top of page

Bắc Hàn và Trump: trở lại khởi điểm và tệ hơn?

Lối tiếp cận Bắc Hàn ngoài khuôn khổ của Tổng Thống Trump đã được ca ngợi bởi nó tạm thời giảm sự căng thẳng giữa đôi bên. Nhưng liệu nó đã thay đổi ở mức đáng kể những vấn đề an ninh quốc gia mà Mỹ đang phải đối đầu?


Howard LaFranchi, ngày 26 tháng 6, 2020

Translated from The Christian Science Monitor article North Korea and Trump: is it back to square one, only worse?

Tổng thống Trump gặp gỡ Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại khu phi quân sự chia đôi Bắc Hàn và Nam Hàn, ở Panmunjom, Nam Hàn, ngày 30 tháng 6, 2019.


Vào ngày nhậm chức năm 2017, khi Barack Obama đưa Donald Trump vào phòng Bầu Dục, vị tổng thống sắp mãn nhiệm đã có một cảnh báo thẳng thừng với người kế nhiệm về Bắc Hàn.


Một chế độ độc tài đầy biến động và khó đoán với một kho vũ khí hạt nhân non trẻ và một chương trình tên lửa xuyên lục địa sắp đạt khả năng bắn tới lục địa Hoa Kỳ sẽ là thách thức nghiêm trọng nhất về an ninh quốc gia cho tân tổng thống, ông Obama cảnh báo.


Bây giờ, sau ba năm rưỡi, khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sắp sửa vào guồng, nhiều chuyên gia Đông Bắc Á cho rằng những gì cựu Tổng Thống Obama cảnh báo Tổng Thống Trump vẫn có thể áp dụng cho bất cứ ai ngồi trong phòng Bầu Dục vào ngày nhậm chức năm 2021 - dù là Tổng Thống Trump thắng cử nhiệm kỳ hai, hay cựu Phó Tổng Thống Joe Biden trèo lên vị trí đứng đầu.


Quả thật, sau màn tiếp cận ngoại giao phi chính thống của ông Trump với Kim Jong Un của Bắc Hàn, mặc dù tạm thời giảm căng thẳng nhưng đã thất bại trong việc giải giáp hạt nhân Bình Nhưỡng, mọi thứ về căn bản đã quay lại vạch xuất phát, một số chuyên gia nói vậy.


Chưa kể thêm một biến số lớn nữa.


“Chúng ta cơ bản là đã trở lại điểm khởi đầu - có khi còn tệ hơn nữa, “ ông Frang Aum, cựu cố vấn cao cấp của Ngũ Giác Đài về Bắc Hàn và hiện tại là chuyên gia cao cấp về Bắc Hàn tại Viện Hoà Bình Hoa Kỳ (US Institute of Peace) ở Washington nói. Ông nói Bắc Hàn đang lặng lẽ tích luỹ nhiều vật liệu phân hạch hơn - đủ để chế tạo từ 7 tới 12 quả bom nguyên tử hàng năm, các chuyên gia ước tính - và đang phát triển ổn định năng lực phóng tên lửa xuyên lục địa của họ.


Ông nói thêm “Họ đạt được những điều đó trong khi ba năm rưỡi qua, chúng ta không đạt được gì trong việc việc giải giáp hạt nhân”.


Những người khác còn thẳng thắn cho rằng “trở lại điểm khởi đầu” không những không chính xác mà thậm chí còn nguy hiểm, bởi vì chúng ta đã không tính đến những tiến bộ đáng kể về công nghệ hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn - và cũng không nhận thấy rằng bốn năm nữa để Bình Nhưỡng tiếp tục là cường quốc hạt nhân không chính thức sẽ không khiến họ dễ bị thuyết phục từ bỏ hạt nhân hơn.


Bruce Klinger, một cựu viên chức CIA về Đại Hàn, hiện là nghiên cứu viên khu vực Đông Bắc Á tại Heritage Foundation ở Washington phát biểu “Dù là ai ở trong phòng Bầu Dục vào tháng Giêng sắp tới, vị trí của Bắc Hàn trong danh sách các mối đe doạ an ninh quốc gia sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc họ có gây hấn và khiến Mỹ buộc phải phản ứng hay không.“


Ông nói thêm “nhưng mà mọi thứ sẽ không thật sư quay lại khởi điểm như trước, bởi vì năng lực hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn giờ đã mạnh hơn - về cả chất lẫn lượng - so với năm 2017”.


