top of page

Đại dịch coronavirus: Các chuyên gia quan ngại rằng sự chối bỏ của Trump sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng

Updated: Sep 22, 2020

Cho dù Trump và Pence xem con số 20,000 ca nhiễm mới và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày như một sự chiến thắng, các chuyên gia về sức khỏe cộng đồng cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng quá sớm và chính phủ tiếp tục đưa ra các thông điệp mâu thuẫn.


LEV FACHER, @levfacherU & ANDREW JOSEPH, @DrewQJoseph, ngày 18 tháng 6, 2020

Tổng thống Trump

DOUG MILLS-POOL/GETTY IMAGES


Từ Washington – Nhà Trắng đang xem mình ở một góc độ mới trong cơn đại dịch coronavirus: con số 750 người chết một ngày là bằng chứng cho sự đối phó thành công của chính phủ liên bang với cơn đại dịch.


Thứ tư vừa rồi, khi các quan chức y tế Mỹ báo cáo gần 27,000 ca nhiễm Covid-19 mới, Tổng thống Trump đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng con virus đang “chết dần”. Ông gạt đi những quan ngại về cuộc vận động tranh cử sắp tới ở Tulsa, Okla., vì số ca nhiễm ở đó “rất nhỏ”, mặc kệ tỉ lệ nhiễm ở bang đang tăng nhanh. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal thứ tư, Trump cãi rằng việc test coronavirus bị “đánh giá cao quá mức” vì nó bộc lộ số lượng lớn ca nhiễm Covid-19 mới, và do đó “làm tình hình có vẻ tệ hại,” và ám chỉ những người Mỹ mang khẩu trang không chỉ để phòng ngừa virus, mà có lẽ là để thể hiện sự thù địch đối với Trump.


Nhưng nhiều chuyên gia về sức khỏe cộng đồng nói với STAT rằng thông điệp này không chỉ đánh lạc hướng khỏi cơn đại dịch đã làm 120,000 người chết ở Mỹ cho đến thời điểm hiện tại, mà còn có những hậu quả trên thực tế: Nó có thể làm cho các chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc vận động người dân thực hiện những biện pháp phòng ngừa cần thiết để làm giảm sự lây lan của virus.


“Khoa học đằng sau cách người dân tiếp thu thông tin cảnh báo trong cuộc khủng hoảng ủng hộ điều này: Bạn phải có một tiếng nói chung từ mọi người,” theo Monica Schoch-Spana, nhà nhân chủng học y khoa tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins. “Bạn cần một dàn đồng thanh”.


Những chỉ thị mâu thuẫn với nhau làm cho những khuyến cáo từ những nhà lãnh đạo bang và địa phương khó có hiệu quả, theo Sara Bleich, giáo sư về chính sách sức khỏe cộng đồng tại Trường Đại học Sức khỏe Cộng đồng T.H.Chan thuộc Đại học Harvard.

“Thông điệp này hỗn loạn và khó hiểu, đặc biệt vì mặc dù số người nhiễm nhiều nhưng phần lớn mọi người không bị nặng, nên bạn dễ dàng nói rằng cái này sẽ không xảy ra với tôi,” cô nói. “Và chính thái độ đó sẽ làm tình hình này kéo dài thêm.”


Mặc dù tổng thống đã xem nhẹ cơn đại dịch mỗi tuần, nếu không nói là hàng tháng trời, những lời phát biểu sắc lẹm và lặp đi lặp lại của ông trong tuần này thể hiện một nỗ lực lớn từ người lãnh đạo chính phủ Mỹ để tuyên bố rằng dịch Covid-19 tại Mỹ đã chấm dứt.


