top of page

Giới trẻ Mỹ gốc Việt nói rằng cha mẹ mình nhẹ dạ dễ tin vào các video thuyết âm mưu

Updated: Jan 17, 2022


Thuyết âm mưu và nghi ngờ về vaccine làm giới trẻ Mỹ gốc Việt lo lắng cho sự an toàn của cha mẹ mình. Họ đang xin các công ty truyền thông xã hội lưu tâm đến vấn đề này.

By Kate Lý Johnston, on 21-04-2021, 13:00:00

Thuyết âm mưu và nghi ngờ về vaccine làm giới trẻ Mỹ gốc Việt lo lắng cho sự an toàn của cha mẹ mình. Họ đang xin các công ty truyền thông xã hội lưu tâm đến vấn đề này. Giới trẻ Mỹ gốc Việt đang cố gắng hết sức chống lại thuật toán của mạng xã hội và các kênh Youtube cực hữu khiến gia đình họ tin vào các thuyết âm mưu, gây căng thẳng quan hệ trong gia dình, và làm mất niềm tin vào sự an toàn của vaccine. “Nếu giờ bạn nói chuyện với bất kỳ người trẻ Mỹ gốc Việt nào, họ sẽ nói họ rất kinh hoàng vì những gì cha mẹ họ xem trên YouTube,” theo lời của Anh Thu Bui một thành viên ban quản trị của Tổ chức Người Mỹ gốc Việt Cấp tiến (PIVOT), một nhóm tình nguyện viên cấp tiến sáng lập ra dự án Viet Fact Check để kiểm định tin giả. YouTube hiện đang phổ biến ở một số gia đình người Việt. Một số kênh tuyên truyền nhiều thuyết âm mưu về đại dịch và vaccine, gồm cả những thông tin sai lệch như người đeo khẩu trang dễ nhiễm bệnh hơn, tỉ lệ tử vong do COVID-19 bị thổi phồng, và số người chết vì vaccine nhiều hơn vì bị COVID-19. Chúng cũng lợi dụng tình hình chia rẽ chính trị trong nước để lan truyền tin giả về các cuộc biểu tình Black Lives Matter vào mùa hè năm ngoái và cuộc bầu cử 2020. YouTube đã gỡ bỏ một số video trên khi BuzzFeed News tiếp cận để phản ảnh. Elena Hernandez, phát ngôn viên của YouTube, tuyên bố rằng cách xử lý tin giả của họ áp dụng cho mọi ngôn ngữ. Theo YouTube, Vietnam thường lọt vào danh sách 10 quốc gia có số lượng video bị gỡ xuống nhiều nhất, nhưng công ty không cung cấp dữ liệu cho các nội dung Tiếng Việt ở các nước khác. Những người của nhóm Viet Fact Check và thân nhân khi trao đổi với BuzzFeed News đã chỉ ra rằng rào cản ngôn ngữ và sự thiếu thốn các kênh tin tức có uy tín bằng tiếng Việt và tiếng Anh là những nguyên nhân chính của vấn đề này. Họ cho rằng vì khoảng trống ấy mà nhiều người chuyển sang các kênh YouTube và phát sóng trực tiếp của Facebook với nội dung tiếng Việt hằng ngày vốn quen thuộc và tin cậy hơn với họ, nhưng thường chứa thông tin sai lệch. “Họ thấy YouTube và Facebook là các hãng có tên tuổi, nên nếu nó có trên YouTube, nghĩa là nó OK”, Diep Tran, trưởng ban biên tập của Viet Fact Check, cho BuzzFeed News hay. Tổ chức này gần đây khảo sát xem cộng đồng người Việt lấy các nguồn tin tức từ đâu, và kết quả cho thấy một danh sách các kênh YouTube và chương trình phát thanh như Đại Kỷ Nguyên. Kết quả số một của khảo sát thuộc về Ngụy Vũ, một người Việt tị nạn, nhà văn, và MC radio kỳ cựu của kênh The KingRadio. Trụ sở của ông này nằm ở Eden Center, trung tâm văn hóa và kinh tế của người Việt ở DC, nơi mà ông ta từng tổ chức một cuộc biểu tình với hàng trăm người không đeo khẩu trang. Kênh The KingRadio hoạt động ở Mỹ gần 30 năm và Ngụy Vũ là một trong những YouTuber có ảnh hưởng lớn nhất trong cộng đồng người Việt, với gần 96.000 người theo dõi. Ông nói với BuzzFeed News ông bắt đầu làm video YouTube để bổ sung cho kênh radio của mình cho vui thôi nhưng giờ nó đang cấp dưỡng cho cả một cộng đồng. “Người ta nghe kênh của tôi suốt ngày… Tôi làm họ thổn