top of page

Dân Mỹ muốn người nhập cư học tiếng Anh, nhưng chính sách quốc gia lại chẳng tạo điều kiện!


Những người nhập cư biết nói tiếng Anh thường kiếm được nhiều tiền hơn và được người Mỹ chấp nhận nhiều hơn. Tuy nhiên nước Mỹ không cung cấp đủ các lớp học tiếng Anh miễn phí cho những người di dân mới.


By Olga Khazan, on 04-06-2021, 03:00:00

Những người nhập cư biết nói tiếng Anh thường kiếm được nhiều tiền hơn và được người Mỹ chấp nhận nhiều hơn. Tuy nhiên nước Mỹ không cung cấp đủ các lớp học tiếng Anh miễn phí cho những người di dân mới.


"Nói tiếng Anh đi!" có thể là một trong những lời nói tàn nhẫn nhất mà một người nhập cư phải nghe thấy. Nó như một lời yêu cầu phải đồng hóa ngay lập tức, một lời buộc tội không trung thành và giả định về sự ngoan cố hoặc thiếu hiểu biết. Ở một số nơi, việc đòi hỏi người nhập cư phải nói tiếng Anh gắn liền với lời kêu gọi chống lại việc nhập cư nói chung, như thể khác biệt về ngôn ngữ là nguyên do khiến những người này khó chịu. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Donald Trump tuyên bố “Bạn phải nói tiếng Anh!” trong cuộc vận động tranh cử của mình.

Sự thật khó nghe là học tiếng Anh trên thực tế có thể làm cho cuộc sống của người nhập cư tốt hơn nhiều. Những người nhập cư có học tiếng Anh đều cải thiện cả thu nhập của họ và mức họ được người Mỹ chấp nhận. Hầu hết những người nhập cư đều muốn học Anh văn, và những người ủng hộ di dân cho rằng họ nên làm như vậy sẽ khiến cuộc sống dễ dàng hơn. Đáng tiếc là việc tiềm các lớp học Anh văn phù hợp túi tiền và dễ tiếp cận là cực kỳ khó cho những người nhập cư.

Tôi đã trải nghiệm cảm giác hoang mang khi sống trong một nền văn hóa mới mà không có kỹ năng ngôn ngữ nào. Vài tháng sau khi gia đình tôi nhập cư đến Hoa Kỳ, mẹ tôi và tôi đã ngồi trong căn hộ ở Los Angeles, cố gắng tiếp thu tiếng Anh từ đài MTV. Madonna lượn xuống một cái cầu thang màu đỏ trong video "Material Girl", và cả hai chúng tôi đều tự hỏi ý nghĩa của bài hát là gì.

Ở Hoa Kỳ, trình độ tiếng Anh và mức thu nhập có gắn liền chặt chẽ. Nhìn chung, người nhập cư chiếm 1 phần 6 lực lượng lao động nước Mỹ, và những người nhập cư biết tiếng Anh kiếm được nhiều tiền hơn, chủ yếu là vì họ đủ điều kiện cho những công việc được trả lương cao hơn. Amanda Bergson-Shilcock, một thành viên cấp cao tại Tổ chức ủng hộ Đào tạo Kỹ năng nghề (National Skills Coalition) cho biết rằng: “Ngay cả một công việc không yêu cầu kinh nghiệm tại Mỹ cũng yêu cầu một số trình độ tiếng Anh.” (Cuối cùng thì mẹ tôi đã học tiếng Anh khi làm việc tại tiệm McDonald’s. Còn tôi đã học ở trường.)

Đúng hay sai, trình độ Anh văn của người nhập cư có ảnh hưởng đến quan điểm của người Mỹ về chuyện nhập cư. Đa số người Mỹ tin rằng một người phải nói tiếng Anh để được coi là người Mỹ. Mặc dù các đảng viên Cộng hòa thường hay tán thành mạnh mẽ quan điểm này hơn, ngay cả phần lớn những người nhập cư thế hệ thứ nhất và đảng viên Đảng Dân chủ tự do cũng tin rằng thông thạo Anh ngữ là cần thiết để hội nhập vào xã hội Mỹ. Đây không nhất thiết phải là một cách đo sự bài ngoại (xenophobia); cả hai đảng đều chấp nhận những người nói tiếng Anh có giọng (không chuẩn). Emily Ekins, chỉ huy thăm dò ý kiến tại Viện Cato, nơi gần đây đã thực hiện một cuộc khảo sát lớn về chủ đề này, cho biết một phần của lời giải thích là mọi người muốn hiểu những người hàng xóm của họ. “Mình cần phải nói một loại ngôn ngữ phổ biến nào đó để có mối quan hệ sâu sắc hơn với những người khác,” cô Ekins chia sẻ với tôi. “Lần cuối cùng bạn có người đến nhà chơi ăn tối mà nếu cả hai không nói cùng một ngôn ngữ là khi nào?”

