top of page

Cách nói chuyện với cha mẹ về kỳ thị chủng tộc khi họ là người nhập cư

'Các gia đình châu Á thường có các câu như “đừng gây rối” và “phải tôn trọng người lớn”. Một cuộc đối thoại mà bạn phải làm phiền và thử thách người lớn là trở ngại đầu tiên,' theo lời một chuyên gia.


Sakshi Venkatraman, ngày 11 tháng 6, 2020


Người biểu tình ngoài Nhà Trắng ngày 31 tháng 5, 2020.


Kat, người New York, 24 tuổi, đã nói chuyện với ba mẹ của cô về nạn phân biệt chủng tộc từ năm 11 tuổi. Lớn lên và có bạn bè từ nhiều chủng tộc khác, cô nhận ra rõ những bình luận phân biệt chủng tộc và kỳ thị người Da Đen của họ.


“Điều này gây sang chấn tâm lý cho tôi”, Kat, chọn dùng tên giả, nói với NBC Asian America.


Sau những cuộc nói chuyện đầy nước mắt và phẫn uất, Kat nói, cô nhận ra mình cần một cách tiếp cận khác. Cô nghĩ về quá khứ của ba mẹ cô, người Trung Quốc nhập cư ở Malaysia, chưa học hết cấp 3, nên họ không có đủ kiến thức và bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa “Người da trắng thượng đẳng” suốt cuộc đời của họ. Vì vậy Kat tự học về phân biệt chủng tộc có tính hệ thống và về quá khứ của ba mẹ cô. Cô nói rằng dù mọi thứ chưa được hoàn hảo, cô đang có những tiến bộ trông thấy.


“Rất là mệt, nhưng chúng tôi đang đi đúng hướng,” cô nói.


Với người Mỹ gốc Á khắp cả nước, 2 tuần biểu tình vừa qua và cơn thịnh nộ bao trùm sau vụ George Floyd bị cảnh sát Minneapolis giết trong lúc giam giữ là một cơ hội để tự nhìn lại mình. Việc một trong những cảnh sát có liên quan đến cái chết của Floyd là người châu Á đã khởi xướng nhiều cuộc đối thoại. Nhiều người biểu tình, quyên góp tiền tiếng nói trên mạng xã hội, nhận ra rằng đối mặt với sự kỳ thị người Da Đen đã ăn sâu trong họ là góp phần ủng hộ những cộng đồng người Da Đen. Nổi bật nhất trong thời gian qua ở những người Mỹ gốc Á trẻ trong phong trào này là lời khẩn khoản: hãy nói chuyện với gia đình bạn.


“Chúng ta có trách nhiệm chống lại sự kỳ thị người Da Đen trong nội bộ cộng đồng của chúng ta,” Deepa Iyer, luật sư và nhà hoạt động xã hội, nói. “Chúng ta phải có những cuộc đối thoại này với các cô chú và trong cái group WhatsApp”.

Thoạt nhìn thì đề cập chủ đề trong lúc ăn tối có vẻ là một ý hay, nhưng những người Mỹ gốc Á trẻ thường gặp nhiều khó khăn khi cố gắng thay đổi những thành kiến [về người Da Đen] đã tồn tại qua nhiều thế hệ.


“Các gia đình châu Á thường có các câu như “đừng gây rối” và “phải tôn trọng người lớn”, theo Yuki Yamazaki, chuyên viên trị liệu tâm lý nghiên cứu về người Mỹ gốc Á và sự kỳ thị người có màu da tối ở Đại học Fordham. “Một cuộc đối thoại mà bạn phải gây xáo trộn và thử thách người lớn là trở ngại đầu tiên.”



Yamazaki và các chuyên gia khác nói rằng những người trẻ tuổi tìm cách thách thức những thành kiến trong gia đình và cộng đồng của họ thường gặp phải những thế hệ có những định kiến đã ăn sâu, đôi khi hình thành từ quê nhà của họ dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa đế quốc da trắng.


