top of page

Cô gái mở tiệm sách riêng vì muốn câu chuyện của người Mỹ gốc Á đươc phổ biến đến độc giả

By Cecilia Nowell, on 27-12-2021, 08:00:00

Cửa hàng sách Yu and Me được xem là cửa hàng sách đầu tiên ở Chinatown New York có chủ là phụ nữ góc Á. Cách đây không lâu, các tác giả Ly Tran và Qian Julie Wang đã đứng đợi trong một hàng dài dọc con Phố Mulberry ở Khu Chinatown của Thành phố New York. Cùng với hàng chục nhà văn và đọc giả khác, đôi bạn này háo hức đến dự buổi khai trương một tiệm sách mới trong vùng. Cuối cùng khi họ cũng vào được bên trong, Tran cho biết cô “nhìn thấy sách như bay khỏi kệ” khi mà khách tới thăm chật ních khu bán sách, quầy cà phê và đồ uống. Đầu bếp bánh ngọt Lauren Tran của tiệm Bánh by Lauren đã cung cấp đầy đủ các loại bánh ngọt, và xưởng bia That Witch Ales You thuộc sở hữu của người Mỹ gốc Á đã tặng vài chai Coconut Porter và một thùng bia đỏ - mặc dù các món ngọt đã bị ăn gần hết khi Trần và Vương trở vào cửa hàng. Toàn bộ buổi tối được dùng để ăn mừng sự ra đời của Yu and Me Books, vốn được cho là hiệu sách đầu tiên của người Mỹ gốc Á, do phụ nữ làm chủ ở Chinatown. Vào ngày 11 tháng 12, Lucy Yu, 27 tuổi - một kỹ sư hóa học, người hiện đang làm quản lý chuỗi cung ứng - đã mở một tiệm sách, thứ mà mà cô luôn ao ước từ khi còn là một đứa trẻ. Khi tình trạng bạo lực chống lại cộng đồng người Mỹ gốc Á và các quốc đảo Thái Bình Dương gia tăng trong đại dịch, Yu cảm thấy ước mơ cả đời của mình càng trở nên thôi thúc hơn hơn bao giờ hết. Với việc khai trương Yu and Me Books, Yu hy vọng không chỉ tạo ra một hiệu sách mà còn là một không gian cộng đồng chú trọng vào cách kể chuyện của người châu Á và đặc biệt là những câu chuyện về người nhập cư. Lớn lên ở Los Angeles, Yu cho biết cô chưa bao giờ thấy bất cứ nơi nào được dành riêng để kể về những câu chuyện, những trải nghiệm mà những người như cô và gia đình mình từng đi qua. Cô nói: “Không thiếu sách viết về người nhập cư” hoặc được các tác giả da màu chắp bút, cô nhận ra điều này khi bắt tay vào tìm hiểu cách mở hiệu sách của riêng mình. Nhưng những cuốn sách đó chưa bao giờ được “đặt ở vị trí hàng đầu của rất nhiều hiệu sách gắn với tuổi thơ tôi.” cô nói thêm. Vào đầu tháng 11, Yu and Me Books có buổi ra mắt kín; với sự có mặt của nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Nguyễn Phan Quế Mai và nhà văn Ly Trần . Hai tác giả lần lượt lượt trình bày cuốn “The Mountains Sing” và “House of Sticks”. Giống như trong buổi lễ khai trương chính thức, nhà văn Trần Ly cho biết độc giả và các tác giả tới đây để tham dự một sự kiện xoay quanh ẩm thực và các câu chuyện. Buổi đọc sách bắt đầu tại một tiệm ăn kế bên, rồi sau đó dời sang hiệu sách Yu and Me. “Có khá nhiều chủ đề trong cuốn sách của tôi. Nhưng một trong số đó là chủ đề của kể chuyện và cách chúng ta sử dụng kể chuyện như một phương tiện sinh tồn ”, nhà văn Ly Trần nói, đồng thời lưu ý rằng cô cũng chưa bao giờ thực sự thấy câu chuyện về bản thân mình, về cộng đồng minh được khắc hoạ trên những trang sách mà cô từng đọc thời niên thiếu. “Yu and Me Books đang tôn vinh truyền thống kể chuyện đó - và tại một thời điểm không thể hợp lí hơn. Nó chính là lớp kem thoa lên vết thương đang rỉ máu của cả cộng đồng." Theo Yu, tác giả Ly Trần không chỉ là tác giả nữ gốc Á duy nhất ủng hộ tiệm sách của chị. Tác giả truyện tranh Wendy Xu, tác giả viết sách trẻ em Vicky Wu, tiểu thuyết gia Amy Le, và tác giả sách nấu ăn Vi Trần tất cả đều mang tới những cuốn sách có chữ ký của họ cho cửa hàng. Theo Jafreen Uddin, giám đốc điều hành của Hội nhà văn người Mỹ gốc Á, bối cảnh văn học người Mỹ gốc Á ở Thành phố New York không phải là một nền văn học được đánh dấu bằng sự cạnh tranh. “Chúng tôi thực sự chấp nhận ý tưởng làm việc cùng nhau để tạo ra một cộng đồng lớn hơn đa dạng và có phạm vi rộng nhất có thể,” cô nói. “Tôi nghĩ chung, tất cả chúng ta đều nhận ra và đồng ý rằng [sự cạnh tranh] bao hàm một thứ tư duy khan hiếm mà không ai trong chúng tôi cảm thấy thoải mái.” Yu nói rằng sự ủng hộ "thực sự được nhân lên rất nhiều” trong ngày khai trương hiệu sách của cô: “Tôi cảm thấy rất biết ơn khi tất cả các nhà văn và nhà sản xuất này đặt niềm tin để tôi có thể tạo ra không gian ấm áp và chào đón này để họ làm việc.” Cái tên Yu and Me không chỉ là một cách chơi chữ thú vị với họ của chủ tiệm mà còn là để tôn vinh một cây bút khác - mẹ của cô, tên viết tắt là “YM” - cùng những câu chuyện được lưu truyền suốt nhiều thế hệ. “Càng lớn tôi càng thân với mẹ, tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng hòa hợp - đặc biệt là khi tôi còn trẻ,” Yu bộc bạch. Nhưng giữa hai người lại có một điểm chung, đó chính là tình yêu với những cuốn sách.

