top of page

Đối với người nhập cư, ID chứng minh là một rào cản để được nhận một liều bảo vệ

Translated from The Washington Post's article For immigrants, IDs prove to be a barrier to a dose of protection


Đường xếp hàng bắt đầu từ bên ngoài trên một con đường thường chật cứng những người đang đứng chờ vào các quán bar mà sinh viên đại học hay tụ họp, và kéo dài tới cầu thang của một ngôi nhà cứu hỏa cũ đến Trung tâm Công nhân Brazil, nơi mà mọi người đến để được tiêm coronavirus vắc-xin vào một buổi sáng mùa xuân lạnh giá tại New England này.

By Akilah Johnson, on 10-04-2021, 03:00:00

Đường xếp hàng bắt đầu từ bên ngoài trên một con đường thường chật cứng những người đang đứng chờ vào các quán bar mà sinh viên đại học hay tụ họp, và kéo dài tới cầu thang của một ngôi nhà cứu hỏa cũ đến Trung tâm Công nhân Brazil, nơi mà mọi người đến để được tiêm coronavirus vắc-xin vào một buổi sáng mùa xuân lạnh giá tại New England này. Cuối cùng thì cũng đến lượt Maria Sousa. Cô đã chờ đợi hơn một giờ với chồng và con gái khi một tình nguyện viên của trung tâm chào đón họ bằng tiếng Bồ Đào Nha và hướng dẫn họ đến bàn đăng ký, nơi họ xuất trình giấy tờ chứng minh thư - hộ chiếu Brazil. Việc tiêm vắc-xin tại địa điểm này là lựa chọn duy nhất mà họ đã cân nhắc. Dân nhập cư đã bị các hiệu thuốc và những nơi khác từ chối từ sau khi những nơi này yêu cầu họ xuất trình bằng lái xe, số An sinh xã hội hoặc thẻ bảo hiểm y tế - những loại giấy tờ mà các tiểu bang hoặc chính phủ liên bang không bắt buộc phải có nhưng các điểm tiêm chủng trên toàn quốc lại yêu cầu, bao gồm cả điểm tiêm chủng trên cùng con đường tại đây. Những yêu cầu này thường được đưa ra bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ mà nhiều người đi tìm vắc-xin không rành. Một số cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp vắc-xin đã nhìn nhận vấn đề này và cam kết sẽ chấm dứt nó. Gia đình của Sousa không muốn gặp rủi ro nào. Ở đây, nếu có ai yêu cầu cung cấp thêm thông tin - và tình huống này đã xảy ra - thì sẽ có người can thiệp. Khi người phụ nữ ngồi sau bàn nhập tên của Sousa, một bức ảnh hiện lên trên màn hình của cô ấy. Vì Sousa hiện 43 tuổi đang đeo khẩu trang, người phụ nữ này đã hỏi địa chỉ để xác định xem có phải cùng một người hay không. Khi địa chỉ không khớp với những gì trong hệ thống, cô ấy đã đòi hỏi thêm những thông tin khác. Trong lúc một tình nguyện viên cố gắng giúp Sousa, giám đốc điều hành của trung tâm đã vào cuộc. Bà yêu cầu nhân viên đăng ký chấp nhận tất cả các loại giấy tờ xuất trình, và dùng địa chỉ của trung tâm nếu cần. Cuộc chạy đua sinh tử để có được càng nhiều người tiêm chủng càng tốt trước khi nhiều biến thể của coronavirus sinh ra, như một biến thể đã xuất hiện ở Brazil, bắt đầu chậm nhưng đã tăng lên khi nhiều người có năng lực và tâm chí đã lần tìm ra phương hướng trong một hệ thống như mê cung để vượt qua vạch đích của mình. Khi một quốc gia gần chạm đến điểm cung sớm vượt cầu, những người không được tiêm chủng càng ngày sẽ là những người do dự hoặc bị từ chối vì các rào cản đã cản bước họ. “Chúng ta đã làm tốt công việc bình đẳng hoá quy trình cung cấp vắc xin. Rất nhiều tiểu bang đã mở cửa cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên, " Jeffrey Hines, giám đốc y tế về sự đa dạng, hòa nhập và công bằng sức khỏe tại Wellstar Health System ở Atlanta, cho biết. "Nhưng bình đẳng không phải là công bằng." Bình đẳng có nghĩa