“Khi chúng ta nhìn vào lịch sử của tiểu lục địa nơi quê nhà của người Nam Á, bạn thấy màu da được gắn với chủ nghĩa thực dân và những ý niệm về cái đẹp và giá trị bản thân”, theo Monisha Bajaj, giáo sư về giáo dục quốc tế và đa văn hóa tại Đại học San Francisco.


Từ ngôn ngữ mà họ làm quen khi lớn lên tới những định kiến ngầm như “Ồ tôi không đi tới khu phố đó đâu vì nó nguy hiểm” thường là dùng để nói tránh cho “đó là khu phố của người Da Đen,” Iyer nói.



Những cuộc nói chuyện này có thể khó khăn, vì vậy ở đây, ba chuyên gia và một người trẻ tuổi sẽ chia sẻ cách mở lời, đồng thời cũng cân nhắc quá khứ của các gia đình ở quê nhà và ở Mỹ.


Hãy khiêm tốn và nhận ra bạn cần phải tự giáo dục mình trước


Chẳng có ích lợi gì nếu bạn bắt đầu đầu cuộc nói chuyện với gia đình mà không hiểu biết đầy đủ. Đừng nói “phân biệt chủng tộc có tính hệ thống” mà không biết rõ nó thực sự là gì. Đưa ra những bằng chứng cụ thể về sự phân biệt chủng tộc có tính hệ thống và sự tàn bạo của cảnh sát sẽ giúp gia đình bạn dễ hiểu các câu chuyện, videos và các bài báo ở một góc độ rộng hơn. Đọc và nghiên cứu nhiều hơn để bạn có đầy đủ kiến thức về những gì bạn muốn nói. Nên nhớ rằng cha mẹ và gia đình của bạn, nếu không được giáo dục ở đây, sẽ không biết nhiều về lịch sử Hoa Kỳ và hàng thế kỷ kỳ thị người da đen.

“Nó như là bạn đang tranh luận ở tòa án vậy,” Iyer nói.


Nhận ra rằng bạn có thể đang thay đổi cả một cách nhìn thế giới của người khác

Kỳ thị chủng tộc nên bị phản đối với sự giận dữ, và cũng hợp lý nếu bạn giận điên lên khi thấy gia đình mình có sự kỳ thì người Da Đen công khai. Nhưng hiệu quả nhất là bạn nên đặt cảm xúc của mình qua một bên khi bạn đang giáo dục gia đình mình, để “bạn giữ được sự bình tĩnh”, Yamazaki nói.


Theo Kat, nói chuyện với ba mẹ dễ dàng hơn khi cô đặt cảm xúc của mình sang một bên.

“Khi người ta cảm thấy các giá trị đạo đức của mình bị phê bình và hệ thống niềm tin của mình bị xâm phạm, họ sẽ rơi vào chế độ phòng thủ và không muốn học hỏi hay tìm hiểu thêm,” cô nói.


Yamazaki nói sự tàn bạo của cảnh sát và chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng có thể sẽ khó hiểu với những bậc phụ huynh người châu Á nhập cư chưa bao giờ có trải nghiệm trực tiếp với chúng. Và người Da Đen có khi hoàn toàn không tồn tại trong thế giới quan của họ. Hiểu được sự ức chế bên trong của họ sẽ giúp bạn có lòng trắc ẩn để giao tiếp dễ dàng hơn.


“Bạn đang đề cập đến một thứ hiển nhiên, nhưng điều hiển nhiên này có thể sẽ thay đổi thế giới quan của người khác”, cô nói.

Những người biểu tình giơ nắm tay thể hiện sự đoàn kết ở Quảng trường Công viên Washington ở Thành phố New York ngày 6 tháng 6, 2020. Scott Heins / Getty Images

Hỏi họ về trải nghiệm bị áp bức và kỳ thị ở đất nước quê hương và ở Mỹ

Với nhiều phụ huynh là người nhập cư, cách họ nhìn về các tổ chức chính phủ, kỳ thị chủng tộc và chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng bị định hình bởi trải nghiệm của họ ở quê hương. Hãy cố gắng tìm hiểu tình hình xã hội và chính trị nơi họ đã trưởng thành và những ảnh hưởng lên họ cho đến hiện tại.


