top of page

Để thực sự ủng hộ sự sống, Giáo Hội cần tích cực chống lại kỳ thị chủng tộc


Những nỗ lực ủng hộ sự sống phải bao gồm cả những hành động chống kỳ thị chủng tộc, nếu không sẽ là không trung thực, một người Công giáo cho hay.


Kathleen Bonnette, ngày 13 tháng 10, 2020

Image: Unsplash/Maria Oswalt


Một số thuật ngữ được sử dụng trong bài:

*Pro-life: “ủng hộ sự sống”, những người theo pro-life cho rằng chính phủ có nghĩa vụ bảo vệ mọi sự sống con người, bất kể ý định, khả năng tồn tại, hoặc chất lượng của cuộc sống lo ngại. Một đạo đức ủng hộ sự sống toàn diện, chẳng hạn như bởi Giáo hội Công giáo La Mã đề xuất, cấm:

  • Sự phá thai

  • An tử và trợ tử

  • Án tử hình

  • Chiến tranh, với rất ít ngoại lệ

*Roman Catholic (Công Giáo La Mã) là giáo phái chính thống nhất của Thiên Chúa Giáo,có trụ sở chính đặt tại Vatican, nơi ở của Đức Giáo Hoàng người đứng đầu Tòa Thánh Chính của giáo hội.

*Protestantism (Tin Lành/Kháng Cách) là một nhánh thuộc Thiên Chúa Giáo nhưng không chấp nhận sự quản lí của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican, được thành lập thông qua cuộc cải cách tôn giáo do Martin Luther, một tu sĩ dòng Augustine phát động. Tin Lành phủ nhận mọi vai trò của các Thánh và Đức mẹ Mary trong việc ban phước lành đến cho cho các giáo đồ.


__________


Như rất nhiều con chiên Cơ Đốc khác, tôi đã ủng hộ sự sống một cách trung kiên suốt cả đời mình. Từ nhỏ, tôi đã tham dự Cuộc Diễu Hành vì Sự sống (March for Life) và rất nhiều buổi hiệu triệu chống phá thai trong cộng đồng của mình, đồng thời cả trường tiểu học Công Giáo và nhà thờ Tin Lành của tôi đều nói đi nói lại rằng nạo phá thai đang là vấn đề xã hội cấp thiết nhất trong thời đại của chúng ta.


Sự tối trọng yếu của việc phá thai như một vấn đề về ủng hộ sự sống trong Giáo Hội Công giáo đã được đặt nền móng trong khẳng định của Đức Giáo Hoàng John Paul II rằng “sự phản đối trong quần chúng, được thực hiện chính đáng trên cơ sở nhân quyền. . . đều là sai lầm và ảo tưởng nếu như quyền được sống, quyền căn bản và nền tảng nhất và là điều kiện cần cho mọi quyền cá nhân khác, đang không được bảo vệ với sự quyết tâm tối đa ”. (Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ gần đây đã xác nhận điều này.)


Khi lớn lên, tôi gần như không bao giờ nghe những hệ thống tôn giáo lên án vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống cũng như những cơ chế gạt bỏ người da màu ra rìa xã hội - trừ khi để lên án sự kỳ thị chủng tộc nội tại trong vấn đề nạo phá thai với các trích dẫn có vấn đề như “nơi nguy hiểm nhất cho một đứa trẻ da Đen … chính là trong bụng mẹ” hay cáo buộc rằng Margaret Sanger (người sáng lập của Planned Parenthood) thực ra có ý định loại bỏ toàn bộ người da màu. (Lời buộc tội này không phải là không có giá trị mặc dù nó hơi bị xuyên tạc, và dĩ nhiên là không ai để ý rằng phong trào pro-life có liên hệ đặc biệt đến chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.).


Tuy nhiên, hiện tại, Giáo hoàng Francis đã liên hệ hai vấn đề này lại: “Chúng ta không thể dung thứ hay làm ngơ kỳ thị chủng tộc và loại trừ bất cứ chủng tộc nào mà vẫn có thể tuyên bố rằng đang bảo vệ sự thiêng liêng của mỗi nhân mạng.”


Không thể rõ ràng hơn được nữa: những nỗ lực ủng hộ sự sống cần phải bao gồm cả chống phân biệt chủng tộc, nếu không sẽ thực là một sự dối trá. Những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước để phản ứng lại việc cảnh sát và những kẻ tự phong làm “hiệp sĩ đường phố” sát hại người da Đen đang thách thức chúng ta, dưới tư cách một quốc gia, phải xem xét lại sự phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào cấu trúc xã hội.


