top of page

Cảm giác khi là một người gốc Á trong bối cảnh nước Mỹ ngày nay

Translated from nytimes.com's article How It Feels to Be Asian in Today's America

By Jill Cowan, Sally Deng, Ruru Kuo, Adriana Ramic, Deanna Donegan, Alice Fang, Rebecca Halleck and Antonio de Luca. Additional production by Fahima Haque, Brad Fisher, Aidan Gardiner, Clinton Cargill, on 25-09-2021, 00:00:00

Khái niệm chung chung về nhân dạng người Mỹ gốc Á vốn từ khi ra đời đã là một thứ quá mông lung.

Làm thế nào mà một thuật ngữ có thể bao hàm trải nghiệm sống của những người đến từ hàng chục các quốc gia khác nhau? Những lợi ích chung nào ràng buộc những người tị nạn đang cố gắng an cư ở một vùng đất mới với những gia đình đã ở Mỹ qua nhiều thế hệ?

Tuy nhiên, trong đại dịch coronavirus, nỗi sợ hãi và nỗi đau đã đóng vai trò lực lượng thống nhất bất đắc dĩ. Gia tăng bạo lực và sách nhiễu nhắm vào người Mỹ gốc Á đã cho thấy nước Mỹ có lịch sử lâu đời đối xử với những người dân gốc Á như những kẻ ngoại tộc. Việc họ có thuộc về nước Mỹ hay không vẫn tùy vào công việc, sự đồng hóa văn hóa, và sự thành công - chứ chưa phải là di sản (phát triển của xã hội Mỹ - người dịch)

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về cảm nhận của người Mỹ gốc Á hiện nay, nhiều người nói rằng một năm rưỡi qua đã làm sáng tỏ theo những cách khác nhau. Câu trả lời từ những người Mỹ gốc Á trên khắp đất nước và từ nhiều hoàn cảnh khác nhau đã được tóm tắt và biên tập trong bài báo này.

Chúng tôi đã hỏi những người tham gia sử dụng cụm từ nào để xác định nhân dạng của mình. Một số trường hợp, tên đầy đủ và tuổi tác đã được giữ kín vì những quan ngại về an toàn và riêng tư.

Nhiều người nói rằng họ cảm thấy như mới được nhìn nhận - vẫn dễ tổn thương, nhưng cũng nhận thức sâu sắc hơn về cách họ được nhìn nhận. Một số người nói rằng họ cảm thấy buộc phải lên tiếng chống lại sự kỳ thị với người Á Châu và các hình thức phân biệt chủng tộc khác trong cộng đồng.

Một số cho biết họ khao khát được tiếp cận giấc mơ Mỹ mà không phải chịu gánh nặng của định kiến, rằng họ chỉ muốn hòa nhập. Những người khác nói rằng họ đang nâng niu di sản văn hóa châu Á của mình sau nhiều năm cảm thấy điều đó khiến họ bớt Mỹ hơn một cách nào đó. "Bây giờ, điều xấu hổ là tôi đã từng cảm thấy ê chề về gốc rễ của gia đình mình", Jenny Wu Donahue, 33 tuổi, đã nói.

