top of page

Đối đầu với ngộ nhận rằng “văn hoá Da Đen" là nguyên nhân đằng sau tội phạm bạo lực tại Mỹ

Updated: Sep 17, 2020

Những người theo phe bảo thủ đang đón nhận tác phẩm được viết bởi một nhà tội phạm học kỳ cựu với nội dung cho rằng “văn hoá Da Đen" là nguyên nhân của tội phạm bạo lực. Thế nhưng, ý tưởng này có những lỗ hổng lớn.


German Lopez, ngày 1 tháng 9, 2016


Jewel Samad/AFP via Getty Images


Việc đi bộ trong một thành phố lớn ở Hoa Kỳ mà không sợ bị tấn công là một trong những điều mà hiện nay nhiều người Mỹ cho là hiển nhiên. Vào một buổi tối thứ Bảy ở Washington, DC, tôi có thể đi bộ vài dãy nhà từ căn hộ của tôi ở Columbia Heights đến một khu trung tâm mua sắm sầm uất tràn ngập các nhà hàng, cửa hàng thú cưng, một chi nhánh Target, và nhiều hơn nữa -- với người ngồi uống rượu bên ngoài, người thưởng thức ẩm thực thế giới, và trẻ em chạy đùa trong khu thương mại. Tôi đã đi dạo thế này mấy lần rồi nhưng không lần nào tôi nghĩ tới trường hợp tôi bị bắn hay bị cướp.


Đó là một cảnh tượng không tưởng trong chỉ vài thập kỷ trước tại chính khu phố này. Khi đó, khu vực này phần lớn bị bỏ hoang. Nhiều người đi đường phải cố gắng đi nhanh nhất có thể. Như tại nhiều thành phố khắp Hoa Kỳ vào thời điểm đó, có khả năng cao - gấp đôi trên toàn quốc, theo thống kê tội phạm bạo lực - là một người lạ từ một góc nào đó sắp sửa lấy đi đồng hồ, ví tiền, và cả mạng sống của bạn.


Một nghiên cứu liên bang đưa rõ bối cảnh cho sự việc này, rằng nếu tỷ lệ tội phạm giữ ở những mức cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 thì hơn 80% người Mỹ ở độ tuổi 12 vào thời điểm nghiên cứu sẽ là nạn nhân tội ác bạo lực trong đời họ -- đây là các tỷ lệ không tưởng ngày nay.


Nội dung của Sự Trỗi Dậy và Sự Suy Sụp Của Tội Phạm Bạo Lực Tại Hoa Kỳ (The Rise and Fall of Violent Crime in America) một tác phẩm mới được viết bởi Barry Latzer, một nhà tội phạm học tại Trường Cao Đẳng John Jay (John Jay College), kể về việc Hoa Kỳ đã đi từ giai đoạn hoà bình ngay sau Thế chiến thứ 2 đến các đợt tội phạm kéo dài qua nhiều thập niên, từ thập niên 1960 đến 1990 và cuối cùng đến thời kỳ tương đối hoà bình mà ngày nay chúng ta đang có.


Latzer cũng đưa ra một lời giải thích vì sao tỷ lệ tội phạm rất cao trong những thập kỷ trước và lại rất thấp trong thời buổi ngày nay. Giả thuyết của ông gây ra tranh cãi: ông cho rằng các yếu tố văn hoá có thể ảnh hưởng đến mức độ bạo lực nhiều hơn so với bất kỳ yếu tố nào khác.

 

"VIỆC NGƯỜI DA ĐEN DI CƯ, ĐẶC BIỆT ĐẾN CÁC THÀNH PHỐ LỚN PHÍA BẮC, ĐÃ ĐEM MỘT VĂN HÓA BẠO LỰC ĐẾN CẢNH QUAN THÀNH THỊ”

 

Điều gây ra tranh cãi nhất là việc ông cho rằng “văn hoá bạo lực của người Da Đen" là nguyên nhân chính cho việc tội phạm gia tăng: “Việc người Da Đen di cư, đặc biệt là đến các thành phố lớn phía Bắc, đã đem một văn hoá bạo lực đến cảnh quan thành thị. Ảnh hưởng của việc di cư của một nhóm người có mức độ bạo lực cao càng bị trầm trọng thêm bởi sự gia tăng số lượng nam thanh niên trẻ trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu.”


Giả thuyết này không hoàn toàn mới. Đặc biệt là những người theo phe bảo thủ từ lâu đã lập luận rằng văn hoá là một yếu tố góp phần cho vấn đề tội phạm và bạo lực lớn trong các cộng đồng Da Đen ở nội thành. Song, Latzer đưa ra một ví dụ khá nổi bật và uyên bác cho lập luận này.

