Translated from The Atlantic’s article It's time to Hunker Down
Một đợt sóng dịch mới lại tới. Trừ khi người Mỹ hành động dứt khoát, tình hình sẽ tệ hơn rất nhanh chóng.
ZEYNEP TUFEKCI, ngày 14 tháng 11, 2020
John Moore/ Getty
Cơn đại dịch đã ám ảnh thế giới trong năm nay có thể đang dần kết thúc. Những tin tốt lành đang đến trên mọi phương diện: cách điều trị, vaccine và sự hiểu biết của chúng ta về loại virus corona này.
Pfizer và BioNTech đã công bố tỉ lệ thành công đáng kinh ngạc trong đợt đầu thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 của họ. Nếu kết quả sau cùng cũng như vậy, vaccine sẽ thay đổi toàn bộ cục diện. Người ta cũng tìm ra các phương pháp điều trị tốt hơn. Một loại thuốc kháng thể đơn dòng — tương tự như loại điều trị cho Tổng thống Donald Trump và cựu Thống đốc Chris Christie — vừa được FDA cho phép sử dụng khẩn cấp. Dexamethasone - một loại corticosteroid phổ biến, rẻ tiền - giảm 1/3 tỉ lệ tử vong đối với các trường hợp COVID-19 nặng trong một thử nghiệm lâm sàng.
Các bác sĩ và y tá cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xử lý các ca bệnh kể cả các biện pháp không đòi hỏi có sự can thiệp y tế như đặt bệnh nhân nằm sấp cũng có thể cải thiện khả năng thở của bệnh nhân. Các nhân viên chăm sóc sức khỏe cũng đang áp dụng các quy trình kiểm soát nhiễm trùng được cập nhật bao gồm cả quy định luôn đeo khẩu trang trong các cơ sở y tế.
Khả năng xét nghiệm của chúng ta đã gia tăng đáng kể và mọi người nhận được kết quả nhanh hơn nhiều. Chúng ta có thể sớm có được các xét nghiệm nhanh từ mẫu nước bọt với giá rẻ mà ai cũng có thể tự làm, điều này cũng là một nhân tố tiềm năng giúp chống dịch tốt hơn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cuối cùng đã thừa nhận có sự lây truyền qua đường khí dung và việc luân chuyển không khí là rất quan trọng. Thật không may, những thông điệp và các chứng cứ khoa học xoay quanh việc đeo khẩu trang được đưa ra ban đầu còn lộn xộn, nhưng mọi thứ đã thay đổi. CDC thậm chí còn công khai cách khẩu trang có thể giúp bảo vệ người đeo khỏi bị lây nhiễm, cũng như giảm nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác. Chúng ta biết được nhiều hơn sự quan trọng của các cluster (cụm lây nhiễm lẻ tẻ) và super-spreading (cụm siêu lây nhiễm cho nhiều người), có thể một phần do cluster trong Nhà Trắng được công khai rộng rãi và vẫn đang lây lan âm ỉ cho đến nay.
Chúng ta có lý do để ăn mừng, nhưng — và bạn biết là sẽ luôn có chữ ‘nhưng’ — một làn sóng dịch mới đang diễn ra. Và tệ hơn, chúng ta đang bước vào giai đoạn đáng sợ này mà không có sự lãnh đạo hoặc sự chuẩn bị cần thiết, và với những con số này, chúng ta khó tránh khỏi sự gia tăng đáng kể số ca nhập viện, tử vong và những ảnh hưởng lâu dài tiềm ẩn đến những người sống sót.
Hầu như mỗi ngày, Mỹ đều ghi nhận một kỷ lục mới: các ca nhiễm được xác nhận tăng 40% so với chỉ một tuần trước. Những ca nhiễm không giới hạn trong một khu vực hoặc một tiểu bang; cả quốc gia đang ở giữa làn sóng dịch khủng khiếp tiếp theo. Phần lớn châu Âu cũng vậy, nơi mà hết quốc gia này đến quốc gia khác cũng đang có số ca mắc kỷ lục.
