top of page

Câu chuyện của một người phụ nữ đã làm nên Tháng Di sản người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương


Một cá nhân kiên trì bày tỏ sự thất bình đối với hiện trạng có thể thay đổi lịch sử.

By Kat moon, on 23-05-2019, 12:30:00

Một cá nhân kiên trì bày tỏ sự thất bình đối với hiện trạng có thể thay đổi lịch sử. Ví dụ điển hình: Tháng Di sản Người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương. Lễ kỷ niệm này diễn ra vào mỗi tháng 5 ở nước Mỹ, được cộng đồng 22,2 triệu người Mỹ gốc Á và 1,6 triệu người Hawaii bản địa cùng người gốc các đảo Thái Bình Dương khác ghi nhận. Quy mô là thế, vậy mà nguồn cơn của tháng tưởng niệm lại chỉ bắt đầu từ một người phụ nữ. Tại phiên điều trần Quốc hội năm 1992, khi nghị sĩ New York Frank Horton đề ra dự luật yêu cầu tháng 5 trở thành tháng kỷ niệm, ông đã đặc biệt nhắc đến một người phụ nữ: Jeanie Jew, một cựu nhân viên chính phủ đã cho ông ý tưởng này hơn 15 năm trước . Bà đã chứng kiến lễ kỷ niệm 200 năm thành lập nước Mỹ vào 1976 và bày tỏ quan ngại việc những đóng góp của người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương ít được ghi nhận. “Bà đã nghĩ, chúng ta có thể nâng cao nhận thức cộng đồng về những đóng góp bằng những cách nào đây?” Claudine Cheng, cựu chủ tịch của OCA - tổ chức cho người Mỹ Gốc Á - Thái Bình Dương, chia sẻ Thời bấy giờ, kỷ niệm Tháng Lịch sử người da đen và Tuần lễ di sản người Mỹ Latinh đã được thiết lập. Năm 1976, tổng thống Gerald Ford tuyên bố cả nước sẽ tưởng niệm Tháng lịch sử người da đen. Năm 1968, tổng thống Lyndon B. Johnson ban hành lễ kỷ niệm quốc gia cho Tuần lễ di sản người Mỹ Latinh. “Điều cần phải làm là kêu gọi cho người gốc Á có được một thời gian để ký niệm tương tự trong năm,” Cheng nói. Về phần bà Jew, sự thiếu công nhận này có một ý nghĩa rất thân thuộc: ông cố của bà, M.Y. Lee, đặt chân đến nước Mỹ từ Trung Quốc vào những năm 1800 và đã đóng góp công sức xây dựng nên tuyến đường sắt xuyên lục điạ. Ông và các đồng hương có vai trò quan trọng trong lịch sử nước Mỹ nhưng lại phải chịu cực khổ vì nó. Vào cuối thế kỷ 19, luật liên bang Hoa Kỳ công khai nhắm đến dân nhập cư Trung Quốc. Đạo luật Ngăn chặn người Trung Quốc năm 1882 nghiêm cấm công nhân Trung Quốc nhập cư vào Hoa Kỳ trong 10 năm. Sau đó đạo luật trên được gia hạn qua Đạo luật Geary, đòi hỏi dân nhập cư từ Trung Quốc phải mang theo giấy phép mọi lúc mọi nơi để tránh bị trục xuất. (Phải đến hơn 60 năm sau, vào năm 1943, Quốc hội mới gỡ bỏ lệnh ngăn chặn - và ngay cả lúc đó thì luật chỉ cho phép 105 người Trung Quốc được nhập cảnh mỗi năm.) Về phần những người đặt chân lên được đất Mỹ, họ thường phải đối mặt với bạo lực. 17 người đàn ông và bé trai đã bị giết hại ở Los Angeles trong một vụ việc ngày nay gọi là Thảm sát người Trung Quốc 1871. Lần khác, Phố người Hoa của San Jose bị đốt phá và hủy hoại. Tổ tiên của Jeanie Jew đã không thoát khỏi số phận này. '[Ông Lee] sau