Cuốn sách này không đón nhận nhiều sự chú ý nhưng thu hút sự khen ngợi từ một tầng lớp bảo thủ nhất định -- dẫn đến các bài viết của David Frum trên tờ Atlantic, the Federalist, và Breitbart về tác phẩm này của Latzer.

Phần còn lại của Hoa Kỳ vẫn chưa chú ý nhiều đến cuốn sách này. Như Alfred Regney đã viết trên Breitbart, “Bạn sẽ nghĩ một nghiên cứu như vậy sẽ được đón nhận nồng nhiệt, cũng như được viết về và bình luận rộng rãi. Nhưng bạn đã nhầm. Cuốn sách của Giáo sư Latzer gần như đã bị cho qua.”

Có lẽ nguyên nhân của sự thờ ơ này là do cuốn sách này có vẻ như đang thuật lại các vấn đề cũ. Ta-Nehisi Coates, một cây bút nổi tiếng cho tờ Atlantic, đã hết lần này đến lần khác và lần khác nữa viết về chủ đề “văn hoá Da Đen” và tội phạm. Đối với các nhà báo và học giả, tranh luận mãi về các vấn đề này có thể gây ra mệt mỏi.

Tuy nhiên, tác phẩm của Latzer là một công trình học thức đáng tin cậy được đón nhận rất nghiêm túc bởi một thành phần khá lớn trong giới chính trị Mỹ. Chỉ lý do đó thôi cũng đáng để chúng ta xem xét sẽ học được điều gì từ cuốn sách này cũng như những gì nó cho chúng ta biết về các cuộc tranh luận đang diễn ra, đặc biệt khi phong trào Sinh Mạng Người Da Đen Đáng Trân Trọng và các phong trào công lý chủng tộc khác đang diễn ra trên khắp Hoa Kỳ.

Tác phẩm này của Latzer hay nhất - và làm sáng tỏ nhất - khi nó chỉ đơn thuần tập trung vào lịch sử tội phạm ở Hoa Kỳ và cụ thể là sự gia tăng và suy giảm của mức độ tội phạm trong nửa cuối thế kỷ 20. Nhưng cuốn sách gặp khó khăn lớn trong việc đưa ra cái nhìn thấu đáo khi nó nói về “văn hoá Da Đen.” “Văn hoá Da Đen" là một thuật ngữ rất mơ hồ, vừa không cần thiết vừa không có ích cho việc giải thích chính xác những gì đang xảy ra trong các cộng đồng Da Đen. Nó cũng rất phản cảm - một cách khái quát có thành kiến với nhóm người chiếm 13% dân số Hoa Kỳ.


Latzer cố gắng trả lời câu hỏi lớn trong ngành tội phạm học hiện nay

Encounter Books via Amazon


Trước khi đi sâu vào lý thuyết của Latzer về “văn hoá Da Đen", chúng ta hãy xem xét điều làm cho cuốn sách này của ông có tầm quan trọng lớn: Latzer đang cố gắng giải quyết một lỗ hổng lớn trong mảng nghiên cứu về tội phạm.

Một vấn đề lớn trong bất kỳ các cuộc đối thoại nào về tội phạm ở Hoa Kỳ là: Chúng ta có thể biết về một số nguyên nhân của tội phạm nhưng chúng ta không biết hết tất cả các nguyên nhân.

Điều này vẫn đúng kể cả khi Hoa Kỳ chứng kiến sự sụt giảm tội phạm khổng lồ: dù nhiều người Mỹ sống qua giai đoạn này, chúng ta vẫn chưa có một lời giải thích cụ thể nào về lý do vì sao, ví dụ, các tỷ lệ giết người đã giảm mạnh từ mức 10.2 trên 100,000 người trong năm 1980 đến 4.5 trong năm 2014, năm với dữ liệu mới nhất.

Không phải là các nhà tội phạm học thiếu ý tưởng để giải thích việc tội phạm sụt giảm trong vài thập kỷ qua. Họ đã đưa ra đủ các thuyết: việc tống giam hàng loạt, việc cảnh sát kiểm soát chặt chẽ hơn, những thay đổi của nền kinh tế, việc hợp pháp hóa phá thai, việc giảm phơi nhiễm chì, và nhiều hơn nữa. Các thuyết này đều được ủng hộ và phản đối bởi các nhà nghiên cứu và các chuyên gia.

Nhưng bạn chỉ cần thảo luận với một vài chuyên gia trong ngành để nhận ra rằng hầu như không ai có cùng quan điểm về yếu tố nào đóng góp nhiều nhất cho việc tội phạm gia tăng và sụt giảm. Như chuyên gia tư pháp hình sự John Roman từ Viện Nghiên Cứu Đô Thị (Urban Institute) thường nói tôi rằng một mình ông có thể nghĩ ra ít nhất 20 lời giải thích - và một số lời giải thích này có thể không hợp với tất cả các ý tưởng mà các chuyên gia khác đang xem xét.

