top of page

Cuộc chiến chống khủng bố vốn đã thối nát ngay từ đầu

Updated: Oct 18, 2021

Translated from The New York Times's article The War on Terror Was Corrupt From the Start

By Farah Stockman, on 13-09-2021, 00:00:00

Cuộc chiến ở Afghanistan không phải là một thất bại. Trái lại, nó là một thành công to lớn - đối với những người hưởng lợi từ nó. Điển hình là trường hợp của Hikmatullah Shadman. Khi Lực lượng Đặc nhiệm Hoa Kỳ ập vào thành phố Kandahar sau vụ 11 tháng 9, Shadman chỉ là một thiếu niên. Quân đội Mỹ thuê anh làm thông dịch viên với mức lương xấp xỉ 1500 đô la mỗi tháng, gấp 20 lần mức lương của một cảnh sát tại Afghanistan (theo hồ sơ thông tin từ The New Yorker). Chưa đầy 30 tuổi, anh đã sở hữu một công ty vận tải đường bộ cung cấp thiết bị cho các căn cứ Mỹ với thu nhập hơn 160 triệu đô la. Một tiểu tốt như Shadman mà còn có thể làm giàu từ cuộc chiến chống khủng bố, hãy tưởng tượng số tài sản mà thống đốc Gul Agha Sherzai (trước là thủ lĩnh phiến quân) đã tích trữ được từ ngày giúp C.I.A đánh bật Taliban. Đại gia đình của ông cung cấp mọi thứ, từ đá dăm đến nội thất, cho căn cứ quân Mỹ tại Kandahar. Anh trai ruột của ông nắm quyền kiểm soát sân bay. Không ai biết rõ giá trị tài sản của ông, nhưng chắc chắn nó phải vào khoảng vài trăm triệu - đủ để ông có thể nói chuyện đi mua sắm ở Đức một lần hết 40 nghìn đô như là đang tiêu vài đồng bạc lẻ. Đây chính là sự thật ẩn sau vỏ bọc “chiến tranh chính nghĩa”. Afghanistan đáng lý ra là một cuộc chiến danh dự nhằm vô hiệu hoá khủng bố và giải cứu các bé gái khỏi tay Taliban. Nó đáng lý ra là một cuộc chiến mà chúng ta có trách nhiệm phải thắng cũng như đã có thể thắng, nếu không có sự tham nhũng của chính quyền Afghanistan cũng như bị phân tâm bởi chiến sự tại Iraq. Nhưng, chúng ta cần tỉnh táo lại. Trong chiến tranh, tham nhũng là thứ tất yếu chứ không phải là lỗi thiết kế. Chúng ta không hề lật đổ Taliban. Chúng ta bỏ tiền ra thuê các thủ lĩnh quân nổi dậy làm việc đó. Khi dự án tái thiết quốc gia bắt đầu, các thủ lĩnh này liền trở thành thống đốc, đại tướng và thành viên Quốc hội, và tiền mặt thì vẫn cứ tiếp tục chảy vào túi họ. Mới đây, Sarah Chayes, cựu trợ lí đặc biệt của các nhà lãnh đạo trong quân đội Mỹ ở Kandahar, đã viết trong tờ Foreign Affairs gần đây rằng: “ Người phương Tây thường phải vò đầu bứt tai trước tình trạng thiếu năng lực tồn tại dai dẳng trong các cơ quan quản lý ở Afghanistan. Vấn đề là, mạng lưới các thể lực kiểm soát những cơ quan này rất tinh vi. Bọn họ chưa từng có ý định trị quốc. Mục tiêu của họ là vinh thân phì gia, và họ đã xuất sắc hoàn thành mục tiêu này.” Cái chúng ta đã xây dựng không phải là một quốc gia, mà là hơn 500 căn cứ quân sự — và tài sản cá nhân của những người đã đóng góp cho quân đội Hoa Kỳ. Đó vốn dĩ là thỏa thuận ban đầu. Theo tờ The Washington Post, trong một ghi chú tối mật vào tháng 4 năm 2002, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã lệnh cho các phụ tá lên "kế hoạch giao dịch với từng thủ lĩnh — ai sẽ nhận tiền từ ai, trên cơ sở nào, đổi lấy cái gì, điều kiện kiện trao đổi thì sao, v.v…) Đây cũng là cuộc chiến tranh béo bở với không ít người Mỹ và Âu châu. Theo ước tính của một nghiên cứu năm 2008, các quốc gia viện trợ thu lại khoảng 40% ngân sách dành cho Afghanistan dưới hình thức lợi tức doanh nghiệp và tiền công tư vấn. Từ năm 2002 đến 2021, chỉ có khoảng 12% nguồn hỗ trợ tái thiết của Hoa Kỳ dành cho Afghanistan thực sự tới tay chính quyền quốc gia này. Số còn lại vào tay các công ty như Louis Berger Group, một nhà thầu xây dựng tại New Jersey với hợp đồng xây dựng trường học, trạm y tế và đường bộ trị giá 1,4 tỷ đô. Ngay cả khi doanh nghiệp này bị bắt quả tang tội hối lộ quan chức và nâng khống chi phí một cách có hệ thống, các hợp đồng vẫn kéo đến nườm nượp. Jonathan Goodhand, một giáo sư nghiên cứu về xung đột và phát triển tại đại học SOAS ở London, trong một email có nói rằng: “Tôi rất khó chịu khi mọi người cứ lấy vấn đề tham nhũng của Afghanistan để giải thích (cũng như là để biện minh) cho thất bại của phương Tây tại quốc gia này. Người Mỹ “đổ lỗi cho người Afghanistan trong khi phớt lờ hành động thêm dầu vào lửa và mượn gió bẻ măng của nhà tài trợ Hoa Kỳ.”

