top of page

Cảnh báo nay đã thành hiện thực: từ luật phá thai đến biến đổi khí hậu!


By Andi Zeisler, on 05-09-2021, 11:30:00

Dù có bao nhiêu lời cảnh báo đi chăng nữa thì nhiều người vẫn nhắm mắt làm ngơ, để rồi tự hỏi vì sao họ không thấy thảm họa đến. “Những kẻ chuyên gieo rắc hoang mang sợ hãi đã luôn đúng." Đó là bài tweet của nhà báo đài NBC Ben Collins vào buổi sáng ngày 2 tháng 9, khi người dân Mỹ thức dậy và nhận ra luật hạn chế phá thai được thông qua. Sau cái đêm Tòa án Tối cao liên bang phê duyệt Dự luật Thượng viện Texas số 8, đạo luật phá thai độc địa, hà khắc nhất nước Mỹ đã chính thức trở thành một đạo luật quốc gia. Collins có ý châm biếm, nhưng tweet của ông đã chọc giận nhiều người. Cũng như các nhân vật trong phim thảm họa cố gắng cảnh báo mọi người về sự xâm lược của người ngoài hành tinh, đại dịch thây ma, hay là sự kiện thời tiết thảm khốc, chả mấy ai vui vẻ khi phải nhắc lại rằng: Tôi đã nói rồi! khi mọi người nhận ra viễn cảnh tồi tệ nhất là có thật. Các nhà khoa học khí tượng, các sử gia, các nhà dịch tể học, các nhà hoạt động xã hội và nhiều chuyên gia khác nữa đã quá ngán ngẫm sau ngần ấy năm bị gọi là phản ứng thái quá. Lo lắng về việc ngày nay nạn cháy rừng và bão nhiệt đới đã thành đặc sản mùa hè của bờ Tây và bờ Đông ư? Lo bò trắng răng, khí hậu trái đật vẫn ổn. Quan ngại rằng Tòa án Tối cao sẽ phê duyệt các “dự luật nhịp tim” với chiến thuật tuyên án chui (shadow docket) ư? Thoải mái nào, quý cô, Roe v. Wade vẫn chưa thực sự gặp nguy hiểm. Tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài vì, suy cho cùng, bệnh viện vẫn chật ních các ca nhiễm Covid-19 và vì mình có con nhỏ, người thân lớn tuổi, hoặc vì bản thân mắc bệnh suy giảm miễn dịch ư? Bình tĩnh đi, các bà. Hoảng loạn cho một nền dân chủ đang tụt dốc không phanh vì số lượng tin vịt và luật hạn chế gây bất lợi cho cử tri ngày một gia tăng ư? Bớt ảo lại cái, bạn hiền.

Thế giới luôn có những thảm kịch bất ngờ, và tất nhiên không phải là cái gì cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi người như nhau. Trong chuyến đi nửa đêm của Paul Revere, chắc ít nhất cũng đã có một người bĩu môi khi nghe ông kêu gào quân Anh sắp đến. Nhưng môi trường ngày nay đã thay đổi bản chất của những lời buộc tội trên. Phương tiện truyền thông có mạng lưới rộng hơn, nhanh hơn, và dày đặc hơn. Mạng xã hội vừa là cánh cổng và vừa là đường dẫn cho thông tin sai lệch. Và sự khác biệt giữa chính quyền và kẻ gieo rắc lo âu nằm ở chỗ ai to tiếng hơn. Tiếng nói của một triệu phú truyền hình với niềm tin cào xới thảm rừng có thể giúp ngăn cháy rừng lại có trọng lượng hơn mô hình dự báo của các nhà khoa học khí tượng. Các nhà báo với gia tài nghiên cứu xuất bản đồ sộ về cái chết của các nền dân chủ cũng như sự trỗi dậy của các phong trào phát xít thì lại bị phát thanh viên truyền hình cáp bỏ bê để lo kiếm thời lượng phát sóng cho những kẻ ủng hộ sự diệt chủng theo chủ nghĩa dân tộc da trắng. Các nhà đấu tranh cải cách hệ thống hình sự tư pháp trong cộng đồng người da màu thì lại bị chê họ không biết mình đang làm gì khi kêu gọi chính quyền cắt ngân sách của cảnh sát. Khi bà Martha Mitchell, phu nhân của Bộ trưởng Tư pháp dưới thời cựu Tổng thống Richard Nixon, tiết lộ vụ bê bối Watergate vào năm 1972, danh tiếng bà bị bôi nhọ dã man đến mức trong ngành y khoa có khái niệm Hiệu ứng Martha Mitchell. Khi Al Gore phát hành phim tài liệu “Sự thật bất tiện” vào năm 2006, ông biết chắc mình sẽ bị nhạo báng là thằng điên lắm mồm thích ôm cây (tree-hugging fussbudget) — suy cho cùng, ông đã từng thấy qua cái phản ứng gay gắt dành cho “Mùa xuân tĩnh lặng” (1962), cuốn sách quan trọng về mội trường của Rachel Carson. Năm 1981, khi bệnh AIDS vẫn còn bị gọi là bệnh GRID (hội chứng suy giảm miễn dịch đồng tính nam), nghiên cứu cảnh báo của một nhà khoa học cấp cao tại Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ tên Anthony Fauci đã bị Tạp chí Y học New England gạt bỏ.