Một phần của vấn đề ở đây, như nhà tội phạm học Richard Rosenfield đã từng nói với tôi, là Hoa Kỳ không có nguồn dữ liệu tốt nào về tội phạm bạo lực. Cơ quan thu thập dữ liệu tốt nhất trong lĩnh vực này là FBI, nhưng dữ liệu lại xuất hiện với độ trễ gần một năm, và tất cả mọi người đồng ý rằng khả năng cao là nhiều tội không được báo cáo. Nếu các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc thu thập thống kê tội phạm căn bản thì làm thế nào họ có thể cung cấp những câu trả lời dứt khoát về các lý do và khuynh hướng đằng sau các thống kê đó?

 

CHÚNG TA CÓ THỂ BIẾT VỀ MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN CỦA TỘI PHẠM NHƯNG CHÚNG TA KHÔNG BIẾT HẾT TẤT CẢ CÁC NGUYÊN NHÂN

 

Đây là chỗ mà Latzer cố gắng giải quyết. Latzer thừa nhận rằng có rất ít dữ liệu tốt cho tất cả các vấn đề [tội phạm] này nhưng cuốn sách của ông tập hợp các bài nghiên cứu đã được thực hiện mặc dù với dữ liệu không đầy đủ để đưa ra một đánh giá nghiên cứu có hệ thống và cho biết những gì chúng ta có thể học được và chưa biết đầy đủ về công cuộc đấu tranh và phòng chống các làn sóng tội phạm lớn.

Latzer gợi ý rằng sự sụt giảm tội phạm gần đây ở Hoa Kỳ là một phần kết quả của vài thay đổi đáng chú ý: thế hệ “bùng nổ trẻ sơ sinh” (baby boomers) đã già qua độ tuổi gây tội phạm cao nhất (vị thành niên, tuổi 20, tuổi 30), và sự gắt gao hơn của hệ thống tư pháp hình sự. Latzer viết rằng sự trưởng thành của thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh là một lý do chính cho sự kết thúc của con sóng thần tội phạm sau thập niên 1960.”

Khi thế hệ con cái của những người trong thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh đến tuổi trưởng thành thì, theo lời của Latzer, “một làn sóng tội phạm ngắn hạn" đã xảy ra. Nhưng lần này, hệ thống tư pháp hình sự đã mạnh tay hơn: “Sức ép từ việc cảnh sát quấy rối, những cuộc bắt giam, và tỷ lệ tống giam cao, cộng với hậu quả của lối sống ma túy nghiệt ngã, đã tạo nên một cơn sốt phòng chống ma tuý -- một sự lây lan tích cực -- vào khoảng giữa thập niên 1990, và sự tăng vọt tội phạm ngắn hạn đã kết thúc. Làn sóng thuỷ triều lớn của tội phạm cuối cùng cũng đã rút đi.”

Latzer lập luận rằng hệ thống tư pháp hình sự, thay vì các chính sách kinh tế xã hội có xu hướng tập trung xóa đói giảm nghèo hoặc cải thiện giáo dục, đã giúp bảo vệ chúng ta trước tội phạm.


Ông cũng gợi ý rằng giai đoạn hòa bình hiện tại của chúng ta không kéo dài mãi mãi. Ông trích dẫn nhà sử học tội phạm Eric Monkkonen: "Khi tỷ lệ giết người giảm đi, các nỗ lực kiểm soát được nới lỏng, do đó tạo ra nhiều điều kiện cho đợt gia tăng tiếp theo."


Những niềm tin này đã dẫn dắt Latzer trong suốt cuốn sách của ông, khi ông giải thích những thuyết mà với ông là đáng tin cậy nhất để giải thích vì sao tội phạm bạo lực gia tăng và giảm sút trong thời kỳ hậu Thế chiến thứ 2. Những gì Latzer nói có cơ sở, mặc dù các nhà tội phạm học khác rất có thể sẽ tìm ra lỗ hổng trong bài phê bình nghiên cứu và phản đối, cụ thể là, tuyên bố rằng sự tống giam hàng loạt là một yếu tố quan trọng cho sự giảm sút tội phạm. Sau cùng thì sự sụt giảm tội phạm khổng lồ đã xảy ra trong nhiều thập kỷ sau khi việc giam giữ bắt đầu gia tăng mạnh mẽ, như học giả tư pháp hình sự William Stuntz lập luận trong Sự sụp đổ của hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ (The Collapse of American Criminal Justice).