“Thế hệ của cha mẹ tôi về trước chịu rất nhiều sự biến động chính quyền, chính trị, thực dân hóa, phi thực dân hóa, và nhiều sự cai trị thất thường,” Yamazaki nói. “Vì vậy tôi nghĩ là khi bạn nhìn lại lịch sử của gia đình mình, [bạn có thể thấy] cách mà chính quyền đã bảo vệ [gia đình bạn], hoặc không, thậm chí còn quay lại để gieo rắc sự sợ hãi.”


Kat nói tìm hiểu về sự áp bức mà cha mẹ cô đã phải đối mặt ở quê nhà Malaysia đã giúp cô hiểu hơn về quan điểm của họ về người da trắng và các tổ chức chính phủ Mỹ.


“Sau khi đọc thêm về cách họ được nuôi dạy, cách người Anh đã chia rẽ và cai trị … tôi đã hiểu và đồng cảm với ba mẹ tôi hơn”, cô nói.


Nếu những gia đình nhập cư đã đến từ những quốc gia đầy rẫy sự tham nhũng và hỗn loạn, bản năng của họ sẽ tự động tin tưởng chính phủ Hoa Kỳ và lực lượng cảnh sát mà phần lớn là đã bảo vệ họ.


Có khả năng cao là những bậc phụ huynh người nhập cư đã gặp phải sự kỳ thị, cho dù là ở quê nhà của họ hay ở Mỹ. Ngay cả khi họ không hiểu được sự áp bức có tính hệ thống mà người Mỹ Da Đen phải chịu, bạn có thể dùng kinh nghiệm sống của họ để giúp họ dễ đồng cảm hơn.


“Gia đình của bạn nhiều khi đã phải trải qua một thời gian khó khăn, mà với nhiều gia đình châu Á là do chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, hay do thuộc một dân tộc nào đó,” Yamazaki nói. “Họ nghĩ về điều đó thế nào? Họ thấy sao về sự áp bức đó?”


Với Kat, trải nghiệm với sự bài ngoại ở Hoa Kỳ của mẹ cô đã giúp ích trong việc giải thích trải nghiệm của những nhóm người thiểu số khác.


“Ở Chicago, khi tôi và mẹ tôi đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Quảng Đông, một người đàn ông da trắng nói “đây không phải là Trung Quốc”, cô kể. “Mẹ tôi cảm thấy không an toàn và bị kỳ thị, và tôi nói “cảm giác mẹ thấy lúc đó, cái cảm giác mà mình bị tấn công vì ngôn ngữ, hay là danh tính của mình, chính là những gì những nhóm thiểu số khác cảm thấy.” Mẹ tôi gật đầu đồng ý và tôi cảm thấy chúng tôi đã có một bước tiến nhỏ.”


Giải thích về huyền thoại người thiểu số lý tưởng

Mặc dù cuộc đối thoại đầu tiên về chủng tộc ở Mỹ có thể không đề cập đến vấn đề này, việc phá bỏ huyền thoại về người thiểu số kiểu mẫu có thể giúp các gia đình hiểu hơn về quá trình hình thành những định kiến của mình.

“Những người Mỹ gốc Á bị thấm nhuần suy nghĩ này,” Yamazaki nói. “ “Xem người châu Á kìa, xem bạn đã giỏi thế nào. “Người da trắng duy trì tư tưởng đó và người châu Á bị lậm dần.”


Ý niệm này lâu dài có lợi cho một số người châu Á, nhưng nó có chủ ý làm cho các nhóm thiểu số chống lại nhau, theo Iyer.


