top of page

Đồng bệnh tương lân, người nhập cư chào đón người tị nạn Afghanistan

By JANIE HAR, on 28-12-2022, 20:00:00

SAN JOSE, Calif. (AP) - Tram Pham nghẹn ngào nhớ lại kí ức những ngày đầu khó khăn khi đến Mỹ. Cô cũng không quên giây phút hạnh phúc tột độ khi được một cô y tá nói tiếng Việt hướng dẫn cô làm thủ tục kiểm tra y tế dành cho những người mới sang Mỹ. Cô năm đó là một thiếu nữ tị nạn 22 tuổi từ Việt Nam. Gần ba thập kỉ trôi qua, giờ đây Tram Pham là y tá tại chính phòng khám ở San Jose mà gia đình cô từng được điều trị. Cô hi vọng có thể đáp lễ bằng cách trao đi sự săn sóc mà cô nhận năm xưa. Phòng khám Lao phổi và Tị nạn của Trung tâm Y tế Santa Clara Valley đang tiến hành kiểm tra sức khỏe cho những người xin tị nạn từ Afghanistan sau khi Mỹ rút quân khỏi đất nước này hổi tháng 8. Cô không thể nói tiếng Ba Tư hay tiếng Pashtun, nhưng cô có thể an ủi khi họ căng thẳng vì không kiếm được việc làm hay tới hạn trả tiền thuê nhà. Hôm nọ, cô nắm chặt tay một người phụ nữ Afghanistan trung niên khi bà bật khóc vì hoảng sợ. “Tôi thấy bệnh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi cũng thấy, bệnh nhân người Việt Nam. Tôi thấy rất nhiều bệnh nhân là người tị nạn,” cô nói. “Và tôi thấy bản thân mình (ở họ)." Phòng khám Lao phổi và Tị nạn là một trong rất nhiều các hội từ thiện và tổ chức chính phủ đã tham gia vào công cuộc thực hiện chính sách di dời gần 100.000 người khỏi Afghanistan trước tháng 9 năm 2022 của Tổng thống Joe Biden. Theo một email thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hiện đã có khoảng 48.000 người Afghanistan được chuyển khỏi các căn cứ quân sự Mỹ đến nơi an cư mới, trong đó có hơn 4.000 người ở California. Chiến dịch này đang bị đình trệ để tập trung vào việc mở rộng quy mô cấp tốc sau khi chính quyền Tổng thống Trump mạnh tay cắt giảm các chương trình tị nạn. Tuy vậy, chương trình vẫn nhận được sự phản hồi rất nhiệt liệt và tích cực từ phía cộng đồng, theo lời của cô Krish O’Mara Vignarajah, chủ tịch Dịch vụ Nhập cư và Tị nạn của Giáo hội Luther, 1 trong 9 cơ quan tái định cư quốc gia. "Chúng tôi hiểu rằng quá trình tái định cư không chỉ kéo dài vài tuần hay vài tháng. Sự thành công đòi hỏi công sức của nhiều năm. Và đó là lý do tại sao mối quan hệ bền chặt với cộng đồng là điều rất quan trọng," Vignarajah nói. Với chi nhánh hoạt động trên hơn 24 tiểu bang, tổ chức phi lợi nhuận do cô Vignarajah lãnh đạo đã giúp khoảng 6000 người Afghanistan tái định cư kể từ mùa hè. Trong đó, có 1400 người ở bắc Viriginia, 350 người ở Texas, 275 người ở Washington và Oregon, và 25 người ở Fargo, North Dakota. Phát ngôn viên của Hội Từ thiện Công giáo Oklahoma là Carly Akard chia sẻ tiểu bang Oklahoma dự sẽ tiếp nhận 1800 người, nhưng mới chỉ đón được khoảng nửa số đó. Trong lúc vội vã chạy trốn, rất nhiều người tị nạn đến nơi mà không có giấy tờ tùy thân, Akard cho biết. “Họ bỏ trốn và không mang theo gì cả,” cô nói. Phòng khám ở San Jose đang tất bật tuyển thêm nhân viên và phân phối lại đội ngũ để chuẩn bị tiếp nhận khoảng 800 người được dự đoán là sẽ đến từ giờ cho đến tháng 9. Đây là con số lớn hơn so với 100 người mà phòng khám đã kiểm tra trong suốt năm qua, và phòng khám vẫn chưa chắc khi nào họ sẽ đến, quản lý trung tâm y tế Nelda David cho biết. Tuy nhiên, cô David khẳng định rằng đội ngũ trên 30 nhân viên của cô vẫn sẽ dang rộng vòng tay chào đón người tị nạn đến phòng khám, nơi được thành lập từ 4 thập kỉ trước để hỗ trợ người tị nạn Đông Nam Á sau Chiến tranh Việt Nam. Hầu hết các nhân viên, y tá, trợ lý ở đây đều là người nhập cư hoặc từng là người tị nạn. Họ hiểu được cú sốc khi phải làm lại cuộc đời tại một đất nước mới. Thông dịch viên y tế Jahannaz Afshar ra tận cửa chính để đón các bệnh nhân nói tiếng Ba Tư vào trước khi họ khai báo cho lần khám đầu. Trong một văn phòng không cửa sổ, cô giải thích quá trình kiểm tra sức khỏe toàn diện cần ít nhất là 4 buổi để cập nhật các mũi chích ngừa và kiểm tra các bệnh truyền nhiễm. Tất cả người tị nạn đều phải khám sức khỏe. Không chỉ thế, cô Afshar, người di cư từ Iran vào năm 2004, còn giải thích về những khác biệt văn hóa, ví dụ như người Mỹ ưa thích không gian cá nhân và việc tán gẫu. Cô hướng dẫn cách bắt xe buýt và sử dụng thư viện công cộng cho người mới đến, đồng thời trấn an họ rằng ở Mỹ, người ta giúp đỡ mà không mong nhận trả ơn. Theo lời của cô Mylene Madrid, người điều hành chương trình kiểm tra sức khỏe cho người tị nạn, đa số các nhân viên đều nói được hai thứ tiếng và đến từ nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Myanmar, Sierra Leone và Mexico. Nhưng ngay cả khi nhân viên không nói cùng ngôn ngữ với người tị nạn thì họ vẫn có thể giúp đỡ. Vào một hôm, một người phụ nữ Afghan đã rất bồn chồn và căng thẳng khi đến phòng khám cho lần kiểm tra sức khỏe đầu tiên. Như sau khi kết thúc buổi kiểm tra dài mấy tiếng, bà ấy nói đùa và khoe hình với cô Nikie Phung, một trợ lý sức khỏe công cộng, người từng bỏ chạy khỏi Việt Nam cùng gia đình vài thập kỷ trước.