này trở thành một thương gia có tiếng ở California," Horton, nhà tài trợ chính cho nghị quyết, chia sẻ vào năm 1992. "Khi người Trung Quốc gặp khó khăn tại Oregon, ông Lee đã đến Oregon và bị giết hại trong quãng thời gian loạn lạc đó. Câu chuyện của ông Lee và những người gốc Á khác khiến người phụ nữ này tin rằng, không chỉ người gốc Á phải am hiểu về nguồn cội của mình, mà tất cả đều người Mỹ phải biết về những đóng góp cũng như lịch sử và trải nghiệm của người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương tại Hoa Kỳ. Có hai lý do tại sao tháng 5 được chọn: Thứ nhất, để tưởng niệm người nhập cư Nhật Bản đầu tiên đến Mỹ (được biết đến) vào ngày 7 tháng 5, 1843; thứ 2, để vinh danh ngày tuyến đường sắt xuyên lục địa hoàn thành vào ngày 10 tháng 5, 1869 - một công trình có đến gần 20.000 công nhân Trung Quốc tham gia. Cùng với Ruby Moy, chánh văn phòng của Horton, Jew dẫn đầu các nỗ lực để đạt được sự ủng hộ cho một bản tuyên ngôn. Năm 1978, ông Horton và cựu đại biểu California Norman Mineta đưa ra một dự luật yêu cầu tuần lễ bắt đầu từ ngày 4 tháng 5 - tuần của 2 ngày lễ kỷ niệm quan trọng - sẽ được ấn định là Tuần lễ Di sản người Mỹ gốc Á TBD. Sau khi nghị quyết chung được Quốc hội thông qua, tổng thống Jimmy Carter ký thành luật và thế là dịp lễ tưởng niệm khởi đầu là một tuần. Tuy nhiên, luật này không ấn định đây là một dịp lễ hàng năm, và các tổ chức cộng đồng cùng những nhà chủ trưởng bắt buộc phải nộp kiến nghị mỗi năm để đạo luật được tái hiệu lực. Năm 1990, tuần kỷ niệm được kéo dài ra thành tháng kỷ niệm sau khi một dự luật mới được Quốc hội thông qua và ký thánh luật bời tổng thống George H. W. Bush. Dù vậy, tuyên ngôn lúc đó vẫn chưa có ấn định mỗi năm, và tổng thống phải tái khởi động tháng 5 là tháng di sản người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương trong từng năm sau này. Chỉ đến năm 1992 khi Horton, cùng với các nhà đồng tài trợ khác, đề nghị một dự luật mới nhằm vĩnh viễn ấn định tháng 5 là tháng kỷ niệm - một dự luật thành văn sau khi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối trong Quốc hội. “Tôi muốn tuyên dương hai người phụ nữ đã có công biến sự kiện này thành hiện thực, Ruby Moy và Jeanie Jew,” Horton phát biểu trong phiên điều trần Quốc hội 1992. “Bà Jew đã chuyển hóa một bi kịch của gia đình thành một động lực tích cực.” Cựu đại biểu Ohio Thomas Sawyer, người cũng đã phát biểu trong phiên họp đề nghị dự luật tổ chức Tháng di sản người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương hàng năm, nêu lên tầm quan trọng của sự kiện. “Chủ đề của dự luật này có ý nghĩa phi thường đối với quốc gia: sự chuyển biến đáng kể cho một nhóm người lan rộng trên cả nước,” ông nói. “Hoa Kỳ tiếp tục là một quốc gia chân chính của dân nhập cư, và sự đa dạng trong dân số tiếp tục đóng góp cho đất nước ngày một mạnh mẽ và phát triển.”

Người dịch: Quyen Tran

Biên tập: Tran Nguyen


Comments


bottom of page