là mang lại cho mọi người các nguồn lực và cơ hội như nhau, trong khi công bằng tính đến các hoàn cảnh khác nhau của mọi người và phân bổ các nguồn lực dựa trên nhu cầu để đạt được một kết quả bình đẳng. Hines nói: “Sự bình đẳng có thể hoàn thành công việc một cách nhanh chóng. Còn sự công bằng cần được thực hiện một cách có chủ đích hơn”. Chính phủ liên bang cho biết mọi người đều có quyền được tiêm vắc-xin coronavirus bất kể tình trạng nhập cư, và Bộ An ninh Nội địa nói “đảm bảo rằng tất cả các cá nhân cư trú tại Hoa Kỳ đều có thể tiếp cận vắc-xin là một điều kiện bắt buộc về đạo đức và sức khỏe cộng đồng”. Nhưng mỗi tiểu bang có quy trình đăng ký tiêm chủng khác nhau và các địa điểm tiêm chủng thường đưa ra các quy tắc riêng của họ - các chính sách làm tăng sự phân chia chủng tộc và sắc tộc trong việc tiêm chủng coronavirus. 26 tiểu bang giới hạn vắc-xin cho những người sống và làm việc ở đó, chứng minh tình trạng cư trú thông qua hóa đơn điện nước hoặc giấy chứng minh từ công sở. Theo phân tích gần đây của nhóm chính sách y tế Kaiser Family Foundation, chỉ khoảng 1/4 trong số các trang web của các tiểu bang có nói rõ rằng những người nhập cư không giấy tờ vẫn có đủ điều kiện để tiêm, và việc tiêm phòng sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng nhập cư của họ. Chỉ có 10 tiểu bang và D.C., dù có yêu cầu phải là cư dân của tiểu bang, nhưng họ cho phép những người nhập cư không có giấy tờ tùy thân được xin cấp bằng lái xe hoặc chứng minh thư của tiểu bang. Massachusetts không phải là một trong số tiểu bang này, và trang web của tiểu bang hướng dẫn mọi người cách chuẩn bị cho cuộc hẹn tiêm vắc-xin cho biết rằng mặc dù các điểm tiêm chủng có thể yêu cầu ID hoặc thẻ bảo hiểm, nhưng “điều đó chỉ áp dụng cho những người có giấy tờ”. Natalícia Tracy, giám đốc điều hành của Trung tâm Công nhân Brazil của Boston, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên bảo vệ và thúc đẩy quyền lao động và người nhập cư cho biết: “Nghĩ đến việc phải có ID là một mối căng thẳng lớn đối với người nhập cư. Khi mọi người yêu cầu xuất trình ID, họ nói rõ là Massachusetts ID. Họ không nói rằng ID nào cũng được. " Những người bị các quy tắc vô lý này làm tổn thương thường là những người phải đấu tranh chống chọi lại chúng. Các chuyên gia và những người ủng hộ người nhập cư nói rằng mặc dù cuộc đối thoại về việc thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm chủng tập trung phần lớn vào việc thúc đẩy sự chấp nhận vắc xin, nhưng việc tiếp cận chúng cũng cần phải là một phần của cuộc đối thoại này. Họ nói rằng điều đó đặc biệt đúng đối với các cộng đồng vẫn phải chịu đựng các chính sách nhập cư có quan niệm thù địch công khai đối với người da màu nhập cư đặt ra dưới thời chính quyền Trump . Frankie Miranda, chủ tịch của Hispanic Federation, một nhóm vận động và phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, cho biết: “Rất dễ để nói rằng đây là sự do dự về vắc-xin." Thay vào đó, ông chia sẻ, có hàng loạt yếu tố ảnh hưởng tới vấn đề này, bao gồm thời gian và thiết bị để đăng kí tiêm chủng trực tuyến, phương tiện để tới các điểm tiêm phòng và dịch vụ dịch thuật - cho tới cả ngôn ngữ sử dụng trên các tờ rơi. Thử lấy ví dụ một bản tinquảng cáo song ngữ sặc sỡ dùng để thông báo sự kiện tiêm vắc-xin drive-through (lái xe qua điểm tiêm phòng) tại một hạt của North Carolina. Hình ảnh bao gồm một lực lượng lao động thiết yếu rất đa dạng