Đây không phải là "casedemic" - sự bùng nổ số ca bệnh do quan niệm sai lầm rằng chúng ta đang có xét nghiệm và phát hiện tốt hơn, chứ không hề có bất kỳ thay đổi thực sự nào về nguy cơ dịch bệnh và tỉ lệ tử vong. Đúng là chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều ca nhiễm trong mùa xuân vì không có đủ các xét nghiệm chẩn đoán, và hiện tại ta đang ghi nhận nhiều ca dương tính hơn. Nhưng không chỉ các ca nhiễm đang gia tăng. Hoa Kỳ cũng đang trải qua một sự gia tăng mạnh về số ca nhập viện, cũng như khoảng 1.500 ca tử vong được báo cáo mỗi ngày; đó là những con số cao nhất kể từ giữa tháng 5 và chúng vẫn đang tăng mạnh. Trevor Bedford, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, ở Seattle, tính toán rằng hơn 2.000 ca tử vong mỗi ngày có thể sẽ xảy ra vào đầu tháng 12, có nghĩa là ngay cả khi chúng ta không có ca nhiễm mới kể từ bây giờ, chúng ta vẫn sẽ chứng kiến nhiều người chết mỗi ngày chỉ trong vài tuần trong số những người đã bị nhiễm bệnh.
Vaccine Pfizer-BioNTech — hoặc vaccine Moderna — có thể được cung cấp tại Hoa Kỳ cho các nhân viên chăm sóc sức khoẻ và những người có mức độ ưu tiên cao sớm nhất là vào cuối năm nay. Nhưng nó sẽ không được phân phối rộng rãi cho đến năm 2021 ngay cả trong điều kiện tốt nhất — và vaccine Pfizer cần hai liều, cách nhau khoảng 21 ngày. Còn những kháng thể đơn dòng đầy hứa hẹn cũng không đủ để cung cấp. Tổng thống là một trong số ít hơn 10 người được điều trị bên ngoài các thử nghiệm lâm sàng. Ngay cả khi thuốc hoạt động tốt như chúng ta hy vọng, 300000 liều mà Eli Lilly đã đồng ý cung cấp sẽ không đủ để đến tay người bệnh, có thể vào cuối năm nay, trong khi chúng ta có đến 150000 ca dương tính mỗi ngày và con số này vẫn đang tăng. Sự sẵn có của Dexamethasone là rất tốt, nhưng tỉ lệ tử vong đang tăng lên cho dù nó đang được sử dụng rộng rãi, vì nó chỉ giúp giải quyết một trong những biến chứng của bệnh này.
Chúng ta có ít cơ sở để tin tưởng vào các cơ quan có thẩm quyền về sự lãnh đạo với độ chính xác và quy mô chúng ta cần. Tổng thống sắp mãn nhiệm đã từ chối nhận thua trong cuộc bầu cử và đã khởi động một loạt các vụ kiện phù phiếm để làm xáo trộn quá trình chuyển đổi, do đó khiến khả năng phản ứng chống dịch của liên bang trong vài tháng tới bị giảm hiệu quả.
Tất cả những điều này có nghĩa là chúng ta rất cần phải giảm số ca nhiễm trước khi các bệnh viện trên toàn quốc quá tải. Utah, Illinois, Minnesota, Colorado và các tiểu bang khác đã báo cáo rằng các bệnh viện và đơn vị chăm sóc đặc biệt đang hoạt động gần hết công suất hoặc đã ở mức tối đa. Nút thắt cần phải giải quyết đối với chăm sóc y tế không chỉ là thiếu không gian hoặc thậm chí là trang thiết bị mà chúng tôi có thể bổ sung được. Nút thắt là đội ngũ nhân viên — y tá và bác sĩ được đào tạo có thể chăm sóc bệnh nhân, những nhân lực y tế này không thể bỗng dưng xuất hiện. Trong cuộc khủng hoảng vào mùa xuân ở khu vực tam giác New York, nhân viên y tế từ khắp nơi đã đổ xô đến khu vực này để hỗ trợ lực lượng y tế đang kiệt quệ. Với sự gia tăng trên toàn quốc hiện nay, các bác sĩ và y tá cần ở lại các bệnh viện quê hương của họ.
Nếu một số bệnh nhân không thể nhập viện vì thiếu chỗ, họ sẽ không được hưởng lợi từ các cải tiến quản lý lâm sàng COVID-19 của chúng ta. Chúng ta có thể phải trả giá bằng sự gia tăng tỉ lệ tử vong. Chúng ta có thể thấy tăng các ca tử vong do các nguyên nhân khác: ca phẫu thuật không cấp bách nhưng quan trọng bị ít đi, nhân viên y tế làm việc quá sức và các phòng cấp cứu quá tải đều có thể góp phần làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người vì những virus khác có đỉnh dịch vào những tháng mùa đông, như cúm, cũng như các bệnh y tế thông thường khác vẫn hiện diện.
