Joseph Goldstein và Kevin Armstrong, Ngày 12 tháng 7, 2020
Translated from The New York Times article Could This City Hold the Key to the Future of Policing in America?
Trong khi những người biểu tình trên khắp nước Mỹ kêu gọi cắt giảm ngân sách của cảnh sát và giải tán lực lượng cảnh sát, thì cư dân của Camden đã có những “bài học" rất riêng dựa trên những kinh nghiệm của họ.
Trung sĩ Dekal Levy, bên trái, và Trung sĩ Kevin Wilkes đang đi tuần trên khu đường State Street ở Camden, N.J., nơi mà lực lượng cảnh sát đã giải tán gần cả thập kỷ trước và được cải tổ. (Hannah Yoon/The New York Times)
CAMDEN, N.J. -- Khi cảnh sát trên khắp cả nước phải đối mặt với các yêu cầu cải tổ chính sách, nhiều người đã nhìn vào một thành phố nhỏ của bang New Jersey là nơi đã thực hiện được những việc mà một số nhà hoạt động đang kêu gọi khắp nơi: dẹp bỏ lực lượng cảnh sát và xây dựng một lực lượng mới nhấn mạnh vào việc tiếp cận ít đối đầu hơn với các cư dân hầu hết là người da đen và người Latino.
Những nỗ lực của Sở Cảnh sát Camden nhằm giảm thiểu việc sử dụng vũ lực đã làm cho họ là một trong những câu chuyện được truyền tải có sức thuyết phục nhất trong lực lượng hành pháp Mỹ. Những thay đổi đã dẫn đến giảm mạnh số những vụ khiếu nại cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức cần thiết và giúp làm giảm đi số vụ giết người ở nơi từng là một trong những thành phố nguy hiểm nhất nước Mỹ.
“Nếu muốn trở thành cỗ máy được vận hành để phản ứng nhanh, có lẽ sở cảnh sát chúng tôi không thích hợp,” Cảnh sát Trưởng, Joseph Wysocki, nói về loại cảnh sát ông không muốn nhận. “Nhưng nếu anh muốn thành một nhân vật bảo vệ trong khu dân cư của mình, công việc ở đây dành cho anh.”
Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều cộng đồng nhìn vào Camden như một khuôn mẫu cho việc cải cách, nó hãy còn xa với mô hình lý tưởng.
Việc giải tán lực lượng cảnh sát cũ bảy năm trước được thúc đẩy không phải do khát vọng cải tổ cảnh sát, mà do tài chính khó khăn, một cuộc khủng hoảng an ninh công cộng và một nước cờ quyền lực chính trị nhằm phá vỡ liên minh cảnh sát. Những nước đi táo bạo bằng cách sa thải tất cả cảnh sát được thực hiện để thành phố được bắt đầu lột xác và chiến thắng được mọi sự kháng cự.
Edwin Ramos và vợ - cô Katrina. Anh Ramos cho biết lực lượng cảnh sát thành phố Camden lúc trước thường thường xuyên xem thành phố này như thể đây là khu lãnh thổ thù địch. (Hannah Yoon/ The New York Times)
Khi mới bắt đầu, và thậm chí cho đến ngày nay, Sở Cảnh sát ở Camden đã cho phép nhiều thông lệ trị an truyền thống. Ví dụ như, sở đã áp dụng các công nghệ giám sát, bao gồm cái được gọi là trị an phòng ngừa dựa trên các thuật toán có thể giúp mở rộng các mô hình tuần tra. Công nghệ này dựa trên các thông tin về bạn bè, hoạt động truyền thông trên các mạng xã hội và những báo cáo trong quá khứ về tội phạm mà những nhà phê bình cho rằng có thể củng cố những thành kiến về chủng tộc.
Với nhiều vùng của thành phố tràn ngập trong ma túy, lực lượng mới được tái thành lập tiến hành ngay một cuộc truy quét, nhằm làm giảm tội phạm bạo lực. Tuy nhiên, lực lượng cũng ghi nhiều giấy phạt những vi phạm nhỏ, một cách tiếp cận mà các đối thủ chống lại sự bạo tàn của cảnh sát gọi là phạt vạ không cần thiết.
Điều này dường như đã làm cho cư dân mà lực lượng cảnh sát đang cố "lấy lòng” thêm xa lánh họ. Nhưng với sự bùng nổ của phong trào Black Lives Matter [sinh mạng người Da Đen quan trọng] từ những năm trước, Sở đã đi theo chiến lược nhẹ nhàng hơn và các nhà hoạt động muốn thấy nó được áp dụng ở những nơi khác.
