“Nước Mỹ không phải là chiến trường và người dân Mỹ không nên là kẻ thù. Chúng ta đến với nhau với tư cách là những chủng người khác nhau và nhìn nhận rằng chính sự đa dạng ấy là sức mạnh lớn nhất của chúng ta.”— Todd Winn viết trong thư nói về cuộc biểu tình của mình.
Cathy Free, ngày 18 tháng 6 năm 2020
Translated from The Washington Post article A former Marine protested police brutality with duct tape over his mouth. His shoes melted in the heat.
Todd Winn “đơn thương độc mã" biểu tình tại Tòa Quốc hội bang Utah ngày 5 tháng 6 (Robin Pendergrast)
Vào một ngày tháng Sáu, cựu Thủy quân Todd Winn kéo bộ quân phục cũ từ sâu trong tủ, lấy nó ra khỏi túi bảo hộ và nhìn chằm chằm vào nền vải xanh trong vài phút trầm mặc.
Đã 15 năm kể từ lần cuối mặc trên người bộ quân phục, anh tự hỏi liệu nó có còn vừa vặn, nhưng, quan trọng hơn, liệu anh có xứng đáng để mặc nó.
“Thành thật mà nói, tôi tự vấn bản thân liệu đã sống đúng theo những lý tưởng mà chính mình đã tuyên thệ với tư cách là một Hải quân,” anh nói. “Tôi đã thề sẽ bảo vệ và thực thi Hiến pháp Hoa Kỳ. Và sau những gì xảy ra với George Floyd, tôi tự hỏi liệu bản thân đã làm đủ để thể hiện sự ủng hộ cho những thay đổi.”
Vài ngày sau, Winn, 36 tuổi, đến một hiệu làm tóc và trở về với mái đầu chuẩn lính, sau đó trở về tư gia ở gần thành phố Salt Lake để chuẩn bị. Khoác trên mình bộ quân phục, mặc dù áo khoác và quần đã hơi chật, “Tôi quyết chúng sẽ làm nên chuyện,” anh nói.
Todd Winn trong buổi biểu tình của anh vào ngày 5 tháng 6 cầm bảng liệt kê tên của những nạn nhân của các vụ nổ súng bởi cảnh sát. (Robin Pendergrast)
Anh đánh bóng giày, ghim các huân chương lên áo (bao gồm hai Trái tim Tím [1]), đội lên đầu chiếc mũ Hải quân, mang theo đôi găng tay trắng và bảng khẩu hiệu anh làm đêm trước. Anh nhờ người bạn gái, Katie Steck, lái xe đưa anh đến trước cổng Tòa Quốc hội bang Utah.
Hôm đấy là thứ Sáu, ngày 5 tháng 6 — ngày nóng nhất tính từ đầu năm 2020 đến giờ ở thành phố Salt Lake, với nhiệt độ vào buổi chiều chạm ngưỡng 100°F ( khoảng 38°C).
Mặc cho hơi nóng ngột ngạt, anh đeo găng, ăn vận chỉnh tề, dán một miếng băng keo đen ngang miệng ghi dòng chữ “Tôi không thở được.” Đây là những lời nói cuối cùng của George Floyd vào ngày 25 tháng 5 khi bị một cảnh sát thành phố Minneapolis quỳ gối ngáng ngang cổ làm anh ngạt thở đến chết.
Giày của người cựu binh bị nóng chảy và có phần bị vỡ ra thành mảng trong cuộc biểu tình đơn độc của mình. (Robin Pendergrast)
Trong ba giờ đồng hồ tiếp theo, anh đứng trong sự quan tâm chú ý của nhiều người, giơ tấm bảng có tên Floyd và vài nạn nhân Người Da Đen khác đã chết trong các vụ nổ súng của cảnh sát.
Tấm bảng ghi: “Công lý cho George Floyd, Breonna Taylor [2], Tamir Rice [3] và vô số những nạn nhân khác.”
Hầu hết những người thấy anh bấm còi hoặc vẫy tay khi lái xe ngang qua, anh nói, vài người dừng lại để hỏi chuyện cô Steck.