Hàng Loạt Những Khiêu Khích

Với việc thế giới đang bận tâm về đại dịch coronavirus, Bắc Hàn đã lui vào hậu trường của sân khấu thế giới, một vị trí không lấy gì làm vinh dự cho lắm sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội, Việt Nam hồi năm ngoái. Cuối cùng, Bắc Hàn đã từ chối yêu cầu của Mỹ buộc họ tháo bỏ chương trình hạt nhân trước khi nới lỏng cấm vận kinh tế.


Hội nghị thượng đỉnh đó dường như đã chấm dứt “tình yêu” giữa hai bên mà Trump tuyên bố.


Nhưng ông Klinger đã ghi nhận, Bắc Hàn “không thích bị phớt lờ”, nhất là khi có gì đó mà họ đang rất muốn - trong trường hợp này là sự nới lỏng các biện pháp trừng trị kinh tế của Mỹ và đồng minh. Và vì vậy, trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng đã khởi động một loạt hành vi khiêu khích mới với mục đích nhằm cảnh cáo và trừng trị cả Nam Hàn lẫn Mỹ.

Hình cung cấp bởi chính phủ Bắc Hàn cho thấy sự phá huỷ văn phòng liên lạc giữa Nam và Bắc Hàn tại Kaesong, Bắc Hàn, vào ngày 16 tháng 6, 2020, ngay phía Bắc biên giới hai bên. Các phóng viên độc lập không được phép chứng kiến và tường trình sự kiện.


Cuối tuần qua Bình Nhưỡng đã làm náo loạn khu vực Đông Bắc Á - và những nhà quan sát bán đảo Triều Tiên ở Mỹ - bằng cách cho phá nổ văn phòng liên lạc 2 miền tại thị trấn biên giới Kaesong. Bắc Hàn đã cắt đứt mọi kênh liên lạc với Nam Hàn, và đe doạ sẽ đưa quân vào vùng hợp tác biên giới và quân sự hoá trở lại vùng phi quân sự giữa hai nước Bắc và Nam Hàn.


Hôm thứ ba, Bình Nhưỡng đột nhiên lại quay ngoắt 180 độ và tuyên bố đình chỉ các kế hoạch quân sự nhắm vào Nam Hàn - một nước đi mà các nhà phân tích kết luận là hành vi “tung hoả mù” điển hình


Nhưng hành động đó không cho thấy một sự mềm mỏng hơn đáng kể đối với Mỹ hay Nam Hàn..


Hôm thứ năm, Bình Nhưỡng đã chọn ngày kỷ niệm 70 năm chiến tranh Triều Tiên để công kích “chính sách thù nghịch” của Mỹ, nói rằng họ không có lựa chọn nào hơn ngoài việc đem “hạt nhân đấu với hạt nhân” và sẽ biến nó trở thành nền tảng trong chính sách an ninh quốc gia của họ.


Người em gái

Những tuyên bố hung hăng gần đây trùng hợp với sự xuất hiện và đánh bóng tên tuổi của Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un, như một người cứng rắn với những liên hệ chặt chẽ với quân đội.


Cô Kim được ca tụng như Ivanka Trump của chế độ Kim khi cô xuất hiện - áo quần cao cấp với bóp hàng hiệu trong tay - để dẫn dắt phái đoàn Bắc Hàn đi dự Thế Vận Hội Seoul năm 2018. Sự biến đổi của cô từ một người mẫu thời trang thành một lãnh đạo cứng rắn và tự chủ có thể là một dạng chính sách bảo hiểm cho chế độ Kim, khi sức khoẻ của Kim Jong Un đang bị nghi ngờ chuyển biến xấu, một số chuyên gia cho biết.


Nó cũng là một thông điệp cho dân Bắc Hàn cũng như toàn thế giới biết là chế độ gia đình trị nhà họ Kim sẽ tiếp tục tồn tại - và vẫn có đủ phương tiện để gây bất an cho các nước láng giềng cũng như các siêu cường khác.


Các dấu hiệu gần đây cho thấy một ông Kim đang bị bỏ rơi muốn nhắc nhở ông Trump rằng cả hai quốc gia vẫn chưa thanh toán với nhau rốt ráo - và Bình Nhưỡng cũng có những chiêu trò có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nếu họ muốn dùng tới.