Sở cũng sửa chữa lại cách thức huấn luyện nhân viên. Nhấn mạnh vào việc làm dịu đi những vụ đối đầu căng thẳng, biên ít giấy phạt hơn đối với những vi phạm vặt và yêu cầu cảnh sát phải can thiệp ngay nếu thấy đồng nghiệp của mình ngược đãi người dân.
Cảnh sát nói về “sự thiêng liêng của sinh mạng” như một chủ đề bao quát liên kết với nhiều sự thay đổi.
Nhiều người ở Camden – một thành phố nghèo dọc theo sông Delaware của tiểu bang Philadelphia với dân số khoảng 74.000 – nói rằng nhìn chung, những sự thay đổi đã cải thiện đáng kể mối giao tiếp qua lại với cảnh sát. Dân chúng thấy rằng lực lượng cảnh sát đã công bằng hơn, ít đe nẹt và hiệu quả hơn so với trước đây.
“Ở hầu hết các lĩnh vực, nó có hiệu quả,” Lary Steele, 41 tuổi, một cư dân lâu đời ở đây đang làm việc tại Camden Tool, một nhà cung cấp các thiết bị công nghiệp, nói. “Đám cớm cũ thường bạt tai đá đít chúng tôi. Nhưng rất nhiều người trẻ thì thực sự tốt.”
Zaire Harris, 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trường trung học Camden, nói rằng cảnh sát đã “biết tôn trọng và chỉ muốn chúng tôi ôn hòa với nhau.”
Thiếu uý Gabriel Rodriguez, người đã sinh ra và lớn lên ở Camden, cũng làm việc cho Sở Cảnh sát trước khi nó được thay đổi. Anh cho biết anh đã từng bị theo dõi bởi các viên cảnh sát trước khi anh vào ngành. (Hannah Yoon/ The New York Times)
Tuy thế, sự căng thẳng vẫn hiện hữu. Một số cư dân mô tả các cuộc chạm trán mà họ cảm thấy rất tùy tiện và giống như là quấy rối, lặp lại các mối quan ngại của cư dân trong nhiều thành phố trên cả nước: một vụ chặn giữ khách bộ hành không tuân thủ luật đi đường đã leo thang thành ẩu đả nhau; một phụ nữ trẻ cảm thấy bị hạ thấp khi cảnh sát hỏi có phải là gái mại dâm không.
“Họ có những vấn đề trong việc tham gia gắn kết cộng đồng,” Linh mục Levi Combs Đệ Tam, 34 tuổi, Mục sư của Giáo hội First Refuge Progressive Baptist, nói. “Họ không thể thấy những điều khác ngoài đen và trắng.”
Trong thành phố có hơn 90% cư dân là người da đen và người Mỹ La-tinh, hơn phân nửa trong số 400 cảnh sát của sở là người da màu. Và, như sự thật ở những thành phố khác, nhiều cảnh sát Camden sống ở các vùng ngoại ô bên ngoài những khu dân cư nghèo khó thuộc tầng lớp lao động chân tay mà họ vẫn đi tuần tra.
“Các cảnh sát này không biết cách tiếp cận người Mỹ gốc châu Phi hoặc gốc La-tinh vì họ không đến từ những nền văn hoá này,” Mục sư Combs nói.
Vụ sát hại George Floyd khi bị cảnh sát bắt giữ ở Minneapolis đã gây ra cuộc đối thoại mang tầm vóc quốc gia đầy gay gắt về sự tàn bạo và kỳ thị chủng tộc của cảnh sát cũng như truyền cảm hứng cho các cuộc biểu tình kêu gọi bãi bỏ hoặc thu hẹp lực lượng cảnh sát.
Ở thành phố New York, Ủy viên Hội đồng Cảnh sát đã giải tán hàng chục nhóm cảnh sát chìm nổi tiếng hung hãn, và thành phố cũng đã thông qua việc giảm chi ngân sách cho cảnh sát.
Ở Albuquerque, tiểu bang New Mexico một kế hoạch đang được tiến hành nhằm làm giảm đi vai trò của cảnh sát trong lời kêu gọi liên quan đến tình trạng vô gia cư, nghiện ngập và vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở Minneapolis, Hội đồng Thành phố đã cam kết giải tán Sở Cảnh sát và tìm kiếm “một mô hình biến đổi mới” cho an ninh công cộng.
Cô Sharim Anaya và con gái, Makaila Rodriguez, 10 tuổi. Cô Anaya cho biết cô vẫn một mực tin rằng cảnh sát không đối đối đãi với người dân với sự tôn trọng mà họ đáng được nhận. (Hannah Yoon/ The New York Times)
Dan Keashen, Phát ngôn Viên của Sở Cảnh sát ở Camden, nói rằng đã trả lời hơn 100 câu hỏi điều tra từ các cơ quan cảnh sát và các chính trị gia khắp cả nước trong những tuần gần đây.