Nhưng yếu tố đáng lo ngại nhất trong sách của Latzer không phải là những cuộc tranh luận phổ biến về sự gia tăng và suy giảm của tội phạm bạo lực. Thay vào đó, sự khẳng định đáng lo ngại nhất của Latzer là "văn hóa Da Đen" và sự lan rộng của nó đến các thành phố lớn là một lý do lớn khiến tội phạm bùng nổ trong những năm 1960 trở đi.


“Văn hoá" có phải là nguyên nhân của mức độ tội phạm cao trong các cộng đồng người thiểu số?



Trong tác phẩm này, tác giả thừa nhận rằng những người nghiên cứu tội phạm có xu hướng rơi vào hai trường phái: những người tin rằng tội phạm là kết quả của các vấn đề xã hội có hệ thống như bất bình đẳng kinh tế và phân biệt chủng tộc, và những người đổ lỗi tội phạm là do các bệnh lý và các vấn đề văn hóa vốn dĩ thuộc về các nhóm người đó - và theo cách nói của Latzer thì đây là những người liên hệ "các niềm tin và các nguyên tắc của các nhóm xã hội với tỷ lệ tội phạm của họ."


Quan điểm của Latzer dường như nằm ở giữa: ông cho rằng “văn hoá Da Đen" bạo lực hơn do hậu quả của phân biệt chủng tộc có hệ thống.


Ông nói rằng người Mỹ Da Đen thừa hưởng một nền văn hóa bạo lực từ người miền Nam da trắng, cũng chính là những người đã nô lệ hoá và đàn áp người Da Đen trong thời kỳ nô lệ và Jim Crow. (Lý thuyết khiêu khích này cũng được Thomas Sowell, người đã có bài viết gây tranh cãi về sự phát triển lịch sử của những gì ông mô tả là "văn hóa Da Đen” tự hủy hoại.)


Latzer ủng hộ lập luận này với việc chỉ ra rằng trong lịch sử, tỷ lệ tội phạm của người miền Nam Da Trắng cao hơn so với người Da Trắng ở các vùng khác của đất nước. Để giải thích lý do tại sao, Latzer trích dẫn tác phẩm của các nhà tâm lý học Richard Nisbett và Dov Cohen:


Không như miền Bắc, một vùng định cư của những người nông dân từ Anh, Hà Lan và Đức, miền Nam là vùng định cư bởi những người chăn gia súc từ rìa nước Anh. Những người chăn gia súc trên toàn thế giới có xu hướng hung hăng và bạo lực rất cao vì họ dễ bị mất tài nguyên chính, là động vật của họ. Ngoài ra, không giống như miền Bắc, nơi mật độ dân số nói chung tương đối cao, miền Nam là khu vực biên giới dân số thấp cho đến tận thế kỷ 19. Ở những khu vực như vậy, chính quyền thường có ít quyền lực để ra lệnh người dân tuân thủ luật pháp và người dân phải tạo ra hệ thống trật tự của riêng họ. Phương tiện cho việc thực hiện điều này là quy tắc trả thù: Nếu ngươi đụng đến ta thì ta sẽ trừng phạt ngươi.

Latzer lập luận rằng điều này, cùng với sự áp bức có hệ thống mà người Mỹ Da Đen đã phải đối mặt qua nhiều thế hệ, là nguồn gốc cho "nền văn hóa Da Đen" bạo lực.


Từ đó, ông giải thích sự gia tăng tội phạm ở các thành phố lớn sau khi Đại di cư kết thúc vào thập niên 1960. Gần đỉnh điểm năm 1990, tỷ lệ tội phạm bạo lực ở thành phố New York lên đến gần 2,400 trên 100,000 người.


Cuốn sách tuyên bố rằng sự thay đổi thiết yếu trong giai đoạn sau Đại Di Cư là việc các thành phố trở thành nơi chủ yếu người Da Đen sinh sống. "Về vấn đề tội phạm thì", Latzer viết, "hậu quả là việc đưa tội phạm bạo lực Da Đen ở mức độ cao đến các thành phố lớn của Hoa Kỳ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng Da Đen thành thị và cuối cùng là cho cả quốc gia."


Nhưng Latzer không nói gì về mức độ phù hợp của lập luận "văn hóa Da Đen" của mình đối với sự sụt giảm tội phạm gần đây. Tội phạm đã giảm nhanh chóng ở các thành phố lớn trong những thập kỷ gần đây khi dân số người Da Đen ở các khu vực này dường như không thay đổi hoặc còn tăng lên.


