Translated from Vox's article How TV lied about abortion
By Tanya Melendez, on 14-11-2021, 08:00:00
Trong mùa thứ hai của chương trình Mad Men, anh chàng “cố quá - quá cố” Harry Crane cần phải chứng tỏ năng lực với các đồng nghiệp ở Sterling Cooper. Biết tin các nhà quảng cáo đang rút khỏi bộ phim truyền hình The Defenders của đài CBS vì tình tiết phá thai (một sự kiện có thật năm 1962), anh ta cố gắng thuyết phục một công ty sản xuất son môi mua lại thời lượng phát sóng. Giám đốc điều hành của Belle Jolie từ chối vì ngại phải “tham gia vào cuộc tranh luận”, một quyết định thiển cận đến hãi hùng trong mắt Harry. “Phụ nữ," anh thốt lên trong ngỡ ngàng, "cũng sẽ đón xem tập này đó!” Harry đã đúng, nhưng giám đốc của Belle Jolie cũng vậy. Trong nhiều thập kỷ, TV thường mô tả việc phá thai như thể nó là một chủ đề tranh luận dưới hình thức tự sự, một cuộc chiến hùng biện nảy lửa giữa hai phe chống và bảo vệ quyền phá thai, được đại diện bởi các nhân vật thân thuộc với khán giả. Theo lập luận năm 2014 của hai nhà nghiên cứu Gretchen Sisson và Katrina Kimport tại Đại học California - San Francisco thì theo thời gian, những câu chuyện này đã hình thành nên “các ý tưởng văn hóa cộng đồng về tính chất của việc mang thai, của việc phá thai, và của những phụ nữ tìm đến việc phá thai”. Kết quả, theo Sisson và Kimport, là chúng ta có một bức chân dung thiếu chính xác về cả đối tượng lẫn lý do tìm đến việc phá thai của họ. Phim ảnh thường kịch tính hóa tình tiết phá thai quá mức. Từ lúc TV ra đời cho đến suốt thập kỷ vừa qua, giới biên kịch truyền hình (nam giới chiếm số lượng áp đảo) thường đóng khung việc phá thai thành một vấn đề đạo đức, nhằm gia tăng xung đột và cực đại hóa các cung bậc cảm xúc. Nói không ngoa thì chính TV đã thay đổi phần lớn nhận thức của Hoa Kỳ về việc phá thai, và từ đó, gây ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách công. Giáo sư truyền thông Andrea Press đã ghi lại mối quan hệ này trong một nghiên cứu năm 1991 với kết luận, “khi truyền hình áp dụng một hệ ngôn ngữ đạo đức khác biệt với cái của khán giả, thì khán giả sẽ có chiều hướng đón nhận những giá trị truyền hình đưa ra trong quá trình xem”. Trong các cuộc tranh luận xã hội của chúng ta, TV không phải là một phương tiện truyền thông thụ động vô tri; nó là một nhân tố tích cực, có thể xoay chuyển thái độ và hành động. Nói cách khác, những câu chuyện chúng ta xem trên TV góp phần tạo nên con người chúng ta. Trên thực tế, sự chấm dứt của quyền được an toàn phá thai ở Texas bắt đầu bằng một câu chuyện. Ngày 5 tháng 5 năm 2021, Đại biểu Shelby Slawson của bang trình làng Dự luật Thượng viện Số 8 (đạo luật cấm phá thai trên sáu tuần tuổi được Tòa án Tối cao thông qua) bằng câu chuyện mang thai của mẹ cô. Theo ý kiến bác sĩ thì thai nhi lúc đó không phát triển bình thường, nhưng mẹ của Slawson đã chọn mang thai đủ tháng sau khi nghe nhịp tim của thai nhi. Slawson kết lại, "Bốn mươi bốn năm sau, bé gái ấy đang đứng tại căn phòng này." Đây là dạng câu chuyện quen thuộc trên các phiên điều trần của các tiểu bang dự định ban hành luật giới hạn phá thai vào năm 2021. Các nhà hoạt động vì quyền phá thai cũng đã tận dụng sức mạnh của chiến thuật kể chuyện người thật việc thật. Họ triển khai nhiều hashtag, tài khoản Instagram, trang web, podcast, v.v. nhằm khuyến khích phụ nữ trải lòng về câu chuyện phá thai của bản thân với hy