Bà Harris đôi khi đã chật vật để định nghĩa rõ ràng lập trường của mình trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc không thành công. Nhưng trong vài tháng gần đây, bà đã nổi lên như cánh chim đầu đàn trong vấn đề công bằng sắc tộc cùng sự bất bình đẳng.
By Matt Stevens, Thomas Kaplan and Stephanie Sau, ngày 11 tháng 8, 2020
Translated from The New York Times Article “Kamala Harris on the Issues: Race, Policing, Health Care and Education
Khi chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris của California làm đối tác tranh cử của mình, Joseph R. Biden Jr. đã lựa chọn cho mình một người có hệ tư tưởng trung tả tương tự bản thân - một người có nhiều điểm tương đồng với ông trong các vấn đề về chính sách.
Trong số hơn 20 ứng cử viên trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, ông Biden và bà Harris được coi là những người có quan điểm tương đối ôn hòa. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công của chính mình, bà Harris thường né tránh các phép thử về quan điểm chính trị (litmus tests) được đặt ra trong giới Dân chủ và đôi khi bà vật lộn để xác định rõ lập trường của mình về các vấn đề cơ bản như liệu bà có tán thành kiểu bảo hiểm y tế “Medicare cho tất cả” hay không.
Mùa hè năm ngoái, trong buổi phỏng vấn với báo the New York Times, bà Harris phát biểu: “Tôi không hướng đến việc tái thiết xã hội triệt để,” bà tiếp: “Tôi đơn giản là đang cố xử lý những vấn đề đang khiến mọi người thao thức về đêm.”
Trong vài tháng gần đây, từ lúc khi ông Biden trở thành ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ, đất nước này đã rung chuyển trước cơn địa chấn mang tên đại dịch coronavirus cũng như bạo lực cảnh sát không ngừng nghỉ cùng các vấn đề bất công sắc tộc khác. Cả ông Biden và bà Harris đều có vẻ đã nghiêng về phía cánh tả nhiều hơn - ông Biden tìm cách tập hợp đảng Dân chủ và kêu gọi những giọng nói cấp tiến trong khi bà Harris nổi lên như một tiếng nói đanh thép mạnh mẽ về vấn đề sắc tộc cũng như các hành vi sai trái của cảnh sát.
Hãy điểm qua những điều quan trọng trong chính sách của bà Harris.
Công lý sắc tộc và hành pháp
Bà Harris, 55 tuổi, sẽ trở thành người phụ nữ Da Đen đầu tiên cũng như người gốc Ấn đầu tiên được đề cử cho vị trí Phó Tổng thống bởi một đảng chính thống. Bà là cựu công tố viên, xử cách bà lý các vấn đề liên quan đến việc cảnh sát bắn thường dân khi còn là Bộ trưởng Bộ tư pháp của California đã thu hút sự chỉ trích từ các nhà hoạt động cánh tả, những người cho rằng bà đã không đủ quyết liệt trong việc đại tu các sở cảnh sát biến chất hay thường xuyên đứng cùng phía với công đoàn cảnh sát.
Bà Harris cho biết bà đang cố gắng tạo ra sự cải tổchính phủ từ “bên trong”. “Khi chúng ta muốn cải tổ các hệ thống, điều đó không nên và không thể chỉ từ bên ngoài với việc uốn cong đầu gối hoặc cố gắng phá cửa,” bà nói với tờ The Times ngay trong chiến dịch của mình.
Với tư cách là một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Harris đã đưa ra các kế hoạch phác thảo tầm nhìn của bà về cải cách tư pháp hình sự và cách “đứng lên vì người Mỹ Da Đen”. Bà Harris cũng kêu gọi chấm dứt việc giam giữ hàng loạt, bảo lãnh tiền mặt và án tử hình; thành lập một hội đồng rà soát hệ thống cảnh sát quốc gia; xóa nợ cho việc theo học các trường đại học và cao đẳng có lịch sử từ cộng đồng Da Đen; và nhiều biện pháp khác.
Lập trường của bà về án tử hình nói riêng cũng đã thu hút đông đảo sự xem xét. Với tư cách là luật sư quận ở San Francisco, bà Harris nói không với án tử trong những vụ án lớn trên nền tảng đạo đức, nhưng khi lên chức Bộ trưởng Bộ tư pháp, bà đã kháng cáo với phán quyết của tòa California rằng tử hình là vi hiến.
