top of page

Các thuật ngữ về bản dạng giới tính

Updated: Jun 8, 2021

Translated from NPR's article A Guide To Gender Identity Terms


Người chuyển giới và người phi giới tính đang đối mặt với nhiều thách thức trên con đường đấu tranh vì quyền bình đẳng và quyền được công nhận.

By Laurel Wamsley, on 02-06-2021, 01:00:00

Người chuyển giới và người phi giới tính đang đối mặt với nhiều thách thức trên con đường đấu tranh vì quyền bình đẳng và quyền được công nhận. Những vấn đề này có thể liên quan đến từ ngữ, ý niệm và các cách xác định danh tánh mới.

Trong bài này chúng tôi đã tập hợp một bảng chú giải thuật ngữ liên quan đến bản nhận dạng giới. Mục tiêu của chúng tôi là giúp mọi người có thể giao tiếp chính xác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Việc sử dụng đúng các thuật ngữ nhận dạng giới tính, bao gồm cả đại từ nhân xưng, là một cách quan trọng và lịch sự để bày tỏ sự chấp nhận. Alex Schmider, phó giám đốc đại diện người chuyển giới tại GLAAD, so sánh việc sử dụng đại từ chính xác cho ai đó tương đương với việc phát âm đúng tên của họ - "gọi ai đó theo một cách nhất quán và đúng với con người của họ là một cách tôn trọng họ."


Bảng chú giải thuật ngữ nhận dạng giới tính

Hướng dẫn này được biên soạn với sự trợ giúp từ GLAAD. Chúng tôi cũng tham khảo các nguồn từ National Center for Transgender Equality, the Trans Journalists Association, NLGJA: The Association of LGBTQ Journalists, Human Rights Campaign, InterAct and the American Psychological Association. Hướng dẫn này không đầy đủ và đa phần chỉ tập trung dành cho các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Các nền văn hóa khác có thể sử dụng các thuật ngữ khác nhau và có quan niệm khác về giới tính.


Lưu ý: Ngôn ngữ luôn thay đổi. Một số thuật ngữ được sử dụng phổ biến hiện nay khác với những thuật ngữ được sử dụng trong quá khứ để mô tả những ý niệm, bản sắc và trải nghiệm tương tự. Một số người có thể tiếp tục sử dụng các thuật ngữ ít được sử dụng hơn hiện nay để mô tả bản thân trong khi một số khác có thể sử dụng các thuật ngữ khác hoàn toàn. Điều quan trọng là công nhận và tôn trọng mọi người với một bản sắc riêng.


Sau đây là các thuật ngữ:


Sex - giới tính sinh học của một cá nhân được xác định khi mới sinh, dựa vào hình thái học của bộ phận sinh dục bên ngoài. Sex được phân làm 3 loại chính: nam, nữ, hoặc liên giới tính-intersex là người có khuyết điểm bẩm sinh về giới tính nên không thể phân loại.


Gender - giới tính xã hội được xác định theo cấu trúc xã hội thông thường, các hành vi, vai trò khác nhau trong xã hội theo thời gian. Gender thường được phân thành: nam, nữ hoặc không thuộc hai nhóm trên-nonbinary.


Gender identity - bản dạng giới: ý thức nội tại của một cá nhân về giới tính xã hội của họ, thường khó xác định được nếu chỉ nhìn bề ngoài.


Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho biết phần lớn nhận dạng giới sẽ tương ứng với giới tính sinh học được xác định lúc mới sinh. Đối với những transgender - người chuyển giới, nhận dạng giới sẽ có sự khác biệt nhiều hay ít so với giới tính sinh học.


Gender expression - Biểu hiện giới: là cách mà một người thể hiện giới tính xã hội của mình thông qua hành vi cư xử, cách ăn mặc, giọng nói và những đặc điểm khác. Xã hội nhìn nhận những dấu hiệu này để phân loại giữa giới tính nam hoặc nữ, mặc dù cách đánh giá nam hay nữ cũng được thay đổi theo thời gian và theo văn hoá địa phương.


