top of page

Cách bảo vệ cuộc bầu cử tiếp theo khỏi tay Trump

By Andrew Prokop, on 06-01-2022, 00:00:00

Vụ bao động ngày 6 tháng 1, 2021 kết thúc đã được một năm — và có lẽ là chúng ta còn ba năm nữa cho đến khi một đợt hỗn loạn khác nổ ra vào tháng 1 năm 2025. Dường như Donald Trump đang có ý tranh cử tổng thống thêm lần nữa. Các cận thần của ông ta đang cố gắng giành lấy những vị trí bầu cử trọng yếu. Đảng Cộng Hòa vẫn trung thành với Trump, bất chấp (hay chính bởi vì) việc ông tìm mọi cách hòng vô hiệu hóa chiến thắng bầu cử tổng thống của Joe Biden. Còn các khiếm khuyết nguy hại trong cơ cấu của hệ thống bầu cử Hoa Kỳ thì vẫn chưa được giải quyết. Bất kể việc một đám đông giận dữ nào đó có xuất hiện hay không, thì khả năng rất cao là có người vẫn sẽ tìm cách để tiếm đoạt kết quả cuộc bầu cử năm 2024. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể áp dụng nhiều biện pháp để ngăn ngừa chuyện này tái diễn. Một số biện pháp hướng đến sự thay đổi trong tổ chức và chuyên môn, và một số thì hướng đến các trận tranh cử hoặc các nỗ lực cải cách lâu dài hơn. Những cách này chưa chắc đã đủ công hiệu để trị tận gốc các nguyên nhân ăn sâu bám rễ (như sự chia rẽ dựa trên bản sắc cá nhân đã đẩy đảng Cộng hòa về phía cực đoan). Nhưng khi kết hợp, chúng tạo nên một bản chiến lược có thể giúp giảm thiểu nguy cơ tiếm đoạt bầu cử 2024. 1) Đừng để cho những kẻ phủ nhận kết quả bầu cử chiếm được các vị trí quan trọng trong nhà nước tiểu bang Phần lớn kế hoạch của Trump tập trung vào việc thuyết phục quan chức tại các tiểu bang Biden thắng thay đổi kết quả bầu cử. Ông ta cố ngăn cản các viên chức bầu cử như Bang vụ khanh Brad Raffensperger (CH) của Georgia và thống đốc Brian Kemp (CH - Georgia) chứng thực kết quả (đây thường là hành động theo lệ). Ông ta còn muốn các thành viên quốc hội tiểu bang đi tráo phiếu các cử tri bầu Biden và thay thế bằng các cử tri bầu Trump. Không chỉ thế, ông ta còn cố gắng dùng Quốc hội và Đạo luật Tính phiếu bầu để thay đổi kết quả, gây áp lực để Phó Tổng thống Mike Pence hoặc phe đa số trong quốc hội có thể bác bỏ kết quả bầu cử từ những tiểu bang quan trọng. Những nỗ lực trên đều thất bại, thông thường là vì các quan chức Đảng Cộng hòa từ chối tuân theo âm mưu của Trump. Nhưng bây giờ thì người ủng hộ Trump đang tìm cách thay thế những quan chức đã “dám” công nhận kết quả chính thức với giới “phò Trump”. Có người bất chấp tới mức sẵn sàng làm thân với những kẻ chuyên tuyên truyền thuyết âm mưu gian lận bầu cử; có người thì ảo tưởng đến độ hết mực tin tưởng vào những thuyết âm mưu này. Tóm lại, mối nguy hiểm là có thật. Liệu các viên chức Cộng hòa đáng tin cậy trong chính quyền bang và văn phòng bầu cử địa phương có bị những kẻ cực đoan thay thế hay không? Hiếm có đảng viên Cộng hòa nào sẵn sàng lớn tiếng bác bỏ những bịa đặt gian lận bầu cử của Trump (Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell bây giờ gần như không nhắc tới chủ đề này nữa), phần là vì làm vậy đồng nghĩa với việc giã từ sự nghiệp. Rõ ràng, cách nhanh nhất để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và gây quỹ cá nhân thành công là làm hài lòng khán giả của Trump. Chúng ta vẫn còn hy vọng là vào giờ phút quyết định thì một ai đó sẽ đứng lên vì nền dân chủ, nhưng chúng ta không biết chắc liệu họ sẽ làm vậy hay không. Ngoài cuộc bầu cử sơ bộ ra, việc đảng Dân chủ giành được nhiều thắng lợi trong các cuộc tổng tuyển cử cho các văn phòng và cơ quan lập pháp của tiểu bang sẽ giúp phòng chống việc đảng Cộng hòa tiếm quyền. Cải tổ cách phân chia quận hạt bầu cử sẽ giúp các chính khách Dân chủ có cơ hội giành vị trí trong chính phủ của các tiểu bang quan trọng như Michigan và Pennsylvania lần đầu tiên sau một thập