Có lẽ khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà là ở vòng tranh luận sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ, khi bà chất vấn ông Biden vì ông đã hồi tưởng về thời gian ông làm việc với những người theo chủ nghĩa tách biệt chủng tộc tại Thượng viện một cách trìu mến, và sau đó bà đã chia sẻ về thời thơ ấu, khi bà đã phải đến trường trong khu dân cư Da Trắng bằng xe bus (Desegregation busing là một nỗ lực từ chính phủ Mỹ để xoá bỏ phân biệt chủng tộc ở các hệ thống trường công. Các học sinh Da Đen sẽ được chở trên xe bus đến các trường Da Trắng).
Ông Biden, bà nói, đã phản đối các nỗ lực này nhằm tích hợp sắc tộc ở các trường học vào những năm 1970, nói thêm: “Có một cô bé học sinh lớp hai ở California đã là một trong những học sinh khoá thứ hai ở trường công lập mới được bình đẳng hoá, và cô bé phải đến trường bằng xe bus đó mỗi ngày. Và cô bé đó chính là tôi.” (Bà Harris được đi học trường bình đẳng hoá vào năm thứ ba kể từ lúc quy định mới được đưa ra).
Trong những tháng gần đây, kể từ cái chết của George Floyd ở Minneapolis, bà Harris đã lên tiếng mạnh mẽ về sự bất công mà người Da Đen ở Mỹ phải đối mặt. Bà đã ban hành luật trách nhiệm giải trình của cảnh sát được gọi là Đạo luật Công lý trong Việc Trị An vào đầu mùa hè này và tranh luận với Thượng nghị sĩ Rand Paul, đảng viên Cộng hòa của Kentucky, sau khi ông đã chặn một dự luật công nhận rằng treo cổ là tội ác liên bang.
Y tế
Trong thời gian tranh cử tổng thống, bà Harris gặp phải rắc rối trong việc thay đổi chính sách y tế. Bà không phải là ứng cử viên duy nhất gánh chịu số phận này, nhưng những lần vấp ngã của bà rất đáng nhớ.
Tại Thượng viện, bà Harris đã đồng bảo trợ đạo luật Medicare cho Tất Cả (Medicare for All) của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, và tại một cuộc gặp gỡ cử tri của CNN vào thời gian đầu chiến dịch của mình, khi được hỏi về lựa chọn bảo hiểm y tế tư nhân bà đã trả lời rằng: “Hãy loại bỏ hết”.
Bà đã bị phản đối kịch liệt vì có lời tuyên bố này, và phản ứng này là một tín hiệu của sự nhạy cảm chính trị xung quanh vấn đề bãi bỏ bảo hiểm tư nhân dưới hệ thống chăm sóc sức khỏe công do chính phủ chi trả. Sau đó, trong vòng tranh luận của đảng Dân chủ, các ứng cử viên được chất vấn rằng ai sẽ ủng hộ việc bãi bỏ bảo hiểm y tế tư nhân. Bà Harris nằm trong số những người giơ tay ủng hộ. Nhưng sau cuộc tranh luận đó, bà lại nói rằng bà đã hiểu sai câu hỏi.
Ông Biden - người muốn củng cố Đạo luật Chăm Sóc Sức Khỏe Hợp Túi Tiền - đã không giơ tay ủng hộ việc loại bỏ bảo hiểm tư nhân.
Bà Harris sau đó đã đưa ra kế hoạch của riêng mình để cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe. Điều này đã đặt bà vào một hệ tư tưởng thiên tả hơn ông Biden nhưng lại không cấp tiến bằng ông Sanders. Kế hoạch của bà tập trung vào việc cung cấp Medicare cho mọi người Mỹ, nhưng đồng thời giữ một vai trò quan trọng cho các công ty bảo hiểm y tế bằng cách cho phép mọi người chọn các kế hoạch bảo hiểm tư nhân được mô hình hóa dựa trên Medicare Advantage.
