Translated from CNN's article Here's why Chloé Zhao's win matters for Asian women in Hollywood
Lần đầu tiên trong 93 năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho một phụ nữ châu Á. Từ trước đến giờ chỉ có 5 phụ nữ được đề cử và tất cả đều là người da trắng. Chỉ có Kathryn Bigelow là người duy nhất thắng năm 2010 với phim “The Hurt Locker."
By Nancy Wang Yuen, on 25-04-2021, 01:00:00
Lần đầu tiên trong 93 năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho một phụ nữ châu Á. Từ trước đến giờ chỉ có 5 phụ nữ được đề cử và tất cả đều là người da trắng. Chỉ có Kathryn Bigelow là người duy nhất thắng năm 2010 với phim “The Hurt Locker." Nhưng tất cả đã thay đổi vào tối Chủ nhật, khi Chloé Zhao mang về nhà giải Oscar nhờ bộ phim được nhiều nhà phê bình hoan nghênh, “Nomadland”, kể chuyện một phụ nữ U60 (đóng bởi Frances McDormand) ngao du khắp miền Tây nước Mỹ trên chiếc xe van của mình. (Lần đầu tiên trong giải Oscar có hai phụ nữ được đề cử trong hạng mục này với đạo diễn Emerald Fennel là người thứ hai.) Chiến thắng của đạo diễn người Trung quốc khẳng định tầm ảnh hưởng của phụ nữ châu Á trong ngành giải trí, vốn trước giờ đã coi họ như đồ chơi. Củng cố quyền lực Trong giới điện ảnh Hollywood, phụ nữ châu Á vốn bị coi như là một mộng tưởng, mê hoặc và quyến rũ khác lạ dưới mắt của đàn ông Tây phương. Điển hình là trong một cảnh của bộ phim của Stanley Kubrick (1987), “Full Metal Jacket”, một gái gọi người Việt lã lơi tán tỉnh 2 lính Mỹ trắng với câu, “Em đang hứng tình đây..em yêu anh dài lâu.” Một ví dụ khác trong phim “Rush Hour 2” (2001), tại một quán massage, nhiều lao động tình dục gốc Á xuất hiện đằng sau dàn cửa kéo nhưng họ chỉ là bối cảnh thôi, không được vai diễn tốt. Tệ hơn nữa, họ còn có những cử chỉ kích dục và phục tùng với nhân vật của Chris Tucker. Phụ nữ gốc Á thường chỉ được cho đóng vai diễn biếm họa, nhất là khi mới vào nghề. Tâm sự với The Guardian vào 2018, Camille Chen, một diễn viên người gốc Đài Loan kể lại mình bất đắc dĩ phải đóng các vai nhân viên massage và gái mại dâm lúc khởi đầu. Một phụ nữ gốc Á khác tôi phỏng vấn trong cuốn sách của mình, “Reel Inequality: Hollywood Actors and Racism”, nói cô có cảm giác giống như “làm gái điếm” sau khi bị phân các vai diễn rập khuôn về người châu Á. Nhưng khi địa vị của phụ nữ châu Á lớn dần đằng sau hậu trường, thì vẻ đẹp của các nhân vật nữ châu Á trên màn ảnh cũng tăng theo. Trong một chia xẻ với báo Bustle, khi làm biên kịch cho bộ phim “Crazy Rich Asians” (2018)", Adele Lim góp phần củng cố hình ảnh phụ nữ châu Á. Cụ thể là cô cho vai diễn Rachel Chu của Constance Wu nhiều cá tính và tư duy hơn, và nhân vật Eleanor Young của Michelle Yeoh thiện cảm hơn trong cuốn sách mà phim chuyển thể sang. Tiếp theo thành công này, đạo diễn Lulu Wang của bộ phim “The Farewell” (2019), kể chuyện một phụ nữ Mỹ gốc Á (thủ vai bởi Awkwafina, cũng đóng trong phim “Crazy Rich Asians”) cùng gia đình tìm cách giấu bà nội ở Trung Quốc căn bệnh ung thư của bà. Một phần dựa trên cuộc đời của Wang, đây là một phim về gia đình đầy tính nhân văn sâu sắc của phụ nữ châu Á và Mỹ gốc Á. Các nhân vật nữ không hề bị coi như đồ chơi, đơn giản hóa, hoặc mộng tưởng hóa trong phim. Vào năm 2020, bộ phim “Harley Quinn: Birds of Prey” của đạo diễn Cathy Yan, trở thành một trong những phim đa dạng chủng tộc nhất và có nhiều diễn viên