Translated from Washington Post's article Two kids, a loaded gun and the man who left a 4-year-old to die
By John Woodrow Cox, on 27-09-2021, 00:00:00
Những đứa trẻ ở trong căn hộ tại D.C. ngày hôm ấy sẽ không bao giờ vượt qua được sự việc đã xảy ra. Còn bản án dành chủ nhân của khẩu súng bất hợp pháp kia thì lại quá nhẹ nhàng. Cô bé 4 tuổi My’onna Hinton chưa bao giờ thích bị ra rìa, nên em đã theo chân cậu anh họ 7 tuổi mà lần mò qua hành lang và bước vào một căn hộ lạ phía đông nam Washington. Cậu bé Tee đã quen với việc này, My’onna đã luôn lẽo đẽo theo cậu từ lúc còn chập chững. Hai đứa trẻ đã luôn thân thiết với nhau mặc dù chúng có tính cách trái ngược. Cô em nhỏ thích búp bê Barbie, phim hoạt hình Disney và sơn móng chân màu hồng tươi, và cậu anh lớn thì mê bóng bầu dục, LeBron James và tung hoành trong trò Grand Theft Auto V. Vậy nhưng My’onna vẫn rất ngưỡng mộ cậu, còn Tee thì luôn chăm sóc em. Lúc bấy giờ, hai đứa trẻ đã có mặt trong căn hộ ấy, và cậu bạn 9 tuổi sống ở đó muốn cho Tee xem một thứ. Ở nhà không có người lớn, mẹ của My’onna thì lại đang bận làm tóc cho một cô gái ở tòa nhà kế bên. Cậu bạn dẫn hai anh em vào căn phòng ngủ phía sau và mở ngăn tủ quần áo. Trong đó có một khẩu súng. Tee kể, cậu bạn đã đưa súng cho Tee. "Không phải súng thật đâu,” Tee đáp. “Đồ chơi thôi.” Rồi cậu bóp cò, Tee kể lại trong một cuộc phỏng vấn, và cậu nghe một tiếng nổ đoàng. Rồi cậu cảm thấy báng súng đập mạnh vào ngực mình. Rồi cậu nhìn xuống và thấy My’onna đã nằm sõng soài trên sàn, máu tuôn ra từ cổ cô bé. Tee quỳ xuống bên cạnh em. “My’onna, em có sao không?” cậu hỏi. Cô bé mở miệng trả lời nhưng tuyệt nhiên không có một âm thanh nào phát ra. Cậu cố đỡ em dậy, nhưng My'onna, lúc này đang nằm nghiêng và thẫn thờ nhìn về phía trước, không hề cử động. Tee ôm lấy đầu em họ mình và khóc.
My'onna làm dáng cho một bức hình ba ngày trước vụ nổ súng (Brayonna Hinton)
Đó là ngày 25 tháng 5 năm 2020, trùng với thời điểm nước
Mỹ vừa bước vào chương tối tăm nhất của nạn bạo lực súng đạn trong vòng ít nhất là hai thập kỷ gần đây. Đến cuối năm ấy, súng đạn sẽ cướp đi sinh mạng của hơn 43000 người nữa, bao gồm hàng trăm trẻ em. Những đứa bé ở Thủ đô thì còn phải trả một cái giá đặc biệt đắt — năm ngoái có 9 em tử vong trong số 95 em bị bắn. Thế nhưng, ngay cả các thành phố và tiểu bang có luật lệ vũ khí nghiêm ngặt nhất tại Hoa Kỳ vẫn chưa thể trừng trị thích đáng những người tùy tiện để súng trong tầm mắt trẻ nhỏ. Người đàn ông tắc trách gián tiếp gây ra cái chết cho My’onna là một minh chứng điển hình. Trong khi Tee ôm em, cậu bé đưa súng cho Tee chạy đi tìm Juwon T. Ford, người thỉnh thoảng ở căn hộ này bắt đầu từ vài tháng trước, và cũng là chủ của khẩu súng bất hợp pháp. Theo hồ sơ tòa thì lúc đó, Ford, 23 tuổi, đang ngồi trong xe nói chuyện với một người bạn. Mặc cho thằng bé cố gắng nói chuyện với y, y không hề nhúc nhích cho tới khi Tee và một đứa trẻ khác chạy ra ngoài. Sau đó y nhanh chóng chạy vào tòa nhà, và cả ba đứa trẻ chạy theo y. Y bắt gặp cảnh My’onna nằm dài trên ngưỡng cửa phòng ngủ. Theo lời của một công tố viên, thân cũng là cha của một đứa trẻ, nhưng Ford bước qua cơ thể bé nhỏ của cô bé yêu cầu Tee đưa khẩu súng cho y. Khi bọn trẻ đã chạy đi hết, Ford bọc khẩu súng lại bằng một chiếc áo phông đen, rồi y bước ra, bỏ lại My’onna một mình chờ chết.