Như tôi mô tả trong cuốn sách của mình, một số nghiên cứu cho thấy rằng người Mỹ nhìn nhận những người nhập cư nói tiếng Anh tích cực hơn cách họ xem những người nhập cư không nói tiếng Anh. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ cũng nghĩ vậy: Một trong những điều kiện để trở thành công dân Hoa Kỳ là phải đậu bài kiểm tra tiếng Anh, nhưng “nỗi sợ bài kiểm tra tiếng Anh là một trong những lý do khiến nhiều người không làm thủ tục nhập quốc tịch,” Cecilia Muñoz chia sẻ; cô là cựu giám đốc Hội đồng Chính sách Nội địa của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, nước Mỹ lại có một thái độ tự do khác thường đối với sự hội nhập của người nhập cư. Các nước phát triển khác thực hiện nhiều việc hơn để giúp người nhập cư và người tị nạn hòa nhập vào xã hội của họ. Tại Thụy Điển, người nước ngoài được học tiếng Thụy Điển không giới hạn miễn phí; đôi khi những lớp học này được tạo trong các chương trình đào tạo việc làm. Pháp yêu cầu một khóa giảng dạy ngắn hạn về “các giá trị của Pháp”, nhưng sau đó cung cấp 400 tiếng cho lớp ngôn ngữ đi kèm với dịch vụ giữ trẻ miễn phí. Canada cung cấp nhiều lớp học ngoại ngữ nâng cao miễn phí cho những người mới đến kèm với một số chương trình đó cung cấp dịch vụ đưa đón và giữ trẻ miễn phí. “Canada bắt đầu từ góc nhìn rằng, ‘Này, bạn nhập cư vào Canada vì bạn có kỹ năng? Vậy điều gì ngăn cản bạn sử dụng những kỹ năng đó trong thị trường lao động của chúng tôi? Kỹ năng tiếng Anh hay tiếng Pháp? Được rồi, vậy làm cách nào để chúng tôi đảm bảo bạn sẽ có thể học tiếng Anh hoặc tiếng Pháp?” Bergson-Shilcock cho biết. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không có chính sách quốc gia nào nhằm giúp người nhập cư trở thành người Mỹ chính thức. “Về cơ bản, chúng ta đã nói lên rằng, "Xin chào, bạn đã đến đây. Chúc may mắn; bạn hãy tự bơi hay sẽ chìm.”

Những người nhập cư đến Hoa Kỳ gần đây thường có kỹ năng tiếng Anh tốt hơn những người nhập cư cách đây một thế kỷ trước. Một người Mễ Tây Cơ nhập cư vào năm 2010 có nhiều khả năng học tiếng Anh hơn một người Ý nhập cư vào năm 1910. Tuy nhiên, khoảng 10% người lớn trong độ tuổi lao động — ít nhất 11 triệu người — không nói tiếng Anh giỏi. Và hệ thống giáo dục Anh ngữ dành cho người lớn được tài trợ công cộng chưa bao giờ có thể phục vụ cho hơn 1 triệu người trong số đó, theo Johan Uvin, một cựu quan chức trong Bộ Giáo dục của chính quyền Obama. Ông nói, phải mất khoảng 350 giờ giảng dạy để đạt được trình độ thông thạo ngôn ngữ, nhưng hầu hết các học sinh chỉ dành khoảng 140 giờ trong các lớp học Anh văn chính thức.

Các trường đại học cộng đồng và giáo viên dạy tư có cung cấp các lớp học Anh ngữ có tính phí, nhưng nhiều người học tiếng Anh không có đủ tiền chi trả cho những buổi học này. (Đa số những người nhập cư kiếm được ít hơn $50,000 USD một năm, và 15% sống trong mức nghèo đói.)

