top of page

“Chủ nghĩa xã hội” của Hoa Kỳ, chủ nghĩa phát xít, và trùm tài phiệt

Translated from English article Letters from an American October 27, 2020


Heather Cox Richardson là giáo sư về lịch sử chính trị ở trường đại học Boston. Những lá thư hàng ngày của bà ghi lại quan sát của bà về nền chính trị Hoa Kỳ ngày nay, dựa trên các sự kiện thực tế và lịch sử. Trong lá thư viết ngày 27 tháng 10, bà giải thích về “chủ nghĩa xã hội” của Hoa Kỳ, chủ nghĩa phát xít, và trùm tài phiệt.


Heather Cox Richardson, ngày 27 tháng 10, 2020


Trong cuộc phỏng vấn với ứng cử viên phó tổng thống trong chương trình 60 Minutes trên kênh CBS vào Chủ nhật (ngày 25 tháng 10), phóng viên Norah O’Donnell hỏi Thượng nghị sĩ Kamala Harris liệu bà có mang “quan điểm chủ nghĩa xã hội hay cấp tiến” vào Nhà Trắng hay không. Bà Harris bật cười trước khi trả lời "không."


Phản ứng của bà Harris đã được xem hơn một triệu lần trên mạng xã hội. Một người bình luận rằng "bà ấy thậm chí không biết mình theo chủ nghĩa Mác tức chủ nghĩa xã hội tức chủ nghĩa cộng sản."


Trump và những người đại diện cho chiến dịch vận động tranh cử của ông, cũng như các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa, tiếp tục gọi Đảng Dân chủ là “những người theo chủ nghĩa xã hội”. Tại Florida vào ngày thứ Sáu 23/10, Trump nói: “Chúng ta không nên và sẽ không trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sẽ không có một tổng thống theo chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là một nữ tổng thống theo chủ nghĩa xã hội, không bao giờ, chúng ta sẽ không chấp nhận điều đó. "


Ngày 27/10, tại Lansing, Michigan, Trump cảnh báo về việc nâng Harris lên làm tổng thống, nói rằng “lần này là Joe; Kamala, bà sẵn sàng cho lần tới chưa?... So với bà ta, Bernie Sanders còn bảo thủ chán.” Có vẻ Trump muốn dùng từ “shot” theo nghĩa lóng cũ là "rệu rã", nhưng chắc chắn ông hiểu nghĩa kép của từ đó (“shot” cũng có nghĩa là lượt bắn) và cảnh báo rằng nếu bà Harris kế nhiệm Biden, bà ấy sẽ là một người cực đoan cánh tả.


Nỗi ám ảnh của người Mỹ về chủ nghĩa xã hội thật ra không có liên hệ gì đến chủ nghĩa xã hội quốc tế thực sự phát triển vào đầu thế kỷ 20. Chủ nghĩa xã hội quốc tế xây dựng trên ý tưởng của nhà lý thuyết chính trị Karl Marx, người tin rằng khi giai cấp công nhân bị người giàu đè bẹp dưới chế độ tư bản chủ nghĩa thời kỳ cuối, họ sẽ nổi dậy nắm lấy quyền kiểm soát các nhà máy, trang trại, tiện ích, v.v. khống chế phương thức sản xuất.


Lý thuyết đó chưa bao giờ phổ biến ở Hoa Kỳ. Dù có một vài thị trưởng theo chủ nghĩa xã hội, thành công lớn nhất mà một ứng cử viên theo chủ nghĩa xã hội có thể đạt được trong một cuộc bầu cử là khi Eugene V. Debs giành được khoảng 6% số phiếu phổ thông vào năm 1912. Ngay cả khi ông Debs tự xưng là một người theo chủ nghĩa xã hội, việc ông ấy ủng hộ việc giành quyền quản lý ngành công nghiệp quốc gia không rõ bằng việc ông kêu gọi chính phủ làm việc phục vụ cho người dân Mỹ bình thường, thay vì cho những người rất giàu, trong một thời kỳ giống như thời của chúng ta hiện nay.


“Chủ nghĩa xã hội” của Hoa Kỳ là một thứ rất khác so với những gì Marx mô tả trong các tác phẩm lý thuyết của ông. Người ta đã sợ nó vào những năm 1870, rất lâu trước khi chủ nghĩa xã hội quốc tế nổi lên, và nó phát triển từ bối cảnh đặc biệt của nước Mỹ những năm sau cuộc Nội chiến. Trong chiến tranh, những người thuộc Đảng Cộng hòa đã phát minh ra thuế quốc gia - bao gồm thuế thu nhập - và chào đón những người Mỹ gốc Phi đi bầu. Điều này có nghĩa là sau cuộc Nội chiến, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, việc bỏ phiếu có tác động trực tiếp đến túi tiền của mọi người.