Vậy ai đã thực sự nắm phần thắng trong cuộc chiến chống khủng bố này? Là các chủ thầu quốc phòng Hoa Kỳ. Theo chuỗi báo cáo Windfalls of War (tạm dịch: Chiến tranh Trời ban) mà tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Liêm chính Công (CPI) tổng kết được sau nhiều năm theo dõi chi tiêu quốc phòng, đa số các nhà thầu này đều có mối quan hệ chính trị mật thiết với những công ty đã từng quyên góp cho chiến dịch vận động tranh cử George W. Bush. Doanh nghiệp được thuê làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ của Iraq chỉ có độc một thành viên là chồng của một trợ lý phó của Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Bush và bạn bè thu hoạch rất nhiều từ cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ông có cơ hội phô diễn sự cứng rắn trên TV. Ông dễ dàng tái ứng cử với lợi thế là tổng thống thời chiến. Đến lúc mọi người nhận ra rằng chiến tranh Iraq được phát động dựa trên sư dối trá và chiến tranh Afghanistan chẳng có con đường rút lui danh dự nào, tất cả đã quá muộn. Đáng nói ở chỗ, cuộc chiến tranh Afghanistan đã biến thành nền kinh tế của nước này. Ít nhất Iraq còn có dầu mỏ. Còn ở Afghanistan, cuộc chiến này gây trì trệ cho mọi hoạt động kinh tế, trừ ngành buôn bán thuốc phiện. Suốt hơn hai thập kỷ qua, chính phủ Mỹ đã chi 145 tỷ đô la cho việc tái thiết và viện trợ và thêm 837 tỷ đô la nữa dành riêng cho chiến tranh ở một quốc gia mà mức thu nhập bình quân G.D.P. nằm ở khoảng 4 đến 20 tỷ đô mỗi năm. Kinh tế của Afghanistan phụ thuộc vào số lượng quân đội nước ngoài có mặt trong nước. Nó bùng nổ vào năm 2009 khi Tổng thống Obama tăng cường lực lượng, rồi thì lao dốc khi quân số bị cắt giảm hai năm sau đó. Hãy tưởng tượng những gì người dân Afghanistan đã có thể làm nếu họ có cơ hội sử dụng khoản tiền này để tùy ý lên kế hoạch và triển khai các dự án dài hạn. Nhưng hỡi ôi, các nhà hoạch định chính sách ở Washington thì chỉ muốn vung tiền cho thật nhanh, bởi đó là một trong số những thước đo của sự thành công. Khoản tiền này lẽ ra phải được dùng để mua lấy an ninh, cầu đường và nhà máy điện để thu phục lòng người. Nhưng số tiền khổng lồ này lại đầu độc cả một quốc gia, nó khiến người dân nước này rơi vào cảnh trâu buộc ghét trâu ăn, khoét sâu sự thù nghịch giữa những người hưởng lợi và những kẻ chầu rìa. Trong bản báo cáo cuối cùng về quá trình tái thiết Afghanistan, viên tổng thanh tra kết luận rằng: “Món tiền viện trợ này quá cao so với khả năng tiêu thụ của Afghanistan. Giả thiết sơ bộ cho sự tham nhũng là nó bắt nguồn từ một vài cá nhân Afghanistan và các nhà tài trợ có thể giải quyết bằng cách can thiệp. Nhiều năm sau đó Hoa Kỳ mới nhận ra chính mình đang tiếp tay cho tham nhũng bằng con số viện trợ khổng lồ cộng với sự giám sát lỏng lẻo.” Hậu quả là một nền kinh tế ảo được vận hành giống một sòng bạc hay một công ty bán hàng đa cấp hơn là một quốc gia. Xây