đang đeo khẩu trang, trộn lẫn một số ít những người da màu và nhập cư. Nhưng tờ quảng cáo bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha tuyên bố rằng những người “65 tuổi trở lên” đủ điều kiện tiêm phòng. “Ngay lập tức bạn đã gửi đi thông điệp: đừng tới đây,” Miranda nói. “Đó là một ví dụ cho việc ngôn ngữ có thể cản trở nỗ lực vươn tới những cộng đồng mà bạn thật sự muốn trợ giúp." Rất nhiều người nhập cư sẽ không liều mình để đi tiêm phòng ở những nơi lạ cho dù công việc, nơi ở cũng như các bệnh lí nền khiến họ có khả năng bị nhiễm bệnh cao hơn, các nhà hoạt động và chuyên gia sức khỏe cho hay. “Những người yếu thế thường sẽ lui tới những nơi mà họ tin tưởng,” Hines nói. “Họ không nhất thiết phải tìm tới những điểm tiêm chủng lớn.” Cung cấp hàng ngàn mũi tiêm tại các cơ sở lớn có lẽ sẽ là cách nhanh chóng hơn để thực hiện tiêm chủng mở rộng, nhưng “bạn đang làm giảm dần ” số lượng người chưa tiêm vắc-xin từ những cộng đồng thiểu số sử dụng những nơi mà họ tin tưởng, anh bổ sung. Brazilian Worker Center đã thực hiện hơn 200 mũi vào ngày Thứ sáu Tốt lành. Nhưng đó chỉ là một số nhỏ trong những người đang cần trợ giúp. Danh sách chờ tiêm của trung tâm: 2500 người và sẽ còn tăng lên. “Nếu không nhờ trung tâm, chúng tôi sẽ không đi tiêm,” Sousa, người cùng gia đình di cư từ São Paulo cách đây 18 tháng, trả lời. “Căng thẳng đang dâng trào trong cộng đồng người nhập cư. Tin đồn ở đây truyền đi rất nhanh,” Thomaz A. Saenz, chủ tịch và cố vấn của Mexican American Legal Defense and Educational Fund nhận định. “Chúng ta đang cần một sự đầu tư bài bản và tập trung trong vấn đề truyền đạt tới người dân - gần ngang tầm với việc tiếp cận cộng đồng về điều tra dân số sau nỗ lực thêm câu hỏi về quốc tịch bất thành. Điều đó là vô cùng cần thiết.” Trong đợt Điều tra dân số năm 2020, các cơ quan địa phương, tiểu bang và liên bang đã phải tìm cách giảm nỗi sợ của người nhập cư và gia đình họ, hợp pháp lẫn bất hợp pháp, thúc đẩy họ hãy "vì mục tiêu không bỏ sót” và tham gia vào cuộc điều tra. “Chúng ta phải chỉ ra nỗi sợ của mọi người và đánh thẳng vào đó. Không thể cứ nói chung chung rằng “Ai cũng nên tiêm vắc-xin và đấy là điều đúng đắn,”" Saenz nhấn mạnh. “Thông điệp đưa ra phải rõ ràng: Sẽ không một ai phải gánh chịu rủi ro liên quan tới chính sách định cư hay bất kì thứ gì khác. Nó phải cụ thể tới mức đó.” Theo số liệu của liên bang, mặc dù số ca tử vong và nhiễm vi-rút cộng đồng người da màu chiếm tỉ lệ cao hơn so với tỉ lệ dân số của hô , tỉ lệ tiêm phòng ở các hạt có cộng đồng người da đen và người La-tinh đang thấp hơn so với các khu vực người Mỹ bản địa, người da trắng hay người Mỹ gốc Á ngụ cư. COVID-19 là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với người Mỹ La-tinh và khiến người da đen trở thành cộng đồng có tỉ lệ tử vong theo nhóm tuổi cao nhất trong năm ngoái, theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Hiện tại vẫn chưa có số liệu cụ thể về tỉ lệ nhiễm, tử vong hay tiêm phòng của người nhập cư. Từ kinh nghiệm gần hai thập kỉ đấu tranh cho người nhập cư, Juvencio Rocha-Peralta, giám đốc điều hành của Hiệp hội người Mê-xi-cô tại North Carolina, cho biết bản thân ông đã tiên liệu từ lúc đại dịch bắt đầu rằng “cộng đồng này sẽ ra rìa.” Những cuộc đối thoại xung quanh sức khỏe cộng đồng và các đối tượng bên lề trong tiểu bang thường bỏ qua những người nhập cư gốc La-tinh, đặc biệt ở cấp độ địa phương, Rocha-Peralta