top of page

Cáo buộc về gian lận bầu cử ở California cho thấy một "bình thường mới" của đảng Cộng Hoà

Translated from The New York Times 's article False Election Claims in California Reveal a New Normal for G.O.P.

By Nick Corasaniti, on 14-09-2021

Nhiều đảng viên Cộng Hoà đang truyền bá những cáo buộc vô căn cứ về gian lận trong kỳ bầu cử bãi nhiệm Thống đốc California trước cả ngày bỏ phiếu, mang lại dư âm của năm 2020.

Kết quả của cuộc bầu cử chỉ được biết vào tối thứ Ba. Thế nhưng nhiều đảng viên Cộng Hoà đã dự đoán người thắng sẽ là Thống đốc Dân Chủ đương nhiệm Gavin Newsom, và ông chỉ có thể thắng vì một lý do quen thuộc: Gian lận bầu cử.

Sau khi ngày bầu cử bãi nhiệm đã được ấn định vào đầu tháng Bảy, tàn dư của chủ nghĩa phủ nhận trong năm 2020 bùng cháy lại trên những trang tin và mạng xã hội cánh hữu. Đợt bầu cử này sẽ bị “đánh cắp" bằng nhiều thủ đoạn, từ sử dụng phiếu bầu giả tới sự bất chính của các nhân viên bưu điện tham nhũng.

Khi nhiều đợt thăm dò cho thấy ông Newsom sẽ đánh bại được các đối thủ Cộng Hoà, lời đồn vô căn cứ này lại gia tăng. Larry Elder, ứng viên dẫn đầu bên Cộng Hoà, nói rằng ông “lo ngại” về gian lận bầu cử. Các bình luận viên của Fox News Tomi Lahren và Tucker Carlson thì nói rằng ông Newsom chỉ có thể thắng khi chơi bẩn mà thôi. Ngay cả cựu Tổng thống Trump cũng nhập cuộc mà đoán đây sẽ là "một cuộc bầu cử gian lận.”

Giọng điệu đầy rẫy các nghi vấn về gian lận bầu cử phản ánh tâm thế của cánh hữu rằng nếu họ thua (hoặc sắp thua) một cuộc bầu cử nào thì ắt hẳn nó đã bị “gian lận” từ lâu. Lời nói dối được lặp đi lặp lại bởi Trump và đồng minh vào năm 2020 chỉ “đổ dầu vào lửa” cho các nghi vấn này.

“Tôi thật sự tin là có nhiều điều bất thường và phi pháp đã diễn ra.” Elena Johnson, một giáo viên 65 tuổi ở hạt Los Angeles có mặt ở buổi mít tinh ủng hộ Larry Elder nói. “Cuộc bầu cử này đã bị đánh cắp rồi.”

Vì lo ngại gian lận, bà Johnson nói mình sẽ bỏ phiếu trực tiếp vào thứ Ba thay vì bỏ phiếu sớm qua thư. Bà cho biết sẽ ủng hộ bên Cộng Hoà vì thấy tiểu bang California đã cưu mang mình từ Philippines hơn 40 năm trước đang nằm trước bờ vực. “California là nơi tôi đến, và California cũng là nơi tôi muốn ở lại.” bà nói.

Từ khi bắt đầu quá trình bãi nhiệm, các cáo buộc gian lận đã lan truyền trên mạng xã hội ở California, có khi tới hàng nghìn tin như thế một ngày theo Zignal Labs, một công ty theo dõi truyền thông.

Nhưng một số ít cáo buộc đơn lẻ hay thuyết âm mưu, chẳng hạn như một video đã bị chỉnh sửa cho thấy người có “chìa khoá chính” ở bưu điện có thể ăn cắp phiếu bầu, đã được lặp lại nhiều lần trong giới bảo thủ. Video này thu hút hơn một triệu lượt xem, bởi vì được các đồng minh của Trump và truyền thông cánh hữu quảng bá.

Trên khắp nước Mỹ, các đảng viên Cộng Hoà không chấp nhận thua cuộc cũng chỉ là những người ngoại lệ . Hàng trăm ứng cử viên Cộng Hoà trên khắp các cuộc bầu cử ở Mỹ đã chấp nhận thua vào năm 2020. Nhưng cũng đã có nhiều người ủng hộ Trump trong việc tấn công vào kết quả bầu cử Tổng thống, và những đợt bầu cử gần đây cho ta thấy ngày càng nhiều ứng viên, đồng minh và truyền thông bảo thủ nghi ngại về tính hợp lệ của quy trình bầu cử.

Bình thường thì phía Cộng Hoà sẽ cáo buộc gian lận sau khi bầu cử diễn ra, nhưng việc đảng đánh phủ đầu ngay trước khi bỏ phiếu ở California – với cơ hội thắng rất nhỏ trong một tiểu bang xanh có xu hướng Dân Chủ – báo hiệu cho sự bình thường hoá các cáo buộc gian lận. “Điều này đang dần thành lối chơi của đảng rồi.” Michael Latner, giáo sư chính trị ở California Polytechnic Institute (Đại học Bách khoa California) nói. Khi kết quả bỏ phiếu đã chính thức tuyên bố Newsom thắng cuộc, ông nói thêm “Giờ đây mạng xã hội nhan nhản những tin tức kiểu, “tôi có năm phiếu bầu này” hay “ông chú của tôi nghe nói bỏ phiếu được tận năm lần cơ đấy.”

Các lãnh đạo đảng Cộng hoà và nhiều chiến lược gia lo lắng đó là một thông điệp thất thiệt. Đúng là cáo buộc gian lận sẽ làm đám đông ủng hộ hăm hở hơn, lãnh đạo đảng sợ việc liên tục nói với cử tri rằng bầu cử bị gian lận và phiếu bầu của họ sẽ không được đếm có thể phản tác dụng, khiến cho một số cử tri Cộng Hoà không thèm đi bỏ phiếu nữa.