Bệnh theo mùa không phải là một bất ngờ lớn, điều này làm cho sự thiếu chuẩn bị của chúng ta càng trở nên bi thảm. Đại dịch cúm năm 1918 đã chứng kiến một đợt sớm hơn, nhẹ hơn vào mùa xuân; một mùa hè tạm lắng; và một sự gia tăng chết người bắt đầu vào mùa thu. Các dòng virus corona khác của chúng ta cũng có tính chất theo mùa mạnh với xu hướng đạt đỉnh dịch vào mùa đông. Điều này có thể là do điều kiện độ ẩm và nhiệt độ của mùa thu và mùa đông có lợi cho virus hơn. Nó cũng có thể là do chúng ta dành nhiều thời gian hơn trong nhà trong mùa đông. Rất có thể, đó là sự kết hợp cùng với các yếu tố khác (ít vitamin D hơn? Ít ánh sáng hơn?). Dù nguyên nhân là gì, các chuyên gia y tế cộng đồng biết rằng khả năng dịch sẽ bùng phát lại vào mùa thu và mùa đông là rất cao, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng.
Nhưng chúng ta đã không nghe theo.
Cách tốt nhất để chuẩn bị cho đợt dịch tới là bây giờ phải có càng ít ca nhiễm càng tốt. Khi dịch bệnh thường tăng trưởng theo cấp số nhân, số lượng ca nhiễm duy trì ở mức căn bản rất quan trọng. Khi mức căn bản cao, rất dễ dàng để chúng gia tăng gấp nhiều lần— và chúng sẽ làm được. Khi chúng ta bắt đầu với nửa triệu trường hợp được xác nhận mỗi tuần, như chúng ta đã trải qua vào giữa tháng 10, nó giống như một chuyến tàu siêu tốc. Chỉ vài tuần sau, chúng ta đã đạt khoảng 1 triệu ca mỗi tuần mà không có dấu hiệu chậm lại.
Người Mỹ đang báo cáo số người tiếp xúc nguồn nhiễm cao hơn so với mùa xuân, có thể là do sự mệt mỏi khi bị cách ly và những hướng dẫn rắc rối. Thật khó để duy trì một cuộc sống bị hạn chế. Nhưng những gì chúng ta đang đối mặt bây giờ không phải là mãi mãi.
Đã đến lúc chuẩn bị tự cách ly bản thân một lần nữa với tinh thần cảnh giác mới. Hãy nhớ rằng: chúng ta mới chịu đựng đại dịch này trong khoảng 9 hoặc 10 tháng, và chưa qua một đợt thu đông nào. Mọi biện pháp mà chúng ta đã làm dè dặt hoặc qua loa vào mùa hè có thể mang lại rủi ro cao hơn vào lúc này, bởi vì các điều kiện khác nhau và số ca nhiễm đã cao hơn nhiều.
Khi mức độ lây nhiễm trong cộng đồng cao đến mức này, mọi cách thức phơi nhiễm đều trở nên nguy hiểm. Một lớp học thể dục thể hình có nhiều nguy cơ sẽ có ai đó đang có khả năng truyền virus. Nơi làm việc sẽ có nhiều ca bệnh hơn, đồng nghĩa với việc nhiều nhân viên sẽ vô tình mang virus về nhà. Có nhiều người ở cửa hàng tạp hóa bị dương tính hơn. Một buổi tụ tập bạn bè bình thường có thể khó để tổ chức ngoài trời hơn. Ngay cả việc lây truyền qua tiếp xúc các bề mặt cũng có thể gây ra nguy cơ cao hơn ngay bây giờ, vì độ ẩm thấp có thể làm virus sống lâu hơn.