vọng thuyết phục được dư luận đứng về phía họ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, không một câu chuyện nào trong số hàng ngàn những câu chuyện đời thực đó được biết đến rộng rãi như câu chuyện phá thai trình chiếu trên TV. Để có thể hiểu được mức độ ảnh hưởng của phim ảnh lên ý kiến công chúng ngày nay về việc phá thai, chúng ta cần phải nhìn lại lịch sử phủ sóng của vấn đề phá thai, từ trong phòng khách gia đình của những năm 60 cho đến thời đại bội thực truyền phát của chúng ta bây giờ. Trước năm 1980, chủ đề phá thai hầu như không hề xuất hiện trên TV, trừ một lần kinh động Từ buổi phát sóng đầu tiên vào năm 1928 cho đến năm 1980, việc phá thai dường như chỉ xuất hiện hai lần trong tất cả các chương trình truyền hình giờ vàng. The Defenders là loạt phim đầu tiên đề cập đến việc phá thai, có điều không liên quan tới nhân vật chính nào cả. Và rồi, vào năm 1972, Maude lên sóng. Phía biên kịch của Maude thêm vào tình tiết này cũng chỉ vì muốn thắng giải cốt truyện hay trị giá 10 ngàn đô của tổ chức Zero Population Growth (mức dân số không tăng). Bản thảo gốc vốn tập trung vào chủ đề cắt/thắt ống dẫn tinh, nhưng nhà sản xuất Norman Lear muốn để nhân vật chính làm trung tâm của tình huống oái oăm, vì vậy mà biên kịch mới sửa kịch bản lại thành câu chuyện huyền thoại như bây giờ. Khoảng 65 triệu người, tức gần một phần ba dân số Mỹ vào thời điểm đó, đã theo dõi tập phim mà bà Maude 47 tuổi thụ thai ngoài ý muốn và cân nhắc có nên giữ lại cái thai hay không. Cuối cùng, bà quyết định bỏ. Đoàn phim có chiếu cảnh bà đi phá thai không? Không. Các nhân vật có bao giờ nhắc tới nó nữa không? Cũng không nốt — nhưng nó có xảy ra. Bẵng một thời gian sau đó, không một nhân vật chính nào đưa ra quyết định tương tự. Đến những năm 80, dạng cốt truyện thực tế dần trở nên phổ biến hơn trên truyền hình nhờ vào thị hiếu khán giả và tư tưởng xã hội phóng khoáng hơn. Các vấn đề như ung thư vú, bạo lực gia đình, làm mẹ đơn thân, cưỡng hiếp, đời sống lao động, hẹn hò và phá thai đều được khai thác triệt để trong khung giờ vàng. Nhưng công việc kinh doanh truyền hình tồn tại là nhờ vào quảng cáo, và các chương trình vẫn không thể chọc giận nhà tài trợ hay nhóm khán giả bảo thủ của mình được, dù đó có là năm 1982 chứ không phải là 1962. Nói gì thì nói, người Công giáo cũng mua xe hơi vậy. Câu chuyện nào cũng cần sự xung đột để có diễn tiến. Vì vậy mà trong cốt truyện phá thai, các biên kịch thường sử dụng bản thân của việc lựa chọn phá thai để dẫn dắt câu chuyện. Biện pháp làm phim này biến quá trình đưa ra quyết định trở thành cao trào của kịch tính và mô tả việc phá thai như thể đó là thứ tồi tệ nhất có thể xảy ra khi mang thai. Nó cũng không phản ánh chính xác nhóm đối tượng thường phải tìm đến lựa chọn phá thai điển hình. Trên phim ảnh, đối tượng phá thai thường là phụ nữ trẻ tuổi, người da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giàu có, không có con, và rất hiếm khi gặp trở ngại trong việc tìm kiếm dịch vụ phá thai. Thực tế lại hoàn toàn khác. Đa số những người tìm đến lựa chọn phá thai là phụ nữ da màu, mộ đạo và đã có con, và hầu hết đều có thu nhập thấp hoặc dưới mức nghèo của liên bang trong những năm gần đây. Chúng ta không được thấy những thứ như vậy trên màn ảnh. Thay vào đó, trong gần 20 năm — từ 1980 đến 2000, cùng với một vài ví dụ của những năm đầu thập niên 2000 — TV chỉ có ba tuyến