“Tôi không thể trả lời,” Winn nói. “Sự im lặng của tôi cũng là một khoảnh khắc im lặng mặc niệm cho những nạn nhân, trong đó có George Floyd.”
Khi nhiếp ảnh gia địa phương Robin Pendergrast phát hiện ra Winn và chụp những bức ảnh về cuộc biểu tình một người của anh tại Tòa Quốc hội — bao gồm cả những bức ảnh về đôi giày bị vỡ thành những mảnh vụn — không mất nhiều thời gian để những hình ảnh đó xuất hiện trên mạng xã hội và được lan truyền rộng rãi.
“Sau những gì xảy ra với George Floyd, tôi tự hỏi liệu bản thân đã làm đủ để lên tiếng cho sự thay đổi,” Todd Winn nói. (Robin Pendergrast)
Những lời bình luận tràn về từ khắp mọi nơi trên đất nước, Winn nói, phần lớn ủng hộ hành động của anh:
“Thất vọng đủ nhiều để có hành động trực tiếp, độc lập nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào là định nghĩa của lòng yêu nước,” một người viết.
“Hoan hô! Nói rất khá và thật tốt khi ông đứng lên cho những gì ông tin tưởng,” người khác viết. “Nhân quyền không phải chính trị. Tôi ngả mũ thán phục ngài.”
Winn nói anh cũng nhận được nhiều lời nhắn xem anh là một sự "sỉ nhục" của quân đội, được tượng trưng qua bộ y phục của anh, nhưng anh không bận tâm vì những lời chỉ trích ấy.
“Tôi muốn nói rất rõ ràng rằng tôi hiểu và tôn trọng cảm giác của những người không vui khi thấy tôi mặc quân phục vì mục đích phản kháng thầm lặng cá nhân,” anh nói. “Tôi yêu đất nước này và người dân đất nước này. Đó là lý do tôi khoác lên bộ đồng phục lần đầu tiên nhập ngũ và cũng là lý do tôi làm lại điều đó vào hôm thứ Sáu ấy.”
Binh nhất Todd Winn tại Iraq năm 2005. (James Milliken)
Winn, vào đội ngũ Lính thủy đánh bộ năm 2014 sau khi chuyển qua tiểu bang Utah, bị chấn thương sọ não ở Iraq năm 2005, anh nói, khi anh hai lần bị bắt trong vụ nổ bom bên đường.
“Tôi đã mơ được làm một người Lính thủy từ khi còn bé,” Winn nói, anh lớn lên trong một gia đình quân nhân ở thành phố Wichita và là một học sinh trung học cuối cấp lúc Sự kiện Ngày 11 Tháng 9 xảy ra.
“Vì những chấn thương của mình, tôi chỉ có thể phục vụ trong Thủy quân Lục chiến trong ba năm, nhưng đó là ba năm tuyệt vời,” anh nói. “Tôi trân quý tình bạn và tình anh em, và tôi thật sự nhớ khoảng thời gian trong quân ngũ của mình.”
Sau khi trở về Hoa Kỳ và nhận bằng y tế xuất ngũ danh dự năm 2007, Winn nói anh bị hậu chấn tâm lý (PTSD) trong nhiều năm, mất trí nhớ và trầm cảm. Anh treo bộ quân phục vào tủ và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ mặc nó nữa.
Và ngày 25 tháng 5 năm 2020 đến.
Sau khi xem những đoạn phim về cái chết của Floyd, Winn cho biết anh đã thực sự kinh hãi và đau lòng; anh đột nhiên nhận ra rằng “Tôi đã xem điều tương tự xảy ra hết lần này đến lần khác trong suốt cuộc đời mình mà tôi chưa bao giờ đứng lên thay đổi chúng.”
Winn nghĩ về khoảng thời gian tại ngũ, anh nói, nhớ về những thân tình anh có với những Lính thủy khác đến từ mọi nơi trên đất nước.
“Tôi cảm giác rằng sự im lặng của mình không đủ đem lại công lý cho các anh em của tôi,” anh nói.
Sau khi lấy bộ quân phục từ trong tủ, anh nói, ý tưởng biểu tình ở Tòa nhà Quốc hội bang Utah bắt đầu nhen nhóm trong anh. Anh nói suy nghĩ của mình với bạn gái mình là cô Steck và được cô nhiệt tình hưởng ứng.