Nhưng giờ chúng ta đều thấy, Martha và Al và Tony đã đúng. Và những người khác cũng đã đúng, những người đã dành nhiều thập kỷ để dõi theo chiến thuật dài lâu của phe chống quyền phá thai; để vận động bầu cử cho các nhà lập pháp ủng hộ quyền phá thai; để chấm dứt các hủ tục hạn chế phá/ngừa thai thời kỳ “tiền Roe”); để kêu gọi xem xét điều tra bạo lực nhắm đến các tổ chức và phòng mạch y tế có cung cấp dịch vụ phá thai như thể đó là khủng bố trong nước; để phản đối các chỉ thị vớ vẩn từ tiểu bang hòng ép phụ nữ phải mang thai và sinh con như kéo dài thời gian chờ khám và bắt buộc siêu âm đầu dò.

Giờ đây, các phòng khám Texas phải từ chối bệnh nhân có nhu cầu phá thai bởi vì đạo luật mới này khuyến khích người dân tố cáo những ai giúp đỡ người khác tiếp cận dịch vụ này, cho dù đó là bác sĩ hay chỉ là một người bạn tỏ ý muốn chở đến phòng khám. Lệnh cấm của Texas được bàn cãi nhiều nhất, nhưng nó cũng không phải là lệnh cấm duy nhất: những ai đang hí hửng cho rằng bệnh nhân chỉ cần đến phòng khám của những bang lân cận sẽ phải nghĩ lại. Cảnh báo không phải là thồi phồng sự việc hay “làm rối chuyện” (từ gốc: hysteria, đây một thuật ngữ mang tính phân biệt giới tính). Nó là hành động của những người biết quan sát và cập nhập thông tin.

Như những người chuyên loan báo động giả, những người dùng trang cá nhân của họ để phỉ báng các chuyên gia luôn tự cho rằng mình biết cách xử lý thông tin một cách trung lập, rằng họ có thể đánh giá khách quan các vấn đề nghiêm trọng, gây tranh cãi phiến diện. Và thực sự, tính khách quan trong báo chí trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong một thời đại mà đến cả thực tế cũng bị chính trị hoá. Nhưng, những gì đang xảy ra ở Georgia, Texas, Arizona và Mississippi là một lời nhắc nhở quan trọng rằng người dân Mỹ lo sợ cũng phải thôi bởi vì nguy hiểm tiềm tàng là thật. Không phải ngẫu nhiên mà những cá nhân thường xuyên bị gán mác là những kẻ báo động thường là những người quan tâm đến luật pháp, các chính sách và quan điểm xã hội bởi vì cuộc sống và quyền tự do của họ phụ thuộc vào những điều này. Đưa ra nhận định là rất dễ, như cách mà Brian Stelter - một nhân vật nổi bật trên CNN đã viết trong một bài đăng trên Twitter vào năm 2018 mà anh đã âm thầm xoá ngay sau phát quyết của toà án trong tuần này. Stelter cho rằng so sánh nước Mỹ với chế độ hư cấu Gilead là hành động phát tán nỗi sợ hãi một cách vô trách nhiệm. Nhưng cũng phải thôi, quyền tự chủ cơ thể của anh này đâu có bị đe doạ. Dù cho bao nhiêu người cảnh báo về chủ nghĩa phát xít tự phát, bao nhiêu người cố gắng đề cử những nhà lập pháp ủng hộ quyền được lựa chọn phá thai, bao nhiêu người tố cáo mọi trường hợp từ can thiệp bầu cử cho đến những cá nhân do nhận tiền tài trợ hối lộ mà phủ nhận nạn biến đổi khí hậu. Lịch sử đã chứng minh cho ta thấy, nhiều người vẫn nhắm mắt làm ngơ để rồi tự hỏi vì sao họ không thấy thảm họa đến. Nhiều người đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cái chết ngày một cận kề của Roe v. Wade trong nhiều thập kỷ. Nếu bạn đã từng thờ ơ không lắng nghe thì hiện tại là một thời điểm tuyệt vời để bắt đầu.


Người dịch: Phuong Anh & An Nguyen

Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân


Comments


bottom of page