Ví dụ, tỷ lệ giết người ở Philadelphia đã giảm từ 31.7 trên 100,000 người vào năm 1990 xuống còn 20.1 trên 100.000 vào năm 2010 khi tỷ lệ phần trăm dân số người Da Đen trong thành phố tăng từ 39.9% đến 43.4%. Trong khi đó, tỷ lệ giết người ở thành phố New York đã giảm rõ rệt từ 30.7 xuống còn 6.6 khi dân số người Da Đen giảm ít từ 28.7% xuống 25.5%.

Và đây không phải là vấn đề duy nhất trong lập luận "văn hóa người Da Đen".


Hay sự phân biệt chủng tộc có hệ thống có thể giải thích tỷ lệ phạm tội cao hơn trong cộng đồng người Da Đen?


Latzer gặp vấn đề khi ông ấy đã khái quát hoá một thứ gì đó là "văn hóa" mà thực tế có thể là hàng ngàn nguyên nhân phạm tội, mà một số nguyên nhân chúng ta có thể không biết được hoặc không thể đo lường được bằng những con số.

Hãy xem xét một trong những yếu tố khả thi: có thể cộng đồng Da Đen bạo lực và phạm tội nhiều hơn là hệ quả của một hệ thống tư pháp hình sự mà vừa lỏng lẻo, vừa quá mạnh tay với cộng đồng này. Trong cuốn sách Ghettoside hay tuyệt vời, nhà báo Jill Leovy đã dựa trên những câu chuyện của các sĩ quan cảnh sát và cư dân Da Đen ở những vùng bị bạo lực tàn phá ở Los Angeles để dệt nên một câu chuyện tinh tế về cách hệ thống tư pháp xử lý tội phạm tùy thuộc vào mỗi cộng đồng.

Leovy viết rằng cảnh sát thường quấy rối người Da Đen vì những tội nhỏ nhặt - như thuốc phiện, đi bộ qua đường trái phép, luật giao thông và lảng vảng. Nhưng khi người Da Đen cần cảnh sát nhất để ngăn chặn và giải quyết các tội ác bạo lực, cảnh sát lại không có mặt. Các điều tra đã tìm thấy, ví dụ, các vụ giết người liên quan đến nạn nhân Da Đen ít có khả năng được phá án hơn nhiều so với những vụ án có nạn nhân Da Trắng. Nó là một đồng xu hai mặt của phân biệt chủng tộc có hệ thống.

"Như một đứa bắt nạt trong trường học, hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta quấy rối mọi người với những cái cớ nhỏ nhặt nhưng lại bị vạch mặt là một kẻ hèn nhát trước những tội giết người", Leovy viết. "Nó kéo lê hàng loạt người đàn ông Da Đen qua bộ máy của mình nhưng không bảo vệ họ khỏi thương tổn thể xác và cái chết. Nó vừa gây áp bức và không đủ hữu hiệu."

Kết quả: Chỉ 30% người Da Đen báo cáo rằng họ có "rất nhiều" hoặc "khá nhiều" niềm tin vào cảnh sát trong giai đoạn 2014 -15, so với 57% người Da Trắng, theo Gallup.

Hệ thống tư pháp hình sự đã bỏ qua những nhu cầu quan trọng nhất của người Da Đen, đồng thời nuôi dưỡng sự phẫn nộ và mất lòng tin qua sự kiểm soát quá mức với các tội nhỏ. Trước sự việc này, các cộng đồng Da Đen đã phải xoay qua sử dụng những biện pháp của riêng họ - bao gồm cả bạo lực - để giải quyết các xung đột thường được giải quyết tại tòa án.


(Như Latzer viết, "giết người và đứa em của nó là tấn công, chủ yếu là gây ra bởi sự tức giận, ghen tuông tình ái, cảm thấy bị sỉ nhục và đe dọa, những tranh cãi cá nhân, và những vấn đề tương tự, thường bị làm tệ hơn bởi rượu hoặc một vài chất kích thích khác.")


Sau cùng thì ngăn chặn xung đột giữa các cá nhân là lý do chính cho sự tồn tại của hệ thống tư pháp hình sự. Leovy viết:

Nhiều học giả tin rằng, khi nền văn minh vừa chớm nở, luật pháp đã được phát triển như một phản ứng đối với "tự lực" hợp pháp: sự mong muốn tự giải quyết vấn đề của họ. Công lý thô sơ từ từ nhường chỗ cho sự độc quyền có tổ chức của chính phủ về bạo lực. Có lẽ tỷ lệ giết người thấp của một số nền dân chủ hiện đại là một bất thường trong lịch sử loài người.