Cisgender - Hợp giới: là một tính từ chỉ sự tương hợp giữa bản dạng giới và giới tính sinh học của một người.


Transgender - Chuyển giới: là một tính từ mô tả một người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học của họ. Ví dụ khi nói đến một người chuyển giới nam, có nghĩa là người này lúc sinh ra được phân loại là nữ nhưng bản dạng giới của họ là nam.

Từ “hợp giới” và “chuyển giới” xuất xứ từ tiền tố tiếng Latin, “cis” và “trans”, nghĩa là “bên này” và “bên kia”. Cả hai tính từ đều diễn tả bản dạng giới của một người.


Nonbinary - Phi nhị nguyên giới: là thuật ngữ chỉ một người không tự nhận họ thuộc về nam hay nữ. Có nhiều thuật ngữ để nói về hiện tượng này, trong số đó là “nonbinary” và “genderqueer”.


Agender - Vô giới: là một tính từ chỉ người không thuộc bất kỳ giới tính nào.


Gender-expansive - Giới tính mở: là tính từ mô tả một người có bản dạng giới linh hoạt hơn là giới tính xã hội nhị phân tiêu chuẩn.


Gender transition - Sự chuyển đổi giới tính: là quá trình một người thể hiện hoặc thay đổi cơ thể của họ cho phù hợp với bản dạng giới. Quá trình này gồm nhiều bước. Có thể là các bước sau: công khai bản dạng giới của họ với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp; thay đổi tên và cách xưng hô; cập nhật thông tin về giới trên các chứng từ; can thiệp y tế bằng liệu pháp hormone, giải phẫu, thường được gọi là giải phẫu xác nhận giới tính.


Gender dysphoria - Chứng phiền muộn giới đề cập đến sự đau khổ về tâm lý do sự không tương ứng giữa giới tính sinh học và bản dạng giới của một người. Không phải tất cả những người chuyển giới đều bị chứng phiền muộn và những người mắc chứng này cũng có nhiều mức độ khác nhau.


Chứng phiền muộn giới là một chẩn đoán được liệt kê trong Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần. Một số người cho rằng việc chẩn đoán như vậy là không phù hợp về giới tính, trong khi những người khác cho rằng chẩn đoán giúp người chuyển giới dễ dàng tiếp cận điều trị y tế cần thiết hơn.


Sexual orientation - Xu hướng tính dục: chỉ sự hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc thể xác (hoặc cả hai) đối với những người cùng hay khác giới, bao gồm, lesbian (đồng tính nữ), gay (đồng tính nam), bisexual (song tính), và straight ("thẳng").


Một người không cần có trải nghiệm tình dục, hẹn hò, cặp bồ, hay yêu một ai khác, để biết xu hướng tình dục của mình là gì. Ví dụ, một phụ nữ song tính cặp bồ với một người đàn ông không có nghĩa là cô ta không song tính nữa.


Xu hướng tính dục khác với bản dạng giới. GLAAD có lưu ý rằng, “Người chuyển giới có thể ”thẳng", đồng tính nữ/nam, song tính, hoặc thuộc hệ đa dạng tính dục. Chẳng hạn, một người chuyển giới từ nam sang nữ và chỉ thích đàn ông thường tự nhận là một phụ nữ “thẳng”. Người khác chuyển giới từ nữ sang nam và cũng chỉ thích đàn ông thì lại nhận mình là đồng tính nam”.


Intersex - Liên giới: là một thuật ngữ phổ rộng chỉ người có sự khác biệt giữa cấu tạo cơ quan sinh dục và nhiễm sắc thể/hormone giới tính, khiến họ không thuộc giới tính nam hay nữ theo định nghĩa thông thường.


Liên giới cũng có thể nói đến một số biến đổi tự nhiên khác được nhắc tới trong Đạo Luật Người Liên Giới. Là người liên giới không có nghĩa là phi nhị nguyên giới hay chuyển giới, vốn là thuật ngữ về bản dạng giới.


