top of page

Đoạn phim sai lệch về virus, được cha con Trump cổ xuý, lan truyền trực tuyến

Các công ty truyền thông xã hội đã gỡ xuống trong vòng vài giờ. Nhưng tới lúc đó, đã có hàng triệu lượt xem.


Sheera FrenkelDavey Alba, ngày 28 tháng 7, 2020


Translated from New York Times article Misleading virus video, pushed by the Trumps, Spreads online.

Một phụ nữ tự giới thiệu mình là bác sĩ Stella Immanuel phát biểu trong đoạn video được chia sẻ bởi nhóm mệnh danh là “Bác Sĩ Tuyến Đầu của Mỹ.”


Trong một đoạn video được đăng trên mạng hôm thứ Hai, một nhóm người tự xưng là “Bác sĩ Tuyến đầu của Mỹ” mặc áo blouse trắng đứng phát biểu với bối cảnh Toà Án Tối Cao ở Washington đằng sau, chia sẻ những ý kiến sai lệch về virus, thí dụ như hydroxychloroquine là một phương pháp hiệu quả để điều trị coronavirus, hây khẩu trang không làm virus bớt lây lan.


Thấy đoạn video chẳng có gì đặc biệt. Nhưng chỉ trong vòng sáu tiếng đồng hồ, Tổng thống Trump và con trai là Donald Trump Jr. đã tweet các phiên bản của nó và trang tin tức của cánh hữu Breitbart đã đăng tin này. Nó đã lan tỏa, được chia sẻ phần lớn qua các nhóm trên Facebook của các phong trào chống chủng ngừa và các thuyết âm mưu như QAnon, thu hút hàng chục triệu lượt xem. Nhiều phiên bản của video cũng được tải lên Youtube, và các đường link được chia sẻ qua Twitter.


Facebook, Youtube và Twitter đã làm việc không ngừng để tháo gỡ nó, nhưng tới khi họ làm được, thì đoạn video này đã trở thành một ví dụ mới nhất của thông tin sai lệch về virus đã phát tán rộng rãi.


Đó là vì video đã được thiết kế đặc biệt cho những người theo thuyết âm mưu và những người bảo thủ trên mạng nôn nóng muốn nền kinh tế mở cửa lại, dùng bối cảnh và các nhân vật dựng tạo tính xác thực. Nó cho thấy mặc dù các công ty truyền thông xã hội đã cấp bách tháo gỡ các thông tin sai lệch nguy hiểm về virus trong vòng vài giờ sau khi đăng, người ta vẫn tiếp tục tìm ra những cách mới để luồn lách quanh các biện pháp bảo vệ nền tảng.


“Thông tin sai lệch về một loại virus chết người đã trở thành một thứ cỏ khô chính trị được rải rác bởi những cá nhân được các đơn vị cử tri tín nhiệm,” Lisa Kaplan, sáng lập viên nhóm Althe, một công ty khởi nghiệp giúp chống lại tin nhảm nói. “Nếu chỉ một người tin vào ai đó truyền bá các điều sai lầm và sau đó họ có hành động khiến người khác bị nhiễm, lây truyền và ngay cả mất mạng vì virus - một người cũng là quá đủ rồi.”


Một trong những nhân vật trong video này, tự giới thiệu mình là bác sĩ Stella Immanuel, tuyên bố, “Không cần đeo khẩu trang” để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Bà ta cũng tuyên bố là cũng đang điều trị hàng trăm bệnh nhân nhiễm coronavirus bằng thuốc hydroxychloroquine, và khẳng định đây là phương pháp điều trị hiệu quả. Nhận định này đã bị các giới chức y tế thẩm quyền bác bỏ nhiều lần.


Tổng Thống Trump đã liên tục quảng bá hydroxychloroquine, một loại thuốc trị sốt rét, trong những tháng đầu của cuộc khủng hoảng. Hồi tháng sáu, ông nói chính ông cũng uống thuốc này. Nhưng cùng tháng đó, Cục Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm đã thu hồi giấy phép khẩn cho dùng thuốc này để trị bệnh nhân COVID-19 và nói rằng nó “không chắc có hiệu quả” mà còn có thể gây nhiều biến chứng. Viện Y Tế Quốc Gia đã ngưng các thử nghiệm lâm sàng về thuốc này.


Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy khẩu trang có hiệu quả trong việc kiềm chế sự lây lan của coronavirus.