cốt truyện phá thai tiêu biểu. Một nhân vật đang cân nhắc việc phá thai, nhưng sau cùng lại tránh được việc phải đưa ra quyết định khó khăn do bị sẩy thai hoặc dương tính giả. Mô típ này vừa ngầm ủng hộ quyền phá thai, vừa đảm bảo rằng sẽ không có nhân vật chính nào phải thực sự đi phá thai. Party of Five là một phiên bản kinh điển của dạng tình tiết này. Trong tập phim “Before and After” phát sóng năm 1996, cô bé Julia 16 tuổi có thai với người bạn trai cấp ba. Những ngày sau đó, chương trình chiếu cảnh của cô cùng với các nhân vật khác, từng người một đưa ra ý kiến của họ về việc liệu cô có nên bỏ thai hay không. Bạn trai và hai anh trai của Julia đồng ý là cô không nên giữ lại cái thai, nhưng em gái Claudia thì lại vô cùng tức giận vì em trai Owen của họ cũng là “ngoài ý muốn”. Sarah, bạn của Julia, nói rằng mình không thể ủng hộ việc phá thai, vì chính bản thân cô là một đứa trẻ được nhận nuôi, suýt bị mẹ ruột phá thai. Quá trình cân nhắc ấy giằng xé nội tâm của Julia trong suốt tập phim, nhưng cuối cùng cô quyết định là mình còn quá trẻ để làm mẹ, để hy sinh kế hoạch lên đại học. Và rồi, chỉ vài giờ trước cuộc hẹn, cô bị sẩy thai. Julia bất bình khi bạn trai cảm thấy “khá nhẹ nhõm." Cô cũng thấy nhẹ nhõm, nhưng vẫn thấy tội lỗi vì đã có ý định muốn phá thai. Sau này, Amy Lippman (một trong những nhà sản xuất của Party of Five) chia sẻ với tạp chí New York rằng kịch bản ban đầu vốn là Julia sẽ đi phá thai, nhưng nhà đài Fox bác bỏ phần kết đó. Như Lippman nói, “Chúng tôi đã rất buồn, vì chúng tôi nghĩ khán giả nên được thấy khi một nhân vật trong một gia đình như vậy gặp phải tình cảnh tương tự thì nhân vật đó sẽ làm gì; điều đó rất quan trọng.” Thay vào đó, phần truyện này của Julia biến việc sẩy thai hoặc dương tính giả thành một sự giải thoát, bởi nó cho phép người phụ nữ không phải đưa ra lựa chọn nào, từ đó giữ gìn sự trong trắng và đức hạnh của họ. Tình tiết nhân vật mang thai hoặc sinh con có thể giúp cho câu chuyện rẽ theo chiều hướng mới mẻ thú vị, điều này đặc biệt đúng đối với những chương trình lấy nhân vật nữ phức tạp, đa sắc thái làm chủ đạo trong những năm 1990 và đầu những năm 2000. Trong mô típ này, các nhà đài thử nghiệm phương pháp nữ quyền nước đôi: cho phép các nhân vật quen thuộc bày tỏ và khám phá các quan điểm ủng hộ quyền phá thai, nhưng cuối cùng thì họ cũng sẽ xiêu lòng mà lên chức mẹ, nhờ đó mà chương trình có thêm nhiều khoảnh khắc vừa làm mẹ vừa làm tin tức hài hước của Murphy Brown. Khi triển khai, dạng tình tiết này thường vô tình sản sinh ra hai đối cực, một bên sùng bái bổn phận làm mẹ, một bên lên án quyết định phá thai. Trong hai tập “Thanksgiving 1994” và “Maybe Baby,” bộ phim sitcom của thập niên 90 Roseanne đã phản ánh tình huống mang thai ngoài ý muốn theo góc độ khá gần gũi với đời thực. Nhân vật Roseanne là một bà mẹ da trắng ba con có địa vị kinh tế xã hội thấp. Viện Guttmacher xác nhận rằng vào năm 1994, phần lớn những người tìm đến việc phá thai đã có con, đã đi làm, và chưa học xong đại học. Khoảng một nửa trong số đó có thu nhập hàng năm dưới $55,000 theo trị giá ngày nay. BIỆN PHÁP LÀM PHIM NÀY BIẾN QUÁ TRÌNH ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH TRỞ THÀNH CAO TRÀO CỦA KỊCH TÍNH VÀ MÔ TẢ VIỆC PHÁ THAI NHƯ THỂ ĐÓ LÀ THỨ TỒI TỆ NHẤT CÓ THỂ XẢY RA KHI MANG THAI. Như một điềm báo, “Thanksgiving 1994” mở màn bằng cách thiết lập lập