Thật vậy, Latzer thừa nhận điều này. Trong Luật Rừng Đường Phố, Elijah Anderson đã phân tích thực tế rằng nhiều người Da Đen ở các khu phố bạo lực sống theo các quy tắc nghiệt ngã ("codes") mà họ chọn theo, về cơ bản là dùng bạo lực để xử lý tranh chấp mà họ không tin pháp luật sẽ giúp giải quyết. Trích dẫn nghiên cứu của Anderson, Latzer viết:


Bộ quy tắc này cũng là một sản phẩm của nhận thức rằng cơ quan thực thi pháp luật không thể hoặc không muốn chế ngự bạo lực. "Họ cảm thấy họ không thể phụ thuộc vào cảnh sát và các cơ quan dân sự khác để bảo vệ họ khỏi nguy hiểm", các cư dân tuân thủ "một bộ quy tắc không chính thức quản lý hành vi giữa các cá nhân ở công cộng, đặc biệt là bạo lực. Các quy tắc quy định cả hành vi thích hợp và cách phản ứng phù hợp nếu bị thách thức."

Nhưng làm thế nào để bạn chứng minh những điều này một cách thực nghiệm? Làm thế nào để bạn đo lường tác động thực tế và đầy đủ của sự phân biệt chủng tộc có hệ thống, hoặc sự mất lòng tin trong thực thi pháp luật? Các mô hình toán học ngày nay rất tiên tiến, nhưng chúng không thể giải thích mọi thứ. Chúng ta vẫn không biết tại sao tội ác lại gia tăng và giảm xuống trong giai đoạn mà Latzer đã xem qua - Latzer cũng thừa nhận điều này. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể đo lường một cái gì đó trừu tượng như tác động của sự mất lòng tin, hoặc một lực lượng có hệ thống đã tồn tại từ khi nước Mỹ mới thành lập?


Và còn nhiều yếu tố khác trong việc phạm tội trong cộng đồng Da Đen: tỷ lệ đói nghèo cao, sự tách ly chủng tộc dẫn đến sự tập trung của nghèo đói trong khu phố của họ, gần như không thăng tiến trong địa vị xã hội, phân biệt chủng tộc trong công việc, v.v...


Với tất cả những vấn đề phức tạp khó tách bạch này, một thuật ngữ như "văn hóa" dường như cung cấp một câu lời giải dễ dàng. Nó giúp làm một khái niệm, cho dù trừu tượng đến mức nào đi nữa, dễ giải thích hơn. Nhưng sự mơ hồ của thuật ngữ này là một vấn đề nghiêm trọng - Latzer có vẻ như đã cố ép văn hoá của cả một nhóm người đa dạng thành một khối đồng nhất.


Vấn đề với lập luận "văn hóa người Da Đen"


Scott Olson/Getty Images


Tất cả những điều này nghe có vẻ khoa trương, nhưng nó quan trọng. Trong việc nghiên cứu lịch sử này và tìm cách viết lại nó cho đúng, chúng ta có thể học hỏi từ những gì có hiệu quả và những gì không hiệu quả. Vì vậy, khi nhìn vào thực tế đáng tiếc rằng mức phạm tội cao hơn trong cộng đồng Da Đen, việc mày mò sâu hơn để hiểu về những gì đang diễn ra - thay vì chỉ áp dụng khái quát một cái nhãn mơ hồ như "văn hóa" - là rất quan trọng để tìm ra cách khắc phục tất cả những vấn đề này.

Ví dụ, nếu vấn đề thực sự là sự pha trộn giữa việc bị cảnh sát kiểm soát thái quá và không đủ, thì có những cải cách chính sách mà quốc gia có thể thực hiện để giải quyết vấn đề này. Chúng ta biết cách làm cho các sĩ quan cảnh sát hiệu quả hơn - bằng cách làm việc với cộng đồng để tập trung các nguồn lực một cách cụ thể vào các khu vực và cá nhân có vấn đề. Và chúng ta biết có những thay đổi chính sách mà có thể giúp xây dựng lòng tin giữa cảnh sát và các khu phố Da Đen - chẳng hạn như cảnh sát làm việc chặt chẽ hơn với những người sống ở đó, và cảnh sát nghiêm túc xem xét những chỉ trích từ cộng đồng của họ. Những ý tưởng này có thể được phối hợp với nhau để giảm mức gây tội và cải thiện lòng tin.

Nhưng nếu vấn đề là "văn hóa", như Latzer lập luận, thì đó một vấn đề trừu tượng hơn rất nhiều và không thể giải quyết dứt điểm được bằng các giải pháp chính sách - và thực tế có thể ngăn cản những cải cách. Như Latzer viết, “Văn hóa bạo lực có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ và nó đi theo những người thuộc xã hội đó."