Sau chiến tranh, các đảng viên Đảng Dân chủ miền Nam tạo nên Ku Klux Klan để cố ngăn chặn người Mỹ da đen nắm vị trí chính đáng của họ trong xã hội. Họ hành hung, hãm hiếp và sát hại những người láng giềng da đen để ngăn họ bỏ phiếu. Nhưng Tổng thống Ulysses S. Grant đã dùng quyền lực liên bang để xử lý khủng bố trong nước, thành lập Bộ Tư pháp, và bắt giữ các thành viên Klan, đẩy phong trào này vào hoạt động ngầm.


Kết quả là những người da trắng phản động bắt đầu dùng một chiến thuật khác. Những người từng phàn nàn gay gắt và công khai về việc người Mỹ da đen tham gia vào xã hội bình đẳng với người da trắng bắt đầu tranh luận rằng vấn đề của họ đối với việc bỏ phiếu của người da đen không phải là về chủng tộc, mà là về giai cấp. Họ nói rằng họ phản đối việc cử tri nghèo có thể tham gia bầu những nhà lãnh đạo hứa cung cấp các dịch vụ hoặc cải tiến công cộng như trường học và đường xá, những thứ chỉ có thể trả bằng thuế đánh vào những người có sở hữu tài sản.


Ở miền Nam những năm sau Nội chiến, hầu hết mọi người chủ sở hữu tài sản đều là người da trắng. Họ cho rằng việc bỏ phiếu của người da đen giúp phân phối lại của cải từ những người da trắng chăm chỉ sang người da đen nghèo. Họ nhấn mạnh rằng đó là “chủ nghĩa xã hội”, hoặc, sau khi công nhân ở Paris thành lập Công xã vào năm 1871, là “chủ nghĩa cộng sản”.


Đây là nguồn gốc của nỗi ám ảnh của người Mỹ về “chủ nghĩa xã hội”, hơn 40 năm trước cuộc cách mạng Bolshevik của Nga.


Kể từ thời điểm đó, người Mỹ lại gào lên “chủ nghĩa xã hội” mỗi khi người dân Mỹ bình thường nào cố gắng sử dụng chính phủ để san bằng sân chơi kinh tế bằng cách kêu gọi điều tiết các doanh nghiệp — điều này sẽ tốn tiền thuế vì cần có các quan chức quản lý, hoặc cho trường học và đường xá, hoặc khi yêu cầu một mạng lưới an sinh xã hội cơ bản. Tuy nhiên, việc tài trợ công cho đường xá, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe không đồng nghĩa với việc chính phủ nắm quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất. Thay vào đó, đó là một nỗ lực nhằm ngăn chặn một tổ chức tài phiệt nhỏ sử dụng chính phủ để tập hợp quyền lực cho bản thân, cắt đứt khả năng tiếp cận các nguồn lực, cơ hội vươn lên của người dân Mỹ bình thường, và trên hết là quyền bình đẳng trước pháp luật.


Điều đáng chú ý là O’Donnell cảm thấy việc hỏi Harris liệu bà ấy có phải là một người theo chủ nghĩa xã hội hay không là chính đáng — và nhiều người dường như nghĩ vậy — trong khi dường như chẳng ai hỏi Trump, người hiện đang nắm quyền, liệu ông ta có phải là một người theo phát xít hay không.


Chủ nghĩa phát xít là một hệ tư tưởng chính trị cực hữu ra đời vào đầu thế kỷ 20. Trọng tâm của nó là ý tưởng về một quốc gia mạnh mẽ, nơi mà người dân kết hợp thành một đơn vị chặt chẽ bởi chủ nghĩa quân phiệt ở nước ngoài và sự đàn áp phe đối lập trong nước. Trong khi chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ tiền đề rằng tất cả các thành viên của xã hội đều bình đẳng, những người theo chủ nghĩa phát xít tin rằng một số người giỏi hơn những người khác, và những người ưu tú đó nên chỉ đạo tất cả các khía cạnh của xã hội. Để phát huy hiệu quả, những người theo chủ nghĩa phát xít tin rằng doanh nghiệp và chính phủ nên hợp tác với nhau để chỉ đạo sản xuất và lao động. Để khiến người dân trung thành với nhà nước, những kẻ phát xít quảng bá ý tưởng về một kẻ thù nội địa đe dọa đất nước và do đó phải bị tiêu diệt để làm cho quốc gia trở nên vĩ đại hơn. Ý tưởng về một hệ thống phân cấp của con người dẫn đến việc bảo vệ một nhà lãnh đạo độc tài là hiện thân của quốc gia.