“Nhiều câu là hỏi về chính sách sử dụng quyền lực của chúng tôi,” ông nói. “Và chúng tôi cũng nhận những câu hỏi liên quan đến việc làm cách nào để giải tán một sở cảnh sát và xây dựng lên một cái mới.”
Đối với Camden, đó là tình trạng khẩn cấp về tài chính.
Thành phố này, trước đây một trung tâm công nghiệp trước đây được biết đến từ lâu như trụ sở của Công ty Campbell Soup, đã phải trải qua nhiều thập kỷ suy thoái liên tục và không đủ khả năng tài trợ cho Sở Cảnh sát.
Trong năm 2011, trong khoảng thời gian Camden bị tuyên bố là thành phố nghèo nhất nước Mỹ, phân nửa cảnh sát bị sa thải. Số tội phạm tăng vọt. Một thỏa thuận chính trị cuối cùng đã bị cắt với sự hỗ trợ của Chris Christie, Đảng viên đảng Cộng hòa, Thống đốc tiểu bang lúc bấy giờ: Sở Cảnh sát phải giải tán và các quận hạt sẽ tạo dựng ra một lực lượng trị an đô thị mới.
Camden đã nhượng lại quyền kiểm soát trị an đáng kể cho chính quyền quận hạt trong một khu vực mà hầu hết cư dân là người da trắng. Cảnh sát trưởng lúc bấy giờ, J. Scott Thomson, một cảnh sát của Camden lâu năm, vẫn nắm quyền.
Thỏa thuận này có ý định dẹp bỏ liên minh cảnh sát, và lực lượng cảnh sát mới thành lập, có tên là Sở Cảnh sát Quận hạt Camden, trả lương ít hơn nhưng thuê mướn vào nhiều cảnh sát hơn. Cuối cùng thì, khoảng hai phần ba số cảnh sát được cho nghỉ việc trước đây đã được thuê trở lại.
Sở củng cố việc trị an cộng đồng, hướng dẫn cảnh sát nói chuyện với cư dân bất cứ lúc nào có cơ hội. Tuy nhiên việc tuần bộ gắt gao đã dẫn đến việc phạt vạ các vi phạm lặt vặt, như đi xe đạp không mở đèn.
Một số cư dân khiếu nại về việc xử lý mạnh tay, nhưng những người khác thì ủng hộ chiến lược mới này. Số lượng tội phạm giết người cuối cùng cũng bắt đầu giảm, và các trẻ con bị giữ trong nhà đã dám ra chơi bên ngoài.
Cảnh sát Joshua Nieves, bên trái và Saladin Webb đang đi tuần. (Hannah Yoon/ The New York Times)
Tuy nhiên, sau những vụ giết người gây tranh cãi của cảnh sát là vụ Michael Brown bị giết ở Ferguson, bang Missouri, và vụ Eric Garner bị giết ở New York, cảnh sát đã áp dụng những phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng hơn.
Mặc dù cảnh sát trong nhiều phạm vi quyền hạn nhìn chung được khuyến khích viết nhiều giấy phạt, nhưng ở Camden họ sẽ bị quở trách khi quá nghiêm khắc với dân chúng là những người quá nghèo để có thể nộp tiền phạt.
Cảnh sát ở Camden cũng học cách làm giảm nhẹ các tình huống buộc tội có thể phát sinh khi một người đang bị khủng hoảng về sức khỏe tâm thần.
“Trước khi đặt ra giới hạn của mình, chúng ta phải giữ vững lập trường, và nếu chúng ta vượt qua giới hạn đó thì chuyện coi như xong phim,” Đại úy Zsakheim James nói.
"Giờ thì," Đại úy James nói, "cảnh sát được huấn luyện để thực hiện “chiến thuật mambo – nó tiến một bước thì ta lùi một bước.”
Sở Cảnh sát nhấn mạnh vào việc cứu mạng được phản ảnh trong chính sách “hốt đem đi” yêu cầu cảnh sát phải chở nạn nhân bị bắn tới bệnh viện bằng xe cảnh sát trong trường hợp sẽ bị chậm trễ nếu đợi xe cứu thương.
Các Giám sát Viên xem xét hình ảnh trong camera giám sát không chỉ trong trường hợp sự việc có sai sót mà cả trong việc giúp cảnh sát cải thiện hành vi bản thân.
“Chúng tôi xem camera như một vận động viên chuyên nghiệp xem lại băng ghi hình trận đấu để có thể cải thiện tốt hơn,” Đại úy Kevin Lutz, người giám sát huấn luyện, nói.
Các khiếu nại về sử dụng vũ lực quá mức đã giảm mạnh, từ 65 vụ trong năm 2014 xuống còn 3 vụ trong năm 2019.
