top of page

Các nhóm Facebook chuyển đến tấn công phong trào Black Lives Matter

Updated: Dec 26, 2021

Amanda Seitz, ngày 5 tháng 7, 2020


Vào ngày 19 tháng 6 năm 2020, theo như bức ảnh, những người biểu tình đeo mặt nạ bảo vệ cùng tuần hành trong cuộc biểu tình Juneteeth bên ngoài Bảo tàng Brooklyn, quận Brooklyn thuộc New York. (ảnh thuộc AP/ John Minchillo)


CHICAGO (AP) - Một mạng lưới rộng của các nhóm trên Facebook trải khắp nước Mỹ vào tháng Tư vừa qua tổ chức các cuộc biểu tình chống lại lệnh yêu cầu ở nhà đã trở thành hang ổ cho những thông tin sai lệch và nơi lan truyền các thuyết âm mưu nhắm đến các mục tiêu mới. Nạn nhân mới đây nhất: Black Lives Matter và các cuộc biểu tình chống bất công sắc tộc trên khắp đất nước.


Các nhóm này, hiện đang thu hút đến một lượng lớn khán giả với khoảng 1 triệu thành viên, vẫn đang phát triển mạnh mẽ ngay cả khi các tiểu bang đang dần dỡ bỏ các lệnh cấm do virus.


Và rất nhiều nhóm như vậy đang chuyển hướng trọng tâm.


Một nhóm vào tháng trước đã đổi tên từ “Mở cửa California trở lại” sang “Những người yêu nước ở California ủng hộ luật pháp và trật tự,’’ với rất nhiều bài đăng gần đây mỉa mai phong trào Black Lives Matter hoặc đổi khẩu hiệu sang “White Lives Matter.” Các thành viên đã sử dụng những từ ngữ tục tĩu để hạ nhục những người Da Đen và người biểu tình, gọi họ là “lũ thú vật”, “phân biệt chủng tộc” và “lũ du côn” - vi phạm trực tiếp tiêu chuẩn ngôn từ thù ghét của Facebook.


Một số trang khác trở thành diễn đàn để lan truyền những thuyết âm mưu về các cuộc biểu tình, và rằng những người tham gia được trả tiền để đến các buổi tuần hành, thậm chí cả cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu tay không tấc sắt thiệt mạng khi bị cảnh sát Minneapolis bắt giữ, cũng chỉ là dàn dựng.


Theo đánh giá của Associated Press, những bài đăng gần nhất của khoảng 40 nhóm Facebook dạng này - hầu hết được lập ra bởi các nhóm bảo thủ hay vận động ủng hộ súng đạn - cho thấy các cuộc hội thoại đã có chuyển biến vào tháng trước để nhắm vào mục đích tấn công các cuộc biểu tình trên khắp đất nước về sự giết hại của đàn ông và phụ nữ Da Đen sau cái chết của Floyd.


Một số người dùng Facebook ở các nhóm này còn đăng đến vài trăm lần mỗi ngày trong các diễn đàn chỉ dành cho thành viên và được che dấu khỏi những lượt xem công khai.


“Trừ khi Facebook tích cực tìm kiếm tin tức sai lệch ở những chỗ như thế này, họ sẽ không thể nào phát hiện ra chúng trong một thời gian dài và chúng sẽ có cơ hội mọc lên như nấm,” Joan Donovan, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Truyền thông, Chính trị, và Chính sách công cộng Shorenstein thuộc Harvard Kennedy School, phát biểu. “Qua thời gian, mọi người sẽ lôi kéo thêm những người khác vào và tiếp tục tham gia đóng góp.”


Facebook nói rằng họ biết về những nhóm ủng hộ việc tái mở cửa này, và đang sử dụng công nghệ cũng như dựa vào những người dùng khác để phát hiện ra các bài đăng có vấn đề. Công ty cũng đã cam kết trong quá khứ sẽ tìm kiếm những dấu hiệu vi phạm quy tắc trong các nhóm bí mật cũng như công khai. Nhưng trang mạng này không phải lúc nào cũng thực hiện như lời hứa.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 2019, những người tham gia đã chụp ảnh tự sướng trước biểu tượng Facebook ở F8, Hội nghị các nhà phát triển của Facebook ở San Jose. (ảnh AP/Tony Avelar)


Một thời gian ngắn sau khi những nhóm này được thành lập, họ đã lan truyền những tin giả liên quan đến coronavirus cũng như các thuyết âm mưu, bao gồm cả những lập luận cho rằng đeo khẩu trang là “vô dụng,’’ và rằng chính phủ Hoa Kỳ đã nhắm đến việc bắt buộc người dân phải tiêm vaccine cũng như COVID-19 chỉ là trò lừa đảo được lên kế hoạch nhằm gây tổn hại cơ hội Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào mùa thu tới đây.


