top of page

Giới khoa học bất an khi Nga chấp thuận vaccine chống coronavirus đầu tiên trên thế giới

“Chúng ta phải biết ơn những người đã thực hiện bước đầu vô cùng quan trọng cho nước ta và toàn thế giới.”


Vladimir Isachenkov và Daria Litvinova, ngày 11 tháng 8, 2020



Vào hôm thứ Ba, Nga trở thành quốc gia đầu tiên chuẩn thuận vaccine Covid-19, bất chấp sự hoài nghi và lo ngại của thế giới vì vaccine mới được thử nghiệm trên vài chục người.

Tổng thống Putin đã công bố quyết định chuẩn thuận vaccine từ Bộ Y tế Nga và tiết lộ rằng một trong hai con gái ông đã được tiêm loại vaccine này. Ông cho biết loại vaccine này đã trải qua các bước thử nghiệm cần thiết và cho thấy khả năng tạo miễn dịch chống lại coronavirus lâu dài, mặc dù nhà chức trách Nga chưa đưa ra bằng chứng nào cho tính an toàn hay hiệu quả của nó.

“Tôi biết nó đã được chứng minh hiệu quả và có thể tạo ra miễn dịch ổn định.”, ông nói. “Chúng ta phải biết ơn những người đã thực hiện bước đầu vô cùng quan trọng cho nước ta và toàn thế giới.”

Tuy nhiên, các nhà khoa học ở Nga và các quốc gia khác cảnh báo việc cung cấp vaccine chưa qua bước thử nghiệm cuối có thể phản tác dụng. Các thử nghiệm trong Giai đoạn 3 này – một giai đoạn cần hàng chục nghìn người và hàng tháng để thực hiện – là cách duy nhất chứng minh vaccine có thực sự an toàn và hiệu quả hay không.

Trong khi đó, các loại vaccine đang được thử nghiệm giai đoạn cuối tại Mỹ sẽ cần tới 30,000 người tham gia nghiên cứu cho mỗi loại. Có hai loại vaccine đã bắt đầu tiến hành bước này, và ba loại nữa sẽ được thử nghiệm vào mùa thu này.


“Việc chuẩn thuận vaccine theo kiểu đi tắt đón đầu không giúp Nga dẫn đầu trong việc nghiên cứu vaccine, mà chỉ khiến người dùng gặp nguy hiểm không đáng có”, Hiệp hội tổ chức thử nghiệm lâm sàng của Nga (Russia’s Association of Clinical Trials Organizations) cho biết vào hôm thứ Hai, đồng thời khuyên can các quan chức chính phủ hoãn việc công bố vaccine khi chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm sau cùng.

Mặc dù các quan chức Nga cho biết phải tới tháng 9 họ mới lên kế hoạch sản xuất vaccine đại trà, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova cho biết việc tiêm chủng cho các bác sĩ có thể bắt đầu ngay trong tháng này, và họ sẽ được giám sát chặt chẽ sau khi tiêm. Việc tiêm chủng hàng loạt có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng Mười.

Kirill Dmitriev, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, cho biết: “Chúng tôi dự kiến hàng chục nghìn tình nguyện viên sẽ được tiêm ngừa trong vài tháng tới.” Quỹ này sẽ tài trợ cho việc phát triển nghiên cứu vaccine.

Loại vaccine do Viện Gameleya tại Moscow chế tạo này đã sử dụng một loại virus khác – adenovirus gây bệnh cảm vặt -- đã được sửa đổi để mang gene của các protein hình gai bao phủ lớp vỏ của coronavirus, như một cách kích hoạt cơ chế nhận diện của cơ thể khi thật sự nhiễm bệnh COVID-19.

Công nghệ này tương tự với các loại vaccine đang được nghiên cứu bởi CanSino Biologics của Trung Quốc, Đại học Oxford và AstraZeneca của Anh. Không như những tổ chức trên, giới khoa học Nga vẫn chưa công bố bất kỳ kết quả khoa học nào khi vaccine được thử nghiệm trên động vật hay trên người trong các giai đoạn đầu tiên

Dmitriev cho biết thêm rằng ngay cả khi các bác sĩ và giáo viên Nga đang được tiêm vaccine, các thử nghiệm lâm sàng cấp cao sẽ bắt đầu vào thứ Tư, với sự tham gia của “vài nghìn người” ở nhiều quốc gia, bao gồm UAE, Saudi Arabia, Philippines và có thể cả Brazil.