Hơn hai mươi ý kiến ở đây cho thấy một loạt các quan điểm và cảm xúc phức tạp đang được cảm nhận trong cộng đồng người Mỹ gốc Á hiện nay. Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn trong phần bình luận. Bây giờ điều khác biệt là cách mọi người nhìn chúng tôi. Tôi nói với chồng tôi: “Cả đời em là người châu Á, nhưng chỉ bây giờ mọi người mới để ý” Sarah Rudolf, 46 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, St. Paul, Minn. Trước khi nạn thù ghét gia tăng, bố mẹ gọi điện cho tôi mỗi ngày để hỏi thăm và xem tôi có ổn không. Bây giờ đến lượt tôi gọi cho bố mẹ. Jamie, 28 tuổi, người Mỹ gốc Hàn Quốc, Laurel, Md. Gần đây tôi đăng ký cho con gái theo học tại một trường bán công. Chồng tôi điền đơn và nói rằng chúng tôi chỉ có thể chọn một sắc tộc cho con. Vì vậy, anh đã chọn Mỹ trắng và không chọn con là người châu Á. Tôi thấy băn khoăn. Nhưng chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn. Và tôi nghĩ, thôi thì, con đang lớn lên ở Mỹ. Có lẽ giờ đây con là người Mỹ trắng nhiều hơn là người châu Á. Christine Nguyen, 46 tuổi, người Mỹ gốc Việt, San Jose, Calif Tôi là người mẹ đơn thân gốc Hoa đang sống với cô con gái duy nhất ở miền Trung bang Indiana. Trước đại dịch, chúng tôi sống như nhiều người láng giềng thân thiện và tử tế khác trong cộng đồng của mình. Bây giờ, tôi thấy mình luôn đề phòng. Khi tôi dạo bước trong khu phố, hay đi dạo trong siêu thị, có người lạ xung quanh là tôi nâng cao cảnh giác. Tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái khi cuộc trò chuyện kết thúc bằng các cáo buộc liên quan đến mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Tôi không còn cảm thấy tự do để nói về mọi thứ và bất cứ điều gì với bạn bè như trước đây. Tôi bắt đầu tự xa lánh xung quanh, sau nhiều năm đã xem cộng đồng như là một phần thiết yếu trong cuộc sống. Tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi khác biệt và có lẽ tôi nên rời khỏi các cuộc tranh luận. Nhưng nơi đây vẫn là nhà. Tôi sẽ ở lại, và tôi hy vọng cuối cùng tôi sẽ lấy lại cảm giác an toàn mà tôi từng có Jane T., 42 tuổi, người Hoa, Indiana Cha mẹ đã nuôi tôi và hai chị gái với rất nhiều nỗi sợ hãi, và tôi đã nghĩ sẽ công khai chỉ trích những gì tôi tin là thái độ phân biệt chủng tộc của họ. Họ sợ các chủng tộc khác, sợ sự căm ghét và bạo lực nhắm vào chúng tôi, và sợ một ngày nào đó chúng tôi sẽ có những đứa con lai. Đến bây giờ khi đã là một người trưởng thành, chứng kiến ​​và trải qua sự căm ghét và phân biệt chủng tộc ở đất nước này, tôi mới hiểu những gì cha mẹ tôi đã cảnh báo tôi ngay từ đầu. Nhiều khi tôi không muốn đó là sự thật, nhưng chủng tộc vẫn là một điều rất quan trọng ở Mỹ. Geraldine Lim, 33, người Mỹ gốc Hoa thế hệ đầu tiên, Oakland, Calif. Gia đình tôi là người Campuchia và chúng tôi nhập cư vào Mỹ khi tôi mới 3 ngày tuổi - thoát khỏi chế độ cộng sản có tên là Khmer Đỏ vào cuối những năm 70 / đầu những năm 80. Tôi vô cùng may mắn khi bố mẹ thoát khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá và tái định cư ở Mỹ. Tôi lớn lên ở vùng ngoại ô phía tây Chicago, nơi chủ yếu là người da trắng và giàu có. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rõ mình khác với những đứa trẻ khác. Chúng tôi sống trong khu nhà xã hội (Section 8) duy nhất trong khu vực đó. Tuổi thơ của tôi không thực sự hạnh phúc và dễ dàng. Tôi lớn lên với những hàng xóm người Mỹ gốc Latinh và người Mỹ gốc Phi, những người đôi khi kì thị tôi còn hơn cả những người da trắng mà tôi học cùng. Suốt thời niên thiếu tôi thường xuyên bị gọi bằng những cái tên đầy xúc phạm và bị bắt nạt vì là người châu Á. Tôi nhớ rất rõ điều này và nó đã ảnh hưởng đến tôi đến tận ngày nay. Là một đứa trẻ châu Á, đã có lúc tôi cảm thấy thực sự rất cô đơn. Bây giờ tôi có nhận thức sâu sắc hơn rằng tôi là người gốc Á. Có thể là hàng xóm, những người mua sắm ở siêu thị hay ở nơi làm việc không thích tôi bởi vì họ cho rằng tôi là người châu Á và họ liên hệ ngay tới việc coronavirus cũng bắt nguồn từ một quốc gia châu Á - Trung Quốc mặc dù tôi không phải là người Trung Quốc và tôi chưa từng đến Trung Quốc bao giờ; cả đời tôi đã sống ở Mỹ. Tôi là chồng, và là cha của hai cô con gái nhỏ dễ thương. Vợ tôi, Katherine, là người da trắng. Chúng tôi là hai chuyên gia làm việc ở vị trí quản lý, chỉ cố gắng chăm lo cho gia đình. Làm việc chăm chỉ và cố gắng kiếm sống. Và bây giờ tôi phải lo lắng thêm về việc bất ngờ bị tấn công vì sắc da của tôi. Nói buồn là không đúng. Đúng hơn là không thể tin được. Quá kinh khủng. Bây giờ tôi luôn phải sống và đề phòng với cảm giác bạo lực có thể đến với mình bất cứ lúc nào. Samuel Kong, 41 tuổi, người Mỹ gốc Campuchia, Chicago Tôi đã từ chối hoàn toàn gốc gác Hàn Quốc của mình khi còn trẻ vì tôi ngại và xấu hổ khi là người châu Á. Cho đến khi học đại học, tôi mới bắt đầu quan tâm đến văn hóa này. Tôi đã sống ở Hàn Quốc trong một vài năm. Giờ tôi tự làm kim chi, chủ yếu nấu đồ ăn Hàn, và chỉ nghe nhạc Hàn. Tôi học tiếng Hàn mỗi ngày. Bây giờ tôi rất tự hào nhưng đã mất nhiều thời gian để cảm thấy như vậy. Và sự gia tăng tình trạng chống lại người châu Á khiến tôi cảm thấy xấu hổ một lần nữa. Nếu tôi chỉ là người da trắng, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đôi khi tôi cảm thấy bực bội vì hoàn cảnh của mình. Tại sao tôi không thể ở lại Hàn Quốc? Kim Y., người Mỹ gốc Hàn, New Jersey Tôi nghĩ rằng là một phụ nữ Mỹ gốc Á, bạn thấy mình ở vị trí dễ bị tổn thương và bị coi là dễ bị tổn thương. Và ngay cả khi bạn coi mình là một người rất mạnh mẽ, nhận thức về tính dễ bị tổn thương khiến bạn dễ dàng trở thành mục tiêu bạo lực vì mọi người nghĩ rằng họ có thể lợi dụng bạn. Indu Radhakrishnan, 23, người Nam Á, Baltimore Vào lúc khởi đầu của đại dịch, khi đang đi qua một sân bay, tôi đã bị một người lạ nhổ nước bọt vào mặt. Tôi đã bị sốc. Nhưng điều khiến tôi đau lòng không phải là nước bọt đang nhỏ giọt xuống mặt, mà là khi tôi nhìn xung quanh và nhận ra rằng hàng chục người xung quanh chỉ đơn giản giả vờ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Không ai quan tâm hoặc không ai muốn nói bất cứ điều gì. Sự im lặng là đồng lõa với hành động thù hận. Tôi đã đi từ một "thiểu số kiểu mẫu" trở thành mục tiêu cho việc thực hành khạc nhổ. Khoảnh khắc đó khiến tôi nhận ra rằng mình cần phải lên tiếng. Tôi đã đi từ việc cả đời cố gắng hòa nhập đến việc bắt đầu đặt câu hỏi và cố gắng nâng cao nhận thức cho cộng đồng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là có những cuộc trò chuyện rất khó khăn và phải thẳng thắn chỉ ra có những cụm từ dùng hàng ngày được xem là vui và buồn cười với một số người, nhưng lại là coi thường và xúc phạm với nhiều người Người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương khác. Jeff Le, 38 tuổi, người Mỹ gốc Việt, Washington, D.C. Tôi lớn lên ở Alabama và Mississippi, nơi hầu hết mọi người vẫn nói về chủng tộc như một vấn đề rất rõ ràng như trắng và đen. Mặc dù nhiều lần là nạn nhân của việc phân biệt đối xử chống lại người châu Á, cha tôi lại phủ nhận sự phân biệt chủng tộc có hệ thống và tin rằng việc phản đối (những gì ông coi là những trường hợp đơn lẻ) sẽ mang lại những hậu quả không