Điều tiết kinh doanh
Mối quan hệ của bà Harris với Phố Wall (Wall Street) và Thung Lũng Silicon (Silicon Valley) cũng làm nổi bật danh tiếng ôn hoà của bà.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bà đã kéo California ra khỏi một thỏa thuận quốc gia với các ngân hàng lớn, với tư cách là Bộ trưởng Bộ tư pháp bà đã tận dụng quyền lực của mình để giành lại tiền từ những người cho vay thế chấp lớn. Sau đó, bà thông báo rằng các chủ nhà ở California sẽ nhận tổng cộng 12 tỷ đô la tiền bồi thường theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, những người chỉ trích ở cánh tả cho rằng vì mối quan hệ chặt chẽ của bà với Thung lũng Silicon bà đã chưa làm hết sức để kìm hãm những cá nhân cho vay không lương thiện hoặc chỉnh đốn ngành công nghệ. Một trở ngại quan trọng trong quá trình làm việc tại Thượng viện của bà là sự tán thành muộn màng cho SESTA, Đạo luật Ngừng Cho Phép Những Kẻ Buôn Bán Tình Dục (SESTA viết tắt cho Stop Enabling Sex Traffickers Act), khiến các trang web phải chịu trách nhiệm trong việc hỗ trợ buôn bán tình dục.
Jamie Court, chủ tịch của Tổ chức Giám sát Người tiêu dùng (Consumer Watchdog) có trụ sở tại California, cho biết: “Hết lần này đến lần khác, chúng tôi gặp phải sự can thiệp của bà ấy với Thung lũng Silicon.”
Về một vấn đề khác - liên quan đến các phương tiện tự động - vào năm 2016, bà Harris đã đe dọa Uber rằng bà sẽ ra tòa kiện nếu công ty này không loại bỏ xe không người lái khỏi các con đường ở California. Nhưng khi bà ấy đến Washington, các nhà hoạt động bảo vệ người tiêu dùng đã chỉ trích bà đã không phản đối đạo luật chống lại các quy định cứng rắn của California về xe tự hành.
Gần đây, như ông Biden, bà đã kêu gọi tăng thuế doanh nghiệp.
Giáo dục, kiểm soát súng đạn, phá thai và các vấn đề khác
Bà Harris không được biết đến như một ứng cử viên có "kế hoạch" trong cuộc bầu cử sơ bộ - một ứng cử viên tổng thống khác, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của Massachusetts, giành được danh hiệu đó - nhưng giống như các đối thủ của mình, bà đã đưa ra một số ý tưởng cho việc sửa đổi chính sách.
Nhắm vào sự chênh lệch lương bổng của giáo viên, bà đã đề xuất việc tăng lương cho giáo viên với mức trung bình là $13,500 đô la.
Bà Harris cũng cam kết sử dụng quyền hành pháp của mình để đưa ra một loạt các biện pháp kiểm soát súng đạn, như bắt buộc kiểm tra lý lịch và đặt ra quy định nghiêm ngặt hơn đối với các nhà sản xuất súng. Bà cũng hứa sẽ làm việc để vá lại lỗ hổng luật pháp đã cho phép một số kẻ bạo hành trong nước mua súng dưới những điều kiện nhất định.
Bà cho rằng các tiểu bang và chính quyền địa phương với tiền sử hạn chế quyền phá thai một cách vi hiến nên được liên bang phê duyệt trước khi luật phá thai có hiệu lực. Và bà đề xuất thu hẹp khoảng cách lương bổng do phân biệt giới tính bằng cách yêu cầu các công ty lớn chứng nhận rằng nam giới và nữ giới được trả lương như nhau.
Về vấn đề khí hậu toàn cầu, bà Harris đã hợp tác với Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của tiểu bang New York trong việc đề xuất đạo luật để thành lập Văn Phòng Giải Trình Công Bằng Khí Hậu và Môi Trường (Office of Climate and Environmental Justice Accountability) độc lập và đánh giá các luật và quy tắc về môi trường dựa trên tác động của chúng đối với các cộng đồng có thu nhập thấp.
Trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình, bà Harris cũng đưa ra luật cung cấp khoản tín dụng thuế lên đến $6,000 đô la cho các gia đình trung lưu và các gia đình ở tầng lớp lao động.
Người dịch: Duong Nguyen & anonymous
Biên tập: Cookie Duong
Comments