Translated from The New York Times's article Has Biden Changed? He Tells Us.
Điều gì đã xảy ra với Joe Biden? Nhiều người đã nghĩ ông là một người ủng hộ thay đổi một cách tiết chế, nhưng giờ đây chính ông lại đang thúc đẩy những chương trình lập pháp khổng lồ khiến cho bất cứ người cấp tiến cánh tả nào cũng đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
By DAVID BROOKS, on 20-05-2021, 01:00:00
Điều gì đã xảy ra với Joe Biden? Nhiều người đã nghĩ ông là một người ủng hộ thay đổi một cách tiết chế, nhưng giờ đây chính ông lại đang thúc đẩy những chương trình lập pháp khổng lồ khiến cho bất cứ người cấp tiến cánh tả nào cũng đều cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
Tôi đã hỏi ông điều đó trong cuộc nói chuyện điện thoại tuần này. Câu trả lời có vẻ như khá phức tạp.
Những giá trị ông đấu tranh cho khá thống nhất qua các thập niên, và những chính sách ông đang thúc đẩy hiện nay tương tự với những điều ông đã đấu tranh cho trong mấy chục năm qua.
Giờ đây quy mô đã khác rất nhiều. Nó giống như một công ty chuyên sản xuất tàu dã ngoại nhỏ chuyển sang đóng các tàu viễn dương khổng lồ vậy. Và đó là bởi Biden tin rằng, trong thế giới hậu Trump, chúng ta đang phải đấu tranh không chỉ bảo toàn tầng lớp trung lưu, mà còn là để duy trì vị thế quốc gia dẫn đầu toàn cầu.
Biden nói: “Chúng ta đang ở thời kỳ mà thế giới đã bắt đầu để mắt đến Trung Quốc. Bình luận tàn khốc nhất mà tôi nhận được sau khi đắc cử - thậm chí còn chẳng mấy liên quan đến bản thân tôi - là khi thủ tướng Ireland nói: ‘Nước Mỹ không thể lãnh đạo. Đến Covid còn chẳng kham nổi.’"
Tôi đã hỏi ông đã định hình quan điểm của mình thế nào về vai trò chính phủ trong đời sống. Ông bắt đầu nói về cha mình. Trong Thế chiến thứ hai, cha ông đã quản lý một chi nhánh công ty trang bị tàu buôn. Khi ông bắt đầu kinh doanh hậu chiến, đối tác của ông đã nướng sạch tiền trên chiếu bạc.
Biden nhớ lại: “Hậu chiến, ông đã xoay sở khá tốt nhưng đó cũng là lúc ông trắng tay.” Kể từ đó, cha Biden lận đận, nhận bất cứ công việc nào. “Tôi đã chứng kiến cha mình đánh mất tự tôn như thế nào.”
Đây không phải là cách thường thấy để trả lời cho câu hỏi về vai trò của chính phủ, nhưng đây là một Biden tinh tế. Có những người hình thành thế giới quan của mình từ những hệ tư tưởng hay trào lưu triết học như “bảo thủ” hay “cấp tiến.” Biden lại xây dựng nó từ những trải nghiệm cuộc sống, đặc biệt là từ thời thanh thiếu niên, và cả từ cách cha mẹ dạy dỗ mình.
Chúng đã đặt ra những nền tảng đạo đức cho những chương trình lập pháp quan trọng mà ông theo đuổi.
Câu chuyện về cha ông chứa đựng những yếu tố quan trọng trong thế giới quan của Biden.
Đầu tiên là vị trí xã hội. Không chỉ là cách một người nhìn nhận vấn đề, mà còn là nhìn từ đâu. Biden nhìn nhận hầu hết các vấn đề từ góc nhìn của “một người bình thường,” từ tầng lớp Đảng viên Dân chủ Truman cận và trung lưu mà ông lớn lên cùng.
Thứ hai là nhận thức sâu sắc về những thăng trầm của cuộc sống. Biden nói rằng cha ông từng cho ông xem hình ảnh của bộ truyện tranh Viking, Hagar the Horrible, bị cuộc sống đè lên và hét lên: "Tại sao lại là tôi ?!" Chúa đáp lại: "Tại sao không?" Biden vẫn còn giữ bộ truyện tranh đó. “Đó là bố tôi,” ông thêm vào.
Thứ ba là tập trung cao độ vào phẩm giá con người. Ông nói: “Tôi nghĩ người Ireland thường sử dụng ‘ phẩm giá’ hơn bất kỳ ai. Tôi nghĩ đó là vì một khi bạn bị tước đoạt nhân phẩm, bạn sẽ đặt một cái giá cao, rất cao cho nó.” Trong hệ thống phân cấp dân tộc da trắng ở châu Mỹ giữa thế kỷ trước, “Người Ireland là công dân hạng hai,” Biden nhớ lại. "Người Anh đã thống trị mọi thứ."