Thêm vào đó, những ngày lễ đang đến gần, điều đó có nghĩa là sự gia tăng đột biến trong các cuộc tụ tập của những người mà thường sẽ không gặp nhau. Những cuộc gặp gỡ như vậy, đặc biệt nếu có sự tham gia của các thế hệ, có thể làm bùng phát nhiều ca nhiễm hơn. Tôi không vui khi nói điều này, nhưng tất cả những điều này có nghĩa là ta nên tránh bất kỳ cuộc tụ tập nào bên ngoài các mối liên hệ thiết yếu - đặc biệt nếu nó ở trong không gian hẹp. Hãy hoãn các kế hoạch gặp mặt và lên lịch cho kỳ sau. Thà có một Giáng sinh muộn còn hơn một thảm họa y tế sớm. Vòng tròn tiếp xúc không nên được mở rộng trừ khi thực sự cần thiết. Hãy gọi món mang về thay vì ăn ở nhà hàng. Tổ chức đêm trò chơi qua mạng. Mua sắm với số lượng lớn, vì vậy bạn sẽ cần ít chuyến đi đến cửa hàng hơn. Và đây cũng không phải là thời điểm thích hợp để tổ chức tiệc cưới hoặc tiệc sinh nhật.
Những người trẻ tuổi dường như là trở ngại lớn nhất. Nhiều trường đại học đang đóng cửa và gửi sinh viên về nhà, điều này có thể góp phần vào việc để dịch lan truyền trên toàn quốc. Nhóm tuổi thanh niên đặc biệt nguy hiểm; mặc dù họ có thể bị nhiễm bệnh, nhưng họ ít có khả năng bị bệnh nặng, vì vậy họ khó làm theo quy định của một bệnh nhân thông thường. Điều đó có nghĩa là họ gây ra rủi ro lớn cho cha mẹ- người dễ bị tổn thương và những người thân lớn tuổi khác của họ khi họ tiếp tục cuộc sống thường nhật của họ. Tốt nhất, các trường đại học nên cho sinh viên quyền lựa chọn ở lại ký túc xá trong kỳ nghỉ đông, và những sinh viên sống ở ngoài khuôn viên trường nên cân nhắc việc ở yên một chỗ. Nếu họ về nhà, học sinh được khuyến nghị nên cách ly trong hai tuần ở mức độ triệt để nhất có thể.
Bây giờ cũng là lúc những người bình thường nên cân nhắc sử dụng khẩu trang chất lượng cao hơn (N95 và KN95) - một điều mà các chuyên gia y tế công cộng đã khuyến nghị từ lâu. Điều này đặc biệt đúng với những người lao động lương thấp mà phần lớn là người da màu và phải làm việc trong nhà; người lớn tuổi và bất kỳ ai làm việc với họ; và những người có bệnh nền khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn. Lý tưởng nhất là chúng ta có một gói viện trợ cho phép các doanh nghiệp đóng cửa và người lao động ở nhà nhiều nhất có thể, đồng thời tăng chất lượng nơi làm việc thông qua hệ thống thông gió tốt hơn và khẩu trang. Đáng buồn thay, điều đó dường như không thể.
Tuy nhiên, về mặt tích cực, giờ đây người bình thường cũng có thể mua khẩu trang chất lượng cao, điều này cho thấy rằng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang ở thời điểm mùa xuân đã qua. Biện pháp khôn ngoan là tránh đầu cơ tích trữ bởi hầu hết mọi người không cần nhiều như vậy, và sự gia tăng nhu cầu này sẽ khiến nguồn cung cấp thêm quá tải. Miễn là chúng được đeo vào và cởi ra cẩn thận (sử dụng nước rửa tay trước và sau), những chiếc khẩu trang này có thể tái sử dụng trong ít nhất năm ngày sau khi để trong túi giấy hoặc hộp đựng thoáng khí, có nghĩa là chỉ cần năm cái là đủ để thay đổi qua một tuần làm việc cho số ít những người phải làm việc với những người khác — đặc biệt là trong nhà.
Tất cả điều này thật phiền hà, nhưng nếu không thế thì còn tồi tệ hơn nhiều. Có một câu nói của người Thổ Nhĩ Kỳ cho những thời điểm như thế này, khi chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm: "Thời gian trôi qua thật nhanh nếu chúng ta đếm ngày cho đến khi kết thúc.” Chúng ta không còn ở trong thời kỳ kinh hoàng vào mùa xuân năm 2020, khi chúng ta không biết liệu mình có vaccine hay không, liệu có bất kỳ phương pháp điều trị nào có hiệu quả hay không và liệu chúng ta có bao giờ thoát khỏi cái bóng của đại dịch này hay không. Chúng ta có thể thấy tương lai tươi sáng hơn đang tiến đến, nhưng cho đến khi ấy, chúng ta cần phải ‘ẩn’ mình lại một lần nữa.
Biên dịch: Linh Phạm
Biên tập: Châu Trần
Comentarios