Sau khi cô Steck, 31 tuổi, đưa anh đến Tòa nhà Quốc hội, cô đứng bên lề theo dõi anh với những chai nước — tuy nhiên anh từ chối hết tất cả.
“Tôi muốn giữ miếng băng đó trên miệng cùng với cảm giác, ‘Tôi không thở được,’” anh nói.
“Trời rất nóng. Tôi cảm nhận được mình đang kiệt sức vì sự oi bức, nhưng quan trọng là tôi luôn phải đứng với tinh thần tập trung cao độ trong suốt quãng thời gian đó, trừ những lúc nghỉ ngơi ngắn với hai chân dang rộng bằng vai.”
Trong 8 phút 46 giây cuối cùng của cuộc biểu tình, Winn đã quỳ một gối để tưởng niệm Floyd; đế giày của anh bị vụn ra vì cái nóng. Kết thúc, anh trở về nhà kiệt sức và quyết định ghi một lá thư về cuộc biểu tình của mình.
Todd Winn và cuộc biểu tình đơn độc ngày 5 tháng 6 - ngày nóng nhất trong năm tính tới thời điểm ấy tại thành phố Salt Lake, với nhiệt độ buổi trưa chiều lên đến 100 độ F (khoảng 38 độ C). Đế giày của anh bị nóng chảy. (Robin Pendergrast)
“Mỗi tiếng nói, lớn hay nhỏ, phải kết hợp với nhau để lên án sự phân biệt chủng tộc, thái độ mù quáng và sự cố chấp đang tìm cách chia rẽ xã hội của chúng ta,” anh viết. “Phục vụ người dân đã, đang, và sẽ là một niềm vinh dự của tôi. Tình yêu của tôi đối với đất nước và người dân là động lực thúc giục tôi nhập ngũ năm 2004, và cũng là động lực của tôi cho đến ngày hôm nay… Không bao giờ là quá muộn để đứng lên vì lẽ phải.”
Hiện tại, bộ quân phục cùng với đôi giày chảy nhựa đã yên vị trong tủ quần áo, Winn nói anh không có ý định sẽ mặc lại nó để biểu tình.
“Nó lớn hơn những gì tôi dự đoán, và tôi không thích sự chú ý,” anh nói. “Nhưng tôi chấp nhận sự phiền toái cần thiết đó để lan tỏa lời nhắn đến nhiều người hơn. Nước Mỹ không phải là chiến trường và người dân Mỹ không nên là kẻ thù. Chúng ta đến với nhau với tư cách là những chủng người khác nhau và nhìn nhận rằng chính sự đa dạng ấy là sức mạnh lớn nhất của chúng ta.”
Chú thích
[1] Trái tim Tím: The Purple Heart, là một trong những huân chương được công nhận và tôn trọng nhất được trao cho các thành viên của Hoa Kỳ trong lực lượng vũ trang. Được giới thiệu bởi Tướng George Washington. Trái tim Tím cũng là giải thưởng quân sự lâu đời nhất của Hoa Kỳ.
[2] Breonna Taylor: một kỹ thuật viên y tế phòng cấp cứu người Mỹ gốc Phi 26 tuổi, đã bị bắn chết bởi 8 phát đạn của cảnh sát thuộc Sở Cảnh sát Đô thị Louisville ngày 13 tháng 3 năm 2020. Khi bị giết, cô đang ngủ cùng bạn trai, không vũ khí; căn hộ cô ở cũng không tàng trữ chất cấm như lệnh khám nhà của cảnh sát.
[3] Tamir Rice: Ngày 22 tháng 11 năm 2014, Tamir Rice, một cậu bé người Mỹ gốc Phi 12 tuổi, đã bị giết bởi Timothy Loehmann, một sĩ quan cảnh sát da trắng 26 tuổi. Rice đang mang một khẩu súng đồ chơi và Loehmann đã bắn em gần như ngay lập tức sau khi đến hiện trường.
Dịch bởi Duy Minh
Edit: Helen Nguyen
Comments