Đại từ nhân xưng: câu hỏi thường gặp

Vai trò của đại từ nhân xưng trong việc xác định bản dạng giới?


Mỗi người có một đại từ nhân xưng riêng của mình - và sử dụng chúng sao cho chính xác không chỉ giới hạn ở chuyện chuyển giới.


Mary Emily O'Hara, giám đốc quan hệ công chúng của GLAAD, cho biết “Đại từ nhân xưng chính là cách chúng ta gọi nhau ngoài cách dùng tên riêng trong các cuộc hội thoại. Và khi bạn nói chuyện với người khác, thì đó là một cách đơn giản để mình xác nhận bản sắc của họ.”


“Chẳng hạn như, việc dùng đúng đại từ xưng hô đối với người chuyển giới và phi nhị nguyên giới là cách để cho họ biết ta hiểu, chấp nhận, và yêu thương con người của họ, khi họ đang bị kỳ thị và phân biệt bởi vô số các định luật và chính sách chống người chuyển giới.”


O'Hara cũng nói thêm, “Hãy cho họ biết rằng bạn thừa nhận bản sắc của họ. Đơn giản vậy thôi.”


Làm sao để xưng hô cho đúng với người khác?


Trước tiên, hãy nói cho người kia cách mình muốn được xưng hô là gì.

Rodrigo Heng-Lehtinen, phó tổng giám đốc Trung Tâm Bình Đẳng Giới quốc Gia, đưa ra ví dụ “Khi tự giới thiệu, tôi sẽ nói, “Tôi tên là Rodrigo, tôi dùng đại từ xưng hô là ”him". Còn bạn thì sao?"

O'Hara tâm sự, “Lúc đầu sẽ thấy hơi kỳ, nhưng dần tự lúc nào sẽ thành câu cửa miệng khi chào hỏi”.


Chúng ta có cần phải hỏi tất cả mọi người về cách xưng hô hay không, hay tuỳ vào hoàn cảnh?


Chúng ta nên biết người đối diện muốn được xưng hô như thế nào để nắm chính xác thông tin về người ấy.

Biểu hiện giới “không liên quan gì đến bản dạng giới của một người”, Schmider, GLAAD, cho biết. Bằng việc xưng hô với nhau chính xác, “bạn có thể hiểu biết thêm về người đối

diện.”


Và đương nhiên, lúc đầu sẽ thấy hơi kỳ, nhưng dần sẽ thành quen.

Heng-Lehtinen nhấn mạnh vai trò của việc ghi chú đại từ nhân xưng ở cuối email hoặc lúc bắt đầu cuộc hội thoại để giảm bớt gánh nặng trong ứng xử đối với người có tên không thông dụng hoặc không rõ giới tính.

“Đôi lúc người Mỹ chúng ta không biết gọi một người là nam hay nữ khi chỉ dựa vào tên của người ấy — không phải vì họ là người chuyển giới, mà là vì tên họ thuộc về một nền văn hóa mà mình không biết đến. Vì thế, nên đề cập cách xưng hô mà mình muốn với người đối diện để cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ hơn", Heng-Lehtinen nói. “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa ”cách xưng hô" cho vừa lòng nhau"

Liệu ở nơi công cộng sẽ có người sẽ cảm thấy không thoải mái khi nói tới cách xưng hô mà họ muốn?


Schmider trả lời rằng đối với người hợp giới, chuyện đó rất dễ dàng với họ - miễn sao họ biết giới tính mình là gì và đại từ nhân xưng thích hợp. Với những người khác thì hơi khó khăn ở nơi nhiều người xa lạ.


Nhưng, theo anh ta, lợi ích của việc này chính là, “họ hiểu bản dạng và biểu hiện giới không giống nhau, và mình không đánh giá người khác chỉ dựa vào bề ngoài, hay gán ghép giới tính mà không biết gì về họ.”


Làm sao dùng từ “they” để xưng hô cho một cá nhân?