Định kiến này được tạo ra để đạt được lợi ích địa chính trị từ sự gia tăng dân số người nhập cư châu Á ở Mỹ và để ngăn chặn các phong trào xã hội của người Da Đen, Ellen Wu, nhà nghiên cứu lịch sử và tác giả của cuốn sách “Màu của sự thành công: Người Mỹ gốc Á và nguồn gốc của huyền thoại về người thiểu số kiểu mẫu”, nói với NBC Asian American tuần trước.


Những người da trắng có tư tưởng tự do trong thập niên 60 dùng trải nghiệm của những người Mỹ gốc Nhật sau lao tù như là một thứ vũ khí, tô vẽ họ là “những câu chuyện thành công” và bằng chứng là những người da màu có cơ hội như nhau. Chiến thuật này được dùng để làm suy yếu phong trào quyền công dân, Wu nói. Mặc dù điều đó giúp người Mỹ gốc Á có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong xã hội, nó cuối cùng cũng chỉ phục vụ cho cái hệ thống người da trắng thượng đẳng.


Nói từ quan điểm cá nhân và sự đồng cảm

“Tất cả các cuộc hội thoại đều có hai yếu tố: nội dung và cách truyền đạt, “ Yamaki nói. “Sẽ rất khác biệt tùy theo đối tượng của bạn là bà, mẹ, chị, hay ba. Biết mình đang nói chuyện với ai và nói cái gì là những yếu tố then chốt.”


Các thành viên gia đình bạn quan tâm đến bạn, vì vậy hãy nói cho họ biết tại sao ủng hộ những cuộc biểu tình và học hỏi về việc chống kỳ thị người da đen lại quan trọng với bạn.


“Tôi nhận ra được rằng mỗi khi tôi kể về trải nghiệm bị kỳ thị của bản thân tôi, họ muốn ngồi nghe tôi kể hết. Tôi nhận ra là họ khó đồng cảm và quan tâm đến người khác, nhưng họ rất quan tâm về trải nghiệm của tôi, vì họ quan tâm đến tôi,” Kat nói.


Đừng chỉ nói một lần. Hãy có nhiều cuộc đối thoại sau đó.


“Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần và tự nhủ rằng “lần đầu tiên có thể không tốt đâu”,”Yamaki nói. “Tự ý thức được điều đó sẽ giúp bạn định hình được những gì bạn muốn nói”.


Hãy đi từng bước nhỏ. Nói một lần không thể hết được hàng thế kỷ kỳ thị chủng tộc có hệ thống. Chỉ cần khơi ra được vấn đề và tại sao đây là một thời điểm quan trọng thậm chí đã là bước quan trọng đầu tiên.


“Không thể chỉ là một cuộc nói chuyện hay một tin nhắn WhatsApp,” Iyer nói. “Nó phải là một chuỗi các cuộc đối thoại và sẽ tốn một khoảng thời gian để đầu tư và theo đuổi được điều đó.”


Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ gửi đều đặn những bài báo, videos, sách vở, vân vân, để giúp họ mở rộng hiểu biết về chủ đề này.


Chăm sóc bản thân và biết được những hạn chế của mình

Bạn không phải là một nhà trị liệu hay một chuyên gia, và việc tháo gỡ những định kiến đã ăn sâu trong các thành viên gia đình bạn là một thử thách lớn có thể sẽ không thành công như cách bạn tưởng tượng. Hãy nhìn nhận những hạn chế về kiến thức của mình và về khả năng thay đổi suy nghĩ của người thân. Nếu cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng và diễn biến xấu đi, hãy tạm dừng và lựa khi khác bắt đầu lại. Nếu có người từ chối không chịu tiếp thu, đó là một cơ hội để nhìn lại bản thân.


“Nếu bạn rơi vào trường hợp thù địch, bạn phải tự chăm sóc mình,” Bajaj nói. “Nếu tiếp tục mối quan hệ đó chẳng có ích gì vì nó ảnh hưởng đến sự khỏe mạnh và hạnh phúc của bạn, có thể bạn cũng nên chấm dứt nó.”


Translation by Nhan Nguyen

Comments


bottom of page