Triết lí quản trị cũng như hàng loạt các chính sách, hoạt động tích cực hỗ trợ người gặp khó khăn đã được hình thành từ ba yếu tố trên, giúp họ có thể sống ngẩng cao đầu cũng như đẩy lùi thói giàu có hống hách.
Một phần khác về thế giới quan cơ bản của ông đến từ giáo lý xã hội Công giáo thế kỷ 20. Ông tâm sự rằng cha mình yêu thích nhà triết học Công giáo người Pháp Jacques Maritain, và sau đó, cũng trong cuộc trò chuyện, đã đề cập rằng mình từng được triết lý của Maritain dẫn đường.
Giống như hầu hết các hình mẫu chủ đạo của giáo huấn xã hội Công giáo, Maritain chú trọng đến sự đoàn kết xã hội, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và cộng đồng. Nếu bạn chìm đắm trong Maritain, bạn sẽ tin rằng chúng ta có trách nhiệm nghiêm túc với nhau.
Một chương trình nghị sự lập pháp thiết thực đã nảy mầm từ những giá trị cốt lõi này. Nhà Trắng đã đưa cho tôi một danh sách dài các sáng kiến lập pháp khác nhau của Biden, cho thấy ông đã từ lâu đấu tranh cho nhiều ý tưởng nằm trong các chương trình lớn hiện tại của mình.
Năm 2003, theo tài liệu của Nhà Trắng, ông đã đồng bảo trợ một dự luật mở rộng Tín chỉ hoàn thuế cho trẻ em (Refundable Child Tax Credit). Năm 1993, Biden đưa ra “Đạo luật Tăng trưởng Cơ sở hạ tầng và Việc làm” (The Infrastructure Growth and Employment Act"). Năm 1974, ông đã bỏ phiếu đề nghị tăng mức lương tối thiểu, điều mà ông đã làm nhiều lần kể từ đó. Năm 2003, ông đã bỏ phiếu để tạo ra một khoản tín chỉ hoàn thuế cho những người chăm sóc sức khỏe. Năm 1983, ông đã bỏ phiếu đồng thuận tăng tài trợ cho giáo dục thêm 1,5 tỷ đô la.
Khi nhìn vào chiều dài những bộ luật ông ban hành hoặc ủng hộ trong những năm qua, bạn sẽ thấy số tiền thường nằm trong mức vài triệu hoặc một vài tỷ. Ngày nay, những chương trình nghị sự của Biden đáng giá hàng ngàn tỷ đô la. Vậy điều gì đã thay đổi kể từ khi ông và Barack Obama rời văn phòng tháng 1 năm 2017?
Biden phát biểu: “Tôi nghĩ thời thế đã thay đổi chóng mặt. Chúng ta đang trong một bước ngoặt lịch sử.” Ông nói rằng chúng ta đang trải qua “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư,” bao gồm sự phát triển nổi lên của các công nghệ thông tin đến sự trỗi dậy của siêu sao Trung Quốc, cho đến những thay đổi trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Biden dành phần lớn sự nghiệp Thượng viện của mình để xây dựng các chính sách đối ngoại và đôi khi là bàn về các chính sách đối nội thông qua lăng kinh quốc tế hoặc chiến lược lớn.
Ông trả lời: “Chúng ta đã bước đến thời kỳ mà sức mạnh kinh tế sẽ tác động đến ảnh hưởng và năng lực quốc tế.”
Ông lớn lên khi nước Mỹ là lãnh đạo dẫn đầu không thể chối cãi của thế giới. Và giờ đây, ông nhận ra đất nước đang tuột khỏi vị trí đó nhanh chóng do thiếu thốn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
“Chúng ta đang đi ăn chính hạt giống của mình,” ông tiếp tục, trích lời những giám đốc điều hành đã nói với mình về cách cánh tư nhân không hướng đến sự lâu dài.
Trong bối cảnh đố, Biden nhận thấy rủi ro lớn nhất nằm ở việc chỉ thay đổi một cách tiết chế.
"Rủi ro ở đây chính là sự do dự để không bùng nổ. Nếu chúng ta cứ mãi nhỏ lẻ, tôi không biết làm thế nào để có thể thay đổi vị thế cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế.
