Một trong những vấn đề nóng đương thời đang diễn tiến không mấy êm ả trong giới người Mỹ gốc Việt tại vùng New England: Cộng đồng nên ở phía nào của phong trào Black Lives Matter?
Phillip Martin, ngày 5 tháng 8, năm 2020
Translated from the WGBH article Black Lives Matter Movement Stirs Painful Divide In Local Vietnamese-American Community
Tami Nguyễn, sinh viên vừa tốt nghiệp của Đại học Boston, đang trong độ tuổi đầu 20. Cô tin rằng người Mỹ gốc Việt thế hệ cô hầu hết đồng tình với quan điểm rằng Sinh mạng của người da Đen cũng đáng quý (Black Lives Matter).
Một số người nhìn nhận phong trào này lên án đúng đắn sự phân biệt chủng tộc có hệ thống và sự tàn bạo của cảnh sát. Một số khác trong các cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Dorchester, Quincy và Manchester, New Hampshire xem phong trào Black Lives Matter (Sinh mạng của người Da Đen cũng đáng quý) và những người ủng hộ phong trào này là không yêu nước và thuộc phe cánh tả nguy hiểm.
Trong nhóm người chống đối phong trào Black Lives Matter có Bảo Châu Kelly, một người nhập cư gốc Việt sống tại Hooksett, New Hampshire. Cô là một nhà hoạt động ủng hộ Tổng thống Trump và đã từng chiêu mộ một nhóm người Mỹ gốc Việt tham gia vào các cuộc biểu tình Blue Lives Matter (phong trào ủng hộ cảnh sát) để ủng hộ cảnh sát và làm ngập tràn các trang mạng xã hội với thông điệp tấn công phong trào Black Lives Matter, cho rằng đó là một tư tưởng bạo lực chống đối Mỹ. Họ đã chỉ trích những người Mỹ gốc Việt ủng hộ Black Lives Matter, trong đó có Dân biểu bang Massachusetts Trâm Nguyễn tại Andover.
Đầu hè này, cô Nguyễn đã đăng tải một video trên Facebook giải thích lý do cô nghĩ việc ủng hộ phong trào Black Lives Matter là quan trọng. Video của cô đã nhắc đến nỗi sợ tăng cao của người Mỹ gốc Á sau loạt tấn công bằng cả lời nói và vũ trang trên khắp nước Mỹ.
“Chúng ta không thể đánh bại sự phân biệt chủng tộc nhắm thẳng vào cộng đồng mình khi đứng yên đồng lõa cho một hệ thống phân biệt, tước đi giá trị, buộc tội và tàn ác với những bạn bè và hàng xóm người Da Đen của chúng ta,” cô cho biết.
Cô Nguyễn nói với trang WGBH News rằng cô biết trong khoảng 30,000 người dân Mỹ gốc Việt sẽ có một số người phản hồi tiêu cực với thông điệp này. Tuy nhiên, cô cũng cho biết mình không nghĩ nó dẫn đến “công kích cá nhân” và cái cô gọi là “văn cảnh đồi bại chống lại người Da Đen”.
“Tôi cũng đã không lường trước được việc đánh đồng phong trào Black Lives Matter với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Và thực ra, tôi thấy điều này thật mỉa mai vì bố tôi từng phục vụ cho quân đội miền Nam Việt Nam và đã bị tống vào trại cải tạo 8 năm khi chính biến.”
Trong bài viết bằng tiếng Việt được dịch ra của Châu Kelly, cô nói về Nguyễn rằng: “Thật xấu hổ khi bố cô ấy phục vụ miền Nam Việt Nam… và chế độ cộng sản [miền Bắc] Việt Nam bỏ tù.”
Bài viết của Châu Kelly, được trích vào một bài báo từ Eagle Tribune, tiếp tục tuyên bố: “Họ trốn khỏi Việt Nam để bà ấy có thể sống trong tự do, dân chủ và có một tương lai tốt hơn, nhưng [đại diện] Massachusetts này ủng hộ cho chính quyền cộng sản Mỹ và những tên khủng bố ủng hộ phong trào Black Lives Matter trong nước.”
