nếu Biden muốn tạo ra những thay đổi thực sự, ông nên ủng hộ việc thay thế tín dụng thuế trẻ em bằng trợ cấp phổ thông cho trẻ em. Điều đó có nghĩa là Cơ quan An sinh Xã hội sẽ chỉ gởi séc hàng tháng cho mọi trẻ em dưới 18 tuổi và không hỏi câu nào. Matt Bruenig, một nhà nghiên cứu phúc lợi và là người sáng lập nhóm cố vấn của cánh tả Dự án Chính sách Nhân dân, đã tính toán rằng trợ cấp phổ thông cho trẻ em ở mức 370 USD một tháng sẽ làm giảm tỷ lệ nghèo ở trẻ em khoảng 2/3.


Một khoản trợ cấp phổ thông cho trẻ em sẽ đến tay các gia đình ngay lập tức. Và phần thưởng chính trị là điều hiển nhiên. Ngoài việc tạo ra một sự tương phản rõ nét với tổng thống trước đây - “Trump nhốt những đứa trẻ trong lồng; chúng tôi đã giải phóng trẻ em khỏi nghèo đói ”—đạo luật này sẽ có một tiếng vang hữu ích theo phong cách của FDR. Đạo luật An sinh xã hội đã đề cập đến tình trạng nghèo của người cao tuổi; gần 90 năm sau, chúng ta có thể trang bị thêm cơ sở tương tự để đối phó với nỗi xấu hổ của người Mỹ đối với tình trạng trẻ em nghèo đói.


Chỉ khi đó thì Biden mới nên chuyển sang vấn đề quan trọng nhất của thế kỷ này: biến đổi khí hậu. Cũng giống như nếu Roosevelt tập trung vào vấn đề người cao tuổi nghèo đói kéo dài trong khi các ngân hàng đóng cửa thì sẽ là một hành động chính trị kỳ lạ, Biden không nên dành nhiều thời gian để nói đến lượng khí thải carbon trong khi đại dịch đang giết chết hàng ngàn người mỗi ngày. Nhưng trong giai đoạn thứ hai của nhiệm kỳ tổng thống của mình, việc Biden ủng hộ một thỏa thuận Green New Deal là có lý. Thay vì cố gắng siết chặt các ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ, Biden nên cam kết một khoản trợ cấp giúp hạ giá mọi công nghệ trong danh mục năng lượng sạch: hàng trăm tỷ USD được liên bang đảm bảo mua công nghệ năng lượng sạch, chẳng hạn như pin và xe điện; trợ cấp nhiều hơn cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió; và chi tiêu nhiều hơn cho việc nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch và loại bỏ carbon. Hãy đừng đùa rằng đây là “Tuần lễ cơ sở hạ tầng”. Dự luật năng lượng xanh của Biden có thể khởi động Thập kỷ Cơ sở hạ tầng.


Để thông qua một chương trình nghị sự đầy tham vọng và giữ các cử tri đứng về phía mình, Biden sẽ phải làm mọi thứ một cách thẳng thắn và dễ truyền đạt. May mắn thay, đây dường như là bản năng của ông ấy. Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, những người ở ngoài nước trong thời chính quyền Obama kể lại rằng, với tư cách là phó tổng thống, Biden nổi tiếng vì đã làm gián đoạn các cuộc thảo luận nhức nhối về chính sách với những lời lẽ cảm thông. Với tư cách là tổng thống đắc cử, ông vẫn nhắc nhở khi các trợ lý bắt đầu thảo luận và sử dụng thuật ngữ khó hiểu. “Hãy cầm điện thoại của bạn lên, gọi cho mẹ bạn, đọc cho bà ấy nghe những gì bạn vừa nói với tôi,” ông nói với họ. "Nếu bà ấy hiểu, chúng ta có thể tiếp tục nói chuyện."


Sự né tránh những chi tiết kỹ thuật này một ngày nào đó có thể tự bộc lộ là một điểm yếu trong việc soạn thảo luật. Nhưng hiện tại, đó là một điểm mạnh rất tốt. Biden nên nhắm đến việc đưa vào chính sách công của mình những phẩm chất mà đã nêu lên năng khiếu kể chuyện đầy cảm xúc bẩm sinh của ông. Có lẽ đây có thể là một câu để tóm lại cách mà Biden sẽ chỉnh đốn phong cách vận hành chính phủ của Obama: Một lần nữa, với cảm xúc.


Biên dịch: Khang Tôn

Comments


bottom of page