Với tư cách những người ủng hộ sự sống, chúng ta phải cân nhắc liệu những nỗ lực để bảo vệ những đứa trẻ còn chưa được sinh ra đang cổ suý cho sự “phân biệt chủng tộc và loại trừ.” Cuộc Diễu hành vì Sự sống năm 2020 quảng bá cho chủ đề “Tiếp sức mạnh cho cuộc sống: Ủng hộ sự sống là Ủng hộ phụ nữ” (Life Empowers: Pro-life is Pro-woman), nhưng chúng ta phải tự hỏi: Ủng hộ sự sống có phải là Ủng hộ phụ nữ da Đen? Thật dễ dàng để khẳng định rằng ủng hộ sự sống chính là thúc đẩy hạnh phúc của mọi phụ nữ bằng cách bảo vệ những đứa trẻ cũng như thiên chức làm mẹ của họ. Nhưng điều này bị đơn giản hoá quá mức - giống như nói rằng “all lives matter - mọi mạng sống đều đáng giá.”


Thật không may, những yếu tố khiến cho phụ nữ lựa chọn phá thai (ví dụ như gánh nặng tài chính, nhu cầu học tập hoặc làm việc, hay là việc đứa trẻ sinh ra có thể sẽ không có triển vọng về tương lai) bám sát vào những lĩnh vực mà các hành vi phân biệt đối xử trong suốt lịch sử chúng ta đã bị áp đặt lên cộng đồng người da Đen.


Hơn nữa, mặc dù chúng ta thường tập trung vào những yếu tố đẹp đẽ, nên thơ về việc làm mẹ, một đánh giá trung thực lại hé lộ rằng việc mang thai và chăm con tạo ra những gánh nặng đáng kể cho người phụ nữ, và những người phụ nữ da Đen phải chịu đựng những điều này một cách riêng liên quan trực tiếp đến việc họ thuộc cả hai nhóm người vốn luôn bị áp bức trong lịch sử.


“Chúng ta không thể để yên hay làm lơ đi vấn đề phân biệt chủng tộc và loại trừ bất cứ chủng tộc nào mà vẫn có thể tuyên bố rằng đang bảo vệ sự thiêng liêng của mỗi nhân mạng.”


Là người theo đạo Công giáo, chúng ta phải yêu cầu các dự luật chống phá thai cần phải được bổ sung những luật hỗ trợ phụ nữ - đặc biệt là người da màu. Và chúng ta nên phê phán, thay vì khen ngợi một cách vô cớ, những nỗ lực chống phá thai đã thất bại trong vấn đề này.


Cần phải có một cách tiếp cận liên kết được cả hai vấn đề nếu chúng ta muốn ủng hộ sự sống một cách chân chính: Chủ trương ủng hộ sự sống không thể tách rời với chủ trương chống kỳ thị chủng tộc có hệ thống, nếu không nó sẽ tiếp tay cho những hệ thống phân biệt chủng tộc đó.


Trong lịch sử, chúng ta thấy điều này rõ nhất ở hệ thống chiếm hữu nô lệ, khi mà chủ nô da trắng bắt nô lệ nữ sinh đẻ để tăng “giá trị của cải.” Như Shyrissa Dobbins-Harris biện luận, phụ nữ da Đen tìm đến nạo phá thai vì “từ chối sinh ra thêm trẻ em da Đen để duy trì chế độ nô lệ là bằng chứng cho quyền tự quyết của phụ nữ da Đen, và những việc họ sẵn sàng làm để thực hành điều đó trên bản thân họ.”


Bởi vì một nền tảng của luân lý Cơ đốc giáo là con người không bao giờ có thể bị sử dụng như phương tiện để đạt mục đích sau cùng - thật vậy, đó là một sự xâm phạm nhân phẩm điển hình - dù cho có thể sẽ than khóc cho số phận những đứa trẻ, chúng ta khó có thể lên án những hành động của những người phụ nữ này.


