top of page

Cái chết tức tưởi của một người Mỹ gốc Hoa đánh thức tinh thần tranh đấu của cả cộng đồng

By Harmeet Kaur, on 10-10-2021, 04:30:00

(CNN) Vincent Chin lúc ăn mừng tại tiệc mừng lễ tốt nghiệp tại vũ trường Fancy Pants ở Detroit khi anh ấy đánh nhau với một người khác. “Tất cả là tại lũ khốn nạn chúng mày mà bọn tao mất việc.” Người vũ công nhớ lại hình ảnh một gã da trắng làm việc ở nhà máy sản xuất xe hơi tên Ronald Ebens hét lên với một anh chàng Mỹ gốc Hoa 27 tuổi. Năm đó là năm 1982, và Detroit - khi đó là thủ đô ô tô của thế giới - đang ở thời điểm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái kinh tế. Sự cạnh tranh từ Nhật Bản khiến lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô Mỹ giảm sút, buộc họ phụ thuộc nhiều hơn vào tự động hóa và sa thải hàng trăm nghìn công nhân trên khắp Michigan - bao gồm cả Michael Nitz, con trai riêng của Ebens. Và người Mỹ gốc Nhật - hoặc bất cứ ai trông ná ná như vậy - trở thành vật tế thần. Một cuộc ẩu đả nổ ra giữa Chin và bố con Ebens. Sau khi cả nhóm bị đuổi khỏi quán, mọi chuyện chưa chấm dứt. Ebens và Nitz đuổi theo Chin tới bên ngoài một cửa hàng McDonald's gần đó. Với sự giúp đỡ của Nitz, Ebens dùng gậy bóng chày quật liên tiếp vào đầu Chin. Bốn ngày sau, Chin qua đời. Đối với gia đình của Vincent Chin và những người Mỹ gốc Á khác trong cộng đồng, công lý không bao giờ được thực thi. Bất chấp các thủ tục pháp lý diễn ra tại các tòa án tiểu bang và liên bang, những kẻ thủ ác còn chẳng phải ngồi tù tới một ngày. Cuộc giải mã sắc tộc Tuy nhiên, trường hợp của Chin đã mở đường cho những thay đổi âm thầm nhưng quan trọng, liên quan tới tội ác thù hận, hướng dẫn hình phạt và quyền của nạn nhân. Và nó đã tạo ra một phong trào gắn kết những người Mỹ gốc Á đủ mọi thành phần. "Nếu chúng tôi không thể mang lại công lý cho Vincent Chin, chúng tôi phải đảm bảo rằng di sản của anh ấy - những gì chúng tôi đã học và những gì chúng tôi đã đấu tranh cho - không mất đi", Helen Zia, một nhà hoạt động và cựu nhà báo nói. Bà hiện là người thực hiện di nguyện của Vincent và Lily Chin. Gần 40 năm sau khi Vincent Chin bị giết, người Mỹ gốc Á vẫn phải đối mặt với bạo lực tàn bạo do tư tưởng bài ngoại và phân biệt chủng tộc. Và các nhà hoạt động cho rằng những bài học rút ra từ câu chuyện của anh giờ đây quan trọng hơn lúc nào hết. Người Mỹ gốc Á đấu tranh cho trách nhiệm giải trình Ebens và Nitz ban đầu bị buộc tội giết người cấp độ hai vì hành vi của mình. Tuy nhiên, sau đó, Ebens nhận tội còn Nitz cũng chấp nhận một mức án nhẹ hơn cho tội giết người - một cáo buộc mang hàm ý rằng anh ta không cố ý giết Chin, Paula Yoo viết trong cuốn sách phi hư cấu dành cho thanh thiếu niên "Từ Lời thì thầm đến Những tiếng thét đấu tranh: Cái chết của Vincent Chin và Phiên xét xử làm dậy sóng Phong trào Người Mỹ gốc Á. " Hôm tuyên án ngày 16 tháng 3 năm 1983, hai bị cáo và luật sư bào chữa của họ là những người duy nhất đứng trước thẩm phán trong phòng xử án, Yoo viết. Roland Hwang, một luật sư ở Michigan và là chủ tịch của tổ chức vận động pháp lý American Citizens for Justice, giải thích rằng vào thời điểm đó, việc Văn phòng Công tố Hạt Wayne thường xuyên bỏ lỡ các phiên tòa tuyên án vì chúng không được coi là một phần quan trọng của thủ tục pháp lý. Điều đó có nghĩa là không có công tố viên nào tham dự để trình bày vụ việc của bang. Việc thẩm phán lắng nghe gia đình nạn nhân trong khi tuyên án cũng không phải là yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, không ai thông báo cho mẹ của Chin, Lily Chin, về