Và thành phố ngày một an toàn hơn: số vụ giết người bằng súng giảm xuống còn 18 vụ trong năm ngoái, từ 52 vụ trong năm 2013.
Ông Thomson, Cựu Cảnh sát Trưởng, nói rằng những đổi thay này là khả thi vì trên thực tế ông đã được trao cho một tờ giấy trắng.
“Tôi không bị bất cứ khó khăn nào về việc thay đổi văn hóa,” ông nói, “mà tôi lại có cơ hội xây dựng nó.”
Jayliani Cruz, 4 tuổi, trong khu dân cư Pyne Point của thành phố Camden. Với sự gia giảm của tội phạm bạo lực, ngày càng nhiều trẻ em đi ra ngoài để chơi hơn. (Hannah Yoon/ The New York Times)
Trong một chiều gần đây, trong khi đồng ngũ của họ trong những thành phố khác phải dàn quân tại các cuộc biểu tình, thì 2 cảnh sát của Camden – một tân binh và một cựu binh đã giải ngũ 10 năm, đều lớn lên ở Camden –lai thả bộ trên một con đường phía cực bắc của thành phố.
Khi họ đến gần một sân chơi đang bị đóng cửa vì đại dịch Corona, 2 người họ nghe tiếng của bọn trẻ con và tiếng dội lại của quả bóng rổ. Một trong hai người, Saladin Webb, đã khuyến khích một cậu bé con thử ném quả bóng vào rổ.
Cậu bé đã thử, và hut. Kế đó cậu bé hỏi Webb là có thể chơi tiếp được không. “Cháu biết chúng cháu không được phép ở đây, nhưng cơ mà chúng cháu có thể ở lại chơi không?” Cậu bé nói.
“Nhớ giữ anh toàn,” Webb đáp.
“Black Lives Matter! [sinh mạng người da đen quan trọng]” một đứa trẻ nói to khi 2 cảnh sát vừa quay gót rời đi.
“Không thể chối cãi,” Webb nói.
Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều cảnh sát ở Camden được tín nhiệm hơn trong mối quan hệ với cư dân thành phố vì những nỗ lực tương tác với dân chúng ngày qua ngày. Cảnh sát thường được thấy tại các buổi quạt chả nướng thịt ở khu dân cư, hăng hái đứng nướng. Sở cảnh sát cũng đem đến một “xe tải trò chơi lưu động”, chủ yếu là các trò chơi điện tử, cùng các xe tải bán cà rem lưu động.
“Chúng tôi tổ chức các buổi tiệc nướng BBQ trong các khu vực có khó khăn và chơi bóng bầu dục với bọn trẻ con,” Cảnh sát Vidal Rivera, người cũng lớn lên ở Camden, nói. “Đây là cách thiết lập quan hệ.”
Tuy nhiên, Preston Brown, Huấn luyện Viên bóng đá và bóng rổ trường Trung học Woodrow Wilson, nói rằng một số học sinh của ông đã nhìn cảnh sát với sự hoài nghi và đã phàn nàn về việc bị phân biệt chủng tộc.
“Rất nhiều người trẻ không tin vào cảnh sát,” Huấn luyện Viên Brown nói.
Ngay sau khi Floyd bị giết hại, chủ một thẩm mỹ viện ở Camden, Yolanda Deaver, đã quyết định tổ chức một cuộc tuần hành. Bà đã quảng bá trên Instagram bằng cách viết rằng “Cảnh sát kỳ thị chủng tộc đang giết người Da Đen chúng ta.”
Một viên Cảnh sát đã liên lạc với bà, và đề nghị cho các cảnh sát được tham gia tuần hành.
Ngay trước khi cuộc tuần hành bắt đầu, hai xe cảnh sát màu đen kéo tới.
Cảnh sát trưởng Wysocki bước ra, cùng với Thị trưởng và một Nghị sĩ. Cảnh sát Trưởng sau đó giơ lên một biểu ngữ viết “STANDING IN SOLIDARITY [Đoàn kết cùng đứng lên]” khi tham dự tuần hành.
Với một số cư dân, dường như cảnh sát đã tổ chức ra buổi tuần hành này. Nhưng Deaver nói rằng đã đánh giá cao sự hỗ trợ của vị Cảnh sát Trưởng.
Hình ảnh của cảnh sát trưởng tham gia cùng người biểu tình đã lan tỏa rầm rộ trên mạng và tương phản hoàn toàn với những cuộc chạm trán căng thẳng giữa cảnh sát và người biểu tình trong cùng ngày dọc theo sông ở Philadelphia.
Translation by Christine Nguyen
Copy edits by Helen Nguyen
Comments