Quỹ đạo trực tuyến của video hôm thứ Hai đã đi song song với “Plandemic”, một chương trình tường thuật dài 26 phút được sản xuất cách bóng bẩy và lan truyền rộng rãi vào tháng Năm, và đặt điều rằng bè đảng một nhóm tinh hoa núp trong bóng tối đã lợi dụng virus và tiềm năng của thuốc chủng ngừa để trục lợi và giành quyền lực. Chỉ trong hơn một tuần, đã có hơn 8 triệu lượt xem “Plandemic” trên Youtube, Facebook, Twitter và Instagram trước khi nó bị gỡ xuống.


Nhưng cái video đăng hôm thứ Hai lại có nhiều lượt xem hơn so với “Plandemic” chỉ trong vòng vài giờ trên mạng, mặc dù nó bị gỡ xuống nhanh hơn. Tối thiểu một phiên bản mà New York Times thấy trên Facebook, có tới 16 triệu lượt xem.


Facebook, Youtube, và Twitter đã xoá một số phiên bản của video vào tối thứ Hai. Cả ba cho biết video đã vi phạm chủ trương của họ về việc chia sẻ thông tin sai lệch liên quan đến coronavirus.


Sáng thứ Ba, Twitter cũng đã có hành động với Donald Trump Jr. sau khi ông ta chia sẻ một đường link dẫn đến video này. Một phát ngôn viên của Twitter cho biết công ty đã buộc cậu ta phải xoá bỏ cái tweet gây hiểu lầm ấy và nói rằng họ sẽ “giới hạn một số chức năng của tài khoản này trong vòng 12 giờ.” Twitter cũng có hành động tương tự với Kelli Ward, chủ tịch đảng Cộng hòa ở Arizona, người cũng đã tweet đoạn video này.


Không có hành động nào xảy ra đối với Tổng Thống Trump, dù ông cũng tweet đi tweet lại nhiều lần cùng video này đến 84.2 triệu người theo dõi vào tối thứ Hai. Những cái tweet này cũng đã được xoá bỏ từ đó.


Hôm thứ ba khi được hỏi cảm nghĩ về đoạn video ấy, ông Trump vẫn tiếp tục biện minh cho các bác sĩ trong video và những cách chữa trị mà họ cổ xuý.


“Chẳng hiểu vì lý do nào đó, trên mạng muốn gỡ họ xuống,” Tổng thống nói. “Tôi cho là họ là những bác sĩ đáng kính. Có một phụ nữ trong đó đã rất là xuất sắc trong các phát biểu của bà ấy, rằng bà ta đã rất thành công về phương cách chữa trị đó, vậy mà họ gỡ xuống. Tôi không hiểu sao họ gỡ xuống. Có thể họ có lý do chính đáng, cũng có thể không.”


Facebook và Youtube đã không trả lời các câu hỏi tại sao các phiên bản của video đó vẫn tiếp tục phát tán vào chiều thứ Ba. Twitter cho biết họ đang “vẫn tiếp tục có hành động với các tweet mới hay cũ dính đến video này.”


Các thành viên trong nhóm đằng sau video này nói rằng họ là các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm coronavirus. Nhưng không rõ họ hành nghề tại đâu và chính xác là họ đã điều trị cho bao nhiêu người. Hồi tháng Năm, các nhà hoạt động bảo thủ chống Obamacare dưới tên là Tea Party Patriots Action theo báo cáo đã cộng tác với vài người trong nhóm này để ủng hộ việc nới lỏng hạn chế của các tiểu bang với những ca phẫu thuật tự chọn và những trường hợp không khẩn cấp. Vào ngày 15 tháng Bảy, nhóm này đăng ký một trang mạng lấy tên là “America’s Frontline Doctors,” hồ sơ đăng ký tên miền cho thấy.


Một trong những phiên bản đầu tiên của video xuất hiện hôm thứ Hai đã được đăng trên kênh Youtube của nhóm Tea Party Patriots, bên cạnh các video khác có cùng các nhân vật như trong “America’s Frontline Doctors.”


Các bác sĩ này cũng được quảng cáo bởi những người bảo thủ như Ben Bozell, sáng lập viên Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông (Media Research Center), một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận.


Translated by Minhly Pham

Copy edits by Cookie Duong

댓글


bottom of page