top of page

Đảng Cộng hòa đang bước đến những chương cuối cùng

Translated from The Atlantic's article The Republican Party Is Now in Its End Stages


Đảng Cộng hòa đã trở thành Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết cuối những năm 70, ít nhất về hình thức nếu chưa nói đến cách vận hành.

By Tom Nichols, on 24-02-2021, 12:20:00

Đảng Cộng hòa đã trở thành Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết cuối những năm 70, ít nhất về hình thức nếu chưa nói đến cách vận hành. Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những phép ẩn dụ khập khiễng. Mọi thứ đều là phát xít hoặc cộng sản: nước Đức thời Hitler, hoặc Liên Xô thời Stalin. Đặc biệt, phe Cộng hòa muốn những tín đồ của mình tin rằng nước Mỹ đang đứng bên bờ của thời khắc kịch tính, thời khắc của những bất đồng sâu sắc như hồi năm 1968 - hay tệ hơn, 1860. (Tất nhiên, trọng điểm ở đây là những xô xát. Không ai lại nói: “Chúng ta đang sống trong những năm 1955.”) Nực cười ở chỗ, Đảng Cộng hòa thực tế đang cố gắng bắt chước đảng phái chính trị ở một thời kỳ khác, chứ không phải trở thành những người hùng như họ tự tưởng tượng. Đảng Cộng hòa đã trở thành Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết cuối những năm 70, ít nhất về hình thức nếu chưa nói đến cách vận hành. Chắc hẳn nhiều người sẽ phản ứng gay gắt rằng những phép so sánh kiểu này vô cùng gây chia rẽ. Tôi không có ý rằng những Đảng viên Cộng hòa của nước Mỹ hiện đại là những người cộng sản. Thay vào đó, ý của tôi ở đây chính là Đảng Cộng hòa đã tự đẩy mình vào thế cùng cực của chủ nghĩa Bolshevik, khi những đảng viên đang kiệt quệ sau chuỗi thất bại, hoài nghi chính hệ tư tưởng của mình, độc đoán một cách bản năng, bị kiểm soát như một giáo phái nhân cách bởi một lão già bết bát, và đang tìm kiếm những chuyến phiêu lưu mới để phục hưng lại chính mình. Không ai suy nghĩ nhiều về Liên Xô cuối những năm 70, và thực sự thì cũng không nên. Đó là thời điểm mà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbachev, gọi là “vremia zastoia” - “kỷ nguyên của sự trì trệ.” Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản Liên Xô là một thế lực đang suy yếu, gần như chỉ còn là lý tưởng của những kẻ cuồng tín và hão huyền. Một số ít những người đi theo lý tưởng và các sĩ quan cao cấp của quân đội Liên Xô có thể vẫn tin vào “chủ nghĩa Mác-Lênin” - sự kết hợp của chủ nghĩa cộng sản đầy khát vọng với chế độ độc tài độc đảng - nhưng nhìn chung, công dân Liên Xô đã nhận ra rằng khái niệm về quyền của toàn dân mà đảng nhào nặn nên chỉ làm nền cho một nhóm nhỏ những ông già ngồi trong điện Kremlin. Bản thân “đảng” này cũng không theo bất cứ quy chuẩn Tây phương nào, mà thay vào đó là phương tiện dành cho nhóm thượng lưu tinh hoa, với trung tâm là sự tôn sùng nhân cách. Lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhenev là một người hoàn toàn tầm thường, nhưng vào cuối những năm 70, ông đã củng cố sự kiểm soát của mình đối với Đảng Cộng sản bằng cách đề cao và nâng đỡ những kẻ cơ hội và tay sai xung quanh, những kẻ khẳng định, cả công khai lẫn riêng tư, rằng Brezhnev là một thiên tài anh hùng. Nhiều xí nghiệp và đường phố, thậm chí cả thành phố cũng được đặt tên theo ông, trong khi ông tự phong mình lên hàm cao nhất trong quân đội; “Nguyên soái Liên bang Xô Viết.” Ông cũng tự trao cho mình nhiều huân chương và mề đay đến mức, thời đó lưu truyền một câu đùa rằng, chiếc áo quân phục gắn đầy huy chương của Brezhnev rơi xuống đất cũng có thể tạo ra một trận động đất nhỏ ở Moscow. Những nhà lãnh đạo tinh hoa của xã hội được cho là không có giai cấp này thực chất lại là những kẻ tham nhũng biến chất, tên xã hội đen đội lốt chủ nghĩa Marx. Những kẻ gian trá len lỏi vào Đảng và nắm quyền, được những nhà tuyên truyền ra rả nằm lòng những cụm như “chủ nghĩa xã hội thực sự” và “chủ nghĩa đế quốc Tây phương” đến mức bất cứ ai cũng có thể viết bài xã luận đăng lên tờ Pravda hay Red Star đơn giản chỉ cần dùng Mad Libs phiên bản Liên Xô. Tin tức được