O'Hara cho biết “từ ‘they’ (họ) đã được sử dụng phổ biến như một đại từ số ít khi chúng ta nói về ai đó mà không biết họ là ai. Việc sử dụng đại từ they/them cho người mà bạn đã biết chỉ đơn giản là 'phá cách một chút'. Chỉ là khi trò chuyện với nhau thì đừng dùng từ ngữ chỉ giới tính mà thôi.”


O'Hara nói thêm “Tôi là người phi nhị nguyên giới nhưng có kiểu hình là nữ. Mọi người sẽ mặc định gọi tôi là she/her. Tôi chỉ nhẹ nhàng nói để họ sửa là từ nay gọi tôi là they/them nhé.”


“Gia đình và bạn bè vẫn hay quên về danh xưng của O'Hara và O'Hara cũng hay quên về danh xưng của người khác. Trong cộng đồng người có giới tính chưa xác định thì họ hay nhắc nhở nhau về danh xưng một cách cởi mở. Chúng ta luôn cần có thời gian để điều chỉnh lại cách xưng hô. Chúng ta có thể gọi sai rồi gọi lại cho đúng, và nhẹ nhàng chỉnh sửa người khác nếu họ gọi sai. Chuyện này bình thường thôi.”


Bạn sẽ làm gì khi mắc sai lầm hoặc nhận định sai về giới tính của ai đó?


Chỉ cần xin lỗi và tiếp tục thôi.

Heng-Lehtinen nói: chúng ta đều là con người nên việc mắc sai lầm lúc ban đầu là bình thường. Để biết được một ý niệm mới luôn cần phải có thời gian và luôn duy trì cảm hứng học hỏi. Khi bạn xin lỗi và tiếp tục câu chuyện sẽ cho người kia thấy bạn có quan tâm đến họ. Điều này tạo ra khác biệt đáng kể.


Tại sao danh xưng hay ở dạng she/her hoặc they/them mà không chỉ là she hay they?


Trước đây người ta dùng danh xưng theo bộ 3 từ ví dụ he/him/his. Sau này để rút gọn người ta chỉ dùng 2 từ he/him.


Theo Heng-Lehtinen thì không có luật nào về vấn đề này, nó chỉ là thói quen sử dụng.

Nhưng có điểm lợi của việc dùng hai từ đi đôi với nhau he/his và she/her là vì nếu chỉ nói he hay she, hai từ này có vần giống nhau nên đôi khi khiến người nghe không phân biệt

được và họ sẽ xưng hô sai.


Nếu một người dùng danh xưng là he/they hoặc she/they thì sao?


Đơn giản là họ dùng cả hai danh xưng vì họ cảm thấy an toàn và thoải mái khi dùng vậy.

Schmider đề nghị cách tốt nhất là nên lắng nghe cách mọi người xưng hô về họ như thế nào.


Tại sao một số người có tên khác với tên ghi trên giấy tờ?

Heng-Lehtinen cho biết việc đổi tên là cách một người công khai họ là người chuyển giới. Nhưng thực tế có nhiều vấn đề phức tạp và tốn chi phí khi phải cập nhật lại tên trên các giấy tờ tuỳ thân.


Việc đổi tên (với bất kì lí do nào khác) khó khăn hơn nhiều so với việc bạn chỉ đổi họ khi bạn lập gia đình.


Khi bạn là người chuyển giới, bạn không thể nào làm lại hết thông tin trên các giấy tờ tuỳ thân dù bạn rất muốn làm. Heng-Lehtinen cho biết anh ấy công khai giới tính xã hội hơn một thập niên nay mà vẫn chưa thay hết được tên trên giấy tờ vì các quy định khó khăn. Anh ấy đã đổi được tên trên bằng lái xe, thẻ an sinh xã hội, passport nhưng vẫn chưa đổi

được tên trên giấy chứng sanh.


Vì vậy mọi người hãy thông cảm và gọi tên mà những người đó thực sự đang dùng cho dù nó không giống trên giấy tờ tuỳ thân.


NPR's Danny Nett đã đóng góp vào bài báo cáo này.

Người dịch: Nhan Tran & Chau Tran

Biên tập: Tri Luong


Comments


bottom of page