top of page

Donald Trump kiện cáo để ngăn chặn việc công khai hồ sơ về cuộc bạo loạn điện Capitol

Updated: Oct 26, 2021


Cựu tổng thống nhắm đến ủy ban Hạ viện và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, cho rằng việc yêu cầu tiết lộ các tài liệu của Nhà Trắng là bất hợp pháp.

By Byron Tau, on 17-10-2021, 13:00:00

WASHINGTON— Hôm thứ Hai, Cựu Tổng thống Donald Trump đã nộp đơn kiện nhằm ngăn việc chuyển giao hồ sơ liên quan đến thời gian ông ở Nhà Trắng cho ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công ngày 6 tháng 1 vào Điện Capitol của Hoa Kỳ. Trong vụ kiện gửi lên tòa án liên bang Washington, DC, một luật sư đại diện cho cựu tổng thống đã yêu cầu thẩm phán liên bang ngăn Cơ quan Lưu trữ Quốc gia chuyển giao hồ sơ từ thời ông Trump còn tại vị cho các nhà điều tra của Điện Capitol, cáo buộc rằng yêu cầu này là không hợp pháp và hồ sơ có chứa các tài liệu mang tính đặc quyền hành pháp. Đơn kiện cho rằng “Yêu cầu của Ủy ban chẳng chỉ là một cuộc tấn công bất hợp pháp, được Biden công khai ủng hộ, và được lập ra để điều tra Tổng thống Trump và chính quyền của ông ấy một cách vi hiến. Luật pháp không cho phép hành động bốc đồng, nghiêm trọng như vậy chống lại một cựu Tổng thống và các cố vấn thân cận của ông ấy.” Sau khi các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện ngăn chặn nỗ lực thành lập một ủy ban lưỡng đảng độc lập, thì vào tháng 6 tại Hạ viện, ủy ban này đã được thành lập trong cuộc bỏ phiếu gần như theo đảng phái, với người đứng đầu là Bennie Thompson (Đảng Dân chủ, bang Mississipp). Ủy ban được giao nhiệm vụ điều tra nguyên nhân và hoàn cảnh cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1, khi một đám đông những người ủng hộ Trump áp đảo cảnh sát và tràn vào tòa nhà, tạm thời làm gián đoạn việc xác nhận chiến thắng của Joe Biden. Ủy ban chủ yếu bao gồm các đảng viên Dân chủ, và thêm hai đảng viên Cộng hòa vốn là những người chỉ trích ông Trump. Là một phần của cuộc điều tra, hội đồng đã yêu cầu quyền truy cập vào một loạt hồ sơ của Nhà Trắng gần và vào ngày 6 tháng 1. Sau khi chính quyền Biden nói rằng không có cơ sở để viện dẫn đặc quyền hành pháp nhằm che đậy hồ sơ, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã lên kế hoạch chuyển giao những hồ sơ này cho Ủy ban vào ngày 12 tháng 11. Ủy ban đã yêu cầu Cơ quan Lưu trữ Quốc gia cung cấp hồ sơ chi tiết về những gì mà ông Trump, cựu Phó Tổng thống Mike Pence và những người khác tại Nhà Trắng đã làm vào ngày xảy ra vụ tấn công. Ủy ban cũng yêu cầu tài liệu nội bộ của Nhà Trắng về các du khách, phương tiện thông tin liên lạc, thông cáo chung và tài khoản mạng xã hội liên quan đến vụ tấn công, cùng với hồ sơ liên quan đến nỗ lực không có căn cứ và không thành công của ông Trump nhằm ngăn chặn việc xác nhận kết quả bầu cử năm 2020. Trong một tuyên bố, ông Thompson và bà Phó Chủ tịch ủy ban Liz Cheney (Đảng Cộng hòa, bang Wyoming) cho biết vụ kiện của ông Trump là một nỗ lực trì hoãn và cản trở cuộc điều tra của ủy ban. Cả hai cho biết “Án lệ và luật pháp đều đứng về phía chúng tôi,” và nói thêm rằng ủy ban sẽ đấu tranh với vụ kiện trong khi vẫn tiếp tục điều tra.