nữ nhất trong Vũ trụ DC. Dựa trên kịch bản của Christina Hodson, người gốc Đài Loan và Anh Quốc, bộ phim có nhiều vai diễn nữ, bao gồm Cassandra Cain, một siêu anh hùng gốc Á nhỏ tuổi và dí dỏm. Bất chấp định kiến Zhao làm nên lịch sử trong nhóm các nhà đạo diễn nữ châu Á đang lên. Zhao là nhà làm phim đạt được nhiều giải thưởng nhất trong một mùa trao giải, mang về nhà giải BAFTAs, giải thưởng của Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh và Giải Sư tử vàng của Liên hoan phim Venice, và hàng chục giải khác từ các hiệp hội phê bình. Cô cũng là người phụ nữ châu Á đầu tiên hay phụ nữ da màu đầu tiên thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng cũng như giải Đạo diễn xuất sắc trong phim truyện của Hiệp hội Đạo diễn Hoa Kỳ. Sinh ra ở Bắc Kinh, cô rời Trung Quốc lúc 15 tuổi để đi học tại Anh, và học làm phim tại Tisch School of the Arts của New York University. Sau khi ra trường, Zhao đã tạo dựng tên tuổi mình qua tầm nhìn và tiếng nói độc đáo với cách hòa trộn phim tài liệu và tường thuật. Cô còn được biết nhiều qua những bộ phim truyền đạt tính nhân văn của các diễn viên chính, phần lớn chưa được huấn luyện. Qua những phim như "Songs My Brothers Taught Me" (2015), "The Rider" (2017) và "Nomadland" (2020), Zhao có một góc nhìn thơ mộng độc đáo về miền Tây nước Mỹ. Là một đạo diễn, Zhao nói trong một buổi phỏng vấn với Deadline, cô ghi nhận nhận được “những cảm xúc chân thực của họ” và “Tôi bắt đầu với lòng tôn trọng để tìm hiểu thêm về thế giới của họ, thay vì tự mình quyết định nhân vật phải điễn xuất như thế nào.” Không phải Zhao không nhìn thấy những câu chuyện đó qua lăng kính văn hóa của mình - mà với sự phức tạp cũng như sắc thái riêng, cô cho thấy những góc nhìn đó không chỉ thuộc về những đạo diễn người Mỹ, cũng như những người da trắng khác. Chủ đề của các phim của cô thường chú trọng vào những nhóm sống ngoài lề xã hội như người Mỹ bản xứ hay du mục. Zhao nói với tờ Los Angeles Times hồi đầu năm: “Tôi luôn là một kẻ ngoài lề nên tôi rất gần gũi với họ.” Vượt qua định kiến và khuôn mẫu một lần nữa, dự án tiếp theo của cô sẽ hoàn toàn khác biệt: Zhao sẽ trở thành nữ đạo diễn châu Á đầu tiên cho một bộ phim anh hùng Marvel. Dự kiến ra mắt tháng Mười một năm 2021, “The Eternals" sở hữu dàn diễn viên đa chủng tộc và đa quốc tịch, bao gồm một số diễn viên gốc Á như: Gemma Chan, Don Lee và Kumail Nanjiani. Zhao được cho là sẽ mang tính nhân văn từ những bộ phim của mình vào dự án lớn “The Eternals,” thậm chí còn sử dụng dàn máy quay dùng cho “Nomadland." Việc Zhao được tôn vinh giữa thời điểm làn sóng thù ghét người châu Á đang dâng cao là một điều đáng chú ý. Theo tổ chức Stop AAPI Hate, có đến gần 3.800 vụ việc thù ghét đã được ghi nhận kể từ tháng 3 năm 2020 đến cuối tháng 2 năm 2021 tại Mỹ. Mặc dù những lời khen ngợi của cô không thể xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á, việc cô thắng giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất sẽ thu hút được nhiều ảnh hưởng và tầm nhìn hơn cho cộng đồng châu Á trong ngành điện ảnh Hoa Kỳ vốn đã bị gạt ra ngoài lề xã hội từ lâu. Chiến thắng của Zhao cũng củng cố vị trí của cô trong danh sách các đạo diễn vĩ đại và nhắc nhở Hollywood rằng đàn ông da Trắng không phải là những người kể chuyện duy nhất đáng được vinh danh.
Người dịch: Nhan Tran & Duong Nguyen
Biên tập: Paul Nguyen
Comments