Phía đảng Cộng Hoà vừa kêu gọi cử tri hãy bỏ phiếu qua thư, vừa phát tán nghi vấn gian lận qua hình thức bỏ phiếu này.

Chẳng hạn như hai cuộc bầu cử Thượng Viện năm nay ở Georgia, hai Thượng Nghị sĩ đương nhiệm của Cộng Hoà Kelly Loeffler và David Perdue đã thua những ứng viên lần đầu của đảng Dân Chủ. Mặc dù năm 2020 là lần đầu tiên đảng Dân Chủ thắng Georgia trong cuộc bầu cử Tổng thống, việc lật hai ghế Thượng Viện lại khó khăn gấp bội.

Thế nhưng nhiều tháng sau khi cuộc bầu cử tháng 11, cựu Tổng thống Trump lại tấn công vào tính hợp pháp của cuộc tranh cử ở Georgia, lặp lại các thuyết âm mưu và chỉ trích Tổng thư ký cùng với Thống đốc Georgia (hai người đều là đảng Cộng Hoà) vì “không làm như ý ông muốn" trong việc “lật” lại kết quả bầu cử. Kết quả là vào ngày bầu cử Thượng Viện (tháng Một 2021), khoảng 752 nghìn cử tri Georgia không đi bỏ phiếu theo tờ Atlanta Journal-Constitution. Đa số các cử tri này đều ngã về phía đảng Cộng Hoà."

“Người được ngưỡng mộ nhất trong phe bảo thủ nói với họ rằng lá phiếu của họ không có được đếm đâu.” Phó Thống Đốc (Lt. Governor) bang Georgia Geoff Duncan thuộc đảng Cộng Hoà nói. “Ngày mai thì ông lại nói rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận, ngày mốt thì ông lại bảo họ “Cần gì phải đi bầu?”. Chỉ cần thế đủ để nghiêng cuộc bầu cử này về phe Dân Chủ rồi." “Cả mớ bòng bong gian lận và bầu cử” này, tất cả chỉ là để đảng đỡ mất mặt mà quên đi cả thực tại." ông Duncan thêm.

Đảng Cộng Hoà California đang cố bình ổn lại dư luận, vừa tìm hiểu mối lo của cử tri về gian lận bầu cử vừa trấn an họ hãy yên tâm mà bỏ phiếu qua thư. Các quan chức cấp cao trong đảng quảng bá việc bầu qua thư trên mạng xã hội, kêu gọi những thành viên nổi tiếng như Dân biểu Kevin McCarthy (lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ Viện) rao giảng về sự bảo mật của bỏ phiếu bằng thư. Nhưng phía Cộng Hoà trong nghị viện tiểu bang tháng vừa qua lại phản đối một dự luật cho phép bỏ phiếu qua thư sẽ được thực hiện từ đây về sau (hiện giờ bỏ phiếu qua thư chỉ được xem là tạm thời.) Giới Cộng Hoà trong nghị viện cứ nói về việc bỏ phiếu qua thư dễ gây gian lận ra sao, hay thùng phiếu thiếu bảo mật thế nào.

“Tôi có thể trình bày rất nhiều câu chuyện từ địa hạt của tôi đấy.” Thượng Nghị sĩ tiểu bang Shannon Grove (Cộng Hoà) từ Bakersfield cho hay. Bà nói thêm phía Dân Chủ cũng sẽ xác nhận những phàn nàn này “nếu bọn họ thành thật.”

Đảng Cộng Hoà của bang cũng tăng cường cái mà họ gọi là bảo vệ tính chính trực bầu cử, bao gồm việc cho thêm quan sát viên hay kêu gọi mọi người hãy gọi điện thoại báo cáo những nghi ngờ gian lận. Chiến dịch này, được thúc đẩy bởi Chủ tịch đảng Jessica Millan Patterson, được lập ra để đảm bảo với cử tri rằng bầu cử ở California sẽ được an toàn.

“Tôi tập trung vào việc xây dựng niềm tin vào quá trình bầu cử của chúng ta và phải làm cho người dân tự tin.” Patterson nói. Bà cho hay mình không để tâm tới những lời cáo buộc gian lận khắp cả nước và không sợ việc mình đang làm sẽ khiến số cử tri Cộng Hoà tham gia bỏ phiếu sụt giảm vì “trọng tâm của chúng ta là việc Gavin Newsom đang làm Thống Đốc mỗi ngày.”

“Tôi chỉ quan tâm tới California thôi, còn lại đều không quan trọng.” bà Patterson nói thêm. “Phải sửa mái nhà mình trước khi lo chuyện đại sự quốc gia đã.”

Ông Elder, ứng viên Cộng Hoà tuyên bố vô căn cứ rằng sẽ có lừa bịp trong quá trình bầu cử, cũng đã thu xếp một đường dây nóng để cử tri báo cáo gian lận. Ban đầu Elder giữ lập trường phản đối thành phần hay các buộc gian lận trong đảng, thậm chí còn nói trước một ban biên tập của một báo thiên tả tháng trước rằng ông tin Tổng thống Biden đã thắng “đàng hoàng” năm ngoái. Nhưng khi chiến dịch tranh cử của ông dần được sự chú ý của cử tri, Elder lại quay ngược 180 độ mà nói với một đài radio bảo thủ rằng “Tôi không tin Biden đã thắng.”

Shawn Hubler viết từ Sacramento, Jeremy W. Peters viết từ Los Angeles.


Người dịch: Sam Tran

Biên tập: Paul Nguyen

Comments


bottom of page