Những lời nói hào hùng của tổng thống đến trong lúc mà Lực Lượng Đặc Nhiệm về Coronavirus đã không còn phát biểu trước công chúng từ tháng 5, trong khi trước đó họ tổ chức họp báo mỗi ngày. Sự quay lại với các cuộc vận động tranh cử xem thường sự khuyến cáo mang khẩu trang và tránh tụ tập đông đúc trong không gian kín của chính phủ liên bang (Chiến dịch tranh cử của Trump sẽ phân phát khẩu trang và nước sát trùng tay tại cuộc vận động tranh cử, nhưng chưa nói rằng họ sẽ bắt buộc người tham gia sử dụng chúng). Và tổng thống lặp đi lặp lại phát biểu sai lệch rằng số ca nhiễm ở Mỹ cao đơn giản là do xét nghiệm nhiều.


Các chuyên gia y tế cho biết, việc các nhà lãnh đạo chính trị rao giảng về sự cẩn trọng và làm gương cho các hành vi đúng đắn – như mang khẩu trang và vệ sinh tay đúng cách – có thể phát tín hiệu mạnh mẽ tới mọi người rằng những hành vi đó không chỉ bảo vệ họ, mà cả cộng đồng của họ. Về cơ bản là các lãnh đạo quốc gia và tiểu bang cần phải thực hiện những gì họ nói, như là ở nhà khi bị bệnh và hợp tác với lực lượng truy tìm người bệnh, có thể có tác động lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan.


Schoch-Spana nói, những hành vi phản tác dụng của Trump vượt xa khỏi giọng điệu liên tục chối bỏ những rủi ro sức khỏe của Covid-19. Ngoài một số ngoại lệ, tổng thống đã từ chối mang khẩu trang ở nơi công cộng, và đã khăng khăng tiếp tục các buổi họp thông tin có sự tham gia trực tiếp của nhà báo và các sự kiện ở Nhà Trắng đi ngược lại với các khuyến cáo của chính phủ liên bang về việc tụ tập đông người trong nhà.


“Không chỉ là lời nói mà cần hành động nữa,” cô nói. “Khi bạn có người lãnh đạo quốc gia từ chối mang khẩu trang, tổ chức những cuộc họp ký các sắc lệnh hành pháp mà mọi người ngồi san sát nhau – đó cũng là một cách gửi tín hiệu.”


Các chuyện gia cho biết sự cam kết của chính phủ liên bang trong cuộc chiến chống virus là cực kỳ quan trọng khi người dân đã chán nản với các biện pháp phòng tránh. Thay vì vậy, Trump lại tăng cường chiến dịch xem thường virus đã kéo dài hàng tháng.

Và phó tổng thống Mike Pence, trong một bài báo ở tờ Wall Street Journal, diễn giải sự giảm số ca nhiễm và tử vong từ tháng 4 là “bằng chứng cho sự lãnh đạo [tài giỏi] của Tổng thống Trump” – mặc cho hàng trăm ca tử vong mỗi ngày và số lượng ca nhiễm đã không còn giảm nữa.


Đại biểu Donna Shalala (đảng Dân Chủ - Florida), Thư Ký Y Tế dưới thời tổng thống Clinton, nói cô ấy hy vọng rằng người Mỹ sẽ lắng nghe khuyến cáo của các quan chức địa phương chứ không phải Trump hay Pence.


“Tổng thống Mỹ là mối nguy cho sức khỏe của cộng đồng chúng tôi, vì ông đang đưa ra những thông tin sai trái và những hy vọng lệch lạc,” cô nói. “Với những người tin tưởng ông, họ đang đặt bản thân và gia đình họ vào tình trạng nguy hiểm.”


Các chuyên gia y tế cộng đồng đã nêu lên một số vấn đề trong việc truyền đạt thông tin của chính quyền.


Một mặt là sự ổn định số ca nhiễm và tử vong không nên được chào đón. Trong khi một số quốc gia ở châu Âu và châu Á không chỉ “làm phẳng đường cong” mà còn làm giảm nhanh số ca nhiễm, thì điều này chưa xảy ra ở Mỹ. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong mỗi ngày đã giảm từ đỉnh hồi tháng 4, nhưng lần lượt ở mức trung bình 20,000 người nhiễm và 800 người chết, kéo dài hàng tuần.