Đồng lõa với chế độ cộng sản là những từ khẩu chiến trong cộng đồng người Việt. Tuy nhiên, lời buộc tội này lại bị Châu Kelly và những người ủng hộ cô trên Facebook nhắm đến Nguyễn và những người Mỹ gốc Việt giữ quan điểm tự do và tiến bộ về chủng tộc.
WGBH News đã liên lạc với Châu Kelly nhưng không nhận được phản hồi. Với lượng lớn người theo dõi trên mạng xã hội, cô đã tổ chức và tham gia vào nhiều cuộc biểu tình chống lại phong trào Black Lives Matter, trong đó có cuộc biểu tình ở Concord, New Hampshire, vào hè này với sự tham gia của lực lượng những người phản đối Da Trắng có vũ trang.
“Mỗi lần bạn không đồng tình, họ gọi bạn là cộng sản,” trích lời Tami Nguyễn, đáp lại Châu Kelly và các nhà hoạt động bảo thủ khác người Việt nam. Cô là em gái của Dân biểu Trâm Nguyễn và là một người ủng hộ phong trào Black Lives Matter nhiệt tình.
“Tôi thật sự tin rằng phong trào Black Lives Matter là một bệ phóng cho chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc và cho các cộng đồng khác,” trích lời Tami Nguyễn. “Người Da Đen đã mở đường bao năm qua. Làm sao chúng ta có ngày hôm nay? Đó là nhờ những người Da Đen ở tuyến đầu đấu tranh cho người nhập cư. Không phải nhờ người châu Á. Chúng ta làm gì có tiếng nói. Đó là nhờ cộng đồng người Da Đen.”
Biểu tình cho Black Lives Matter làm dừng giao thông ở Blue Hill Avenue tại Dorchester vào đầu tháng Sáu, 2020. Phillip Martin, WGBH News
Tami Nguyễn đã tham gia vào cuộc biểu tình lớn ở Blue Hill Avenue tại Dorchester và diễu hành qua công viên Franklin vào tháng Sáu. Cô nói rằng cô cũng đã sắp xếp đường thoát đến nơi an toàn cho những người biểu tình trong những cuộc diễu hành cuối tuần trong Lễ Chiến Sĩ Trận Vong tại trung tâm Boston khi bạo lực nổ ra.
Tami Nguyễn, sinh viên vừa tốt nghiệp của Trường Đại học Boston, đang trong độ tuổi đầu 20. Cô tin rằng người Mỹ gốc Việt thế hệ cô hầu hết đồng tình với quan điểm rằng Sinh mạng của người da Đen cũng đáng quý. Ngược lại, cô nói cô bị sốc bởi những gì đã nghe và đọc trên các truyền thông xã hội của người Việt Nam phía bảo thủ. Cô Nguyễn ngờ rằng một số thứ cô thấy không chỉ là phân biệt chủng tộc, mà còn cụ thể hơn thế nữa.
“Có rất nhiều thành kiến chống người Đa Đen trong cộng đồng mình. Trước giờ tôi chưa từng thấy có nhiều thành kiến chống người da đen như vậy. Tôi bắt đầu tham gia các nhóm trên Facebook để đọc thêm về lý do tại sao mọi người lại chống đối phong trào hiện tại. Và đến giờ vẫn còn thấy bàng hoàng.”
Ông Nam Phạm, Phó Thư ký Phát triển Kinh tế và Nhà ở Bang Massachusetts và là một nhà lãnh đạo đáng kính trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cho biết ông đã từng nghe qua điều này. Cha ông là một lãnh đạo công đoàn ở miền Nam Việt Nam. Khi các lực lượng Bắc Việt di chuyển vào Sài Gòn, ông Nam và gia đình lên đường sang Mỹ, cuối cùng định cư ở khu Fields Corner tại thành phố Dorchester năm 1981. Hàng ngàn người Việt khác theo sau.