My’onna ló mặt từ ghế sau. (Michael Blackshire/The Washington Post)
‘Cô mau gọi trực thăng đi’
Mẹ của My’onna là Brayonna Hinton vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Tee đứng trước mặt chị, nước mắt giàn giụa, máu dây khắp áo. Chị sợ thằng bé bị xe tông. “Cháu không biết nó là đồ thật,” thằng bé nói. “Gì cơ?" chị gặng hỏi. “Cháu không cố tình làm vậy,” Tee, hiện tại đang sử dụng tên lót để bảo vệ danh tính, nói. “Cháu - xin lỗi.” Chị vội vã chạy sang tòa nhà bên cạnh. Mọi thứ như tối sầm ngay trước mắt Brayonna khi chị tìm thấy con gái con mình. Chị run rẩy gọi 911, rồi chị dùng một chiếc khăn trong bếp ấn vào một bên cổ My’onna mà không hề biết rằng viên đạn đã đi xuyên qua phía bên kia. “Ảnh bắn con,” con bé thì thào. Con bé còn mở mắt, nhưng nó không cử động gì hết, Brayonna báo với người trực tổng đài. Chị cầu xin họ mau tới. Máu chảy càng lúc càng nhiều. “Con sẽ không sao đâu mà,” Brayonna trấn an con, mặc dù chính người mẹ 23 tuổi này cũng không dám tin. Chị tự nhủ, mình sắp mất đi đứa con duy nhất rồi. Hai chiếc xe cứu hỏa của D.C. trờ tới, nhân viên cấp cứu Alex Henry và Eric Budd lách qua đám đông kêu gào hỗn loạn và tiến vào tòa nhà. Lúc ấy, My’onna đã lịm đi được gần 10 phút. Phán đoán của hai người là xương sống của cô bé đã bị trúng đạn. Họ phân vân có nên cố định lưng cô bé trước khi đưa đi hay không, nhưng máu đã chảy nhiều tới nỗi thành một đường dài ít nhất 8 feet dọc hành lang. “Không còn thời gian nữa,” Budd, một người bố hai con, quyết định. “Chúng ta phải đi ngay.”
Eric Budd, một trong những nhân viên cấp cứu tại hiện trường vụ nổ súng, ôm My’onna. (Michael Blackshire/The Washington Post)
Henry, một cựu quân nhân rắn rỏi với 12 năm kinh nghiệm, đỡ lấy thân hình 33 pound của My'onna như đứa bé mới lọt lòng để giữ cho đầu bé không di chuyển. Budd dạt đám đông mở đường cho tới khi họ đến được xe cứu thương. Brayonna hoảng loạn chạy theo họ, nhưng cánh cửa đóng sập lại trước khi chị đuổi kịp. “Tôi là mẹ bé,” chị hét lên, cầu xin được vào, nhưng cảnh sát đã ngăn chị lại. Trong xe, tim con gái chị đã ngừng đập. Trong khi hai người đàn ông vội vàng mặc trang phục bảo hộ — áo choàng, tấm trùm đầu, găng tay, mặt nạ bảo hộ — Henry đặt gan bàn tay phải lên ngực cô bé, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực chỉ bằng một tay vì cơ thể bé quá nhỏ để dùng cả hai.. Nửa phút sau, cô bé bắt đầu thở lại. Cả hai biết rằng họ cần phải đưa cô bé đến Bệnh viện Nhi Quốc gia. Nhưng, họ cũng biết rằng cô bé có thể sẽ không qua khỏi nếu phải đi quãng đường sáu cây số với tình trạng ùn tắc của D.C. “Hãy điều một trực thăng tới nếu có thể,” Budd nói qua bộ đàm trước khi đặt ống thở vào đường khí nhỏ bằng đồng xu trong cổ họng đang sưng lên của cô bé. Bình tĩnh, hai người trấn an lẫn nhau. Hít vào thật sâu nào.