Các bài đăng trong các nhóm riêng từ này ít có khả năng sẽ bị Facebook hay các thiết bị chọn lọc tin tức sờ gáy, theo lời của Donovan. Facebook đã nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới, bao gồm cả Associated Press, để kiểm tra các khiếu nại trên các trang. Các thành viên trong các nhóm riêng tư trên đã tạo ra một hiệu ứng buồng phản âm (echo chamber), đồng tình với các bài đăng, và do đó sẽ ít khả năng báo cáo chúng lên cho Facebook hay công cụ kiểm tra để kiểm duyệt.


Ít nhất một nhóm Facebook, ReOpen PA, đã đặt ra quy định cho 105,000 thành viên của mình để giữ cho các cuộc trò chuyện tập trung vào việc mở cửa trở lại việc kinh doanh cũng như trường học ở Pennsylvania, và thêm vào một vài điều khác cấm đăng về các cuộc biểu tình đòi công lý sắc tộc hay các thuyết âm mưu về tính hữu dụng của khẩu trang.


Nhưng hầu hết các nhóm khác đơn giản là không quản lý chặt chẽ đến như thế.


Ví dụ như, một vài nhóm ở New Jersey, Texas và Ohio đã gọi những bất công phân biệt chủng tộc có hệ thống là một trò lừa đảo. Một thành viên của nhóm Facebook ở California đã đăng lên một tờ rơi với nội dung “Hỡi những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em Da Trắng, các người chính là kẻ thù” được gán cho phong trào Black Lives Matter. Một tuyên bố sai lệch khác đó chính là một người đàn ông Da Đen đang vung vẩy khẩu súng bên ngoài ngôi biệt thự tại St. Louis nơi một cặp đôi da trắng đối đầu với người biểu tình bằng súng lực. Hàng tá tài khoản khác thuộc các nhóm này đã đưa ra những giả thuyết sai lệch ví dụ như nhà tỷ phú dân chủ George Soros đã trả tiền cho đám đông tham dự cuộc biểu tình đòi công lý bình đẳng sắc tộc.

Vào ngày 31 tháng 5 năm 2020, người biểu tình tuần hành khỏi tòa nhà Quốc Hội, St.Paul, Minnesota. (ảnh AP/John Minchillo)


Các thành viên trong hai nhóm Facebook - Hội những người Wisconsin Phản đối lệnh cách ly quá quắt cùng Hội người Ohio Phản đối lệnh cách ly quá quắt - cũng thường xuyên nhắc đến những người biểu tình và dùng các từ để mô tả như “lũ thú vật”, “bọn côn đồ” hay “lũ cướp phá được trả tiền.”


Trong nhóm Ohio, một tài khoản đã viết vào hôm 31 tháng 5: “Sự chú ý đang được chuyển hướng từ tiếng nói của những người tự do vùng lên chống lại sự chuyên chế độc tài… sang những tên côn đồ vô pháp đến từ một nhóm nổi tiếng phân biệt chủng tộc, gây ra những hệ lụy bạo lực và đảo lộn cuộc sống.”


Hai trang trên là một phần của mạng lưới các nhóm ở Ohio, Wisconsin, Minnesota, New York và Pennsylvania được tạo bởi nhà hoạt động bảo thủ Ben Dorr, người có nhiều năm kinh nghiệm gây quỹ hành lang cho những vấn đề nổi cộm gây tranh cãi như phá thai hay quyền sử dụng súng. Nguyên nhân mới nhất - ép chính phủ liên bang mở cửa trở lại - đã thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi trên nhóm Facebook riêng tư này khi chúng được ra lò.


Các nhóm bí mật đang tăng dần quy mô, nhưng lại chẳng có nhiều quản lý tổng quát, được ví như là như là những “phòng hầm ghê rợn” nuôi dưỡng định kiến thái quá và lan truyền thông tin sai lệch, theo như phát biểu của nhà nghiên cứu Nina Jankowicz, thành viên của Trung tâm Trung lập Wilson, Washington D.C.


“Cái cách những diễn đàn như thế này cho ra đời những cá nhân chính trị tồi tệ nhất,” Jankowicz nói. “Thay vì giải tán - họ có đất để tụ lại với nhau.”



Đóng góp bởi cây bút Barbara Ortutay tại Oakland, California thuộc Associated Press.


Translation by Duong Nguyen

Copy edits by Cookie Duong

Comments


bottom of page