top of page

Chưa đủ dữ liệu để đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể COVID-19 Delta và Delta plus

Updated: Jun 25, 2021


Biến thể Delta và Delta plus đã được nâng cấp thành “biến thể đáng lo ngại”, nhưng vẫn còn quá sớm để biết nó có nguy hiểm hơn những biến thể khác hay không.


Authors: Soutik Biswas, Erin Schumaker, Sharon Braithwaite

Biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ và giờ đã lan ra 80 quốc gia khác. CDC Châu Âu cảnh báo biến thể Delta đang trên đà chiếm 90% các trường hợp nhiễm Covid-19 mới ở Liên minh Châu Âu vào cuối tháng 8 này. Tại Mỹ, tỉ lệ nhiễm biến thể này dù còn thấp nhưng cũng trên đà tăng nhanh chóng, từ 3% lên 6% tổng số ca nhiễm chỉ trong một tuần, theo báo cáo của HHS.


Tại Ấn Độ, nơi dịch Covid-19 bùng nổ vào tháng 4 và tháng 5 và đã dấy lên cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng, và cả tại Anh, chủng Delta này giờ đã là chủng phổ biến nhất. “Chúng ta không thể để điều đó xảy ra tại Mỹ," Fauci nói trong một buổi họp báo hôm thứ Ba.


Tổ chức Y tế Thế giới phân loại chủng Delta là một “biến thể đáng lo ngại- variant of concern”. Để nâng hạng từ "biến thể cần quan tâm- variant of interest" thành "biến thể đáng lo ngại", ta cần có bằng chứng về việc đáp ứng ít nhất một trong số các tiêu chí bao gồm: dễ lây truyền, bệnh nặng hơn, giảm khả năng trung hòa bởi kháng thể hoặc giảm hiệu quả của điều trị và vaccine.


Các nhà chức trách y tế ở Anh xuất bản một bảng đánh giá độ nguy hiểm vào đầu tháng Sáu, ám chỉ rằng họ tin chủng Delta có khả năng lây lan gấp nhiều lần hơn chủng Alpha. Bác sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng trường Y tế Cộng đồng tại Đại học Brown, có cùng ý kiến trong một buổi phỏng vấn với David Muir từ ABC News vào thứ Tư. Ông gọi chủng Delta là “chủng lây lan mạnh nhất chúng ta từng thấy.”


Tuy vậy, Vincent Racaniello, một giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Columbia, nói rằng chúng ta cần phải đánh giá sự lây lan của chủng Delta một cách cẩn trọng. Sự lây lan nhanh chóng của chủng này còn liên quan tới hành vi con người và sự nới lỏng giãn cách xã hội, chứ không chỉ liên quan tới việc chủng virus lây lan dễ hơn.

Nevan Krogan, một nhà sinh vật học tế bào tại Đại học California, San Francisco, nói hầu hết các dữ liệu chúng ta có về chủng Delta là ở Ấn Độ, nơi việc theo dõi các chủng virus không chặt chẽ như ở Anh. Bây giờ, khi chủng Delta đã phủ sóng rộng tại Anh, chúng ta nên có thêm thông tin để phân tích. Nghiên cứu của nhóm của Krogan cho thấy một khi chủng Alpha đi vào trong một tế bào, nó trấn áp phản ứng miễn dịch so với các chủng khác. Điều này lí giải việc chủng Alpha lan nhanh như vậy. Giờ đây nhóm của Krogan đang thực hiện các thí nghiệm tương tự với chủng Delta để xem liệu chúng có trấn áp phản ứng miễn dịch như vậy không.


Chưa kịp hiểu hết về Delta, giờ đây chúng ta tiếp tục có thêm biến thể Delta plus trở thành "biến thể đáng lo ngại". Bộ Y tế Ấn Độ cho biết Delta plus - còn được gọi là AY.1 - lây lan dễ dàng hơn, liên kết dễ dàng hơn với các tế bào phổi và có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng dùng trong chữa trị Covid.


Biến thể Delta plus có chứa một đột biến bổ sung được gọi là K417N, được tìm thấy trong các biến thể Beta và Gamma. Nhắc lại, biến thể Beta có liên quan đến việc tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong trong đợt nhiễm trùng đầu tiên ở Nam Phi , trong khi Gamma được ước tính là có khả năng lây truyền cao.


Theo Tiến sĩ Jeremy Kamil, một nhà virus học tại Đại học Bang Louisiana - Trung tâm Khoa học Sức khỏe ở Shreveport, thông tin về Delta plus được chia sẻ trên GISAID, một cơ sở dữ liệu chia sẻ mở toàn cầu, không đưa ra nhiều bằng chứng để tin rằng Delta plus nguy hiểm hơn Delta dù có chút lợi thế trong việc lây nhiễm.


