top of page

Đối lập giữa hai hệ ý thức trong cộng đồng người Việt tại Mỹ: Người lớn bảo thủ và Người trẻ tự do

Updated: Aug 31, 2020


Anh Đỗ, ngày 19 tháng 02, 2017

Ông Steve Trần, một kỹ sư cơ khí năm nay 80 tuổi tại Garden Grove, đã rời khỏi Việt Nam vào năm 1975 cùng vợ con. Ông và con trai đều ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump trong khi người cháu trai 14 tuổi thì lại không như thế. (Mark Boster/ Los Angeles Times)


Ông Steve Trần mở tấm chắn của một trụ bán báo trên đường Moran khu Little Saigon và thốt lên rằng: “Thật là một người đàn ông tuyệt vời!”


“Nói cho mà nghe, chuyện tổng thống không cho người Hồi giáo nhập cảnh là điều phải làm,” người kỹ sư tuổi 80 tị nạn chiến tranh Việt Nam này chia sẻ. Ông Steve nói thêm, “so với họ thì chúng tôi là những di dân tị nạn mẫu mực. Còn họ vốn không phải là dân tị nạn chính trị như chúng tôi. Có hai dạng người muốn nhập cư vào Hoa Kỳ - những người đến tìm tự do và những người chà đạp tự do.”

Tuy nhiên cháu của ông Trần lại có một cách nhìn nhận khác đầy hoài nghi về cách làm của Trump và điều này là một dẫn chứng rõ ràng cho tình trạng phân hóa sâu sắc trong tư tưởng chính trị giữa hai thế hệ của cộng đồng người dân tị nạn Việt Nam tại Hoa kỳ.


Kevin Trần, 14 tuổi, chia sẻ rằng, “Đó là một dạng kỳ thị khi ta quy tất cả những người theo đạo Hồi vào giới khủng bố. Khi ta thấy một người Hồi giáo làm chuyện xấu rồi đánh đồng tất cả những người Hồi giáo khác đều như thế thì đó là ‘quơ đũa cả nắm’. Cháu không được dạy để có lối suy nghĩ như vậy.”


Kevin là một học sinh lớp 8 tại trường Emmaus Lutheran ở thành phố Alhambra. Cậu được sinh ra tại bang California và cũng như những người bạn Mỹ gốc Việt đồng trang lứa khác, họ là thế hệ thành quả từ hành trình tìm tự do của cha ông sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Hiện nay quận Cam là nơi có số người Việt hải ngoại cư ngụ lớn nhất trên thế giới với dân số hơn 300,000 và cả ngàn khu thương mại trải dài rải rác khắp các thành phố như Westminster, Garden Grove, Fountain Valley, và Santa Ana.


Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cùng sự sụp đổ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, những dòng người Việt Nam tị nạn tìm tự do đã được sự chấp thuận của chính phủ Tổng thống Gerald Ford cho nhập cư vào Hoa Kỳ để bắt đầu một cuộc sống mới ở quê hương thứ hai.


Cũng như hầu hết đa số những người ở thế hệ cha ông, ông Steve Trần cũng là một người luôn trung thành với đảng Cộng hòa.


Khác với ông nội của mình, cậu Kevin đã được sinh ra và lớn lên trong một môi trường đa văn hóa, đa sắc tộc, và đa tôn giáo.


Có lẽ vì vậy nên thế hệ người Việt trẻ thường mang tư tưởng Dân chủ. Theo các chuyên gia, những người trẻ có tư tưởng chính trị phóng khoáng hơn so với cha ông vì cuộc sống của họ được tiếp xúc xã hội ở một môi trường đa dạng hơn.

“Đa phần những bậc cha ông ủng hộ Trump và đảng Cộng hòa bởi vì họ cho rằng chỉ có những thế lực chính trị này dám công khai chống đối nhà cầm quyền Cộng sản đã đẩy họ phải rời xa quê hương xứ sở,” đó là lời nhận định của Linda Vo, giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á Châu tại Đại học UC Irvine. Linda Vo thêm rằng, “Trong khi đó, thế hệ trẻ được lớn lên tại Hoa Kỳ và chia sẻ cùng một môi trường sống với những sắc dân da màu khác. Vì vậy, tư tưởng của thế hệ trẻ trở nên phóng khoáng hơn trong việc nhìn nhận, thông cảm và hòa nhập với những khác biệt về bản sắc, văn hóa và tôn giáo của những dân tộc khác.