kiểm soát chặt chẽ. Các hình tượng đài báo, vô tuyến hoàn toàn tách rời thực tế, thường xuyên ca ngợi nền nông nghiệp Liên Xô thành công kể cả khi đất nước đang buộc phải mua thực phẩm từ các nước tư bản (bao gồm cả từ nước Mỹ đáng ghét.) Những Đảng viên Cộng sản, nếu hoài nghi bất cứ điều gì, hay biểu lộ dấu hiệu bất trung, có thể bị bêu tên, hay chỉ đơn giản là bị sa thải. Họ sẽ không bị xử tử - đây không phải thời Stalin - nhưng một số đã bị bỏ xó trong hư vô với một công việc lưu đày, cuối cùng thì về hưu như một “người cựu đồng chí” bị quên lãng. Thỏa thuận ở đây rất rõ ràng: Tiếp thu những điều vô nghĩa và tận hưởng cuộc sống, hay mở miệng nói bị ép xó và đá đến quản lý thư viện ở Kazakhstan. Điều này nghe quen thuộc phải không. Đảng Cộng hòa, trong nhiều năm, đã phớt lờ những ý tưởng và nguyên tắc mà đảng này từng cổ xúy, đến mức mà đại hội đảng năm 2020 chỉ đơn giản bãi bỏ giả thuyết về nền tảng của mình và thay vào đó tuyên bố đảng là bất cứ điều gì mà Đồng chí - à quên, Tổng thống - Donald Trump tuyên bố. Cũng như Brezhnev, trong lòng những kẻ ủng hộ, Trump đã trở thành một hình mẫu anh hùng. Nếu như Đảng Cộng hòa cũng có thể tạo ra chức “Nguyên soái Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ” và huân chương “Anh hùng của Văn hóa Hoa Kỳ,” có lẽ Trump sẽ được trao cả hai. Một đảng Cộng hòa từng tự hào về những cuộc tranh luận đầy trí tuệ giờ đây được dẫn dắt bởi những công thức hỗn loạn mà người Liên Xô gọi là “cán bộ dẫn dắt," bao gồm những giám sát viên tư tưởng Tucker Carlson và Mark Levin. Cũng như những người tiền nhiệm Liên Xô, một loạt các đầu báo buồn tẻ và giáo điều, những phát thanh viên thất thanh, cùng những tạp chí tồi tệ cho ra lò những bài viết đầy cáo buộc đầy, thay thế “NATO” và “chủ nghĩa xét lại” bằng “antifa” và “chủ nghĩa cực đoan.” Tuân thủ, như Đảng Cộng sản cũ, sẽ được thưởng, còn sự độc lập thì bị trừng phạt. Nếu phải so sánh, sự giận dữ nhắm vào Liz Cheney và Adam Kinzinger khiến những lời chỉ trích về hệ tư tưởng gay gắt của các nhà truyền giáo Liên Xô thế kỷ trước dường như trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. (Ít nhất thì các gia đình Liên Xô dưới thời Brezhnev không thêm vào bản khiển trách chính thức của đảng bản cáo trạng viết tay dài ba trang.) Hơn cả phép ẩn dụ, phép so sánh này là một lời cảnh tỉnh. Một đảng đang hấp hối cũng vẫn có thể gây nguy hại. Trong những năm cuối cùng của nền chính trị thoái trào, những nhà lãnh đạo Cộng sản vẫn dựng lên một dàn tên lửa chống NATO, xâm lược Afghanistan, bóp nghẹt người Do Thái và những ai bất đồng quan điểm, dối trá về lý do bắn hạ máy bay dân dụng 747, và, cho đến gần cuối, gần như châm ngòi Thế chiến thứ ba từ sự hoang tưởng tuyệt đối. Ngày nay, Đảng Cộng hòa là mối nguy đe dọa đến nước Mỹ hơn là cho thế giới. Nhưng cũng như những kẻ chống cự tại điện Kremlin cuối thời Xô Viết, các lãnh đạo của đảng này đang ngày càng trở nên hung hãn và hoang tưởng. Họ đổ lỗi cho gián điệp và những kẻ chống phá gây nên cuộc bạo loạn ở Thủ đô, họ ám ảnh với những cuộc biểu tình hè năm trước (thực sự, họ chú tâm tới mọi tên tội phạm và phá hoại, trừ khi chúng là một phần của chính họ) đến mức giờ đây như lặp lại cái bóng của Xô Viết về “các phần tử chống đối xã hội” hay “côn đồ.” Họ đổ lỗi thất bại của mình ở khâu bỏ phiếu chứ chẳng phải vì thiết sót bản thân, đổ lên gian lận và thao túng như cái cớ biện minh cho sự đàn áp lên nền dân chủ. Một bài học lịch sử khác đó chính là Đảng Cộng hòa không còn đường để tái thiết. Như người Liên Xô, đảng của họ đã không thể vãn hồi. Gorbachev đã cố để tái thiết Đảng Cộng sản Liên Xô, và vẫn được những người trung thành với chế độ sùng bái đến tận ngày nay. Những nỗ lực tương tự của một số đảng viên Cộng hòa còn lý trí có vẻ cũng không khác gì hơn. Đảng Cộng hòa, mượn câu của lãnh đạo Xô Viết thời đầu Leon Trotsky, nên bị ném vào “thùng rác lịch sử” mà nó thuộc về.


Người dịch: Duong Nguyen & Nhan Tran

Biên tập: Tung Nguyen


Comments


bottom of page