Rất nhanh, một chiếc trực thăng của lực lượng Cảnh sát Tuần tra liền bay đến khu vực hạ cánh trên đường Wheeler, cách đó chưa đến một cây số. Con bé có hy vọng sống sót rồi, hai nhân viên cấp cứu nghĩ, kể cả khi con bé có cần thêm một lần ép tim ngoài lồng ngực nữa. Họ chuyển cô bé qua chiếc trực thăng đang đậu ở địa điểm hạ cánh, cánh quạt quay xé gió. Cô bé sắp tới nơi rồi, ba phút nữa thôi là tới được bệnh viện có đầy đủ thiết bị để giúp bé qua cơn nguy kịch. Nhưng khi chiếc trực thăng vừa trờ tới tầng thượng, hai người trông thấy nhịp tim trên máy của bé mỗi lúc một giảm: 90, 85, 80, 75. Đến lúc hạ cánh, chỉ số đã rớt xuống đầu sáu. Đến lúc vào thang máy, tim cô bé đã hoàn toàn ngừng đập. Henry bắt đầu hồi sức, nhưng con số trên máy vẫn không tăng lên.
Ấn. Ấn. Ấn.
Cửa thang máy mở ra, một nhóm các y tá và bác sĩ đã chờ sẵn. Budd báo cáo lại tất cả những gì anh biết: nạn nhân bị bắn, đạn đi vào và ra tại cổ, đã qua ba lần hồi sức tim phổi. Nhưng lượt ba vẫn chưa kết thúc. Henry nhấc tay khỏi ngực bé để nhường chỗ cho bàn tay của một nhân viên bệnh viện. Budd và Henry đứng sang một bên, áo choàng hai người đẫm máu và mồ hôi. Cùng với nhau, hai người đã sơ cứu cho hơn 200 nạn nhân của các vụ nổ súng. Họ luôn cố để cứu từng người một, nhưng chưa bao giờ cả hai lại mong muốn cho ai đó được sống hơn cô bé bốn tuổi mà họ còn chưa biết tên này.
Ấn. Ấn. Ấn.
Cuối cùng thì một nhịp tim cũng xuất hiện.
My’onna chơi khúc gôn cầu trong một buổi trị liệu tại at trung tâm điều trị Kennedy Krieger ở Baltimore.(Demetrius Freeman/The Washington Post)
Nhân viên trị liệu Lia Brunn và mẹ của My’onna, Brayonna, xem cô bé chơi với đất sét.(Demetrius Freeman/The Washington Post)
My’onna tập cầm kéo trong buổi trị liệu của mình.(Demetrius Freeman/The Washington Post)
'Sao con không cử động được?'
Cô bé có bốn lựa chọn: đỏ, xanh dương, xanh lá và “dàng” - cách bé gọi màu vàng. “Mẹ ơi,” My'onna gọi. “Con sẽ là xanh dương, còn mẹ là màu đỏ nhé.” “Được,” Brayonna đáp lại vào một chiều tháng Sáu, cô ấn những viên bi trong trò Hungry Hungry Hippos vào với nhau trong khi con gái cô dõi theo từ chỗ chiếc xe lăn điện trong phòng khách. Brayonna đẩy cái bàn sang. “Đưa chân con lên để mẹ kê bàn xuống dưới," chị bảo, vì chân của My'onna đang buông thõng đằng trước chỗ tựa. “Mẹ làm cho con đi,” cô bé cự nự. Brayonna kiên quyết nói: “Không, con phải tự làm chứ,” 13 tháng đã trôi qua kể từ vụ bắn súng, cũng là lần cuối cùng My'onna có thể đi. Lúc “trước" - danh từ duy nhất họ dùng để chỉ cuộc sống cũ, hai mẹ con My'onna thường tranh luận về giờ ngủ hoặc liệu bé có được ăn thêm một gói Cheetos nữa. Giờ, những chủ đề của lúc “sau” xoay quanh việc My'onna có chịu cố gắng tự nhặt bút chì lên, cầm thìa hay cử động bàn chân hay không. Lần này cô bé đã chịu nghe lời. Bé chống tay trái lên chỗ tựa và đẩy người về sau, nhìn chằm chằm vào hai chân, bắt chúng phản ứng lại. Hai hàm cắn chặt, bé rướn gót chân trái của mình lên được vài inch. “Mẹ thấy chân con chuyển động rồi nha. Giỏi quá điii,” Brayonna động viên, đưa tay ra để kéo bàn chân cô bé lên hết mức. "Lúc mẹ nắm con có cảm giác gì không?” mẹ cô bé vừa hỏi vừa bóp cẳng chân trái của bé. My'onna dừng lại và ngẫm nghĩ. Cô bé không chắc lắm. Brayonna bảo con gái mình nhắm mắt lại và nhìn lên. “Mẹ đang làm gì nhỉ?” chị tiếp tục đặt câu hỏi, dùng móng tay cạ nhẹ lên cẳng chân bé. “Ồ, mẹ đang gãi phần đó,” My'onna trả lời đầy tự tin. “Mẹ làm lại lần nữa đi.”