Trump đã tập hợp những kẻ côn đồ cực hữu về phía mình. Tại cuộc tranh luận đầu tiên của mình với ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, ông ấy bảo nhóm Proud Boys cực hữu “stand by”, tạm dịch là “hãy sẵn sàng (chờ mệnh lệnh)” và tuần trước, một nghiên cứu cảnh báo rằng năm tiểu bang của Hoa Kỳ có nguy cơ xảy ra bạo lực vũ trang liên quan đến bầu cử bởi những kẻ khủng bố cánh hữu đã đe dọa các quan chức trúng cử.


Giờ đây, Trump liên tục tấn công Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer tại mít tinh của ông ở Lansing. Những kẻ cực đoan cánh hữu âm mưu bắt cóc bà Whitmer và đưa bà ra xét xử vì tội "phản quốc", và bà đã nhiều lần yêu cầu ông ta ngừng kích động những người ủng hộ ông chống lại bà. Ông ta cũng đã biến cảnh sát chính phủ thành vũ khí cho mục đích riêng của mình, phái họ xuống đường tấn công những người biểu tình ôn hòa trong một chiến dịch vận động tranh cử mà ông ta khẳng định, mang âm hưởng của những nhà lãnh đạo phát xít, là sẽ tạo ra “luật pháp và trật tự”.


Ông ấy đã xử sự như thể một số người Mỹ có giá hơn những người khác, bảo rằng chúng ta đơn giản là phải chấp nhận hơn 225.000 ca tử vong do coronavirus gây ra ngay cả khi chúng ta biết rằng người già và người Mỹ da đen và da nâu bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với những người dân khác trong xã hội. Trong tuần qua, Hoa Kỳ báo cáo hơn 500.000 ca mới — một kỷ lục — trong khi ngày hôm nay Trump tuyên bố công trạng của ông là đã “KẾT THÚC ĐẠI DỊCH COVID-19”. Ông ấy vẽ nên hình ảnh người hùng cho bản thân, khẳng định ông đã làm việc của mình một cách hoàn hảo và ngày càng sử dụng nhiều tài sản công làm đạo cụ cho các video và buổi chụp ảnh ấn tượng.


Ông ta đang thanh trừng các quan chức lâu năm và thay thế họ bằng những người trung thành với ông. Gần đây, ông đã ban hành Lệnh hành pháp tước quyền bảo vệ công vụ của công chức để ông có thể sa thải những người không đủ trung thành và lấp đầy các chức vụ của họ bằng tay chân của ông. Người đứng đầu Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) do ông tự tay chọn, Michael Pack, đã loại bỏ quy định liên bang trao quyền tự do biên tập cho các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của VOA. Pack muốn kiểm soát việc biên tập để biến các phương tiện truyền thông công cộng thành cơ quan ngôn luận cho Trump. Cựu giám đốc VOA Amanda Bennett nói với NPR rằng bà "choáng váng" trước hành động của ông ta, điều này đã loại bỏ "một điều khiến Đài Tiếng nói Hoa Kỳ khác biệt với các đài truyền hình của các chế độ đàn áp."


Ông đã đổ vấy tội cho người Hồi giáo và người nhập cư, và ngày càng đe dọa các đảng viên Dân chủ, nói rằng họ không được phép giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, một cuộc bầu cử mà ông đã đe dọa sẽ không thừa nhận trừ khi ông ta thắng.


Đó là một chuỗi hành vi đáng sợ, phải không?


Nhưng dù vậy, thật ra điều Trump khao khát là trở thành một nhà tài phiệt hơn là một lãnh đạo phát xít. Ông ấy không có tư tưởng hệ nào làm động lực ngoại trừ tiền và coi đất nước như một con heo đất hơn là một người thúc đẩy sự vĩ đại của quốc gia. Cho dù động lực giành quyền lực của ông ta không phải xuất phát từ chủ nghĩa phát xít, nó cũng không kém phần nguy hiểm đối với nền dân chủ của chúng ta.


Trong những năm tới, chúng ta cần phải có những cuộc đối thoại khó khăn về vai trò của chính phủ trong xã hội. Những cuộc đối thoại đó sẽ không thể có được nếu bất kỳ chính sách Dân chủ nào nhằm điều chỉnh “runaway capitalism”(tạm dịch là chủ nghĩa tư bản đang bị mất kiểm soát), đều bị vướng phải tiếng réo “chủ nghĩa xã hội” trong khi các chính sách nhằm tập trung quyền lực vào một nhóm nhỏ người Mỹ không bị thách thức

bởi những ý thức hệ nguy hiểm chúng đang mô phỏng theo.


Ghi chú:

https://www.nytimes.com/live/2020/10/27/world/covid-19-coronavirus-updates#us-reports-more-than-500000-cases-in-a-week-a-record-as-the-trump-administration-says-it-ended-the-pandemic

https://www.newstatesman.com/international/places/2020/09/return-american-fascism


Người dịch: Le Tran

Biên tập: K.Tran

Comments


bottom of page