Cô cũng nói, trong khi đó thì thế hệ thứ nhất - thế hệ di dân tị nạn - phải đối mặt với trở ngại lớn từ rào cản ngôn ngữ và điều này đã hạn chế cơ hội tiếp xúc của họ với những nền văn hóa khác trong xã hội Hoa Kỳ.


Cậu Kevin bộc bạch rằng chính cả giáo viên lịch sử và cha của cậu đã khuyến khích cậu nên tìm tòi sâu hơn về những kinh nghiệm di dân “bởi vì nó giúp con tạo được nhịp cầu nối với chính kinh nghiệm sống bản thân.”


Tuy nhiên, Kevin và cha của cậu đã không tìm được tiếng nói chung về sắc lệnh cấm người Hồi giáo không được vào Hoa Kỳ của Trump.


“Tôi sẽ vô cùng thất vọng nếu nước Mỹ đã không dang tay cưu mang đón nhận cha tôi khi ông di cư vào đây,” Kevin thổ lộ. “Cha tôi, cũng như những người Việt Nam tị nạn khác, sẽ không thể nào có được như ngày hôm nay nếu Hoa Kỳ đã không mở lòng chào đón họ năm xưa. Vậy thì tại sao ngày nay chính chúng ta lại muốn cấm những người nhập cư khác?”

Quang cảnh tại tiệm bánh mì Lee’s Sandwiches tại thành phố Westminster. Các thực khách đã dùng xong bữa trưa và đang trao đổi về những tin tức chính trị trong cộng đồng và từ chính phủ.

(Mark Boster / Los Angeles Times)


Năm 1975, sau khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa đầu hàng chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, nhà văn Nguyễn Thanh Việt cùng với anh trai và ba mẹ tham gia làn sóng di dân đầu tiên và cuối cùng dung thân ở Fort Indiantown Gap — một trại tái định cư ở bang Pennsylvania.


Vì phải tìm người đỡ đầu nhằm mong thoát khỏi trại tị nạn, không lâu sau gia đình buộc phải tách ra. Lúc đó, anh chỉ mới bốn tuổi.


Nhiều thập kỷ sau, chính trải nghiệm đầy ám ảnh đó đã truyền cảm hứng cho vị giáo sư trường Đại học Miền Nam California (University of Southern California) khi anh xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, “The Sympathizer” (Người nằm vùng), và giành được giải thưởng Pulitzer ở hạng mục tiểu thuyết vào năm 2016.


Cuốn sách mới nhất của anh có tên “The Refugees” (Những người tị nạn), một tập truyện ngắn mà anh mong muốn được đem tiếng nói của những người nhập cư “trong đau đớn và hạnh phúc” đến với độc giả.


Nhà văn Thanh Việt, 45 tuổi, chia sẻ: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ người tị nạn Việt Nam có điểm gì khác biệt so với những người tị nạn khác, mặc dù họ có rất nhiều định kiến. Một số người tị nạn trong chúng ta hoàn toàn thoải mái với ý tưởng rằng tiếng Việt với mọi sắc thái của nó có thể được chấp nhận tại Mỹ, nhưng sự hiện diện của người Syria tại đây thì lại không."


Anh tin rằng sự bấp bênh đầy biến cố trong cuộc sống của những người tị nạn khiến con người ta rất không thoải mái.


Anh Việt nói thêm: “Những người phải di dân vì chiến tranh hoặc thảm họa chính trị nhắc ta rằng chúng ta có rất nhiều thứ để mất. Đây có thể là lý do tại sao những người tị nạn không được chào đón."


Tại Trung tâm mua sắm Asian Garden ở Westminster, Ba Nguyễn, một phi công về hưu 70 tuổi ở Garden Grove, cho biết ông hoàn toàn miễn nhiễm trước những nghi vấn về “tất cả những lệnh được ban hành (từ Tổng thống Trump)”.