Brayonna cùng My’onna trong một buổi trị liệu.(Demetrius Freeman/The Washington Post)
Mẹ cô bé mỉm cười. Có thể My'onna đã lén nhìn, nhưng điều đó chẳng quan trọng. “Sau” này, Bryanna đã kiêm nhiệm thêm nhiều vai trò ngoài việc làm một người mẹ cho con. Chị trở thành cổ động viên trưởng, bạn cùng chơi toàn thời gian, chuyên gia trị liệu tại nhà và người chăm sóc chính, tuy chị vẫn có bạn trai và các hộ lý từ một chương trình Medicaid hỗ trợ hầu như mỗi ngày. Sau khi đã cho hà mã xanh ăn bi, My'onna đòi về phòng chơi, nghĩa là Brayonna cũng phải đi cùng. My’onna điều khiển xe lăn di chuyển qua danh sách hướng dẫn hồi phục chức năng dán ngoài cửa, qua tấm biển ““Nụ cười bằng mười Trào lưu” trên tường, và qua cả tấm trải giường chuột Minnie màu hồng, trên đó có tấm lót từ lần cuối Brayonna thay ống dẫn nước tiểu cho con gái. Cô bé dừng xe và ngắm nghía cách bài trí hiện tại của mô hình Barbie Dreamhouse cao 5 feet trong góc phòng. “Mẹ ơi, chơi với con,” cô bé rủ rê, dùng những ngón tay quắp lại thành nắm trỏ về phía một trong số những con búp bê. “Bạn da Đen ấy. Mẹ đặt bạn đó lên xe lăn đi.” “Ồ, ra là bạn đó phải ngồi xe hả?” “Dạ,” cô bé đáp lại. “Mẹ đưa bạn ấy vào thang máy đi,” My’onna hướng dẫn cho mẹ, và cô bé chỉ vào căn phòng khuất nhất trong nhà búp bê, nằm sau hai cánh cửa ở góc dưới bên trái. "Bỏ bạn đó xuống hầm. Và cho bạn nằm xuống.”
My’onna nói đùa xem thang nào sẽ tới trước sau một buổi trị liệu. (Demetrius Freeman/The Washington Post)
Một năm trước, Brayonna được cho biết là con gái chị từ nay về sau có thể sẽ không nói được, có thể sẽ bị liệt từ cổ xuống và cần có các ống dẫn trong cổ để hỗ trợ việc ăn uống và thở. Sau chuyến bay tới Bệnh viện Nhi, một chiếc trực thăng khác chuyển My’onna qua Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore để phẫu thuật. Viên đạn làm vỡ đốt sống C5 của cô bé, nhưng kỳ diệu thay, nó lại đổi hướng chếch qua phía các động mạch chủ một vài milimeter, nếu không thì cột sống của cô bé đã bị xé đôi. Các bác sĩ phẫu thuật dọn dẹp hết những mảnh xương, thay thế chúng với mô xương chậu với hi vọng rằng cơ thể bé sẽ bắt đầu quá trình hồi phục. Và quả đúng như vậy. Các bác sĩ phát hiện ra bé có thể tự thở, tự ăn, và khi gỡ đường ống ra, nói được. “Mẹ” là từ đầu tiên bé thốt ra, khiến Brayonna, người đã ngủ cạnh con gái mình tại viện gần như mỗi đêm, vui mừng khôn xiết.