trường của Roseanne khi cô chơi khăm nhóm người biểu tình chống phá thai bên ngoài một phòng khám. Người mẹ 40 tuổi này có mặt ở đó để xác nhận giới tính của cái thai ngoài ý muốn, nhưng vì kết quả xét nghiệm không rõ ràng nên rất có khả năng là thai nhi đã gặp vấn đề phát triển, và họ cần phải xác nhận bằng cách chọc ối lần thứ hai. Tuy trước đó Roseanne và Dan (chồng cô) đã thống nhất rằng bọn họ sẽ không giữ lại một bào thai dị tật, nhưng Roseanna ngay lập tức thấy đắn đo về quyết định ấy. Cô trải lòng với em gái, “Chị đã nghe thấy nhịp tim. Lúc trước chị luôn nghĩ là mình có thể phá thai, nhưng giờ thì chị cũng không biết là mình có đành lòng không nữa.” Vợ chồng Roseanne trở nên bất hòa vì sự lưỡng lự của cô, nhưng đến cuối tập “Maybe Baby”, lần xét nghiệm thứ hai cho thấy thai nhi vẫn phát triển bình thường và bọn họ không bàn tới lựa chọn phá thai nữa. Bé Jerry ra đời vào mùa tiếp theo của Roseanne, trong chương trình Halloween đặc biệt. Tuy dạng cốt truyện này vạch ra nhiều lập trường chọn lựa, nhà nghiên cứu truyền thông Celeste Condit nhấn mạnh rằng hầu hết chúng vẫn “đề cao giá trị của việc sinh đẻ, gia đình, và việc làm mẹ khi những giá trị ấy phải đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng được biểu lộ qua việc phá thai." Thông điệp của chúng là phá thai là kẻ thù của thiên chức làm mẹ, và làm mẹ là khao khát bản năng của mọi phụ nữ. Trong suốt những năm 80 và 90, rất nhiều chương trình truyền hình đã mượn lời nhân vật phim để lên tiếng ủng hộ một quan điểm xã hội nào đó, công khai tán thành bên “đúng”. Các chủ đề như chủng tộc, bình đẳng giới, cưỡng hiếp, HIV/AIDS, tình dục, nghiện ngập, bệnh tâm lý, v.v. xuất hiện rộng rãi vào khung giờ vàng, thường là theo xu hướng tiến bộ, và dần dần, xã hội cũng thiên về những tư tưởng ấy. Thông điệp của các chương trình bấy giờ rất rõ ràng, cho dù đó là Tom Hanks trong vai người anh trai nghiện rượu của Elyse Keaton (Family Ties), Ellen DeGeneres công khai tính hướng trong “The Puppy Episode” (Ellen DeGeneres), Denzel Washington tìm cách vượt qua sự kỳ thị chủng tộc với tư cách bác sĩ (St. Elsewhere), Chad Lowe trong vai một nhân vật nhiễm HIV (Life Goes On), hay đoạn độc thoại sâu cay về chuyện quấy rối tình dục nơi làm việc của cố diễn viên đại tài Dixie Carter (Designing Women). Các nhà sản xuất luôn mạnh dạn bày tỏ lập trường của họ trong những cuộc tranh luận xã hội sôi nổi nhất của thời đại chúng ta. Trừ chủ đề phá thai. Các cốt truyện phá thai thường cố gắng hết sức để miêu tả “cả hai bên” theo chiều hướng tốt nhất có thể. Tập phim “The Clinic” năm 1985 của bộ phim đề tài cảnh sát Cagney & Lacey (CBS) là một trong những ví dụ sống động nhất. Thám tử Christine Cagney và Mary Beth Lacey (đang mang thai) được giao nhiệm vụ hộ tống Herrera, một phụ nữ gốc Mỹ Latin đã kết hôn, vượt qua nhóm người biểu tình hung hăng trước cửa một phòng khám phá thai. Cô Herrera muốn phá thai để có thể tiếp tục theo học trường kinh doanh và tránh phải phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ. Một người biểu tình quá khích đánh bom phòng khám, giết chết một bệnh nhân khác. Kẻ đánh bom đe dọa liều mạng để giết hai thám tử, nhưng ả dừng tay khi biết Lacey đang mang thai. BỘ PHIM KHẮC HỌA QUYỀN ĐƯỢC BẤT ĐỒNG Ý KIẾN VỚI LỰA CHỌN CỦA MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ TƯƠNG ĐƯƠNG VỚI VIỆC CỐ Ý CẢN TRỞ CÔ ẤY TIẾN HÀNH SỰ LỰA CHỌN ĐÓ — MỘT SỰ ĐÁNH ĐỒNG SAI LẦM TAI HẠI Bên ủng hộ quyền phá thai: cô Herrera (dĩ nhiên), nhưng cũng có một bác sĩ lên tiếng cho các nạn nhân của việc hãm hiếp, loạn luân và hoàn cảnh cùng đường. Lacey cũng kiên quyết ủng hộ quyền phá thai, và chương trình tiết lộ cô đã từng phá thai ở Puerto Rico thời thiếu niên. Bên phản đối phá thai: Cagney băn khoăn về tính đạo đức của dịch vụ y tế này, và người cha Công giáo của cô đã phản đối kịch liệt khi bọn họ thảo luận. Hai thám tử cũng gặp mặt lãnh đạo của một nhóm chống phá thai. Chương trình khắc họa nhân vật này là người thấu tình đạt lý, bất bạo động. Cô ta so sánh hoạt động của mình với việc ngăn chặn nạn diệt chủng người Do Thái Holocaust. Sau khi tập phim bị một số khán giả chỉ trích, đài truyền hình đưa ra một tuyên bố, trong đó có đoạn: “Bộ phận kiểm duyệt chương trình của CBS đã xem xét kỹ lưỡng nội dung và nhận thấy tập phim đã trình bày vấn đề một cách cân bằng.” Quả thực là như vậy! Kết quả là một cục diện 3 đối 3 được sắp đặt cẩn thận, một màn xiếc giữ thăng bằng “cả hai bên”. Tập phim khắc họa quyền được bất đồng ý kiến với lựa chọn của một người phụ nữ tương đương với việc cố ý cản trở cô ấy tiến hành sự lựa chọn đó — một sự đánh đồng sai lầm tai hại. Có vẻ như cuối cùng thì TV cũng thay đổi cốt truyện Ba mô típ trên sử dụng cao trào xung đột đạo đức để miêu tả vấn đề phá thai. Chúng tạo nên những câu chuyện lôi cuốn, nhưng đồng thời cũng là những khắc họa sai lệch. Chúng thường mô tả việc phá thai là nguy hiểm về mặt y tế, hiếm khi xảy ra ngoài đời, và đối tượng phá thai trên phim cũng không trùng khớp với thống kê quốc gia. Đồng thời, chúng tối giản hóa các khía cạnh phức tạp của vấn đề thực tế, biến nó thành một cuộc tranh luận kiểu mẫu có bên ủng hộ/bên chống đối, và cả hai bên đều có những nhân vật “sáng suốt” diễn giải vấn đề bằng từ ngữ đạo đức. Chúng khắc họa việc phá thai là một khái niệm không rõ trắng đen, một điều bất đắc dĩ, đáng tiếc, một hậu quả, một quyết định phản nghịch lại ý thức sinh thành, và/hoặc người ta chỉ tìm đến nó trong những trường hợp cực chẳng đã. Ngoài đời, khuôn khổ đạo đức này góp phần vào công cuộc hạch sách quyền tự do lựa chọn của thai phụ. Nó vạch ra một kế hoạch chi tiết để từng bước tước đi quyền tự quyết y tế của mỗi người và biến quyền này thành một đề tài mà ai cũng có thể tham gia tranh luận. Người ta không thể tranh luận và đánh giá ngành y tế hay quyền được chăm sóc y tế theo cách này, nhưng người ta có thể với chuẩn mực đạo đức. Như trong Party of Five, các nhân vật đều lần lượt đưa ra ý kiến của mình. Như trong Roseanne, tất cả phụ nữ đều được mặc định là có mong muốn làm mẹ tự nhiên. Như trong Cagney & Lacey, thời gian lên sóng của “cả hai bên” là như nhau. Chúng ta đã chứng kiến và nghe đi nghe lại những câu chuyện này nhiều lần, và bây giờ chúng đã trở thành lẽ thường tình. Vào đầu những năm 2000, cốt truyện phá thai xuất hiện một vài thay đổi. Tình tiết phá thai trong Soul Food (2003) của Showtime và Six Feet Under (2003) của HBO không có diễn biến quanh co, cả hai đều chú trọng khai thác ý muốn tự nguyện của nhân vật, rất đáng được ghi nhận. Mạch truyện phá thai chân thực hiếm có của nhân vật Becky trong Friday Night Lights (2010) miêu tả những sự lựa chọn có sẵn cho thiếu niên ở vùng thị trấn nhỏ và tầm quan trọng của việc có một người lớn tâm lý bên cạnh (giá như ai cũng được