kỷ (mặc dù vấn đề gian lận trong quá trình chia vùng cử tri vẫn sẽ gây bất lợi đáng kể cho họ tại các bang khác như Wisconsin và Georgia). Vấn đề ở đây là tỉ lệ ủng hộ của Biden đang thấp và theo lịch sử thì đảng của tổng thống đương nhiệm luôn vấp phải phản đối giữa nhiệm kỳ, điều này khiến đảng Cộng hòa có chút lợi thế trong năm 2022. Và nếu Trump thành công đưa người của mình lên những vị trí quan trọng, thì phía ủng hộ Trump có thể sẽ còn táo tợn hơn nữa ở các tiểu bang trọng yếu, đặc biệt là nếu đảng Dân chủ mất ghế thống đốc tại các bang như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. 2) Đảm bảo cho các quan chức bầu cử tiểu bang được an tâm thi hành trách nhiệm Ban đầu, dự luật cải cách bầu cử quy mô lớn của đảng Dân chủ (Đạo luật Vì Nhân dân) tập trung vào các biện pháp như đơn giản hóa quá trình đăng ký phiếu bầu và nghiêm cấm gian lận trong việc phân chia vùng cử tri thay vì trực tiếp xử lý nguy cơ kết quả bầu cử bị tiếm đoạt như năm 2020 (vì phần lớn của dự luật này đã được viết từ nhiều năm trước đó). Nhưng trong phiên bản sửa đổi là Đạo luật Tự do Bầu cử có bao gồm một số điều khoản nhằm giải quyết các vấn đề cấp tiểu bang. Đạo luật Tự do Bầu cử sẽ cho phép các quản trị viên bầu cử đệ đơn kiện nếu họ bị sa thải vì lý do nào khác ngoài làm việc tắc trách hay vi phạm quy định. Nó cũng sẽ cho phép các cử tri khởi kiện nếu tiểu bang từ chối chứng nhận kết quả vì một lý do “vô lý” (ví dụ, nếu như quan chức ở các tiểu bang Cộng hòa tuyên bố họ không tin tưởng vào kết quả bầu cử và dựa vào thuyết âm mưu gian lận bầu cử của phe phò Trump để từ chối công nhận kết quả). Về cơ bản, điều này sẽ tạo cơ hội cho các tòa án tham gia. Không ai rõ phương pháp này sẽ diễn biến như thế nào trong thực tế, vì các tòa án cũng không nằm ngoài vòng xoáy chính trị phe phái, nhưng nó vẫn đáng thử. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là dự luật vẫn đang bị đóng băng trên sàn Thượng viện vì hai Nghị sĩ Joe Manchin (DC - West Virginia) và Kyrsten Sinema (DC - Arizona) kiên quyết từ chối thay đổi. Đảng Cộng hòa sẽ không ủng hộ phương pháp này, bởi ngay cả những người chống đối ý đồ đảo chính của Trump cũng thường lý luận rằng kết quả bầu cử nên để cho các bang tự quản. 3) Ngăn chặn Quốc hội hoặc phó tổng thống tiếm đoạt cuộc bầu cử Khi Trump không thể ép buộc các tiểu bang lật ngược kết quả, ông ta chuyển sang Quốc hội và Phó Tổng thống Mike Pence. Theo một đạo luật có tên là Đạo luật Tính phiếu bầu, Quốc hội có thể hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống của tiểu bang nếu cả hai viện có đa số phiếu thuận. Cùng lúc đó, phó tổng thống sẽ chủ trì cuộc kiểm phiếu, và Trump đã nuôi nấng niềm tin viển vông rằng Mike Pence có thể đơn phương bác bỏ phiếu đại cử tri của các tiểu bang liên quan và ra sức thúc ép ông ấy làm thế. (Pence đã từ chối.) Cả hai đảng trong Quốc hội ở Washington đang bàn bạc cách sửa đổi Đạo luật Tính phiếu bầu nhằm bảo vệ kết quả bầu cử của tiểu bang phòng khi Quốc hội có ý định bất minh, đồng thời nhấn mạnh rằng phó tổng thống không hề có quyền hạn để tiến hành những chuyện như thế này. Tuy nhiên, một câu chuyện khác nảy sinh: Nếu như vấn đề nằm ở bản thân những kết quả bầu cử tiểu bang thì sao? Quốc hội phủ nhận kết quả hợp pháp của các tiểu bang có thể là một nguy cơ dẫn đến cuộc bầu cử bị tiếm đoạt. Nhưng nguy cơ cũng có thể đến từ chính các tiểu bang — từ việc quan chức tiểu bang từ chối chứng nhận kết quả hợp lệ hoặc việc các thành viên trong nghị viện bang ngăn cản cử tri bầu cho người chiến thắng. Nếu chúng ta chọn ngăn ngừa hành động phi pháp đến từ Quốc hội bằng cách giới hạn quyền hành của Quốc hội thì rất có thể sẽ tiếp tay cho hành động phi pháp đến từ tiểu bang. Lập trường của Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện McConnell là Quốc hội không nên can thiệp vào kết quả do tiểu bang đưa ra, và nguy cơ gian lận từ nghị viện của các bang không phải là vấn đề. “Làm sao mà bất kỳ cơ quan lập pháp nào ở Mỹ lại muốn đi ngược lại với kết quả kiểm phiếu?” ông đặt câu hỏi, lờ đi việc Trump và người ủng hộ của ông ta đã gây áp lực với các lãnh đạo nghị viện vì mục đích tương tự. Trong khi đó, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer chia sẻ với Politico về nỗi lo rằng phương hướng cải cách này có ẩn ý là “Các vị cứ việc thoải mái mà thao túng bầu cử rồi chúng tôi sẽ kiểm lại cho chính xác.” Có lẽ là hai bên sẽ tìm ra một thỏa hiệp để giải quyết những mối bận tâm này, nhưng chướng ngại là ở tiểu tiết. 4) Lên kế hoạch phòng chống đám đông hung bạo Một đặc trưng khác của hỗn loạn bầu cử năm 2020 tất nhiên phải là đám đông bạo lực tràn vào Điện Capitol và làm gián đoạn quá trình kiểm phiếu đại cử tri. Rất khó để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chuyện này — nếu muốn thì Trump vẫn có khả năng kích động người ủng hộ mình lên cơn điên cuồng vì những bịa đặt về “gian lận bầu cử” thêm lần nữa. Tuy vậy, nếu chúng ta có tổ chức an ninh tốt hơn vào ngày 6 tháng 1 thì rất có thể đã ngăn ngừa được thảm họa này, và có vẻ như lần tới đây lực lượng hành pháp sẽ không còn lúng túng như vừa rồi nữa. Thêm vào đó, những kẻ tham gia bạo loạn ngày 6 tháng 1 đang lần lượt bị truy tố, đến nay đã có 738 người bị buộc tôi, nêu rõ ràng hậu quả cho các hành vi trên. Dấu hiệu tốt là tuy có rất nhiều dự đoán u ám, nhưng chúng ta đã không thấy bạo động kiểu này lặp lại trong suốt phần còn lại của năm 2021. Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để nói trước về tình trạng chính trị trong năm 2024, và nguy cơ diễn ra bạo lực chính trị vẫn đáng lo ngại, như đồng nghiệp Zack Beauchamp của tôi viết. 5) Ngăn ngừa Trump tái ứng cử Cuối cùng, chúng ta phải kể đến nhân vật chính. Quãng thời gian hỗn loạn từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 1 năm 2021 chính là do tính khí của Trump một tay đắp thành. Thái độ coi thường những quy chuẩn của giới chính trị cùng với khuynh hướng ưa chuộng thuyết âm mưu của bản thân đã đẩy ông ta đi quá xa so với các ứng cử viên tổng thống trước đây khi tranh chấp kết quả thua cuộc bầu cử của mình. Ông ta còn có một nhóm người ủng hộ kiểu sùng bái cá nhân chiếm phần lớn số đảng viên Cộng hòa và những người xông vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1. Tùy vào định nghĩa của mỗi người về "mối đe dọa cho nền dân chủ," nó vẫn có thể tồn tại ngay cả khi Trump rời khỏi sân khấu. Nhưng nếu không có Trump thì gần như chắc chắn là sự kiện 2020 sẽ không lặp lại y như đúc. Nhiều người lo lắng về những gì mà một “lãnh đạo mị dân lão luyện" hơn Trump có thể đạt được, nhưng Trump cũng có một số đặc điểm độc nhất vô nhị khó bắt chước. Liệu Ron DeSantis, Ted Cruz, hay Josh Hawley có thể thu phục lòng trung thành của cử tri đến mức thôi thúc một đám đông đi đột chiếm Điện Capitol, và liệu bọn họ có thể bất chấp đẩy mọi thứ đi xa và làm mọi chuyện căng đến nhường này không? Vấn đề là điều này không thực sự phụ thuộc vào bất kỳ ai ngoài chính Trump — và các cử tri Cộng Hòa, những người vẫn tiếp tục nhìn nhận ông ta theo chiều hướng tích cực. Những người phê bình Trump có thể trông mong vào chuyện Trump giải nghệ, nhưng khả năng cao là họ sẽ không làm gì được về chuyện đó. Nếu thất bại, cơ hội để chiến thắng ông ta trong cuộc bầu cử sơ bộ 2024 sẽ không mấy khả quan, nhưng có lẽ vẫn tốt hơn là không làm gì, phải không?


Người dịch: Trang Ly

Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân


Comments


bottom of page