chỉ ra. Tổ chức của ông gần đây đã phối hợp với các cơ quan chăm sóc sức khỏe để tổ chức các đợt tiêm vắc-xin. “Họ chỉ nói về người da trắng và da đen, chấm hết,” anh bày tỏ, nhưng nhu cầu của cộng đồng nhập cư lại mang tính đặc thù riêng. “Cộng đồng này không có giấy tờ. Thậm chí cũng không có bằng lái xe như những người khác,” ông nói. “Nhưng chúng tôi vẫn thấy thông tin ngoài kia yêu cầu có ID, một điều tối kỵ. Đây là một nỗi sợ đối với cộng đồng.” Tracy, người đứng đầu Brazilian Worker Center, đã phải trực tiếp đối mặt với vấn đề này khi tới tiêm tại một điểm tiêm chủng tại Boston. Người bạn đi cùng cô được đề nghị chích ngừa mà không cần hẹn trước hay phải xuất trình ID. Anh từ chối, nói rằng mình tới đây để cổ vũ cho Tracy, một người gốc Phi-Brazil. “Người phụ nữ quay sang phía tôi và hỏi, ”Tên cô là gì? Mời cô xuất trình ID Massachusetts của mình. Tôi muốn đảm bảo rằng cô là một cư dân Massachusetts."" Tracy kể lại. “Tôi đã rất tức giận. Tôi cảm thấy người đó chỉ nhìn tôi dựa vào sắc tộc,” Tracy giải thích. “Cô ấy sẵn sàng tiêm vắc-xin cho một người da trắng không có âm sắc đặc biệt trong giọng nói. Nếu không có giấy tờ thì chắc chắn tôi đã rất hoảng loạn.” Là nạn nhân của nạn buôn bán người lao động, bước chân tới Mỹ năm 19 tuổi khi không nói được tiếng Anh và kiến thức chỉ dừng lại ở lớp 8, Tracy tự nhận mình “không có tiếng nói, tàng hình và luôn đứng ngoài lề.” “Tôi hoàn toàn bị ám ảnh với công lý và giận dữ trước sự bất bình đẳng," cô hồi tưởng trong căn phòng chật hẹp của mình, tấm bằng Tiến sĩ của Boston University lồng trong khung treo trên bức tường sau bàn làm việc. Brazilian Worker Center đang đại diện cho gần 100.000 người Bra-xin tại Massachusetts. Họ đấu tranh để đưa trẻ em đoàn tụ lại với gia đình sau khi bị chia cắt bởi những chính sách nhập cư hà khắc dưới thời chính quyền Trump, đảm bảo các thành viên đều có tên trong điều tra dân số và mở ra một chương trình tài trợ lương thực khi người dân mất việc do đại dịch và rơi vào tình trạng thiếu ăn. Tracy trình bày rằng các cơ sở tiêm chủng của trung tâm tiếp nhận một phần cảm hứng từ Black Panther, một đảng phái cho rằng sự bất công trong dịch vụ xã hội là một hình thức áp bức. Các thành viên Panthers mở các phòng khám miễn phí khắp quốc gia, bao gồm cả Boston, với các dịch vụ thăm khám, tiêm phòng, kiểm tra máu và giáo dục về sức khỏe. Ban đầu ý tưởng phân phối vắc-xin đã vấp phải sự phản đối, lí do bởi các quan chức địa phương muốn trung tâm chỉ chú trọng tới việc giáo dục về vắc-xin. Tracy vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục “lên tiếng dù ở bất kì đâu” bằng cách khẳng định rằng sự tiếp cận là cần thiết để loại trừ bất công. Rồi phòng tiêm chủng đầu tiên của trung tâm được lên lịch, với sự giúp đỡ của Lawyers for Civil Rights, một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy nguyên tắc bình đẳng về mặt cơ hội và chống lại sự phân biệt đối với người da màu và người nhập cư, cùng với Whittier Street Health Center, trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ dịch vụ cho các gia đình thu nhập thấp và các cộng đồng đa dạng về chủng tộc và sắc tộc. Đầy háo hức, cô lên mạng và quay nhanh một video để báo cho những người theo dõi mình trên Facebook. Ngay tức thì, trung tâm nhận được hàng loạt yêu cầu, và điện thoại không ngừng reo kể từ ngày hôm đó.


Người dịch: Khang Ton & Phuong Dang

Biên tập: Le Tran


Comentários


bottom of page