Chúng ta có thể quan sát những trường hợp tương tự hiện nay trong nỗ lực chống phá thai, khi chúng cũng gây ra tình trạng bất công có hệ thống. Ví dụ, ở Louisiana, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ cao gấp đôi tỷ lệ tử vong vốn đã trầm trọng của toàn nước Mỹ, ảnh hưởng đến phụ nữ da đen nhiều hơn phụ nữ da trắng tới bốn lần.


Vào tháng 6 năm 2020, khi Tòa án Tối cao hủy bỏ Đạo luật Bảo vệ Phá thai Không An toàn năm 2014 của Louisiana (Louisiana’s 2014 Unsafe Abortion Protection Act), trong đó quy định rằng các bác sĩ thực hiện phá thai phải được thừa nhận đặc quyền tại một bệnh viện gần đó, những người ủng hộ pro-life đã bác bỏ quyết định này, cho rằng nó cho phép ngành công nghiệp phá thai đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe và sự an toàn của phụ nữ.


Tuy nhiên, đạo luật này cũng có thể sẽ cho phép “những phụ nữ da trắng giàu có hơn, hiện đang được phân bố không cân đối [được] tiếp cận nhiều hơn… đến việc chăm sóc liên quan đến phá thai hơn phụ nữ da đen ,” điều này có nghĩa là sẽ có sự chênh lệch hơn nữa về nguy cơ khi làm mẹ - đặc biệt là khi người da màu ít có khả năng được hưởng phúc lợi từ bảo hiểm y tế so với người da trắng.


Hơn nữa, trong khi giáo dục là một trong những phương tiện chính mà qua đó một người có thể vượt qua đói nghèo và trau dồi tài năng của mình để tham gia xây dựng xã hội, thì hiện chỉ có khoảng 53% các bà mẹ ở tuổi vị thành niên hoàn thành chương trình trung học truyền thống.


Điều này khá phức tạp đối với phụ nữ Da đen, những người vốn đã ít có khả năng tốt nghiệp trung học hơn so với các bạn cùng lứa tuổi da trắng: nữ da đen lứa thiếu niên có thể mang thai với tỷ lệ cao gấp đôi so với các bạn đồng lứa da trắng. Nghiên cứu cho thấy rằng tỷ lệ mang thai cao trong độ tuổi vị thành niên của thanh niên da Đen là do nhận thức của họ về cơ hội sống hạn chế trong một lời tiên tri tự ứng nghiệm không may.


“Là người theo đạo Công giáo, chúng ta phải yêu cầu các dự luật chống phá thai cần phải được bổ sung những luật hỗ trợ phụ nữ - đặc biệt là người da màu.”


Nói cách khác, việc gạt người da màu ra ngoài lề góp phần trực tiếp làm tăng mức độ mang thai ngoài ý muốn, tương quan với đó là trình độ học vấn thấp hơn cùng mức độ nghèo đói cao hơn đối với phụ nữ da Đen... và chu kỳ này tiếp tục, nó sẽ tạo thành cản trở cho sự tham gia của phụ nữ da Đen vào đời sống xã hội và chính trị.


Cũng nên lưu ý ở đây rằng 2 trong số 5 phụ nữ Da đen đang học đại học đang nuôi con, và quan trọng hơn chính là khi được làm việc, khoảng cách lương căn cứ theo giới tính và chủng tộc (tương ứng là 20% và 25%) sẽ kết hợp với nhau và kết quả là họ chỉ nhận được khoảng 61 xu cho mỗi đô la mà những người đàn ông da trắng tương đương kiếm được.


Các vấn đề mang tính hệ thống góp phần trở thành những rào cản cho sức khỏe, giáo dục và nghề nghiệp đối với các bà mẹ da Đen, việc làm mẹ là một nhân tố làm trầm trọng thêm những vấn đề mang tính hệ thống này. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ vào năm 2013, “Những chênh lệch này liên quan đến những khó khăn có tính hệ thống mà các cộng đồng thiệt thòi phải trải qua, bao gồm khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giảm xuống, mức độ căng thẳng cao hơn, phải tiếp xúc với sự phân biệt chủng tộc và điều kiện sống và làm việc kém hơn.”


Trong khi các tổ chức ủng hộ sự sống được ca ngợi là tìm cách giảm bớt áp lực cho người phải phá thai bằng cách cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản trong các cộng đồng bị thiệt thòi, các áp bức có hệ thống mà phụ nữ da Đen phải chịu đòi hỏi chúng ta cần phải phá bỏ nó ngoài việc hỗ trợ cá nhân.