Ông quả quyết rằng: “Là một công dân, bạn cần phải ủng hộ tổng thống của mình. Nếu không, nó giống như một đứa trẻ sống trong nhà của cha mà hoàn toàn làm trái lời cha mình. Điều đó thật vô lý."


Cách đó không xa, Cheryl Trần vừa chuẩn bị xong món gỏi đu đủ. Là một nhân viên 40 tuổi tại một viện dưỡng lão, cô đã chỉ trích quyết định của Trump. Cô rời Việt Nam năm 1988 cùng chị gái cùng mẹ khác cha, người được cấp quyền nhập cư vì cha cô là người Mỹ.


“Chúng ta có thể có những kẻ khủng bố từ bên trong chứ không chỉ từ bên ngoài. Họ đã không nhận ra điều này khi họ muốn ban hành lệnh cấm sao? " Trần chất vấn. “Xu hướng là cải thiện bản thân, sau đó cải thiện môi trường xung quanh. Đó là nghị lực của những nhóm người nhập cư đã xây dựng nên nước Mỹ.”


Trịnh Hội, một luật sư với thâm niên làm việc vài thập kỷ trong mảng tái định cư các gia đình phải di dời khỏi Đông Nam Á, cho biết những người nhập cư Việt Nam hiểu rõ cảm giác tháo chạy khỏi nơi gọi là quê hương là như thế nào.


Trịnh Hội, 46 tuổi, chia sẻ: “Cộng đồng người Việt của chúng ta phần lớn là người tị nạn. Chúng ta luôn nên bênh vực và bảo vệ quyền của người tị nạn. Đó vừa là đặc ân vừa là trách nhiệm của chúng ta.” Cha anh bị đưa vào trại cải tạo khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.


Các quan chức cộng sản đã đày những người còn lại trong gia đình anh đến “vùng kinh tế mới”, thường là những vùng núi non hoang vu với điều kiện sống khắc nghiệt. Họ sống mòn mỏi cho đến năm 1980. Sau khi cha anh được trả tự do, cả gia đình anh trốn đi bằng thuyền và cuối cùng định cư ở Melbourne, Úc. Lúc ấy anh 14 tuổi.


Anh Hội nói: “Bây giờ tôi có thể đang làm nông, nếu như tôi không được cho cơ hội có cuộc sống mới này.”


Cha của Danny Nguyễn là nhà thiết kế đồ họa, mẹ là nhà tạo mẫu tóc. Theo cách mà chàng sinh viên chuyên ngành Toán 23 tuổi của Cao đẳng Orange Coast nhìn nhận, họ sống được ở Hoa Kỳ “bởi vì Hoa Kỳ luôn chào đón họ.”


Hầu hết bạn bè của anh là người Mỹ gốc Việt có cha mẹ đều phải đi di tản sau chiến tranh ở quê cha đất tổ.


Nguyễn biết rất ít về sự tồn tại của cha mình trước khi anh được sinh ra. Nguyễn Văn, 55 tuổi, cho biết công việc đầu tiên ở Mỹ của ông là đóng gói bánh mì tròn mới nướng. Ông chưa bao giờ ngả về bất kỳ đảng chính trị nào và chọn không bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.


Danny Nguyễn, cho biết những người như cha mẹ anh lo lắng nhiều hơn về công việc mưu sinh hàng ngày, trong khi con của họ “tập trung vào một cuộc sống tròn đầy.”


Anh tin rằng Hoa Kỳ đã cắt đứt tương lai của mình khi quyết định ngăn chặn những nhóm lớn người tị nạn, như cha mẹ anh, những người đủ quyết tâm và sự gan dạ để tiến đến biên giới Mỹ.


Anh nói: “Hoa Kỳ đang mất đi rất nhiều người với năng suất làm việc cao, những người xán lạn, khi họ không cho người tị nạn sự lựa chọn được nương thân trên đất Mỹ.”


Người dịch: Trí Lương và Duy Minh

Biên tập: K. Tran

Comments


bottom of page