Associated Press không tìm thấy tài liệu nào trong hồ sơ của Bộ Y tế Nga cho thấy rằng các thử nghiệm cấp cao đã được cấp phép thực hiện. Bộ Y tế hiện vẫn chưa trả lời đề nghị bình luận.

Tổng thống Putin cho biết, một trong hai con gái ông đã được tiêm hai mũi vaccine và có những phản ứng phụ nhỏ như sốt nhẹ, nhưng hiện đang “cảm thấy khỏe và có lượng kháng thể cao.” Chưa rõ liệu con gái ông Putin có phải là một trong những người tình nguyên tham gia nghiên cứu hay không.

Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, Bộ Y tế cho biết rằng vaccine dự kiến sẽ cung cấp hệ miễn dịch chống virus corona trong khoảng thời gian hai năm, dựa trên kinh nghiệm với các loại vaccine sử dụng công nghệ tương tự trước đó.


Tuy vậy, các nhà khoa học trên thế giới cảnh báo rằng kể cả khi vaccine đã được chứng minh hiệu quả, sẽ cần thêm thời gian để có thể biết được miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu.

Trong một bản tuyên bố hôm thứ Ba, Danny Altmann, giáo sư miễn dịch học của Đại Học Hoàng gia London (Imperial College London), cho biết: “Những thiệt hại đi kèm từ việc phát hành một loại vaccine kém an toàn lẫn hiệu quả sẽ khiến các vấn đề hiện tại trầm trọng hơn nữa.”

Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo tất cả các ứng viên vaccine tiềm năng phải trải qua quá trình thử nghiệm đầy đủ trước khi đưa vào thị trường, và nói thêm vào thứ Ba rằng họ đang liên lạc với các nhà khoa học Nga và “chờ được kiểm chứng” dữ liệu nghiên cứu của Nga. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng vaccine không được thử nghiệm đúng mực có thể gây hại theo nhiều cách –tác động tiêu cực lên sức khỏe, tạo cảm giác an tâm sai lạc, hay làm suy giảm niềm tin vào vaccine.

Với điện Kremlin, việc trở thành quốc gia đầu tiên chuẩn thuận vaccine chống Covid-19 là một vấn đề mang tính thể diện quốc gia, khi nước Nga đang cố khẳng định vị thế cường quốc trên thế giới. Tổng thống Putin nhiều lần khen ngợi cách Nga đối phó với dịch bệnh trên các bài phát ngôn được truyền hình toàn quốc, trong khi một số quan chức hàng đầu của Moscow - bao gồm thủ tướng Nga và người phát ngôn của chính ông Putin - đã bị nhiễm bệnh.

Thêm vào đó, tháng trước, Mỹ, Anh và Canada đã cáo buộc Nga sử dụng tin tặc để đánh cắp nghiên cứu vaccine từ các phòng thí nghiệm phương Tây. Nga đã phủ nhận vụ việc này.

Cho đến nay, Nga đã ghi nhận 897,599 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 15,131 ca tử vong.

Vào tháng 5, ông Gintsburg của Viện Gamaleya đã gây sốc khi nói rằng ông và các nhà nghiên cứu khác đã thử vaccine lên chính họ trước khi bắt đầu các nghiên cứu trên người.

Những thử nghiệm trên người này được bắt đầu vào ngày 17 tháng 6 với 76 tình nguyện viên. Một nửa trong số này được tiêm vaccine dạng lỏng, nửa còn lại tiêm dạng bột hòa tan. Một số người trong nửa đầu được tuyển từ quân đội, làm dấy lên nghi vấn rằng các quân nhân có thể đã bị ép phải tham gia. Cuộc thử nghiệm đã được tuyên bố hoàn thành vào đầu tháng này.

Michael Head, chuyên gia nghiên cứu cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton của Anh, cho biết: “Còn quá sớm để đánh giá liệu nó có hiệu quả hay không.”

Đây không phải lần đầu Nga công bố một loại vaccine gây tranh cãi. Putin đã từng khoe rằng các nhà khoa học Nga đã sản xuất vaccine Ebola “được chứng minh là hiệu quả nhất trên thế giới” và “đóng góp nhiều trong việc chống dịch Ebola ở châu Phi”. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy cả hai loại vaccine Ebola này của Nga đã được sử dụng rộng rãi ở châu Phi. Cho đến năm 2019, hai loại vaccine này vẫn còn được WHO liệt kê là “vaccine ứng viên”.


Người dịch: Nhi Nguyen

Biên tập: Quang Thạch

Comments


bottom of page