thức, làm họ cười. Tôi chia sẽ nỗi niềm với họ”, ông ta nói. “Bạn biết đấy, cộng đồng của tôi không phải ở Virginia, mà là cả thế giới. Có người ở Việt Nam còn nghe kênh tôi mà.” Khi được hỏi về những tuyên bố về COVID-19 trong video của mình, The KingRadio trả lời với BuzzFeed News: “Đây là truyền thông dành cho người dân của tôi, cộng đồng của tôi, khác với truyền thông của anh.” Các nhà hoạt động chính trị chia xẻ với BuzzFeed News rằng một số gia đình lo lắng vì các video YouTube ấy được phát suốt ngày trong nhà mình và gây nguy hiểm cho người nghe. Bui nhớ lại một buổi họp trao đổi ý kiến với người dân ở tòa thị chính có những câu hỏi về vaccine tràn ngập tin giả từ YouTube, như việc vaccine bị chính quyền gắn thiết bị theo dõi. Trong khi những tổ chức như PIVOT nỗ lực chống tin giả, nhiều người trẻ Mỹ gốc Việt cho BuzzFeed biết họ phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ và tấn công trên mạng khi phản bác lại. Điều này khiến nhiều người lo lắng cho sự an toàn của cha mẹ mình. Calvin Truong, 15 tuổi ở bang California, đã giấu cha mình việc chị gái đi chích vaccine, vì ông này tin rằng vaccine gây tử vong và thường xuyên tuyên bố sẽ bỏ Texas đi nếu tiểu bang bắt buộc người dân tiêm chủng. Tại Connecticut, cha mẹ của Peter Lai cũng sẽ không chích ngừa vì một số video YouTube loan tin sai lệch rằng vitamin và cam có thể chữa hết bệnh COVID. Ở nam California, Michelle Pham, 22 tuổi, sinh viên ngành y tá, lo lắng cho người mẹ 54 tuổi khi bà thề không chích vaccine sau khi The KingRadio bảo trong đó có chứa tế bào thai nhi. “Mẹ tôi nghĩ vaccine không hiệu quả với những người không phải đàn ông da trắng, vì các video nói là họ chỉ dùng tế bào từ thai nhi con trai để thử nghiệm”, Pham cảm thấy bất lực vì không thể thuyết phục được mẹ mình. Mẹ cô ta biết được những kênh như thế bằng thuật toán của YouTube sau khi hai người xem chương trình Paris by Night. “Bả xem Youtube xong là gọi điện bạn của bả để tám trước khi đi ngủ”, Pham kể. Pham xíu nữa thì thuyết phục được mẹ mình, vốn trước đó làm trong ngành y tế, để đi chích vaccine, nhưng bị bạn của bà ta làm đổi ý. Cookie Duong, một Tiktoker 23 tuổi và đồng sáng lập Người Thông Dịch, một dự án dịch thuật các bài báo của các hãng thông tấn uy tín đối với người Việt, cho biết cô ta nhận được hàng ngàn bình luận từ nhiều người trẻ đồng cảm với Tiktok của cô ta về việc thuyết phục người thân mình không xem YouTube nữa. “Họ kể rằng mấy cái kênh Youtube ấy được phát ở nhà 24/7, ngay cả trong bữa ăn”, Duong nói. Những kênh này được rất nhiều người Việt lớn tuổi, bảo thủ, với vốn tiếng Anh hạn chế, thích xem. Người Mỹ gốc Việt là nhóm người Mỹ gốc Á duy nhất ủng hộ Donald trump nhiều hơn Joe Biden trong một cuộc khảo sát thực hiện bởi Cục Dữ liệu AAPI trước thềm bầu cử 2020. Các nhà hoạt động cho hay các YouTuber đã lợi dụng những vấn đề họ biết sẽ “gãi đúng chỗ ngứa” của những người bảo thủ trong cộng đồng, chẳng hạn như so sánh đảng Dân chủ với Cộng sản, hoặc gán nó với Trung Cộng. Duong giải thích rằng đối với nhiều người Mỹ gốc Việt di cư tới Mỹ, thái độ bài Trung của họ xuất phát từ chiến tranh Việt Nam. Cô ta từng thấy một số hình bị chỉnh sửa trong đó Ngoại trưởng Anthony Blinken cúi đầu trước các quan chức Trung Quốc được lan truyền khắp các nhóm Facebook bằng tiếng Việt để “làm cho đảng Dân chủ như là tay sai của Trung Quốc” Theo Dede Tran, khi nhắc đến