mong muốn. Ông cho rằng tốt hơn là không nằm trong tầm ngắm (và thu hút sự chú ý của dư luận - người dịch) dù điều đó có nghĩa là phải chấp nhận vài sự thù ghét lặt vặt. Mười năm trước, tôi có thể đã đồng ý với ông Siew David Hii, 23 tuổi, người Mỹ gốc Hoa, Raleigh, N.C. Tôi đã lớn lên ở một nơi chủ yếu là người da trắng và trong thời gian rất dài, tôi tin rằng mình có thể đồng hóa bản thân với người da trắng. Tôi biết có những người Mỹ gốc Á khác đã đi học ngôn ngữ (gốc của gia đình - người dịch) và sinh hoạt trong cộng đồng của họ. Tôi từ chối điều đó hết mức có thể, vì tôi nghĩ trước hết mình là người Mỹ. Khi trưởng thành, tôi nhận ra rằng cách tôi nghĩ về bản thân không quan trọng; một số người khác sẽ nhìn tôi hệt như tôi là những người giữ chặt lấy di sản của mình. Thực sự là họ không thấy chúng tôi có gì khác hơn vẻ bề ngoài của mình. Sam You, 34 tuổi, người Mỹ gốc Đài Loan, Los Angeles Là một người Mỹ gốc Pakistan, tôi thấy ngày càng khó sử dụng từ người Mỹ gốc Á để nhận diện bản thân mình trong những tháng gần đây. Tôi là một đứa trẻ khi 11/9 xảy ra. Tôi nhớ tôi rất sợ hãi mỗi khi nói đến những từ như "khủng bố" và "Osama" vì gia đình đã gieo vào đầu tôi rằng nói đến những từ này sẽ khiến cả gia đình gặp rắc rối lớn. Tôi mang theo nỗi lo lắng thường trực mỗi lúc truyền thông đưa tin về các cuộc tấn công khủng bố khác. Giờ đây tôi nhận ra những điểm tương đồng giữa trải nghiệm đó và tình trạng chống lại người Mỹ gốc Á đáng ghê tởm hiện nay. Mặc dù đôi khi tôi thấy “Người Mỹ gốc Á” được sử dụng như một thuật ngữ chung cho tất cả người châu Á, rất nhiều vụ bạo lực và tình trạng phân biệt chủng tộc gần đây đã hướng về người Đông Á chứ không phải người Nam Á. Vì tôi cảm thấy rằng hầu hết người Nam Á trông rất khác biệt về thể chất so với những người châu Á khác, và vì những tội ác thù hận gần đây dường như nhắm vào mọi người dựa trên việc xác định các đặc điểm cơ thể của người Đông Á, tôi có suy nghĩ mâu thuẫn về việc liệu tôi có phải là mục tiêu tấn công hay không. Tôi cảm thấy cần lên tiếng về tình trạng phân biệt chủng tộc với người gốc Á mà tôi đã cảm nhận trong quá khứ, đồng thời cũng muốn lùi lại để cho những người Mỹ gốc Đông Á thảo luận về việc những điều này ảnh hưởng đến họ như thế nào. Waleed Khan, 23 tuổi, Chicago Làm người châu Á nghĩa là… luôn tự hỏi ai sẽ phát âm đúng tên của bạn tiếp tục tự hỏi liệu mọi thứ có liên quan đến chủng tộc hay không bắt đầu tẩy sạch sự tự căm ghét, tự xấu hổ và biết rằng chủ nghĩa thượng đẳng da trắng chính là kẻ thù, chứ không phải bản thân mình. chống lại việc trở thành “thiểu số kiểu mẫu” và viết nên những câu chuyện của riêng chúng ta tự hào về cái tên của bạn, bất kể đó là tên gì tìm thấy bình an với quá khứ và xây dựng một tương lai khác biết rằng chúng ta không cần phải là người da trắng để là người, không như những gì truyền thông đã dạy chúng ta. Chúng ta như chính chúng ta, đã đủ là người rồi. Nghe này Tôi thực sự không biết tôi là ai, hay tôi là gì, nhưng tôi bắt đầu chấp nhận ý nghĩa của việc là người Mỹ gốc Á, mặc dù tôi sẽ nói với bạn sự thật: Khi tôi chuyển từ Florida đến California, tôi đã không châu Á đủ đối với người châu Á, và đối với người Mỹ, tôi không bao giờ đủ để trở thành người Mỹ. Qua thời gian, tôi đã học được rằng tiếng nói của người Mỹ gốc Á thường bị ngó lơ khi chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình đang bị đe dọa. Chúng ta nên lên tiếng trước và từ rất lâu sau khi các công ty truyền thông quay lại với chúng ta để tập trung vào tiêu đề lớn tiếp theo. Mặc dù thực tế là gia đình mẹ tôi đã cư trú ở đất nước này trong bốn thế hệ, chúng tôi vĩnh viễn bị coi là người nước ngoài, khiến cho việc đồng hóa dường như là không thể. Đó là lý do mà cá nhân tôi thấy “Người Mỹ” trong “Người Mỹ gốc Á” rất quan trọng, vì tôi, về mặt văn hóa, sinh ra và theo mọi cách khác, 100% là người Mỹ. Tôi luôn xem vị thế của chúng tôi ở đất nước này là một trong những công dân hạng hai. Trong khi, trước đây, những người gốc Á gốc Mỹ sinh ra ở Mỹ luôn nói rằng họ biết ơn cha mẹ hoặc tổ tiên đã đến đất nước này để cho họ một cuộc sống tốt hơn, thì tôi từ lâu đã cảm thấy rằng đây là một quyết định sai lầm của cha mẹ. Việc tìm kiếm lợi ích kinh tế và bị lừa dối bởi những lời hứa bình đẳng sai lầm của đất nước này, họ đã đến đây và bây giờ tôi và con cháu của tôi về cơ bản bị mắc kẹt trở thành công dân hạng hai ở một đất nước mà chúng ta không bao giờ có thể thực sự gọi là của mình vì nó dường như không coi trọng chúng ta. Tôi cũng khó cảm nhận được lòng yêu nước hay thậm chí là lòng trung thành với đất nước này vì rất khó để yêu một thứ mà dường như nó luôn ghét bạn. Hãy lắng nghe Tôi muốn nói rằng chúng ta không phải là bức tượng giống nhau như lột. Chỉ vì vi-rút bắt đầu ở Trung Quốc không có nghĩa là tất cả chúng ta đều là người Trung Quốc. Có nhiều quốc gia khác ở Châu Á. Và chỉ vì chúng tôi là người châu Á không có nghĩa là chúng tôi trung thành với các chính phủ khác và rằng chúng tôi đang cố gắng chống lại bạn và rằng chúng tôi thuộc một đội khác. Ngược lại, chúng ta ở cùng một đội. Chúng ta là người Mỹ. Chúng tôi coi mình là người Mỹ và chúng tôi hy vọng rằng bạn cũng vậy. Khi nào chúng ta ở lại và chiến đấu cho một miếng của sự bình đẳng trong chiếc bánh Mỹ, và khi nào chúng ta chọn một cuộc sống tốt hơn ở một nơi khác, như cha mẹ và ông bà chúng ta đã làm? Tổ tiên của chúng ta rất thực dụng - họ muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và con cái, và họ đã làm mọi cách để biến điều đó thành hiện thực, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải rời bỏ nhà cửa và phiêu lưu đến những vùng đất xa lạ nơi họ không nói được ngôn ngữ này. Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc sống tốt hơn đó không còn ở Hoa Kỳ? Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc sống tốt hơn đó thực sự có thể xảy ra ở nhiều nơi khác bây giờ, bao gồm cả những vùng đất mà tổ tiên chúng ta đã đến? Người Mỹ gốc Á đã trở thành một thuật ngữ được các quốc gia, tập đoàn và các lực lượng áp bức khác đồng chọn và không còn đại diện cho sự đoàn kết triệt để mà nó đã từng có. Chắc chắn, việc xây dựng liên minh rất hữu ích - nhưng tôi quan tâm đến một liên minh không xóa bỏ sự áp bức xảy ra trong và giữa các cộng đồng “Châu Á”. Là một người Mỹ theo đạo Sikh, tôi không muốn bị dán nhãn là người Mỹ gốc Á vì các cộng đồng “châu Á” khác thể hiện thành kiến kì thị người Sikh . Tôi không muốn có cùng tên với những kẻ áp bức mình. Người Mỹ gốc Á không còn nắm bắt được các sắc thái và sự áp bức nhiều lớp mà các cộng đồng “châu Á” bị gạt ra bên lề, chẳng hạn như Hmong, Campuchia, Lào, Dalit, Sri Lanka, Assamese, Sikh, Ấn Độ giáo, Ấn Độ giáo và các cộng đồng Uyghur, cùng những cộng đồng khác. Tôi muốn được nhìn thấy. Tôi muốn xác định bản thân mình. Tôi không muốn bị định nghĩa bởi một nhãn hiệu chung chung đã mất đi sức đề kháng. Tôi được nhận làm con nuôi từ Trung Quốc trong một gia đình da trắng, và sự gia tăng của tội ác thù hận, bạo lực và luận điệu phân biệt chủng tộc đã dẫn đến một số cuộc trò chuyện khó khăn với cha mẹ tôi. Bố mẹ tôi xem tôi như con gái của họ, một người