Kamil cho biết: "Tôi sẽ giữ bình tĩnh. Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ hoặc bất kỳ nước nào trên thế giới đã tích lũy đủ dữ liệu để xác định Delta plus là nguy hiểm hơn Delta."

Tiến sĩ Anurag Agarwal, giám đốc CSIR-Viện Genomics và Sinh học Tích hợp (IGIB) có trụ sở tại Delhi, một trong 28 phòng thí nghiệm của Ấn Độ liên quan đến việc giải trình tự bộ gen, cho biết "tất cả các dòng của biến thể Delta đều là những biến thể cần quan tâm", vì vậy việc gắn nhãn Delta plus là biến thể đáng lo ngại là chuyện bình thường. Ông nói: "Chúng tôi không có bất kỳ chỉ số nào cho đến thời điểm hiện tại cho thấy Delta plus có thể gây ra bất kỳ lo lắng hoặc hoảng sợ nào về sức khỏe cộng đồng hay không. Chúng tôi chưa thấy điều gì đáng lo ngại. Chúng tôi đang theo dõi kỹ lưỡng và tăng cường tất cả các biện pháp y tế công cộng".


Hiện nay, Delta plus cũng đã được tìm thấy ở 9 quốc gia khác nhau như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Nga và Trung Quốc.


Vaccine liệu có thể bảo vệ chúng ta trước các biến thể này hay không?

Câu trả lời là Có và đối với những người đã tiêm chủng Pfizer hoặc Moderna, tiêm đầy đủ cả hai liều thực sự rất là quan trọng. Bác sĩ Fauci nhấn mạnh: “Hãy tiêm chủng. Cụ thể là, nếu bạn đã tiêm mũi đầu, nhớ là hãy tiêm mũi thứ hai. Và với những người chưa tiêm, xin hãy tiêm đi.”


Tính đến thứ Năm, 52% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và 43% đã được tiêm chủng đầy đủ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch tễ.

Một nghiên cứu do chính phủ Anh thực hiện vào tháng 4 và tháng 5, trong đó phân tích hơn 12.000 trường hợp COVID, cho thấy vaccine Pfizer và AstraZeneca vẫn có hiệu quả cao đối với biến chủng Delta, mặc dù thấp hơn so với biến chủng Alpha. Theo nghiên cứu này, hai tuần sau liều thứ hai vaccine Pfizer có hiệu quả 88% đối với bệnh có triệu chứng, và vaccine AstraZeneca có hiệu quả 60% hai tuần sau liều thứ hai. Vì nghiên cứu được tiến hành ở Vương quốc Anh, vaccine một mũi của Johnson & Johnson đã không được đề cập đến.


Lưu ý: đối với những người chỉ tiêm một liều vaccine, "hiệu quả là thấp hơn đáng kể. Sau một liều, cả vaccine Pfizer và AstraZeneca đều chỉ có hiệu quả khoảng 33% đối với biến chủng Delta.


Đối với việc thúc đẩy bảo vệ bằng cách tiêm hai liều, Racaniello cho rằng thế giới đã tập trung quá nhiều vào các đột biến của protein gai và phản ứng kháng thể, mà không quan tâm đủ đến tế bào miễn dịch T, một phần khác của hệ thống miễn dịch cũng bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Ông nói: “Tôi không quan tâm đến việc bạn có kháng thể hay không, những tế bào T đó vẫn có thể ngăn ngừa bệnh hiểm nghèo và những tế bào T đó là do tiêm chủng tạo ra."


Theo các chuyên gia, tiêm phòng cũng là chìa khóa để ngăn chặn sự lưu hành của virus và sự xuất hiện của nhiều biến chủng. Các quốc gia càng mất nhiều thời gian để tiêm chủng thì virus càng có nhiều cơ hội để đột biến.


“Chúng ta sẽ đối phó với những biến chủng khác trong tương lai mà vaccine có thể hoặc không thể kiểm soát được,” Krogan cảnh báo. Theo quan điểm của ông, bây giờ không phải là lúc để tự mãn. Ông nói: “Chúng ta cần phải tiêm phòng cho tất cả mọi người, nhưng chúng ta cũng cần hiểu cách những loại virus này đột biến và vượt qua các cơ chế bảo vệ của chúng ta như thế nào. Virus luôn đi trước chúng ta vài bước. Chúng ta cần phải đi trước nó một bước."


Người dịch: Adelia, Le Tran, Chau Tran

Biên tập: Chau Tran


Comments


bottom of page