những bài đăng trên Facebook cô đọc được của những người Việt tham gia cuộc bạo loạn Đồi Capitol hồi tháng Một do không muốn nước Mỹ “theo Chủ nghĩa Cộng sản”, nỗi sợ cộng sản và lật đổ chính quyền đã trở thành vũ khí lợi hại cho các tin giả và thuyết âm mưu. Các kênh YouTube cũng nhấn mạnh vào những tội ác nhằm vào người Mỹ gốc Á để tuyên truyền chống người da Đen. Henry Nguyen, 33 tuổi, sống cùng bố mẹ tại Hawthorne, California, đã thuyết phục được họ tiêm chủng, giờ đây đang cố giúp họ cai bỏ những kênh YouTube kêu gọi chống lại người da Đen. Nguyen nói bố mình sợ ra khỏi nhà trước làn sóng kỳ thị người châu Á kể từ hồi đại dịch bắt đầu, và bạn ông cũng không báo cáo khi bị đánh ở San Jose vì sợ bị những người da Đen và Latinh “trả thù”. Nguyen nói nỗi sợ đó được những kênh YouTube Việt nhắc đi nhắc lại liên tục. Troung nói bố mình cũng bắt đầu lặp lại những thuyết âm mưu từ các kênh YouTube về cướp phá trong cuộc biểu tình Black Lives Matter hè năm ngoái. Các nỗi sợ cũng khiến cho nỗ lực chống tin giả bị đình trệ. Các nhà hoạt động của Viet Fact Check nói họ gặp khó khăn với việc xuất bản một tờ báo và phát truyền đơn vì các doanh nghiệp lo ngại bị tẩy chay hay bị chụp mũ “cộng sản.” Duong đã gặp các vấn đề tượng tự ở trên mạng khi làm việc với nhóm Người Thông Dịch cũng như ở nhà cùng bố mẹ. Trên mạng, cô bị chụp mũ “cộng sản” bởi những người tin rằng Người Thông dịch được “các tổ chức nước ngoài” tài trợ để “phá hoại” nước Mỹ. Ở nhà, bố mẹ cô nói con gái đã bị trường học “tẩy não”. Những người hoạt động chống tin giả nói họ hiểu tin giả có từ đâu, nhưng họ đỗ lỗi cho các công ty mạng xã hội đã phớt lờ các báo cáo và khiếu nại liên tục về những video cũng như các đe dọa từ những người bị tố cáo. Mẹ Nấm, một blogger Việt được biết đến với tên Mother Mushroom và được tị nạn tại Mỹ sau khi bị vào tù ở Việt Nam vì chống đối chính quyền, đã bị các YouTuber cực hữu tấn công sau khi cô này đặt vấn đề với các video của họ. Cuộc đụng độ xảy ra khi cô này đăng một bài viết trên Facebook chỉ trích việc cựu Tổng thống Donald Trump tuyên truyền sử dụng thuốc sốt rét để chữa COVID-19. Các YouTuber đã phản pháo, gọi Nấm là “cộng sản nằm vùng” được gửi qua để chống phá Trump và nước Mỹ, đồng thời kiến nghị trục xuất cô này, với hàng ngàn chữ ký. The KingRadio cũng đã chỉ đạo fan của mình “đấm gãy răng và tấn công người thân của ả” sau khi cô này đăng vlog chất vấn các hoạt động kinh doanh của ông này hồi tháng Một. The KingRadio có tiếng là bán Viagra, thuốc, cùng mỹ phẩm mà ông này tuyên bố là do em họ làm, cho khán giả YouTube của mình. Người ta có thể được đặt mua các sản phẩm này qua số điện thoại quảng cáo trong các video. Một nguồn tin nói với BuzzFeed News rằng mẹ cô đã chi hơn 700$ cho một lọ kem đặt qua kênh này, và cô tá hỏa khi không thể tìm thấy thông tin sản phẩm trên Google. Sau khi Nấm lên tiếng về các vấn đề này, cô tiếp tục bị các YouTuber khác đã kích trong các video của họ. Hồi 2020, cô này đã báo cáo một YouTuber cho FBI sau khi bị một fan của The KingRadio lấy trộm bằng lái xe. Tuy nhiên, FBI đã không điều tra vụ này. Lai, một fan của Nấm, đã chứng kiến tận mắt sự quấy rối này. Anh đã báo cáo YouTube những đe dọa của The KingRadio vì sợ fan kênh này sẽ làm theo lời của ôngnày. Anh không nhận được phản hồi nào từ YouTube nhưng họ đã gỡ video của The KingRadio có những đe dọa trên sau khi BuzzFeed News liên