Ông Phạm nói, “Chúng tôi chỉ cần một nơi mình có thể gọi là quê hương”.
Hầu hết người di cư Việt Nam ở khu Boston đến từ miền Nam và rất nhiệt tình chống cộng. Ông Phạm cho biết nhiều người theo Đảng Cộng hòa và thường xem người Mỹ gốc Phi là quá tự do. Ông Phạm nói một số người chấp nhận định kiến phân biệt chủng tộc, xem người da đen như tội phạm và nên thấy kinh sợ. Nỗi sợ hãi này còn có phần đến từ bạo lực đường phố trong thời kỳ người Việt mới bắt đầu di cư qua sau chiến tranh.
Ông Phạm cho biết, “vào thập niên 1980 ở khu Fields Corner, hầu hết tất cả các người Việt mà tôi quen biết vào lúc đó đều có đụng độ; họ bị các nhóm người khác nhau, Da Trắng có Da Đen có, tấn công.”
Nhưng nhiều người Việt lại chỉ sợ những người Da Đen. Ông Phạm nói rằng việc này đang thay đổi. Ông và những người khác được phỏng vấn cho bài báo này cho biết rằng trong hàng chục năm nay, nhiều người Mỹ gốc Việt đã xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với những người Mỹ gốc Phi tại Dorchester và các cộng đồng trong khác khu New England.
Lisette Lê, là giám đốc điều hành của VietAID — một tổ chức phi lợi nhuận về phát triển cộng đồng tại Fields Corner — cho biết số người Mỹ gốc Á thuộc mọi quốc tịch thừa nhận vai trò của người Mỹ gốc Phi trong việc giúp họ đến Hoa Kỳ ngày càng tăng. Cô cho biết phần lớn họ nhập cư thành công là nhờ Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch năm 1965. Luật đó đã được thi hành cùng với Đạo luật Dân quyền năm 1964 và Đạo luật Quyền bầu cử năm 1965.
Là người đã đến Mỹ khi còn nhỏ, cô Lê cho biết tổ chức VietAID đang nỗ lực trừ tận gốc thái độ chống người Da Đen và tính bài ngoại trong cộng đồng Việt Nam bằng cách nêu gương.
Cô Lê nói rằng, “Tôi xem đây là một tổ chức Việt dẫn đầu. Tuy tôi là người Mỹ gốc Việt nhưng nhân viên và ban giám đốc của tổ chức chúng tôi đa dạng chủng tộc. Trường mầm non của chúng tôi là đa dạng chủng tộc; các học sinh gốc Caribbe và gốc La-Tinh học trường mầm non của chúng tôi, và các cư dân ở khu nhà ở lương thấp của chúng tôi càng ngày càng có thêm người Da Đen. Các chương trình của chúng tôi cũng nhắm mục tiêu ủng hộ mọi người thuộc các dân tộc khác nhau chứ không chỉ người Việt Nam.”
Cô Lê tin chắc rằng những người chống đối phong trào Black Lives Matter chỉ đại diện cho một thành phần đang thu nhỏ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Dorchester, Quincy và các khu vực khác có nhiều người Việt. Cô cho biết người Việt, vốn cũng đang tự đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ và xoay sở trong thời kỳ gián đoạn kinh tế, phải cộng tác với người Mỹ gốc Phi để hướng tới mục tiêu chung của hai bên.
Cô Lê nói, “Nếu người dân Da Đen bị xua khỏi Fields Corner, thì chắc gì có đặc cách nào bảo đảm rằng người Việt sẽ không chịu chung số phận, nếu tư tưởng kỳ thị không biến mất, phải không? Bởi vậy, nếu chúng ta đấu tranh với xu hướng thượng lưu hóa để được quyền ở lại khu Fields Corner, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những nhóm người khác cũng đang tranh đấu cho quyền được nương thân của họ.”
Translated by Ha Vi Nguyen and Que Do
Copy edits by K.Tran
Comments