phiên điều trần. Theo ông Yoo, thẩm phán cũng không nghe bất kỳ người bạn nào của Chin, những người có mặt ở đó vào đêm hôm đó, hoặc những nhân chứng khác đã kể lại những gì họ đã thấy cho cảnh sát. Zia nói: “Đó là một sự thất bại hoàn toàn của hệ thống tư pháp hình sự." Thay vào đó, thẩm phán chỉ nghe từ hai người đàn ông và luật sư của họ, những người này nói với thẩm phán rằng Chin đã khơi mào vụ ẩu đả và hai bị cáo đã hành động trong lúc nóng giận. Thẩm phán, người mà Hwang cho rằng nổi tiếng là khoan dung với những người phạm tội lần đầu, đã kết án mỗi người trong số họ ba năm quản chế, phạt 3.000 đô la và án phí. "Đây không phải là loại người đáng phải ngồi tù," thẩm phán sau đó viết trong bản giải thích. Khi tin tức đến với mẹ của Chin và phần còn lại của cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Detroit, nó đã vấp phải sự phẫn nộ. Đối với họ, yếu tố chủng tộc rất rõ ràng. Jim Shimoura, một luật sư khác ở Michigan, một trong số những người cố gắng đánh động về trường hợp của Chin, phải thốt lên “Như thể họ chẳng coi mạng người gốc Á ra cái thá gì vậy. Nếu thử đảo ngược vai trò trong vụ này, liệu điều gì sẽ xảy ra nếu nạn nhân là người Da trắng và kẻ giết người là người châu Á. Liệu người châu Á đó có được tự do ra khỏi tòa án không? Chắc chắn là không." Ngay sau đó, cộng đồng người Mỹ gốc Á địa phương đã cùng nhau biểu tình để phản đối bản án quản chế của thẩm phán. Zia, Lily Chin, Hwang, Shimoura và các nhà hoạt động khác đã thành lập một tổ chức mang tên Công dân Mỹ vì Công lý với mục tiêu đấu tranh để thuyết phục thẩm phán xem xét lại quyết định của mình. Khi tự thân xem xét lại vụ án, họ phát hiện ra rằng cảnh sát đã không phỏng vấn các nhân chứng quan trọng, bao gồm cả người vũ công chứng kiến cảnh Ebens hét lên: “Tất cả là tại lũ khốn nạn chúng mày mà bọn tao mất việc.” Dựa vào lời khai chứng, những người tranh đấu cho rằng chủng tộc của Vincent Chin có thể đã đóng một vai trò trong việc anh ấy bị sát hại. Nhưng thẩm phán vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Vì vậy, các nhà tổ chức đã đánh động lên chính phủ liên bang, lập luận rằng Vincent Chin đã bị nhắm mục tiêu và cuối cùng bị giết vì anh ta là một người Mỹ gốc Á. Những kẻ giết hại Vincent Chin chưa bao giờ phải ngồi tù dù chỉ một ngày. Vào tháng 4 năm 1983, FBI đã mở một cuộc điều tra và một đại bồi thẩm đoàn liên bang đã truy tố Ebens và Nitz vào cuối năm đó với hai tội danh: can thiệp vào quyền của Vincent Chin ở nơi công cộng và âm mưu làm như vậy, theo tài liệu của tòa án. Quyết định theo đuổi vụ kiện của chính phủ liên bang mang một ý nghĩa rất quan trọng - đây là phiên tòa liên bang đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ thụ lý một vụ án liên quan tới quyền công dân của một người Mỹ gốc Á. Một bồi thẩm đoàn liên bang đã kết luận Ronald Ebens phạm tội vi phạm các quyền công dân của Vincent Chin vào năm 1984. Một tòa phúc thẩm sau đó đã đảo ngược bản án. Sau một phiên tòa mới vào năm 1987, Ebens được tuyên trắng án. "Câu hỏi trọng tâm của phiên tòa là: Đây có phải là một tội ác vì thù hận mang động cơ chủng tộc hay đây chỉ là một trường hợp bi thảm của một cuộc ẩu đả trong quán bar với quá nhiều tính nam độc hại và rượu" cô ấy nói. Phía bào chữa khăng khăng rằng đó là những gì diễn ra sau đó, cho rằng chủng tộc của Chin không phải là yếu tố dẫn đến việc anh ta bị giết. Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn ở Detroit đã ra một phán quyết khác. Vào tháng 6 năm 1984, Ebens bị kết tội cản trở việc thực hiện các quyền công dân của Chin nhưng không cố tình. Nitz vô tội. Ebens bị kết án 25 năm tù, nhưng các luật sư của ông này đã kháng cáo và ông ta được trả tự do. Một tòa phúc thẩm đã đảo ngược bản án dành cho Ebens, viện dẫn những sai sót pháp lý của chính phủ trong phiên tòa đầu tiên. The Justice Department announced it would retry the case against Ebens, and the new trial was moved to Cincinnati. The Cincinnati jury -- who like Ebens were mostly White, male and blue-collar workers -- cleared Ebens of all charges. Bộ Tư Pháp khi đó tuyên bố sẽ thực hiện lại quá trình tố tụng chống Ebens, và một phiên xét xử mới được diễn ra tại Cincinnati. Bồi thẩm đoàn tại Cincinnati, bao gồm phần lớn là những nam lao động chân tay da trắng giống như Ebens, đã xoá hết tội danh cho Ebens. “Thật là đau lòng,” Zia nói. “Đó là một sự phản bội của công lý. Chúng tôi cố gắng bao nhiêu, sau từng ấy năm lên tiếng, để rồi chỉ để nhìn bản án bị đảo ngược.” Zia cho biết cô và các nhà hoạt động khác, những người đã tranh đấu nhiều năm cho vụ án của Chin, biết rõ rằng rằng bồi thẩm đoàn trong phiên tòa thứ hai không hiểu gì về sự phân biệt chủng tộc mà người Mỹ gốc Á ở Detroit phải đối mặt vào những năm 1980. Vì không có bằng chứng cụ thể cho thấy Ebens đã sử dụng một câu nói tục tĩu liên quan tới màu da, hành động của anh ta không bị bồi thẩm đoàn coi là có động cơ chủng tộc, cô nói - bất chấp thực tế là một nhân chứng có nghe thấy ông ta đã đổ lỗi cho Chin về tình trạng thất nghiệp của giới công nhân ngành sản xuất ô tô. Sau phiên tòa, Ebens bị buộc phải trả 1,5 triệu đô la cho người thừa kế của Chin trong một vụ kiện dân sự được giải quyết ngoài tòa, Zia nói. Trong những năm gần đây, Ebens cho biết ông ta không thể trả 8 triệu đô la tiền lãi cộng dồn vì kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đấy. Cái chết của Chin cùng với phán quyết cuối cùng của phiên toà đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử mà người Mỹ gốc Á ở Mỹ phải chịu đựng - quá thường xuyên không được công nhận, cho dù ai cũng biết nó là một thực tế. "Đó là thứ tiêu chuẩn mà người Mỹ gốc Á hiện nay phải chấp nhận," Zia nói thêm. "Nếu bạn không gọi ai đó bằng cái tên mà người Da trắng công nhận là mang tính mạ lị chủng tộc, thì đó không phải là phân biệt chủng tộc." Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012 với nhà báo Emil Guillermo, Ebens xin lỗi về vụ giết người và nói "nếu có cách nào để rút lại những hành động đó, thì tôi sẽ làm" Tuy nhiên, ông vẫn khăng khăng rằng hành động của mình không liên quan gì đến ngành công nghiệp ô tô hay màu da của Chin. Gia đình Chin không chấp nhận lời xin lỗi của anh ta, Zia nói. Tuy nhiên, trường hợp của Vincent Chin đã dẫn đến sự thay đổi Phán quyết đã khiến niềm tin của nhiều người Mỹ gốc Á vào hệ thống tư pháp Hoa Kỳ lung lay. "Linh hồn của Vincent sẽ không bao giờ yên nghỉ", Lily Chin sau này nói. "Đời tôi coi như xong." Annie Tan, một người em họ của Vincent Chin, đồng thời là một nhà hoạt động và giáo dục ở New York, nói rằng kết cục cuối cùng đã khiến người thân của cô bị sang chấn tâm lý. Sau khi những kẻ giết Chin được xoá tội, gia đình cô ấy không còn đả động gì tới vụ án đó nữa. “Tôi nghĩ rằng điều đó có lẽ đã thay đổi cách gia đình tôi nghĩ về nước Mỹ, về cách thành công và tồn tại ở đây,” cô nói. Nhưng Tan biết rằng câu chuyện của người thân cô đã mở đường cho sự thay đổi. Bạn bè đã nói với cô rằng trường hợp của Chin đã truyền cảm hứng cho họ tham gia vào các lĩnh vực đấu tranh, luật pháp hoặc chính trị. Zia cho biết cô có thể thấy sự khác biệt mà công