Translated from Reuters's article In NATO debut, Biden's Pentagon aims to rebuild trust damaged by Trump
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ dùng cuộc họp quốc phòng NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) trong tuần này để bắt đầu nỗ lực tái lập lại mối quan hệ lâu dài với các đồng minh châu Âu đã bị Donald Trump làm lung lay bằng chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của ông ta.
By Phil Stewart, Idrees Ali, Robin Emmott, on 15-02-2021, 03:00:00
WASHINGTON / BRUSSELS (Reuters) - Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ dùng cuộc họp quốc phòng NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) trong tuần này để bắt đầu nỗ lực tái lập lại mối quan hệ lâu dài với các đồng minh châu Âu đã bị Donald Trump làm lung lay bằng chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của ông ta. Các quan chức Hoa Kỳ phát biểu với Reuters với điều kiện ẩn danh rằng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ nhấn mạnh cam kết và sự đánh giá cao của Hoa Kỳ đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương sau khi Trump tỏ thái độ thù địch công khai. Cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 17-18/2 tại đây. Đây cũng là sự kiện lớn đầu tiên cùng châu Âu kể từ khi Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Ông Biden sẽ phát biểu tại một cuộc họp trên mạng của diễn đàn an ninh Munich tại đây vào 19/2. Cũng theo các quan chức trên, sau nhiều năm Trump chế giễu công khai các đồng minh NATO như Đức đã không đạt được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng, chính quyền Biden, vẫn không từ bỏ các mục tiêu trên, sẽ tập trung vào những bước tiến nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của NATO. “Sự tin tưởng không phải là điều nói là làm được ngay, mà cần có thời gian. Không chỉ nói suông là được. Cần phải hành động,” một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ lên tiếng (với điều kiện ẩn danh để thảo luận về các mục tiêu của chính quyền đối với cuộc họp NATO). Để nhấn mạnh quan điểm của Biden đối với NATO, Nhà Trắng thậm chí đã thực hiện một việc hiếm có, tung ra một video trên Youtube youtu.be/o9E1S3UPRFY vào ngày 27/1 về cuộc trò chuyện đầu tiên của Tổng thống Mỹ với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong đó ông sử dụng từ "sacred" (thiêng liêng) để mô tả cam kết của Hoa Kỳ đối với phòng thủ tập thể. Tuy nhiên, Biden có thể vẫn phải đối mặt cam go, khi châu Âu chứng kiến Washington chấm dứt nhiều cam kết dưới thời Trump, bao gồm việc rời khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran và Hiệp định Khí hậu Paris. Việc Trump miêu tả NATO như một tổ chức đang gặp khủng hoảng, bị suy sụp bởi các thành viên lạc hậu, đã khiến nhiều đồng minh châu Âu cảm thấy chán ngán. Một nhà ngoại giao NATO châu Âu cho biết: “Giới an ninh châu Âu đã bị Trump làm kiệt quệ vì tính khó lường của ông ta”. “Chúng ta vừa trải qua bốn năm không liên hệ với nhau và thế giới thì đã rất khác so với bốn năm trước. Biden cần phải có sửa chữa lớn với châu Âu.” Bộ trưởng Quốc phòng Bồ Đào Nha Joao Gomes Cravinho, nhấn mạnh sự cảnh giác với Hoa Kỳ, đã nói với Nghị viện Châu Âu vào ngày 28/1 rằng thời Trump là một "thử nghiệm ý thức hệ" đã gây "tác hại đến uy tín và sức mạnh của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.” Các nhà phân tích chính trị cho biết, cuộc bạo loạn chết người xảy ra vào ngày 6/1 tại Điện Capitol của Hoa Kỳ, khi những người ủng hộ Trump đã cố gắng cho ông giữ chức nắm quyền, cũng đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hình tượng của Hoa Kỳ như ngọn hải đăng của nền dân chủ trên toàn cầu. CÓ PHẢI LÀ ĐỒNG MINH ĐÁNG TIN CẬY? Một trong những thách thức lớn nhất của Biden sẽ là việc thuyết phục các đồng minh rằng Mỹ sẽ không quay trở lại một thời kỳ Trump khác trong vòng bốn hoặc tám năm nữa. Rachel Rizzo, một thành viên hỗ trợ tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới tập trung vào an ninh châu Âu và NATO, cho biết: “Đó là một nỗi lo ngại và một mối quan tâm chính đáng." Bà nói thêm rằng việc chứng minh Hoa Kỳ có thể trở thành một đồng minh đáng tin cậy sẽ là một “quá trình chậm rãi.” Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng châu Âu cần chiến lược quốc phòng của riêng họ, không phụ thuộc vào Hoa Kỳ (xem tại đây). Tuy nhiên, các đồng minh Đông Âu như Ba Lan, lo sợ Nga, nói rằng các kế hoạch phòng thủ của châu Âu chỉ nên bổ sung cho NATO, chứ không nên thay thế tổ chức hoàn toàn. Các bộ trưởng quốc phòng NATO dự kiến sẽ thảo luận một loạt vấn đề, bao gồm nỗ lực chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ ở Afghanistan. Họ cũng dự kiến thảo luận "mục tiêu 2%", đó là yêu cầu các thành viên NATO chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng vào năm 2024. Theo dự đoán ban đầu được NATO công bố vào tháng 10, Đức, Ý và Tây Ban Nha đều sẽ không đạt được mục tiêu năm 2024. Đức đã cam kết đạt được mục tiêu chi tiêu của NATO vào năm 2031. Sự thất bại này của Đức đã khiến Trump tức giận và ra lệnh rút khoảng 12,000 quân khỏi Đức: "Chúng tôi không muốn là lũ tệ hại nữa." Khi được hỏi về mục tiêu trên, phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby cho biết ông mong đợi ông Austin sẽ nhấn mạnh rằng nhiều đồng minh hiện đã đạt được mục tiêu và các nước khác đang “phấn đấu để đạt được mục tiêu đó”. Ông Kirby, một đô đốc Hải quân đã về hưu, cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy tổng thư ký đưa ra một thông điệp khẳng định mức độ quan trọng của NATO." Một quan chức Mỹ khác nói rằng ngay cả khi có khó khăn ngân sách vì COVID-19, các đồng minh vẫn nên đạt mục tiêu chi tiêu 2% tổng sản phẩm quốc nội. Washington có thể đưa ra lập luận rằng không nên để cho khủng hoảng y tế biến thành khủng hoảng an ninh. “Nhưng chúng ta sẽ nghe thấy một ngữ điệu khác hoàn toàn, nhấn mạnh nhiều hơn vào các khả năng khác nhau,” quan chức này cho biết với điều kiện ẩn danh. "Điều đó sẽ không được sử dụng làm vũ khí chính trị đàn áp các đồng minh."
Người dịch: Que Do
Biên tập: Khanh Tran
Comments