Chủ trương chính trị mà bỏ qua lợi ích cụ thể của phụ nữ Da đen hoặc chỉ quan tâm một cách hời hợt đến nhu cầu của họ là không phù hợp với đạo đức sống của pro-life. Quyền được sống có thể là ưu việt, nhưng sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống làm suy yếu quyền này theo những cách nghiêm trọng - những giới hạn của phá thai, nếu không được xây dựng cẩn thận, sẽ được mở rộng.


Vì mục tiêu của pro-life là trao quyền cho phụ nữ cũng như bảo vệ cuộc sống con người đang ngày càng được nâng cao, các cách thức khiến phụ nữ dễ bị tổn thương đặc biệt là khi họ mang thai và làm mẹ - xét đến những trường hợp cấm phá thai nghiêm trọng và thực sự sẽ gây nguy hiểm hoặc thiệt thòi cho phụ nữ da Đen - phải được xem xét và giảm nhẹ.


Ví dụ, quan điểm rõ ràng ở đây rằng các chính sách như yêu cầu trả lương bình đẳng và bảo vệ phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con, cải cách giáo dục, tăng cường khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội là cần thiết.


Ở đây, như mọi khi, điều quan trọng là phải lắng nghe tiếng nói của phụ nữ da Đen và xác định mối quan tâm quan trọng nhất của họ, sau đó là thúc giục các nhà lãnh đạo của chúng ta ưu tiên chúng. Với trường hợp này, những điều cấp thiết bao gồm cảnh sát, cải cách tư pháp hình sự và sửa chữa đàn áp cử tri. Vận động pro-life đích thực sẽ hoạt động hướng tới những mục tiêu này.


“Chủ trương chính trị mà bỏ qua lợi ích cụ thể của phụ nữ Da đen hoặc chỉ quan tâm một cách hời hợt đến nhu cầu của họ là không phù hợp với đạo đức sống của pro-life.”


Điều này có thể gây ra một số thách thức cho chúng ta khi tính đến chuyện bỏ phiếu. Việc liên kết những vấn đề này chắc chắn sẽ không cho phép một vấn đề được biểu quyết dễ dàng - hay đúng hơn, chúng ta phải thừa nhận rằng “vấn đề đơn lẻ” của pro-life thực tế bao gồm nhiều vị trí chính sách. Sự tham gia chính trị của chúng ta sẽ cần phải có nhiều sắc thái hơn, và chúng ta sẽ phải tham gia vào một quá trình phân định phản ánh rõ ràng hơn.


Những người tiếp tục bỏ phiếu chủ yếu về vấn đề phá thai phải bắt đầu tố cáo rõ ràng các ứng cử viên và các quan chức được bầu cử đã miệt thị hoặc phớt lờ sự cần thiết của chính sách thúc đẩy bình đẳng chủng tộc và giới tính, và sự ca ngợi của chúng ta đối với luật chống phá thai không thể át được yêu cầu đối với chính sách như vậy.


Đức tin của chúng ta kêu gọi chúng ta đoàn kết với những người xung quanh và tất cả tạo vật - để chứng minh, theo lời của Thánh Giáo hoàng John Paul II, “một quyết tâm kiên định và bền bỉ để dấn thân vì lợi ích chung,” điều mà Giáo hoàng Francis nói với chúng ta cần thúc đẩy “ưu đãi cho những người nghèo nhất trong các anh chị em của chúng ta” trong chính sách xã hội.


Quan trọng, đoàn kết không phải là một đức tính độc quyền - chúng ta không thể coi thường những tổn hại với một người hoặc một nhóm người dễ bị tổn thương vì mục đích bảo vệ người khác. Thay vào đó, cam kết của chúng ta phải là “vì lợi ích của tất cả và của mỗi cá nhân, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự chịu trách nhiệm cho tất cả”.


Mặc dù nó rất bất công khi chúng ta muốn điều chỉnh sự thiệt thòi của phụ nữ da Đen bằng cách từ chối quyền được sống của những sinh linh còn chưa chào đời, nhưng tính dễ bị tổn thương của người chưa sinh không thể và không nên được khắc phục bằng cách đồng lõa với sự áp bức của phụ nữ da Đen. Đức tin của chúng ta - và phẩm giá của những người hàng xóm - đòi hỏi nhiều hơn thế.


Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Khoa Le

Comments


bottom of page