một người như Bà Coach dìu đắt!). Tuy nhiên, hầu hết các ví dụ trên đều chỉ được phát sóng trên truyền hình cáp/vệ tinh. Phần lớn các đài truyền hình công sẽ phải chờ đến lúc Shonda Rhimes ra tay. Trong một tập phim năm 2011 của chương trình y khoa đình đám Grey’s Anatomy do Rhimes sản xuất với đài ABC, Bác sĩ Cristina Yang vất vả lắm mới giải thích được cho chồng là Owen hiểu rằng mình không muốn có con. Cô dành hầu hết thời lượng của “Unaccompanied Minor” để bảo vệ lập trường của bản thân, nhưng cuối tập phim, cô cũng đi phá thai với chồng bên cạnh. Grey’s đã cho khán giả giờ vàng thấy thế nào là quyền tự quyết cá nhân. Nhưng phải tới Scandal thì Rhimes mới cách tân kịch bản một cách táo bạo. Trong tập phim “Baby, It’s Cold Outside” năm 2015, Olivia Pope phát hiện ra mình đang mang thai. Quả là một Scandal (bê bối), vì cha của cái thai chính là tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm. Olivia không nói với ai, và chúng ta cũng không thấy cảnh cô ấy lên lịch hẹn gì cả. Thay vào đó, chương trình dành ra một phân cảnh dài một phút lúc Olivia đi đến một cơ sở y tế hiện đại, sạch sẽ. Máy quay chiếu xuống và tập trung vào nét mặt của cô trong khi khán giả chúng ta lắng nghe tiếng của thiết bị hút thai chân không hoạt động. Đây là một cảnh quay ý nhị, hiên ngang, và đậm chất y học. Olivia, một người phụ nữ da Đen, không cần đến sự cho phép hay ý kiến của bất kỳ ai, kể cả khi người cha là người đàn ông quyền lực nhất thế giới. Đặc biệt, Scandal trình chiếu quá trình phá thai chứ không phải là quá trình đưa ra quyết định phá thai. Thông điệp của chương trình rất rõ ràng: Quyền tự chủ của một người phụ nữ là bất khả xâm phạm.
Không lâu sau đó, các chương trình khác như Girls (2015), Jane the Virgin (2016), GLOW (2017), Empire (2018), Veep (2019), and Shrill (2019), v.v. cũng chiếu cảnh nhân vật chính phá thai nhưng không hề kịch tính hóa quá trình để gia tăng sự bi thống hay xung đột, một bước đột phá quan trọng. Những chương trình này cũng miêu tả đối tượng tìm đến việc phá thai chân thực hơn — người da màu, người đã có con, người thuộc tầng lớp lao động. Tất nhiên, nếu nhìn chung thì mọi thứ vẫn chưa hoàn hảo. Vẫn có rất nhiều chương trình cứ đem những mô típ nhàm chán từ thời 80 biến tấu thành bình mới rượu cũ, nhưng chúng ta đã có tiến bộ … ít nhất là trên màn ảnh.
Vào ngày 1 tháng 12, Tòa án Tối cao sẽ cân nhắc đạo luật hạn chế phá thai của Mississippi, cụ thể hơn là một trường hợp trực tiếp đối đầu với quyền tự quyết của cá nhân trong vấn đề sinh sản. Viễn cảnh nước Mỹ sẽ sớm trở thành một quốc gia phủ định quyền phá thai không hẳn chỉ là một nỗi lo ngại vẩn vơ.
Truyền hình, phương tiện truyền thông có quyền năng kiến thiết giá trị quan mạnh mẽ nhất trong 60 năm qua, đã góp phần đưa chúng ta đến bước đường này. Nhưng từ bây giờ, cùng với sự tham gia ngày một tích cực của các biên kịch gia và nhà sản xuất, TV cũng có trách nhiệm hình thành nên những hiểu biết của đất nước về khái niệm phá thai, tầm quan trọng của nó, và làm thế nào để đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản của mỗi người dân. Bởi lẽ nếu quả thật chúng ta là sản phẩm của những câu chuyện trên phim, thì có một tương lai cũng đang được chắp bút vào chính thời khắc này.
Dù tương lai đó có là gì, phụ nữ cũng sẽ đón xem.
Người dịch: Trang Ly
Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân
Comentarios