Các lựa chọn cho đa số người nhập cư không có khả năng trả tiền cho các lớp học tư nhân bị hạn chế hơn nhiều. Ali Noorani, chủ tịch Diễn đàn Nhập cư Quốc gia (National Immigration Forum), cho biết: “Nếu ai đó đang tìm cách tiếp cận các lớp học tiếng Anh miễn phí, thì hệ thống giáo dục dành cho người lớn là phương tiện chính cho họ”. Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2018 từ Viện Chính sách Di cư, hệ thống này, thường được điều hành thông qua các tổ chức phi lợi nhuận địa phương, các trường đại học cộng đồng và các khu học chánh, hiện đang phục vụ ít hơn 4% của nhu cầu.

Ở những nơi có lớp, thì những lớp này đang bị thiếu thốn - nhiều tiểu bang và địa phương có danh sách chờ đợi. Tại tiểu bang Massachusetts, có 16,000 người nằm trong danh sách chờ đợi các lớp ESL (lớp học Anh ngữ) vào năm 2018. Claudia Green, giám đốc điều hành của tổ chức Anh ngữ cho người khu New Boston cho biết, “Thông thường, số người trong danh sách đợi cũng nhiều như số người đang được học các lớp Anh Văn ở tiểu bang.”

Tại tiểu bang Iowa, trường Đại học Cộng đồng Kirkwood tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí tám giờ một tuần tại ba thành phố khác nhau. Stephanie Hasakis, giám sát chương trình ESL của trường Kirkwood, cho biết sinh viên của trường, nhiều người đến lớp sau những ngày dài làm việc tại các nhà máy hoặc nhà xưởng đóng gói thịt, là một “nhóm chăm chỉ, biết ơn và thực sự tận tâm”. Tuy nhiên, hầu hết mỗi học kỳ chương trình này đều phải từ chối học sinh vì thiếu chỗ. Về cơ bản, Mỹ đang yêu cầu người nhập cư học tiếng Anh mà không cung cấp cho họ phương tiện để làm như vậy.

Không như một số quốc gia khác, Mỹ không trả tiền cho người nhập cư cho thời gian họ học ngôn ngữ, mà họ thường cần dành để đi làm. Ngay cả khi có các lớp học, người nhập cư có thể không tham dự được vì họ làm hai hoặc ba công việc và thiếu phương tiện đi lại hoặc người giữ trẻ. Tại Boston, bà Claudia Green cho biết bà thực sự đã thấy tỷ lệ tham gia lớp học tiếng Anh trong thời kỳ đại dịch tăng lên, đơn giản là vì có các lớp học trên mạng, mọi người không phải lo lắng với việc đi lại và giữ trẻ.

Một số công ty, bao gồm hệ thống siêu thị Whole Foods, đã thử cung cấp các lớp học tiếng Anh cho công nhân nhập cư của họ vào giờ làm việc. Và một số tiểu bang có tổ chức các lớp học tiếng Anh trên điện thoại, cung cấp các bài học ghi âm ngắn và một người huấn luyện. Mặc dù đây là những mô hình rất tốt, nhưng chúng chỉ là ngoại lệ, không phải là quy tắc tiêu chuẩn. Bergson-Shilcock, thuộc Liên minh Kỹ năng Quốc gia cho biết: “Hầu hết những người nhập cư không thể tham gia một lớp học Anh ngữ thông qua công ty hoặc hãng làm của họ."

Để thay đổi cách Mỹ giải quyết việc giáo dục tiếng Anh cho người nhập cư, chính phủ liên bang phải đổ nhiều tiền hơn vào vấn đề này. Nhưng việc tăng số lượng người nhập cư học tiếng Anh và tốc độ học tiếng Anh của họ cũng có thể đòi hỏi một sự thay đổi văn hóa. Bergson-Shilcock cho biết, những người chủ hãng/công ty mà cung cấp các lớp học tiếng Anh coi nhân viên nhập cư là một lợi thế chứ không phải là chi phí cần chi trả. Để nước Mỹ có một cách tiếp cận sáng suốt hơn đối với người học tiếng Anh, người Mỹ phải ngừng xem người nhập cư là nhóm làm “ thâm hụt ngân sách."

Cô đã đề cập đến một bức ảnh hài hước (meme) gần đây liệt kê những thứ được coi là "sang trọng" khi một người giàu có thực hiện nhưng là "rác rưởi" khi một người nghèo thực hiện điều đó chúng. Một trong những ví dụ thường được đề cập nhất là nói một ngôn ngữ thứ hai.


Người dịch: Que Do

Biên tập: Bảo Trân


Comments


bottom of page