Trong bối cảnh này, sự trừng phạt tiếp diễn của hệ thống tư pháp hình sự có vẻ như là sự đáp trả đúng - và đó chính xác là giải pháp mà nhiều người bảo thủ muốn. Rốt cuộc, trước văn hóa bạo lực vốn có thể kéo dài hàng thế kỷ, tại sao một hệ thống với mục đích bảo vệ tất cả chúng ta lại cần nới lỏng? Việc giam giữ hàng loạt và chính sách gắt gao là cần thiết từ quan điểm này, để loại bỏ những người đã bị hủy hoại từ gốc rễ bởi văn hóa của họ.

(Lập luận này cũng không chỉ là của những người bảo thủ; đây là loại logic khiến Hillary Clinton lên tiếng chống lại những “kẻ siêu săn mồi" (superpredators) bạo lực tuổi teen vào những năm 1990, khi chồng bà, với tư cách là tổng thống, ban hành luật "mạnh tay với tội phạm".)

 

THẬM CHÍ KHÔNG CÓ LÝ DO NÀO ĐỂ NGHĨ NHỮNG ĐẶC TÍNH VĂN HÓA BẠO LỰC ĐƯỢC MÔ TẢ BỞI LATZER LÀ CỦA NGƯỜI DA ĐEN

 

Áp dụng một cái nhãn chung chung cũng có vẻ phản tác dụng, gây hiểu lầm và thậm chí gây xúc phạm hơn nhiều so với sự hữu ích của nó.


Một là, thuật ngữ "văn hóa người Da Đen" cho thấy nó có sẵn trong máu tất cả những người Da Đen. Điều đó không đúng, khi phần lớn tội phạm bạo lực được thực hiện bởi một bộ phận nhỏ của dân số [Da Đen]. Nếu đây là một thứ gán ghép lên một số ít người Mỹ Da Đen bởi những người Da Trắng có định kiến, thì nó thực sự có nên được mô tả là "văn hóa người Da Đen" hay không?


Trên thực tế, không có lý do nào để nghĩ rằng những đặc điểm văn hóa bạo lực mà Latzer mô tả thậm chí là của người Da Đen, như thuật ngữ "văn hóa Da Đen" gợi ý. Như Leovy đã viết trong cuốn Ghettoside: "Hãy đưa một nhóm các cậu bé tuổi teen từ vùng ngoại ô có nhiều người Da Trắng nhất, an toàn nhất ở Mỹ và thả chúng xuống một nơi mà bạn bè của chúng bị sát hại và chúng liên tục bị tấn công và đe dọa, nơi không ai quan tâm giải quyết các vụ giết người. Và hạn chế cách chúng có thể trốn thoát. Rồi xem điều gì xảy ra sau đó."


Tuy nhiên, nhiều người vẫn sử dụng thuật ngữ này để chỉ trích người Mỹ Da đen. Đổ lỗi cho "văn hóa người Da Đen" là một cách dùng ngôn ngữ mã hóa mà các chính trị gia và học giả sử dụng phổ biến để tránh bị chỉ trích khi dùng những thông điệp phân biệt chủng tộc rành rành - từ tội phạm đến nhập cư và khủng bố.


Ian Haney López, tác giả của Dog Whistle Politics, giải thích như sau: "Những ngôn ngữ ám hiệu chủng tộc hiện tại vận hành bằng cách gợi nhớ đến các định kiến có từ lâu của các nhóm thường bị xem là đáng sợ. Nhưng chúng khác với các thuật ngữ kỳ thị chủng tộc trắng trợnchỗ là chúng không nhấn mạnh đến sinh học - vì vậy nó không đề cập liên quan đến Da Nâu hay Da Đen." Ông nói thêm, "Nó cho phép mọi người nói, “Này, tôi chỉ phê phán hành vi, không chỉ trích một nhóm chủng tộc nào hết."


Cái mác "văn hóa" cũng không cung cấp bất kỳ thông tin nào để hiểu đầy đủ về các vấn đề này. Đây là một vấn đề chung trong cuốn sách của Latzer - ông rất mờ hồ về khái niệm "văn hóa" và đã không cung cấp bất kỳ giải pháp rõ ràng nào cho những vấn đề ông cho là do văn hóa.


Tuy nhiên, Latzer cung cấp bối cảnh rất cần thiết cho việc giải thích tại sao hệ thống tư pháp lại biến thành một cỗ máy trừng phạt

Larry Smith/Getty Images


Bất chấp các cuộc thảo luận không hay về "văn hóa Da Đen," nghiên cứu về lịch sử của Latzer có giá trị trong việc giải thích chi tiết tại sao các nhà lập pháp trong những năm 1960 đến 1990 có phản ứng gay gắt với tội ác bằng cách thông qua các chính sách như tống giam hàng loạt, chính sách hiện đang bị xem xét kỹ lưỡng. Latzer nói rõ rằng các biện pháp trừng phạt, mặc dù có các tác động khác nhau giữa các chủng tộc, là một phản ứng cho nỗi sợ hãi có thật đối với tội phạm.