việc của cô và của các nhà hoạt động khác đã tạo ra. “Tất cả không phải là vô ích,” Zia nói thêm. "Cả một phong trào đã được tạo ra, các tổ chức được thành lập ... đã có những thế hệ người Mỹ gốc Á mới trở thành luật sư dân quyền vì vụ này." Tên của Chin đã trở thành một lời hiệu triệu, giúp mang đến các cải cách pháp để con đường tìm kiếm công lý của những người nạn nhân khác trở nên bớt gập ghềnh. Vụ án đã giúp phơi bày những sự khác biệt sâu sắc trong các bản án ngộ sát ở Michigan, và theo lời Hwang, các nhà hoạt động ghi nhận vai trò của nó trong việc hình thành các hướng dẫn tuyên án tối thiểu bắt buộc do Tòa án tối cao tiểu bang đưa ra và sau đó được thông qua bởi cơ quan lập pháp bang áp dụng. Những hướng dẫn đó vẫn cho phép thẩm phán đưa ra mức án dưới mức tối thiểu, nhưng họ phải đưa ra lý do để làm như vậy. Vụ án cũng giúp đảm bảo rằng các nạn nhân trong các vụ án tương lai sẽ được đại diện trong quá trình tố tụng tại tòa, cho phép họ nói với thẩm phán về những hậu quả mà họ phải gánh chịu gây ra bởi phía bị cáo. Hwang cho biết: “Thời đó, lời tuyên bố của nạn nhân về những hậu quả mà họ phải gánh chịu không phải là nằm trong số những thủ tục thông thường. Kể từ đó tới nay, thực tế này đã thay đổi, có lẽ một phần nhờ vào vụ của Chin- đây là cơ hội để gia đình nạn nhân chia sẻ về cuộc sống của nạn nhân và tác động đến gia đình." Nhờ trường hợp của Chin, các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á đã bắt đầu để mắt tới tội ác vì thù ghét nhắm vào người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương vào thời điểm không dễ để thu thập được những số liệu như vậy. Tên của anh thường được nhắc đến trong cuộc vận động nhằm tăng cường luật chống tội phạm vì thù ghét của liên bang, và đại diện cho một bước ngoặt trong phong trào của người Mỹ gốc Á. “Có những tác động tích cực từ phong trào của chúng tôi và từ di sản của Vincent Chin đã ảnh hưởng đến mọi người dân Mỹ và vẫn còn có giá trị tới ngày nay,” Zia nói. Nhưng các nhà hoạt động vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước Tuy nhiên, bất chấp những thay đối mà vụ án của Chin mang lại, câu chuyện của anh dường như đang dần bị quên lãng theo thời gian. Nhiều thập kỷ trôi qua, và các thế hệ trẻ người Mỹ gốc Á lớn lên mà chẳng biết Vincent Chin là ai. Tên của anh một lần nữa xuất hiện khi tình trạng bạo lực vì thù ghét và những luận điệu chống người Mỹ gốc Nam Á nổi lên trong suốt kì bầu cử tổng thống Mỹ 2016, sau cái chết của Srinivas Kuchibhotla, một người Mỹ gốc Ấn, vào năm 2017 và gần đây nhất là khi làn sóng thù hận và bạo lực chống người gốc Á lại cuộn lên trong những ngày cao điểm của đại dịch. Đó là một lời nhắc nhở rằng những thách thức tương tự vẫn còn ở đó. Shimoura nói: “Thứ khiến người ta giết Vincent Chin vào năm 1982, sau 40 năm, vẫn còn tồn tại." Người Mỹ gốc Á vẫn phải đối mặt với tư tưởng bài ngoại và phân biệt chủng tộc, bên cạnh việc thiếu nhận thức cũng như thái độ thẳng thừng phủ nhận thực tế này. Họ tiếp tục đấu tranh với những quan niệm cho rằng họ không thuộc về nước Mỹ. Và trong suốt thời gian đó, mặc dù có hơn 22 triệu người ở Mỹ, nhiều người Mỹ gốc Á vẫn tiếp tục cảm thấy như mình không tồn tại. Ngày nay, giống như những gì họ đã làm gần bốn thập kỷ trước, người Mỹ gốc Á lại cùng nhau lên tiếng chống lại thái độ thù ghét và bạo lực mà cộng đồng của họ phải trải qua. Bởi vì tất cả những gì họ có thể làm, Shimoura nói, là tiếp tục chiến đấu.


Người dịch: Trang Ly

Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân


Comments


bottom of page