Để hiểu rõ hơn về cách một đám đông hàng nghìn người vượt qua cảnh sát và tấn công Điện Capitol của Hoa Kỳ, tờ Wall Street Journal đã dành hàng giờ phân tích các video và âm thanh từ cuộc bạo động. Hình ảnh minh họa: Laura Kammermann (Video từ ngày 12 tháng 1 năm 2021). Bị đơn của vụ kiện bao gồm Ủy ban, Cục Lưu trữ Quốc gia, ông Thompson và nhân viên lưu trữ David Ferriero. Hồ sơ chính thức thời ông Trump tại vị là tài sản công. Theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, bộ luật điều chỉnh chủ yếu đối với các hồ sơ từ thời tổng thống tại vị, hồ sơ được chuyển giao cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia quản lý, nơi chúng được lập danh mục và tổ chức để có thể công bố rộng rãi trong tương lai. Luật có các điều khoản đặc biệt để nếu cần thì Quốc hội và các cơ quan chính phủ khác có thể tiếp cận. Công chúng thướng có quyền tiếp cận các hồ sơ năm năm sau khi chính quyền kết thúc. Tổng thống có thể viện dẫn các trường hợp ngoại lệ để bảo vệ một số hồ sơ khỏi công bố công khai trong tối đa 12 năm sau khi kết thúc chính quyền. Một số hồ sơ liên quan đến an ninh quốc gia có thể được bảo vệ lâu hơn. Quyết định giữ kín các tài liệu với lý do đặc quyền hành pháp thường thuộc về Tổng thống đương nhiệm chứ không phải cựu tổng thống. Tuy nhiên, trong một phán quyết năm 1977, Tòa án Tối cao công nhận rằng cựu tổng thống có một số khả năng để đưa ra các yêu cầu về đặc quyền hành pháp sau không còn tại nhiệm nhưng không nêu rõ mức độ của quyền đó như thế nào. Vụ kiện của ông Trump có thể châm ngòi cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài — giống như các vụ kiện mà các luật sư của ông đệ đơn trong suốt quá trình ông làm Tổng thống nhằm trì hoãn nhiều cuộc điều tra của Quốc hội. Đã có hai vụ kiện tiếp cận hồ sơ của ông Trump được chuyển đến Tòa án Tối cao, bao gồm một vụ kiện liên quan đến khả năng Quốc hội được quyền tiếp cận các tài liệu trong việc tiến hành điều tra. Tòa án đã bác bỏ lập luận từ các luật sư của ông Trump và Bộ Tư pháp dưới thời chính quyền của ông rằng tổng thống có các quyền miễn trừ và đặc quyền khiến ông hoàn toàn nằm ngoài phạm vi điều tra của các nhà chức trách đang tìm kiếm tài liệu hoặc lời khai của ông. Nhưng tòa cũng giới hạn phạm vi tiếp cận của Quốc hội trong một số trường hợp, đồng thời nhấn mạnh vai trò trực tiếp của tòa án liên bang trong việc hòa giải các tranh chấp giữa các tổng thống và Quốc hội. Steve Bannon, cựu cố vấn của ông Trump, cho biết ông tính sẽ không chấp hành yêu cầu triệu tập để cung cấp tài liệu và lời khai. Ủy ban đang lên kế hoạch bỏ phiếu về việc buộc ông Bannon tội hình sự vì không chấp hành yêu cầu, và chuyển vấn đề này lên Bộ Tư pháp để truy tố. Bộ chưa cho biết sẽ hành động như thế nào đối với đề nghị này. Dự kiến ​vào tối thứ Ba, Ủy ban ​sẽ bỏ phiếu về nghị quyết đề xuất Hạ viện cáo buộc ông Bannon tội khinh thường Quốc hội. Điều này sẽ bắt đầu một cuộc bỏ phiếu trước toàn thể Hạ viện. Hôm thứ Hai, ủy ban đã công bố một báo cáo bao gồm nghị quyết có liên quan. Báo cáo đề cập ông Bannon khinh thường Quốc hội vì đã không tuân thủ yêu cầu triệu tập ngày 23 tháng 9 để cung cấp lời khai và các tài liệu liên quan đến vụ tấn công vào Điện Capitol. Báo cáo cáo buộc: “Stephen K. Bannon đã biết cụ thể về các sự kiện được lên kế hoạch cho ngày 6 tháng 1 trước khi chúng xảy ra theo nhiều báo cáo được công bố và những tuyên bố công khai của chính mình.” Báo cáo chỉ ra trong podcast của Bannon ngày 5 tháng 1, ông đã nói với thính giả của mình rằng: “Tình hình sẽ trở nên hỗn loạn vào ngày mai. [. . .] Nhiều người nói với tôi, ‘Này ông, nếu tôi tham gia một cuộc cách mạng, tôi sẽ ở Washington.’ Vâng, đây chính là thời khắc để bạn ghi mình vào lịch sử." Báo cáo của ủy ban cũng phản bác các lập luận từ luật sư của Bannon, Robert J. Costello, rằng Bannon không thể đáp ứng yêu cầu triệu tập của ủy ban vì đặc quyền hành pháp được xác nhận bởi cựu Tổng thống Trump. Báo cáo cho biết “Không có cơ sở cho bất cứ viện dẫn nào về đặc quyền hành pháp trên các hồ sơ và lời khai liên quan đến những vấn đề mà trát hầu tòa này nhắm tới, cũng như đối với bất kỳ vấn đề nào khác không liên quan đến quá trình ra quyết định chính thức của Tổng thống.” —Lindsay Wise đóng góp cho bài viết này.


Người dịch: Minh Nguyen Tuan

Biên tập: Derek

Comments


bottom of page