Tư duy ăn sâu dưới thời Clinton và Obama đã bị chính quyền Biden phá vỡ theo các cách khác nhau, dù chưa rõ ông đóng góp bao nhiêu phần trăm trong đó, và bao nhiêu phần trăm do đội ngũ làm việc. Như Ronald Brownstein đã lưu ý trên tờ The Atlantic, trong nhiều năm, quan điểm phổ biến của đảng Dân chủ là nếu mọi người được trang bị nhiều kỹ năng và giáo dục, tiền lương sẽ tăng. Quan điểm nổi trội của thời đại Biden là phải cung cấp cho mọi người nhiều quyền thương lượng công đoàn hơn để cân bằng quyền lực của doanh nghiệp. Trong nhiều năm, phần lớn đảng viên Đảng Dân chủ tin rằng có thể giúp đỡ người Mỹ da Đen nếu các chính sách nhằm vào tầng lớp lao động được thiết kế không nhắm vào màu da. Giờ đây, các quan chức Biden lại tin rằng các chính sách được tạo ra phải có ý thức về chủng tộc, mang lại lợi ích rõ ràng cho người da Đen.
Vậy, Biden đã trở thành một người cấp tiến hoàn toàn? Ông chắc chắn không nghĩ vậy. “Cánh cấp tiến không thích tôi vì tôi chưa sẵn sàng tiếp nhận những gì mà cả tôi và họ đều gọi là có yếu tố xã hội chủ nghĩa.” Ông cho rằng những người dám mạo hiểm để làm giàu nên được tưởng thưởng xứng đáng.
Ông cũng hoài nghi về những kế hoạch hào phóng xóa nợ đại học được cánh tả khởi xướng. “Tôi không đồng ý với việc bạn đến Penn với khoản học phí $70,000 USD một năm và để cho người dân chi trả số tiền đó.”
Cách Biden chỉ trích các tập đoàn lớn cũng khác so với cánh tả. Một số người phê phán toàn diện chủ nghĩa tư bản, trong khi ông lại muốn giữ chủ nghĩa tư bản trong khuôn khổ. Ông lập luận rằng đã từng có thời tập đoàn chịu trách nhiệm với cộng đồng chứ không chỉ với mỗi cổ đông. “Những CEO năm 70 trở lại kiếm được gấp 35 đến 40 lần so với nhân viên bình thường. Ngày nay là 320 lần. Họ đang cố quảng bá điều gì vậy? Họ đang làm gì? Như mẹ tôi nói: ”Ai đã chết để bạn trở thành ông chủ?"
Tôi cũng hỏi ông đâu là giới hạn giữa những gì chính phủ nên và không nên làm. Ông trả lời rằng người lao động nên “kiếm được những gì mình xứng đáng nhận được." Nhưng họ phải được tạo cơ hội để làm việc đó. Tôi nghĩ rằng điều khiến chúng ta đi trước phần còn lại của thế giới vào đầu thế kỷ 20 là quan niệm chúng ta có nền giáo dục phổ quát. Nếu hôm nay chúng ta ngồi xuống để bàn về giáo dục công lập bao gồm những gì trong thế kỷ 21, hãy đoán xem ai sẽ nói 12 năm là đủ? Tôi thì không."
Biden đã viết rằng ông của ông và các chú mình, đảng viên Đảng Dân chủ Truman, nghi ngờ Adlai Stevenson vì họ cho rằng ông quá mềm yếu. Từ lâu, phe công đoàn của Đảng Dân chủ và phe dân văn phòng được đào tạo ở trường đại học đã tồn tại sự căng thẳng.
Vài thập niên trôi qua, thế hệ sau của Stevenson - các học giả Rhodes cùng cựu sinh viên Ivy League - đã thống trị vượt trội so với thế hệ Truman và đảng này đã dần nhìn thế giới từ những thuận lợi của các chuyên gia có trình độ giáo dục đại học bài bản.
Nhưng Biden đến từ phía bên kia của đảng.
Một phụ tá kinh tế đã làm việc với Biden trong hơn một thập kỷ nói với tôi“Ông ấy thoải mái và làm việc tốt nhất khi gặp gỡ với những người bên công đoàn.” Đã có tin đồn rằng cuối tháng trước, trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông đã khoe rằng “gần 90% công việc cơ sở hạ tầng được tạo ra trong Kế hoạch việc làm Mỹ không yêu cầu bằng đại học, 75% không yêu cầu bằng cao đẳng.”
Theo định nghĩa hiện đại, Biden không phải là người cấp tiến. Ông là kiểu người tự do được sinh ra hậu Thế chiến thứ Hai, tin vào sự vĩ đại của nước Mỹ và nhà nước, ít bận tâm đến những cuộc chiến văn hóa nổi lên những năm 1960, cứng rắn trong quyền công dân, hòa mình vào tầng lớp lao động và trung lưu.
Biden không thực sự thay đổi. Ông chỉ là đang làm mọi việc lớn hơn.
Người dịch: Duong Nguyen
Biên tập: Khanh Doan Nguyen
Comments