Ngoài việc những con số này thể hiện bệnh hoạn và chết chóc, còn có những vấn đề khác trong vấn đề mức độ lây lan còn cao và kéo dài. Càng có nhiều ca nhiễm thì càng khó cho hệ thống giám sát bắt kịp, bao gồm hệ thống truy tìm người bệnh và người tiếp xúc. Cũng có khả năng là một số ca nhiễm sẽ trở thành những ổ dịch bùng nổ; 20,000 thành 40,000 ca nhanh hơn rất nhiều so với 1 ca thành 20,000 ca.


Thêm vào đó, việc không thể ngăn chặn sự lây lan hiện nay có thể làm kéo dài sự gián đoạn cuộc sống thường nhật. Ví dụ đến mùa thu mà tỷ lệ lây truyền vẫn còn ở mức độ hiện tại ở một số cộng đồng thì sẽ việc mở cửa lại trường học sẽ gặp khó khăn.


Các chuyên gia cũng chỉ ra những bằng chứng gợi ý rằng số ca nhiễm mới mỗi ngày và số ca tử vong sẽ không đứng yên lâu. Trong khi số ca mới ở vùng Đông Bắc (Northeast) và Trung Tây (Midwest) đang giảm thì một số bang ở phía Tây và Nam như Arizona, Texas, Florida, California, và Oregon đang ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong tuần này. Các quan chức sức khỏe cộng đồng lo lắng rằng nếu không có những biện pháp ngăn ngừa sự lây lan thì các ổ dịch này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Hàng ngàn số ca nhiễm mới cũng báo hiệu rằng, trong một hay hai tuần nữa, một phần nhóm người bị nhiễm sẽ phải nhập viện, và khoảng một tuần sau, một nhóm trong số đó sẽ tử vong, ngay cả khi các bác sĩ đã có hiểu biết hơn về cách chữa trị cho các ca nặng.


Sự ngó lơ của Nhà Trắng cũng đã có sự hưởng ứng của một số thống đốc bang, những người, như Pence và Trump, khăng khăng rằng tăng cường xét nghiệm giải thích cho sự gia tăng của số ca nhiễm. Đó chắc chắn là một lý do; khi các tiểu bang có thể xét nghiệm rộng rãi hơn, họ có bức tranh chính xác hơn về số lượng ca nhiễm thực sự của họ.


Nhưng các chuyên gia cho biết sự tăng cường xét nghiệm chỉ giải thích được một phần các số liệu được báo cáo bởi các tiểu bang. Một số thước đo khác – gồm tăng cường số lượng nhập viện, tăng số ca nằm ICU [hồi sức tích cực], và tăng tỉ lệ dương tính trong số lượng xét nghiệm – báo hiệu sự lây lan rộng hơn.


Cho đến thứ tư, các thống đốc bang Texas và Arizona còn nhảy dựng lên với nỗ lực đặt ra các quy định mang khẩu trang của các nhà lãnh đạo thành phố và hạt, nhưng cũng nhượng bộ dưới áp lực gia tăng, cho dù họ không đưa ra những sắc lệnh toàn bang.

Cameron Wolfe, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Duke, nói ông thấy được sự “mệt mỏi, chán nản” của người dân với các biện pháp phòng ngừa như cách ly vật lý (cách ly xã hội) và mang khẩu trang. Sư lơ là các biện pháp phòng ngừa trùng với sự gia tăng các ca nhiễm ở một số bang, trong đó có North Carolina.


Ông nói các chuyên gia và các nhân viên y tế cần làm gương cho các hành vi phòng ngừa để cho người dân thấy được rằng dịch coronavirus vẫn còn đòi hỏi những hành động cụ thể. Nhưng ông cũng nói thêm, “điều này cũng cần sự hợp tác của các chính trị gia”.


Ông nói các nhà chức trách liên bang và tiểu bang cần “khắc ghi những điều đó. Chuyện này chưa xảy ra bao giờ và cần thay đổi nếu chúng ta muốn người dân tin tưởng và thực hiện những điều đó”.


Translated by Nhan Nguyen

Comentarios


bottom of page