hệ để phỏng vấn hồi 14 tháng 4. Trong một buổi tường thuật trực tiếp từ tài khoản phụ hôm 16 tháng 4, The KingRadio cho biết tài khoản chính của mình đã bị khóa 2 tuần. YouTube đã xác nhận rằng tài khoản này cũng đã nhận hai cảnh cáo vì vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, theo quy tắc ba cảnh cáo của họ. Cảnh cáo thứ ba đồng nghĩa với cấm vĩnh viễn. Theo Lai, khóa tài khoản hai tuần vẫn chưa đủ. Anh nói tin giả bằng tiếng Việt sẽ còn tồn tại khi YouTube không gỡ chúng xuống nhanh chóng. Anh đã cố thu hút sự chú ý của YouTube bằng cách thúc đẩy nỗ lực cộng đồng trên Reddit cũng như các website khác để báo cáo diện rộng các kênh này. Mới đây, anh này cũng đã lập tài khoản Instagram để chỉ ra mốc thời gian có tin giả trong từng video và giúp cho cộng đồng báo cáo chúng dễ dàng hơn. Duong cũng đã báo cáo các tin giả trên YouTube và Facebook. Cô nói nhiều báo cáo đã bị phớt lờ hoặc xóa sổ bởi các chính sách mạng xã hội. Chính sách của Facebook nói họ sẽ không xóa các post có tin giả, còn YouTube thì chỉ dựa trên từng trường hợp cụ thể và ảnh hưởng xấu của nó. Các nhà hoạt động cùng Viet Fact Check đã nói chuyện trực tiếp với nhân viên YouTube về các video vi phạm quy tắc của YouTube trong quá khứ cũng như đề nghị giúp tìm nguồn dịch cho các video nước ngoài. Dede Tran phát biểu: “Tôi nghĩ họ cho rằng những nội dung không phải tiếng Anh là không có vấn đề gì cả.” Duong nói cô muốn thấy Facebook và YouTube lập nên một nhóm chuyên tiếng Việt để giám sát tin giả và không nên chỉ tập trung vào một vài video riêng lẻ bởi các kênh này thường đăng chương trình thâu sóng trực tiếp rất dài. Cô nghĩ nhóm nên bao gồm những người thực sự hiểu vấn đề và cách thức YouTuber dùng để lách luật kiểm duyệt bằng cách sử dụng các mật ngữ. Trong các video được đăng tải trên các nền tảng, Trump được gọi là "“Dr. Love,” “Dr. 45,” hay “Yellow Hair” (Tóc vàng); Nancy Pelosi là “Mrs. Gay” (Bà Bê đê); COVID-19 là “the Wuhan flu” (cúm tàu). Nick Nguyen, nhóm trưởng nghiên cứu tại Viet Fact Check, nói với BuzzFeed News anh đã nói chuyện với những nhân viên YouTube nhận thức được việc tin giả đang được lan truyền rộng rãi bằng tiếng Việt trên nền tảng này. “Những người có thể giải quyết được việc này lại cố tình phớt lờ nó đi. Những thuộc cấp của họ rất vui lòng giúp đỡ, nhưng lại không có lý do kinh doanh chính đáng để tiến hành nó," Nguyen phát biểu. Trong email trao đổi giữa Nguyen và đại diện YouTube được BuzzFeed News xem, nhân viên này từ chối hợp tác với Viet Fact Check để đánh dấu tin giả, nhưng nói họ sẽ chuyển phản hồi về cho công ty. Nguyen không nhận được bất cứ tin tức nào của họ từ đó. Trừ khi YouTube chịu hợp tác, các nhà hoạt động nói rằng việc giám sát và chịu trách nhiệm cho nội dung chỉ trông đợi vào các cá nhân riêng. Bui tin tưởng thế hệ trẻ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thay đổi nhận thức của thế hệ lớn tuổi, ở cả hai mức độ cá nhân và cộng đồng. Tuy vậy, cô nghĩ phần khó nhất chính là thuyết phục các bậc cha mẹ rằng nỗ lực đó xuất phát từ tình yêu và lòng biết ơn, không phải là sự hỗn hào. Bui phát biểu: “ĐIều ấy tùy thuộc vào tiếng nói của thế hệ trẻ là Bố mẹ đã hy sinh rất nhiều sang đây để cho con có tự do, cơ hội và giáo dục. Đây là lúc con cho bố mẹ thấy sự giáo dục mà bố mẹ đã cho ban cho con."


Người dịch: Nhan Tran & Duong Nguyen

Biên tập: Paul Nguyen


Comments


bottom of page