Latzer trích dẫn một bộ số liệu thống kê đáng chú ý để chứng minh điểm này:

Cục Thống kê Tư pháp liên bang từng tính toán khả năng bị hãm hiếp, bị cướp hoặc bị tấn công, dựa trên tỷ lệ nạn nhân của tội phạm từ năm 1975 đến 1984. Những con số thật đáng kinh ngạc. Nếu tỷ lệ tội phạm vẫn được giữ nguyên (tất nhiên là nó đã không giữ nguyên), thì 83 phần trăm tất cả người Mỹ ở độ tuổi 12 vào thời điểm nghiên cứu, trong cuộc đời của họ, sẽ là nạn nhân của tội phạm không thành hoặc tội phạm thực hiện đến cùng, và 40% sẽ bị thương do một vụ cướp hoặc tấn công.

Đây là những con số đã gây lo lắng cho công chúng, truyền thông và các nhà lập pháp trong thập niên 60 đến 90. Tỷ lệ tội phạm bạo lực và sử dụng ma túy, đặc biệt là trong đại dịch crack cocaine (ma tuý nguyên chất) những năm 1980, thực sự cao bất thường, như số liệu thống kê liên bang cho thấy. Và công chúng biết điều đó: cuộc thăm dò của Gallup, cho thấy người Mỹ trong thập niên 1960, thập niên 70, thập niên 80 và đặc biệt là đầu thập niên 90 có khả năng cao nói rằng tội phạm là "vấn đề quan trọng nhất" mà Mỹ phải đối mặt.


Nhưng trong nỗi sợ hãi của họ về những con số thống kê này, các nhà lập pháp ủng hộ sự leo thang của hệ thống tư pháp hình sự. Sự leo thang này có tác động khủng khiếp: Hoa Kỳ hiện giam giữ nhiều người hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, bao gồm cả các chế độ độc tài như Trung Quốc và Nga. Những người Da Đen có khả năng bị bỏ tù gần gấp sáu lần so với những người đồng trang lứa Da Trắng của họ, và chỉ có khoảng 61 đến 80 phần trăm trong số bị bắt giam quá mức đó được giải thích bởi tỷ lệ phạm tội cao hơn trong cộng đồng Da Đen.

Sự chênh lệch giữa các chủng tộc là một trong những lời giải thích chính cho sự mất lòng tin của người Mỹ Da Đen vào hệ thống tư pháp hình sự. Nói cách khác, đó là một lý do làm nhiều người trong các cộng đồng này cảm thấy rằng họ cần phải tự thực thi luật pháp - đôi khi dẫn đến nhiều tội phạm bạo lực hơn.

Nhưng những hậu quả khác biệt giữa các chủng tộc mà đã dẫn đến sự mất lòng tin này có phải là cố ý hay không? Nó có phải là "Luật Jim Crow mới," như thuật ngữ được phổ biến bởi cuốn sách cùng tên của Michelle Alexander? Nghiên cứu về lịch sử của Latzer nói rằng không phải, vì các nhà lập pháp - bao gồm cả các nhà lãnh đạo Da Đen - lúc đó đang phản ứng với một làn sóng tội phạm thực sự. Đây là một điểm quan trọng cần làm rõ trong tranh luận chính trị, chứng minh rằng một chính sách, dù có ý tốt như thế nào, cũng vẫn có thể mang lại những hậu quả nặng nề không mong muốn.

Lịch sử cho thấy rằng lần tới khi ai đó xây dựng một chính sách dẫn đến sự bất công chủng tộc lớn thì hung thủ sẽ không nhất thiết là một nhân vật phản diện, kỳ thị chủng tộc rõ ràng, mà người Mỹ có thể dễ dàng nhận ra. Thay vào đó, có khả năng cao đó là một người thực sự có ý định tốt và thực sự đang cố gắng giải quyết các vấn đề quan trọng - nhưng đã không suy nghĩ thấu đáo về những nhược điểm và hậu quả không lường trước được.

Vì vậy, để tránh nhiều chính sách tai hại như tống giam hàng loạt, người Mỹ cần nhận thức rõ về những hậu quả xấu tiềm năng mặc dù chính sách có những ý định tốt. Nếu không thì một nhóm các chính sách tư pháp hình sự mới, cũng như các chính sách cũ, có thể gây ra lại cùng những vấn đề trong cộng đồng Da Đen và mức độ tội phạm cao mà cuốn sách The Rise and Fall of Violent Crime đã cực kỳ quan ngại.

Translation by Tram Nguyen and Cookie Duong

Edited by Nhan Nguyen

コメント


bottom of page