top of page

Cha già ốm đau muốn lên mạng đọc tin rác, nên chiều hay cản?

Updated: Nov 2, 2021

Translated from The New York Times's article Should I Help My Aging, Ailing Dad Access His Toxic Web Feed?


By: Kwame Anthony Appiah, on 05-10-2021, 03:00:00

Tôi đã 50 tuổi. Cha tôi khá gàn dở, cả trong quan hệ với tôi lẫn trong xã giao với mọi người xung quanh, nên từ lúc trưởng thành, cha con tôi không được gần gũi cho lắm. Cha và mẹ tôi ly thân trước khi tôi lên 2. Ông ấy có thi thoảng bạo hành mẹ tôi. Mấy chục năm trước, ông đã mắc phải nhiều vấn đề tâm lý cấp tính, thậm chí là triệu chứng tâm thần phân liệt khá rõ, nhưng thay vì chấp nhận các biện pháp điều trị tâm lý chính quy thì ông lại chạy trốn đến một tu viện. Bẵng đi một thời gian, ông cũng quay về, có một công việc ổn định và có thể tự chăm sóc bản thân, nhưng bệnh của ông vẫn có nguy cơ tái phát bất cứ lúc nào.


Ảo tưởng, rối loạn tâm thần, ám ảnh, phức cảm ngược đãi (persecution complex), triệu chứng nào ông ấy ít nhiều cũng có. Có khi chúng xuất hiện dưới hình thức lăng mạ chửi rủa và đe dọa vũ lực, có khi chỉ là ông muốn điên cuồng bàn luận về chủ đề gì đó mà tôi không đồng tình hoặc thấy nó vô nghĩa, nhưng không lần nào là cha con tôi lại không tranh cãi vì nó. Ông tin sái cổ gần như là mọi thuyết âm mưu ác ý trên đời. Đến đây chắc quý vị cũng đoán được, vì chuyện này mà chúng tôi không thể tạo dựng một mối quan hệ gần gũi, và cha con tôi đã nhiều lần hạn chế tiếp xúc và thậm chí là có lúc từ mặt nhau.


Càng lớn tuổi thì ông cũng ít độc địa và hằn học lại, và ông bắt đầu gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Bây giờ ông chỉ là một ông cụ già yếu đau bệnh. Ông rất cảm động vì tôi đã hỗ trợ quá trình điều trị ung thư của ông, và nhìn chung thì ông là một bệnh nhân dễ chăm sóc, và quan hệ cha con chúng tôi bình thường lại như cũ. Con người ông cũng có mặt tốt bụng, dịu dàng, hài hước và rộng rãi. Nhưng giờ đây, sau một lần đột quỵ, ông đã không còn nói, đọc, hoặc viết được nữa. Ông không có ai khác giúp đỡ. Vậy nên so với mấy chục năm trước thì bây giờ tôi thường xuyên gặp ông hơn. Tôi xin ngày phép, hàng ngày giúp ông làm các công việc như trị liệu âm ngữ, kiểm tra email, giao dịch ngân hàng, mua sắm, lo liệu giấy tờ y tế và hẹn khám qua video. Nhưng có một vấn đề: ông ấy thấy chán và muốn tôi giúp ông cập nhật những trang web (mà ông đọc cũng chẳng hiểu) và kênh YouTube quảng bá ba cái chủ đề tầm phào vô cùng tai hại. Đừng đeo khẩu trang vì đại dịch Covid chỉ là một thuyết âm mưu? “Bọn toàn cầu hóa” (globalist) sẽ thôn tính thế giới? Gian lận kết quả tranh cử 2020? Chính phủ Mỹ đứng đằng sau khủng bố 9/11? Vụ thảm sát Sandy Hook là giả? Có hết, và còn thêm nhiều cái nữa. Ông không thể tự tìm đến những thứ này mà không có sự trợ giúp từ tôi, và tôi không thể dằn lòng mà giúp ông làm vậy.


Tôi từ chối giúp ông tiếp cận với những thông tin sai trái mà ông muốn xem có được không? Hay là ông đã già yếu lẩn thẩn rồi, không còn sống được bao lâu nữa, nên cứ chiều cho ông vui, vì cũng đâu có hại gì đâu? - Độc giả giấu tên

Vậy là [chuyên mục hôm nay của] chúng ta có một bệnh nhân đột quỵ đã mất khả năng ngôn ngữ và còn gặp phải nhiều trở ngại tâm thần kinh niên. Chúng ta còn có một người con yêu thương ông ấy đến mức sẵn sàng gạt bỏ nhiều năm bất hòa xa cách giữa hai người sang một bên. Bạn không muốn dính líu tới các trang web và kênh YouTube nọ cũng dễ hiểu. Nếu cha của bạn vẫn còn đủ minh mẫn để hai cha con có thể nghiêm túc trò chuyện thì bạn đã có thể nói thẳng với ông về suy nghĩ của bạn, rằng nguồn tin yêu quý của ông đang tuyên truyền các thông tin nguy hiểm và vô căn cứ, và rằng bạn không muốn dính dáng gì tới chúng.


Đây là vấn đề nan giải vì nhiều nguyên do khác nhau, mánh khóe tung hỏa mù của bên đưa tin là một trong số đó. Những kẻ này rêu rao tin vịt có nội dung phòng chống tin vịt và lừa đảo bằng cách cảnh báo về sự lừa đảo. Chúng lừa gạt các nạn nhân bằng cách nhắc nhở họ đừng để bị lừa gạt. Tuy nhiên, hai mối bận tâm lớn nhất của chúng ta với dạng độc tố thời công nghệ số này là 1) nó ảnh hưởng thế nào lên người xem, và 2) nó cổ xúy người xem làm những chuyện gì. Trong trường hợp cha bạn, nói ngắn gọn thì chúng ta đã hết hy vọng về điều 1, còn điều 2 thì hoàn toàn không thể xảy ra. Ông đã lậm trong ảo tưởng không dứt ra nổi, nhưng ông cũng không còn khả năng truyền bá hay làm gì với chúng được nữa. Và tôi đoán là nếu bạn giới thiệu cho ông những hình thức giải trí trực tuyến khác thì ông cũng sẽ không mặn mà gì lắm — nếu không thì bạn đã chả cần phải viết thư về tình huống khó xử này. Cái chính là bạn cảm thấy lo ngại về mớ thông tin sai lệch độc hại ấy: bạn không muốn phải dành thời gian cho chúng.


Bạn cũng không có trách nhiệm phải giúp cha bạn làm vậy. Bạn đã cố gắng tận hiếu. Nhưng nếu cha bạn cần theo dõi video tuyên truyền thuyết âm mưu để giết thời gian và thư giãn đầu óc, thì việc chiều ý ông sẽ là một hành động hiếu thảo. Bạn chỉ việc tắt chúng đi mỗi khi bạn ở bên cạnh ông ấy: Người chăm sóc bệnh nhân cũng cần phải chăm sóc cho bản thân mình.


Người dịch: Kevin Do

Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân


Comments


bottom of page