My’onna kết thúc một buổi trị liệu với mẹ và chuyên viên. (Demetrius Freeman/The Washington Post)
My'onna có thể cử động cánh tay, dù bên phải không còn linh hoạt như trước. Cô bé cũng gặp khó khăn trong việc duỗi ngón tay. Bé phải dùng đốt ngón út trái để điều khiển nhân vật Roblox trên Ipad. Một ngày nọ, bé hỏi mẹ: “Sao con không cử động được? Có phải là do viên đạn không?” Sau hơn một tháng điều trị ở phòng chăm sóc đặc biệt của Johns Hopkins, My'onna được chuyển tới Trung tâm Kennedy Krieger gần đó để bắt đầu trị liệu nội trú. Ngày đầu tới phòng tập, cô bé đã nổi giận và nhổ nước bọt vào các chuyên gia trị liệu. Chấn thương này đã tước đi nhiều thứ của con bé và nó đang trải qua điều này một cách rõ rệt, Emily Winter-Cronan, chuyên gia mảng đời sống trẻ em của My'onna, nhận định. My'onna đã không còn có thể chơi cầu trượt hay té nước trong bể bơi nữa. Cô bé không thể chạy lăng xăng thu thập vé đổi kẹo bông ở Chuck E. Cheese. Cô bé không thể dùng chiếc xe đạp màu hồng. Cô bé không thể nhún nhảy theo video trên Tiktok. Cô bé không thể khoác áo lông giả tạo dáng sành điệu trên tài khoản Instagram mà mẹ Brayonna mở để em tập tành làm người mẫu. Cô bé thậm chí còn không thể cầm búp bê Barbie lên. Winter-Cronan bắt đầu thiết kế những “thí nghiệm khoa học” mà My'onna có thể làm chủ. Cô trộn hồ, xà phòng và đất vào các xô và để My'onna trét slime lên tay, mặt, tóc hay bất kỳ chỗ nào cô bé muốn. Đó chính là chủ đích của cô. My’onna thường ngắm nghía những tấm hình khi còn ở phòng chăm sóc đặc biệt của mình và liên tục nhờ Winter-Cronan giải thích công dụng của từng thiết bị một. Cô bé học cách miêu tả tình trạng của mình - “cột sống của cháu bị thương” - và vô cùng tò mò về sự khác biệt của nó với chấn thương của các bạn khác. Một buổi chiều, My'onna gọi Winter-Cronan tới gần giường mình và thì thầm vào tai cô: “Cháu bị bắn.” “Anh ấy không cố ý.” “Chỉ là tai nạn mà thôi.” My'onna biết đó là sự thật, nhưng khi trở về với cuộc sống tại Washington sau ba tháng trị liệu tại Kennedy Krieger, thực tại trở nên khó chấp nhận hơn nhiều. “Con xuống chơi được không?” là câu cửa miệng của cô bé mỗi lần mẹ lái xe qua chỗ các bạn chơi xích đu và cầu trượt, dù bé biết rõ câu trả lời. Cô bé thường xuyên trút giận lên Tee, người anh họ mà bé vẫn thường xuyên gặp.
Đôi khi, My'onna không cho cậu bé tham gia những buổi họp mặt của gia đình. Bé từng dõng dạc tuyên bố: “Tại ảnh mà con không thể đi lại được nữa.” Lần khác, khi Brayonna đi mua kem, cô bé kêu mẹ đừng mua cho anh. Mỗi lần Tee gọi để hỏi thăm — “Em đang làm gì vậy ạ? Cháu nói chuyện với em được không?” — cô bé sẽ từ chối nghe điện. Có phải lỗi của anh đâu con, Brayonna nhắc nhở con gái. Người để súng trong ngăn tủ mới có lỗi. Cả nhà cũng đã nhắc đi nhắc lại với Tee điều này kể từ đêm đầu tiên sau tai nạn, cái đêm mà mẹ Tee giúp cậu bé rửa sạch hết máu của My’onna khỏi người cu cậu. Tee cũng tự nhủ như vậy. Nhưng không lời trấn an nào có thể xua đuổi những cơn ác mộng về khẩu súng ấy giùm cậu. Chúng cũng không thể xoa dịu nỗi sợ rằng My’onna sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho cậu. Tee không bao giờ đề cập với cô bé về chuyện đã xảy ra. Cậu giải thích: “Em cháu mà nghe được thì sẽ nổi khùng lên mất.”
My’onna ngồi trong căn hộ của mẹ mình tại Đông Nam Washington.(Jahi Chikwendiu/The Washington Post)
My’onna nói chuyện với mẹ mình, người đã ghi lại hành trình hồi phục của cô bé trên một kênh Youtube mang tên, "Theo dõi My’onna & Brayonna."(Jahi Chikwendiu/The Washington Post)
My’onna and mẹ mình chơi với búp bê trong phòng của con gái.(Jahi Chikwendiu/The Washington Post)
'Giơ cao đánh khẽ’
Brayonna ngồi trên chiếc ghế đẩu trong căn bếp nhà mình mà lòng thấy bồn chồn, chị đang đợi người đàn ông đã gây ra cái chuyện “sau” này lên tiếng. Juwan T. Ford, tù nhân số 358457 ở nhà tù D.C., ngồi trước camera chờ tuyên án trực tuyến trong một căn phòng. