Translated from NBC News's article What Hollywood's treatment of 'Minari' says about the Asian American Dream
Giải Quả cầu vàng và giải Oscar cần phải công nhận rằng bất cứ ngôn ngữ nào mà người Mỹ gốc Á chọn để nói đều là tiếng Mỹ - bởi vì chúng tôi là người Mỹ.
By Nancy Wang Yuen, on 03-03-2021, 03:00:00
Giải Quả cầu vàng và giải Oscar cần phải công nhận rằng bất cứ ngôn ngữ nào mà người Mỹ gốc Á chọn để nói đều là tiếng Mỹ - bởi vì chúng tôi là người Mỹ. "Con cầu nguyện, con cầu nguyện, con cầu nguyện!" Con gái nhỏ của đạo diễn phim "Minari" Lee Isaac Chung đã hét lên khi anh nhận giải Quả cầu vàng cho phim ngoại quốc hay nhất vào tối Chủ nhật. Tôi cũng đã cầu nguyện cho những bộ phim của người Mỹ gốc Á như “Minari” sẽ nhận được tất cả các giải thưởng lớn. Nhưng giải thưởng phim ngoại ngữ xuất sắc nhất không phải là điều tôi đã hình dung. Giống như hầu hết người Mỹ gốc Á, tôi đã phải hằng ngày đối mặt với những định kiến về người nước ngoài trong suốt cuộc đời mình. Tôi thường xuyên đặt câu hỏi “mình thực sự đến từ đâu?” và tôi đã được bảo rằng phải "quay trở lại Trung Quốc." Vì vậy, khi “Minari” được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài và bị loại khỏi hạng mục tranh giải Phim hay nhất, người Mỹ gốc Á đã cùng nhau thở dài. Và khi bộ phim giành chiến thắng, điều đáng lẽ ra phải là một khoảnh khắc vui mừng của cộng đồng lại chả khác gì lời khen mai mỉa: "Tiếng Anh của bạn rất tốt!" “Minari” là một bộ phim đẹp do Lee Isaac Chung viết kịch bản và đạo diễn, dựa trên thời thơ ấu của chính mình tại một trang trại ở vùng nông thôn tiểu bang Arkansas. Bộ phim cho thấy một gia đình người Mỹ gốc Hàn vượt qua những khó khăn gian khổ để theo đuổi giấc mơ Mỹ. Rõ ràng đó là một câu chuyện của người Mỹ. Thế nên vấn đề là gì? Phần lớn cuộc đối thoại bằng tiếng Hàn, và theo quy tắc của Quả cầu vàng thì điều này đã loại bộ phim khỏi các hạng mục hàng đầu. Các quy tắc chính thức nêu rõ rằng các bộ phim phải có “50% lời thoại tiếng Anh trở lên” để tranh giải Phim tâm lý hoặc nhạc kịch/hài kịch hay nhất . Do đó, các bộ phim bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác tiếng Anh đều bị loại trừ. Mặc dù lớn lên ở California, tôi vẫn rung động trước những cảnh trong phim "Minari". Giống như cậu con trai nhỏ David của bộ phim, tôi cũng nói với bà nội của mình rằng “bà có mùi” khi bà đến thăm chúng tôi ở Hoa Kỳ. Khi gia đình Yi đến thăm một nhà thờ địa phương lần đầu tiên và một cậu bé da trắng quay lại trên băng ghế để nhìn David với ánh mắt bối rối, tôi đã hồi tưởng lại toàn bộ thời thơ ấu của mình. Gọi “Minari” là một “bộ phim nói tiếng nước ngoài” giống như một sự phủ định câu chuyện Mỹ của chính tôi và của rất nhiều người Mỹ từ các gia đình nhập cư. Như Lulu Wang, đạo diễn của bộ phim “The Farewell,” đã tweet khi các đề cử được công bố vào tháng 12: “Tôi chưa xem một bộ phim thuần Mỹ nào hơn #Minari trong năm nay. Đó là câu chuyện về một gia đình nhập cư, ở Mỹ, theo đuổi giấc mơ Mỹ. Chúng ta thực sự cần phải thay đổi những quy tắc cổ hủ cho rằng vốn đặc trưng của người Mỹ chỉ là nói tiếng Anh." Tác phẩm xuất sắc “The Farewell” của Wang - một bộ phim khác về một gia đình người Mỹ gốc Á - cũng được đề cử cho giải Quả cầu vàng năm trước vào hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất vì thoại chủ yếu bằng tiếng Quan Thoại. “The Farewell”, do nữ diễn viên sinh ra ở New York (và không phải là người nói tiếng Quan Thoại) Awkwafina đóng vai chính, là bằng chứng rõ ràng hơn về lý do tại sao quy tắc của giải Quả cầu vàng vừa lỗi thời vừa mang tính phân biệt đối xử. Tiếng Anh thậm chí không phải là ngôn ngữ chính thức của Hoa Kỳ (Hoa Kỳ không hề có một ngôn ngữ chính). Trên thực tế, 21.6% người Mỹ (từ 5 tuổi trở lên) nói một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh ở nhà. Do người nhập cư và con cái của họ chiếm hơn 25% dân số Hoa Kỳ, những bộ phim như “Minari” và “The Farewell” nên được công nhận đúng theo bản chất của họ - chính là những câu chuyện của người Mỹ. Một vấn đề khác về quy tắc đối thoại tiếng Anh là nó được áp dụng không nhất quán. Vào năm 2012, “The Artist”, một bộ phim không có lời thoại của Pháp, đã được đề cử và giành giải Quả cầu vàng cho phim ca nhạc/ hài kịch hay nhất. Hơn nữa, các bộ phim nước ngoài từ Châu Âu thường xuyên được đề cử cho các giải thưởng cao nhất. Năm nay, “The Father”, tác phẩm hợp tác giữa Anh-Pháp với đạo diễn người Pháp, được đề cử cho Phim tâm lý hay nhất. Nhưng “Minari” - một sản phẩm của Hoa Kỳ, với một đạo diễn Hoa Kỳ - đã bị cấm tranh giải thưởng cao nhất. Điều này không hề có lý nếu mục đích chính là để phân chia “nước ngoài” với “trong nước”. Trong bối cảnh bạo lực chống người châu Á ngày càng gia tăng, việc gắn nhãn “ngoại quốc” cho phim của người Mỹ gốc Á như “Minari” thậm chí còn bất kính hơn. Các nhóm như “Ngăn chặn sự thù ghét với người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương” đã nhận được hơn 2.800 trường hợp báo cáo về sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á trên khắp Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Á báo cáo các vụ tấn công vũ lực cùng với các hành vi quấy rối bằng lời nói như “đừng mang loại virus Trung Quốc đó sang đây”. Cốt lõi của các cuộc tấn công này là nhận thức bài ngoại xem người Mỹ gốc Á là mối đe dọa từ nước ngoài. Mặc dù phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á không phải là mới, nhưng sự gia tăng gần đây đã được thúc đẩy bởi chính phủ bằng cách sử dụng các từ như “virus nước ngoài” và “virus Trung Quốc”. Tổ chức Y tế Thế giới đã lên án việc sử dụng ngôn ngữ như vậy và các quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã chỉ trích các cụm từ này là “không chính xác và có khả năng gây hại vì khích lệ các hiệp hội phân biệt chủng tộc”. Do đó, nhãn “ngoại quốc” (ngay cả khi đáng mừng) nhẹ thì gây hiểu nhầm, nặng thì gây nguy hiểm. Quả cầu vàng cần phải giống như Giải Oscar, cho phép các bộ phim thuộc bất kỳ ngôn ngữ nào tranh giải Phim hay nhất ở thể loại chính kịch hoặc hài. Vào năm 2020, bộ phim “Parasite” của Hàn Quốc đã giành được giải Oscar cho phim hay nhất, ghi dấu ấn lịch sử với tư cách là bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành được giải thưởng này. Mừng chiến thắng của “Parasite” ngày đó và nay giải khuyến khích cho “Minari” thật buồn vui lẫn lộn. (Nếu “Minari” nhận được đề cử Oscar Phim hay nhất năm nay, thì xem như chuộc lỗi.) Bài phát biểu nhận giải của Lee Isaac Chung đã nhấn mạnh rằng "Minari" không bị giới hạn bởi bất kỳ ngôn ngữ nào. “'Minari' là về một gia đình,” anh giải thích. “Đó là một gia đình đang cố gắng học nói một ngôn ngữ của riêng mình. Nó đi sâu hơn bất kỳ ngôn ngữ Mỹ và bất kỳ ngoại ngữ nào. Đó là ngôn ngữ của trái tim, và tôi đang cố gắng tự học và truyền đạt nó, và tôi hy vọng tất cả chúng ta sẽ học cách nói ngôn ngữ tình yêu này với nhau, đặc biệt là trong năm nay." Hollywood cần phải công nhận rằng bất cứ ngôn ngữ nào mà người Mỹ gốc Á chọn để nói đều là tiếng Mỹ - bởi vì chúng tôi là người Mỹ.
Người dịch: Khang Ton
Biên tập: Khanh Tran
Comments