Translated from The Economist's article America’s Democrats are increasingly divided over Israel on 14-05-2021
Chia rẽ giữa Tổng thống Joe Biden và phe cánh tả trong đảng của ông ngày càng sâu sắc khi xung đột leo thang ở Garza.
Tình hình Trung Đông là một trong những điểm chính của chương trình nghị sự tuần này của Tổng thống Joe Biden. Nhưng trước đó ông có lý do chính đáng để tránh né việc thúc đẩy hòa bình ở đó, một vấn đề gây lo âu cho nhiều tiền nhiệm của ông: không những ông muốn tập trung vào Trung Quốc mà xung đột giữa Israel và Palestine còn là một vấn đề trong chính sách đối ngoại gây chia rẽ mạnh mẽ nhất giữa các đảng viên Dân chủ. Bất đồng nội bộ này bùng phát khi bạo lực gia tăng trong khu vực, với việc Hamas dội tên lửa vào các thành phố của Israel, lực lượng Israel bắn phá Dải Gaza và tình trạng bất ổn cộng đồng lan tràn đến các thành phố của Israel. Khoảng 130 người, phần đông là người Palestine, đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh bùng nổ vào ngày 10/5. Nhóm cấp tiến ngày càng nhiều uy thế của Đảng Dân chủ đang mất kiên nhẫn với truyền thống ủng hộ Israel của đảng và Biden.
Hôm thứ Tư, Nhà Trắng tuyên bố một tóm tắt của cuộc gọi giữa ông Biden và thủ tướng Israel, Binyamin Netanyahu. Cũng như các tuyên bố tổng thể tương tự từ các chính quyền Cộng hòa và Dân chủ trước đây, tuyên bố này nhấn mạnh “Israel có quyền tự vệ". Sau đó, nhóm cấp tiến lập tức lên tiếng.
Nữ nghị sĩ Đảng Dân chủ của bang Minnesota, Ilhan Omar, liệt kê 13 đứa trẻ Palestine bị giết từ lúc xung đột bắt đầu và chế nhạo lời tuyên bố nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Biden. "Ông không hề đặt nhân quyền là vấn đề ưu tiên," cô ấy tweet. "Ông đứng về phe chiếm đóng ác ôn." Alexandria Ocasio-Cortez, nữ nghị sĩ cấp tiến khác, chia sẻ quan điểm tương tự khi cô viết rằng những tuyên bố như vậy “cướp đi nhân tính của người Palestine”. Trong những ngày trước, Omar cáo buộc trên Twitter rằng Israel là "khủng bố" và "thanh lọc sắc tộc". Việc một đảng viên Dân chủ dùng những ngôn ngữ này vài năm trước thì rất hiếm. Cuộc xung đột khiến một số đảng viên Dân chủ kêu gọi nên đặt điều kiện về viện trợ của Mỹ cho Israel. “Tại sao tiền thuế của Mỹ lại được dùng để hỗ trợ cho đàn áp, bạo lực và ngược đãi người Palestine?” Betty McCollum, người tài trợ dự luật hạn chế việc hỗ trợ nói trên tại Hạ viện, đặt vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí cấp tiến Jewish Currents. Năm nay, Mỹ cung cấp 3,9 tỷ USD viện trợ cho Israel, phần lớn để hỗ trợ quân sự; Israel là nước nhận viện trợ nhiều nhất của Mỹ, với trị giá 146 tỷ USD, kể từ sau Thế chiến thứ hai. Biden không muốn đặt áp lực này lên Israel. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, khi ứng cử viên cấp tiến Bernie Sanders đề xuất việc đặt điều kiện về viện trợ, Biden gọi điều này là "kỳ quái". Cũng trong chiến dịch đó, ông được cho là đã can thiệp để ngăn ông Sanders và các đồng minh đưa từ "chiếm đóng" vào phần cương lĩnh chính trị liên quan đến chính sách Trung Đông của Đảng Dân chủ. Ngoài cánh tả ra, ông Biden cũng bị áp lực của cánh hữu từ bấy lâu nay. Để thu hút cử tri Do Thái và người theo đạo Tin lành, đối thủ của ông, Tổng thống Donald Trump, đưa ra những chính sách có lợi cho Israel. Ông còn đi xa hơn và cáo buộc đại đa số những người Do Thái Mỹ ủng hộ đảng Dân chủ là “hoàn toàn thiếu hiểu biết hoặc bất trung. ” Quan điểm của Tổng thống Biden về xung đột Trung Đông hoàn toàn phù hợp với quan niệm lưỡng đảng của Mỹ trong nhiều thập kỷ, bao gồm những chính quyền trước thời Trump. Ông Biden ủng hộ giải pháp hai nhà nước và đang cố gắng hết mình để đưa Mỹ trở lại vai trò hòa giải trung thực giữa các phe đối kháng. Ông khôi phục viện trợ cho người Palestine mà Trump đã cắt. Các trợ lý của ông hiện đang dè dặt kêu gọi cả hai bên giảm bớt xung đột. Nhưng Biden lại không cố gắng mấy. Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm một đặc phái viên về hòa bình Trung Đông hai ngày sau khi nhậm chức. Biden cũng bổ nhiệm một số đặc phái viên, nhưng không có đặc phái viên nào cho Trung Đông cả. Ông vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ nào đến Israel. Ông cũng không giữ lời hứa tranh cử là tái lập lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem, được coi từ trước đến giờ như một đại sứ quán ngầm cho Palestine. Ông Trump ra lệnh nhập lãnh sự quán đó vào đại sứ quán chính. Việc Biden thiếu sự khẩn trương về Trung Đông được phản ánh trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của ông, và cũng trong thực tế: trong cuộc xung đột giữa Israel-Palestine, không bên nào sẵn sàng để đàm phán. Sau bốn cuộc bầu cử bất phân thắng bại trong hai năm, Israel đang gặp trở ngại trong việc thành lập chính phủ, trong khi Palestine có nhiều bè phái và thiếu phương hướng. Cho đến giờ, những quan tâm về châu Á cho phép Biden kiềm chế tình trạng căng thẳng trong nội bộ đảng khi ông cần sự thống nhất của đảng Dân chủ để giúp các ưu tiên trong nước của mình. Matt Bennett, phó chủ tịch điều hành tại Third Way, một trung tâm nghiên cứu tư tưởng trung lập, cho biết: “Khỏi bàn cãi, vấn đề bất đồng lớn nhất trong chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ là Israel." Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quan điểm về Israel của các đảng viên cấp tiến. Holocaust đang mờ dần trong ký ức và thế hệ đảng viên Dân chủ có triển vọng biết Israel không phải là một quốc gia yếu ớt, cô lập mà là cường quốc hàng đầu trong khu vực, quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân. Bất chấp việc những người định cư Israel rời khỏi Gaza, sự phát triển không ngừng của các khu định cư ở Bờ Tây khiến Israel như là một nước thực dân; việc họ phủ nhận quyền của người Palestine dẫn đến sự so sánh với chế độ phân biệt chủng tộc từ các nguồn cung đáng tin cậy như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Có một sự song song giữa cách Israel đối xử với người Palestine và cách Mỹ đối xử với các công dân Ả Rập trong những tranh luận về chính trị ở Mỹ. Những người theo chủ nghĩa cấp tiến cũng quan tâm khi ông Netanyahu xác định lợi ích của Israel với lợi ích của Đảng Cộng hòa, Đầu tiên, Nentanyahu yêu cầu sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa trong nỗ lực ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân của Obama với Iran, Sau đó, ông lại vồn vã ủng hộ Trump. Jodi Rudoren, biên tập viên của ấn phẩm lâu đời của người Do Thái, Forward, và cựu giám đốc văn phòng cho tờ New York Times ở Jerusalem, cho biết yếu tố chính là thời gian chiếm đóng Garza. Bà nói: “Càng ngày càng khó hơn để ủng hộ Israel, ủng hộ nhân quyền và ủng hộ giải pháp hai nhà nước khi bế tắc đã kéo dài hơn 50 năm”. Đồng thời, sự phân cực của các phương tiện truyền thông Mỹ và sức mạnh của các nền tảng xã hội khiến ta chỉ tiếp cận được một mặt của một vấn đề phức tạp. Bà Rudoren nói: “Cánh tả chỉ nói về nhân quyền và cánh hữu chỉ nói về an ninh của Israel. Tôi lo lắng vô cùng khi các quan chức dân cử và các nhà hoạt động ngày càng bỏ ngoài tai một phe và sự cực kỳ phức tạp của cuộc xung đột này.” Tuy nhiên, ngoài đồng minh của mình trong Nhà Trắng, Israel vẫn còn giữ được sự ủng hộ lưỡng đảng mạnh mẽ trong Quốc hội. Tháng trước, đa số các thành viên Hạ viện đã ký một lá thư gửi các nhà lãnh đạo của Ủy ban House Appropriations kêu gọi cho phép viện trợ cho Israel không điều kiện. Tuy nhiên, điều này không chính xác phản ánh thực tế chính trị. Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 3 cho thấy, mặc dù 75% người Mỹ đứng về Israel, nhưng thiện cảm với người Palestine đang tăng lên. Đa số đảng viên Dân chủ - 53%, tăng 10 điểm kể từ năm 2018 - ủng hộ việc gây áp lực đối với Israel hơn là Palestine để giải quyết xung đột. Nếu xung đột Trung Đông tiếp tục leo thang thì chia rẽ trong Đảng Dân chủ ngày càng thêm sâu sắc.
Người dịch: Khang Ton
Biên tập: Paul Nguyen
Comments