dựng nhà máy hay canh tác trồng trọt làm gì khi người ta có thể đổi đời bằng cách bán bất cứ thứ gì mà người Mỹ muốn mua? Chiến đấu với Taliban làm gì khi chỉ cần trả tiền là chúng sẽ không tấn công? Tiền là nhiên liệu của guồng máy chiến tranh, nó làm giàu cho những phe cánh vũ trang mà nó vốn dĩ phải chiến đấu chống lại, rồi khi những phe cánh này tổ chức tấn công thì đó lại là cái cớ để chi thêm tiền. Theo tờ Washington Post, một kế toán pháp lý trong một lực lượng đặc nhiệm của quân đội đã ước tính rằng trong số hợp đồng trị giá 106 tỉ đô của Lầu Năm Góc mà người này phân tích, 40% số tiền này đã vào túi của “quân nổi loạn, tổ chức tội phạm hoặc quan chức tham ô ở Afghanistan.” Các nhà khoa học xã hội đã nghĩ ra một cái tên miêu tả các quốc gia phụ thuộc vào thu nhập bất chính từ ngoài nước: các quốc gia cho thuê. Cái tên này thường được nhắc đến cùng với các quốc gia chuyên sản xuất dầu mỏ, nhưng trường hợp của Afghanistan hiện nay nổi bật như một ví dụ điển hình. Các nhà khoa học xã hội có một cái tên dành cho những quốc gia phải phụ thuộc vào thu nhập thụ động từ nước ngoài: những quốc gia thực lợi. Khái niệm này thường áp dụng cho các quốc gia chuyên sản xuất dầu mỏ, nhưng Afghanistan là một ví dụ hết sức nổi bật vào lúc này. Trong một báo cáo, Kate Clark của Afghanistan Analysts Network (Mạng lưới Chuyên gia Afghanistan) chỉ ra rằng chính nền kinh tế thực lợi của Afghanistan đã cản trở mọi nỗ lực gầy dựng nền dân chủ. Nguồn tiền của ngân khố đến từ nước ngoài thay vì từ thuế má, nên các lãnh đạo ưu tiên quan tâm nhà tài trợ hơn người dân của chính họ. Tôi biết chiến tranh Afghanistan đã đi chệch hướng ngày tôi hẹn ăn trưa tại Kabul với một cố vấn từ châu Âu. Người này được trả thù lao cao ngất ngưỡng để viết báo cáo về nạn tham nhũng ở Afghanistan. Tuy chỉ mới chân ướt chân ráo, nhưng anh ta đã có bao nhiêu là sáng kiến cải tạo cần thiết, bao gồm cả việc bãi bỏ chế độ trả lương theo thâm niên của nhà nước Afghanistan. Tôi ngờ là đất nước của anh ta sẽ chẳng bao giờ ngó ngàng đến ý tưởng này. Nhưng ở Kabul, anh ta có cơ hội. Với người này, Afghanistan không phải là một thất bại mà là đất cho anh dụng võ.

Nói vậy không có nghĩa là người dân Afghanistan không đáng nhận hỗ trợ. Thậm chí là bây giờ, họ vẫn rất cần nó. Nhưng chúng ta đã có thể đạt được nhiều thành tựu hơn qua việc chi tiêu tiết kiệm và thận trọng hơn. Cuộc đảo chính của Taliban nói lên điều gì? Nó chứng minh rằng ta không thể mua một đội quân. Ta chỉ có thể thuê nó trong một thời gian. Tiền thôi chảy vào thì có bao nhiêu người sẽ chịu ở lại chiến đấu cho lý tưởng Afghanistan của chúng ta? Chắc chắn không có vị thống đốc kiêm cựu thủ lĩnh phiến quân Gul Agha Sherzai. Có tin rằng ông ta đã tuyên thệ lòng trung thành với nhà nước Taiban.


Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Vũ Yên & Đông Phong


Kommentare


bottom of page