Hôm khác, một người mới đến từ Afghanistan đến phòng khám vì lý do đau thắt vùng ngực, nhưng bà không thể mô tả những triệu chứng vì quá lo lắng. Y tá Phạm hỏi xin nắm tay bà. Họ ngồi xuống khi người phụ nữ bật khóc, rồi bà chia sẻ về áp lực của chuyện cả gia đình bà phải sống trong một phòng khách sạn chật hẹp. Lúc này thì cơn đau của bà đã thuyên giảm. Cô Pham nhận ra rằng cô con gái và con rể của người này khá sôi nổi và thoải mái hơn khi nói chuyện bằng tiếng Anh. Cô kéo con gái bà sang một bên. “Chị có thể dành nhiều thời gian với mẹ mình không?” cô hỏi. “Hãy nói chuyện nhiều hơn với bà.” Nhân viên ở đây cố gắng hết sức để giúp bệnh nhân tìm việc, cung cấp nội thất cho các căn hộ trống và tận dụng nguồn lực từ cộng đồng cho các vấn đề thuê nhà và cứu trợ khác. Họ thu gom tã cho em bé và phân phát giỏ quà vào Lễ Tạ Ơn. Trong một lần khám định kỳ, một bệnh nhân chia sẻ chuyện anh cần phải sửa xe để có thể đi làm. Chỉ trong vài tuần, phòng khám gây quỹ được $2000 để giúp anh. Afshar nói rằng cô không thể tưởng tượng nổi những gì mà những người tị nạn này đang phải trải qua. Khi cô còn là nhà thiết kế thời trang, cô và chồng không phải chạy trốn bất chấp xung đột và mưa đạn khi họ chọn rời Iran. Ấy vậy mà ban đầu cô cũng rất chật vật. “Đây là một trong những điều mà tôi luôn luôn chia sẻ,” cô nói. “Rằng kể cả khi mọi việc có khó khăn như thế nào thì sau này bạn cũng sẽ hạnh phúc vì … bạn sẽ học được rất nhiều và trưởng thành hơn rất nhiều.” Ở phòng khám, Afshar gọi điện để sắp lịch khám mắt cho ông Mohammad Attaie, một kỹ thuật viên radio 50 tuổi, người chạy trốn khỏi thủ đô Kabul của Afghanistan vào mùa hè cùng vợ là bà Deena, một nhà báo, và con gái họ. Cô bé Sana 10 tuổi rất thích ngôi trường mới ở San Jose, nhưng hai vợ chồng lo lắng về chuyện tìm việc khi họ không nói tiếng Anh. Tuy vậy, việc gặp được những người như cô Afshar và cô Pham đã cho họ sự tự tin. “Họ đã thành công. Họ đang làm việc ở đây. Họ sử dụng ngôn ngữ thành thạo. Tôi hy vọng trong vòng 1 năm, tôi có thể tự đứng trên đôi chân của mình,” Deena Attaie chia sẻ bằng tiếng Ba Tư.


Người dịch: Linh Nguyen & An Nguyen

Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân

Comments


bottom of page