Kim Yo Jong (bên phải) đang giúp ông anh, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un, ký một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in tại nhà khách bang Paekhwawon ở Bình Nhưỡng, Bắc Hàn, ngày 19 tháng 9, 2018. Cô Kim quyền lực gần đây đã đóng một vai trò nổi bật trong sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nam và Bắc Hàn.


Hồi đầu tháng, bộ trưởng ngoại giao Bắc Hàn, Ri Son Gwon, đã đưa ra một phê bình phũ phàng về chính sách ngoại giao của ông Trump, gọi nó là “một trò lừa bịp ngu xuẩn để giữ [Bình Nhưỡng] trong cuộc đối thoại” và để lèo lái “tình hình chính trị và bầu cử ở Mỹ”.


Ông ta nói thêm “không bao giờ có lần thứ 2, chúng tôi cung cấp cho người lãnh đạo Hoa Kỳ thành quả để khoe khoang mà không được đáp lại bằng một thứ gì”.


Chừng nào chính sách đối ngoại vẫn là một yếu tố chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump vẫn có thể tuyên bố Hoa Kỳ đã có lợi nhờ cách giao tiếp ngoài khuôn khổ của ông với Bắc Hàn, một số nhà phân tích nói. Sau giai đoạn “lửa và phẫn nộ” ban đầu, hội nghị thượng đỉnh Singapore đầy ấn tượng năm 2018 đúng là đã hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ - Bắc Hàn, các chương trình thử nghiệm vũ khí và tên lửa được tạm ngừng, và ông Trump bảo đảm với dân Mỹ là họ có thể “yên ngủ vào ban đêm”.


Thậm chí một số nhân vật tên tuổi trong lãnh vực an ninh quốc gia gần đây đã ra mặt ủng hộ tổng thống khi ông nỗ lực làm khác đi. Trong cuốn sách mới phát hành, “Thi hành quyền lực” (“Exercise of Power”), cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates nói ông ta ủng hộ đường lối ngoại giao của ông Trump với Bắc Hàn vì “mọi nỗ lực khác nhằm hạn chế khả năng hạt nhân của Bắc Hàn trong 25 năm qua” đã thất bại.


Bất ngờ tháng 10?

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không hề có ý định ngồi ngoan ngoãn thụ động như một “thành tích” trong chính sách đối ngoại của tổng thống.


Ông Klingner của Heritage nói rằng ông chưa từng bao giờ thấy Bắc Hàn lặp đi lặp lại một cách trực diện về cuộc bầu cử của Mỹ như bây giờ, một dấu hiệu mà ông tin là Bắc Hàn đang tính toán gì đó cho một động thái thật đình đám - có lẽ vào khoảng tháng 10? - như là một hành động phá hoại cuộc bầu cử tổng thống.


Ông Aum của USIP đánh giá khác, lưu ý rằng dù ông tin là Bắc Hàn vẫn tiếp tục gây hấn lẻ tẻ trong những tháng sắp tới để cho thế giới thấy là họ vẫn có thể gây huyên náo, nhưng ông không nghĩ họ dám bước qua “giới hạn đỏ” - ví dụ như thí nghiệm hạt nhân hay phóng tên lửa xuyên lục địa - mà có thể dẫn đến thêm cấm vận kinh tế từ thế giới.


Cho dù là ai ngồi vào phòng Bầu Dục tháng Giêng tới, ông Aum nói bài học từ 4 năm qua là: không phải việc thử cách tiếp cận mới với Bắc Hàn là sai lầm, nhưng sự kết hợp giữa những cuộc gặp thượng đỉnh “chỉ có bề ngoài” với những chính sách kiểu “được ăn cả ngã về không” mới là một công thức thất bại.


“Chúng ta không nên đổ lỗi cho cách tiếp cận ngoài khuôn khổ của tổng thống với Bắc Hàn đã không đi tới đâu”, ông Aum nói, “nhưng chúng ta phải phê phán cách mà chính sách đó được thi hành.”


Ông Aum nói sự tổng hợp giữa kiểu “ngoại giao truyền hình thực tế” và “những yêu cầu cực đoan đòi (Bắc Hàn) phải huỷ bỏ toàn bộ giải giáp toàn bộ chương trình hạt nhân trước khi được nới lỏng cấm vận kinh tế” không phải là một tổ hợp có hiệu quả. “Điều đó sẽ không bao giờ thành công.”


Translated by Minhly Pham.

コメント


bottom of page