mà họ yêu quý và tự hào. Họ không nhìn tôi qua con mắt của xã hội: một phụ nữ trẻ châu Á thường bị đánh giá là kỳ lạ hoặc liên tục hỏi tôi đến từ đâu. Thật khó để nói những cuộc trò chuyện này với gia đình da trắng của tôi, để họ hiểu và nhận ra rằng ngay cả khi họ cố gắng, họ sẽ không bao giờ hiểu hết được trải nghiệm của tôi. Giống như hầu hết những người da trắng hiện đang cố gắng hiểu ý nghĩa của việc trở thành một người da màu ở Mỹ, ý định của họ là tốt nhưng gánh nặng giáo dục là ở tôi. Giống như nhiều người Mỹ gốc Á thế hệ thứ hai, tôi là đứa trẻ có bữa trưa nặng mùi và là người duy nhất trong số những người bạn có cha mẹ nói ngọng. Thật là xấu hổ. Bây giờ, điều đáng xấu hổ là tôi đã từng cảm thấy xấu hổ về nguồn gốc của gia đình mình. Là một người Mỹ gốc Hoa, tôi cảm thấy như chúng tôi chỉ có hai lựa chọn, cả hai đều không thực sự giải quyết được vấn đề. Lựa chọn đầu tiên đến từ thế hệ cũ, những người nói với chúng tôi rằng sự im lặng là yếu tố sống còn. Sau đó, có lựa chọn thứ hai, từ những người ở độ tuổi của tôi, những người cảm thấy như chúng ta phải xuất trình nhiều hơn là hộ chiếu và tiếng Anh Mỹ bóng bẩy để làm bằng chứng cho sự thuộc về chúng ta. Chúng tôi thậm chí không thống nhất về niềm tin của mình và đó là điểm yếu lớn nhất của chúng tôi. Ông bà tôi từng bị giam cầm trong suốt Thế chiến thứ hai. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình tôi về cả mặt tài chính lẫn tình cảm. Do tâm lí chống Nhật thời hậu chiến, cha mẹ tôi được khuyến khích hòa nhập càng nhiều càng tốt vào nền văn hóa thống trị của người da trắng. Lớn lên vào những năm 1980, tôi đã trải qua một số phân biệt đối xử, nhưng phải đến thập kỷ trước, tôi mới trở nên có học thức hơn và tham gia vào vai trò là người ủng hộ bình đẳng chủng tộc, bao gồm cả việc sát cánh cùng những người bạn da đen và da nâu của mình để chống lại sự bất công. Tôi chỉ nghĩ mình là người Mỹ gốc Á khi đánh dấu vào ô nhận dạng trên biểu mẫu. Nếu không, tôi là người Mỹ theo đạo Sikh, người Mỹ gốc Punjabi và người Mỹ gốc Nam Á. Cộng đồng Châu Á không phải là một, và thuật ngữ “Châu Á” để mô tả tất cả các trải nghiệm và nền văn hóa khác nhau của chúng ta vừa vô bổ, vừa thiếu chính xác. Tôi đã kết hôn với một người đàn ông da trắng và chúng tôi từng nghĩ rằng chúng tôi có thể thuộc về nhau. Bây giờ thực tế đã chứng minh niềm tin đó không chính xác. Mọi người nhìn tôi bằng một ánh mắt khác so với khi tôi còn ở bên anh ấy. Tôi không cảm thấy an toàn. Tôi mang hộ chiếu có ghi “công dân Mỹ” để chứng minh với mọi người rằng tôi thuộc về đất nước này. Mặc dù đôi khi tôi tự hỏi liệu đó có phải là một lời nhắc nhở bản thân rằng tôi thực sự là người Mỹ hay không. Giống như tất cả những người di dân khác, tôi mang trong mình một giấc mơ Mỹ. Là một người phụ nữ đồng tính tới từ một quốc gia nằm dưới ách thống trị của giới độc tài quân phiệt, của kiểm duyệt và những cuộc đảo chính đẫm máu, nước Mỹ như một chốn dung thân nơi con người ta trân quí tính đa dạng. Cảm giác an toàn và lạc quan đó đã vỡ vụn sau khi tôi bị tấn công. Phải mất một tháng sau, tôi mới có thể thú nhận với cha mình, người vốn luôn mong hai cha con đoàn tụ sau khóa huấn luyện y tế của tôi. Từng là một nhà sư nổi tiếng với sự điềm tĩnh và nhẹ nhàng, lần đầu tiên trong đời cha tôi đã khóc. Ông ấy hỏi, "Con có đau không?" Tôi hy vọng một ngày nào đó có thể nói với ông ấy rằng, "Vâng, con tổn thương, nhưng con cũng đang trong hành trình chữa lành."

Người dịch: Trang VoTrang Ly

Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân


Comments


bottom of page