Theo Yu chia sẻ, bà và mẹ của cô đều là nhà văn. Cô nói: “Mặc dù gặp nhiều rào cản trong ngôn ngữ và cách giao tiếp, tình yêu mà chúng tôi sẻ chia đều đã thấm vào những câu chuyện." Bằng việc dùng hai chữ cái đầu trong tên mẹ để đặt cho hiệu sách, Yu cũng hi vọng có thể tri ân cách các câu chuyện được chia sẻ trong các cộng đồng người nhập cư. Theo Uddin, cụm từ “người Mỹ gốc Á” (Asian American) được sáng tạo vào những năm 70 với nghĩa gốc là “xây dựng sức mạnh chính trị dựa trên sinh viên”. “Với tư cách là một cộng đồng tại Hoa Kỳ, chúng tôi vẫn còn khá non trẻ,” cô nhận định. Nhưng văn học Châu Á là “kinh điển theo mọi lớp nghĩa”. Mặc dù các tác phẩm văn học kinh điển thường gắn với các tác giả phương Tây như Homer và Sophocles, Uddin nhấn mạnh rằng lịch sử văn học và văn hóa truyền miệng châu Á đã có từ cách đây hàng thiên niên kỉ - và rằng không có một danh tính duy nhất và hoàn thiện nào dành cho người châu Á. Tran đồng ý với điều đó. “Danh tính AAPI dù thường được chúng ta nhắc tới nhưng vẫn hay bị gộp vào một khối. Khối này thường được đại diện bởi người Đông Á,” cô nhận định. “Tôi rất trân trọng cố gắng Lucy trong việc bao gồm cả những sáng tác của các nhà văn từ Nam Á và Quần đảo Thái Bình Dương.” Yu nói rằng tiệm sách của mình được thiết kế với mục đích xây dựng một tụ điểm cho cộng đồng và tạo ra không gian mở cho các cuộc trao đổi, và phần nào đó là lời đáp trả trước tình trạng bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á những năm gần đây. Bản thân hiệu sách được sắp xếp xung quanh một quầy bar, nơi khách hàng có thể nán lại và ăn uống nhẹ. Đối với Ly Tran, nơi hiệu sách toạ lạc chính là một cam kết với cộng đồng người gốc Á. Cô cho hay: “Tôi nghĩ nơi Yu and Me hoạt động là thứ có ý nghĩa mạnh mẽ nhất, ngay tại trung tâm của Chinatown - nơi thực sự mang lại cảm giác cộng đồng cho những người nhập cư gốc Á tại New York. Tôi biết với gia đình mình - chủ thể trong sáng tác của tôi - đó là nơi đầu tiên mà chúng tôi đã tới để được làm một phần của điều gì đó ngay khi vừa di cư sang." Yu hi vọng rằng theo thời gian, hiệu sách sẽ trở thành một không gian cộng đồng để chia sẻ không chỉ sách mà còn cả những câu chuyện riêng tư đôi khi khó giãi bày. Trong năm tới, cô có kế hoạch để hợp tác với Cosmos, một tổ chức về self-care và sức khỏe tâm lý do phụ nữ châu Á đứng đầu. Yu giải thích: “Chúng tôi đang cố gắng để tạo một không gian, nơi mà mọi người tới và trò chuyện về sức khỏe tâm lý trong cộng đồng người gốc Á". Mặc dù Yu bày tỏ sự tự hào của mình khi trở thành một trong những phụ nữ người Mỹ gốc Á đầu tiên làm chủ một hiệu sách tại Manhattan, cô vẫn mong rằng các kệ sách ở mọi cửa hàng sẽ có thêm sự đa dạng: “Tôi nghĩ tạo ra một tiền lệ là việc quan trọng nhằm đưa ra ánh sáng những câu chuyện không phải lúc nào cũng được lắng nghe”.

Người dịch: Phuong Dang & Trang Ly

Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân

Comments


bottom of page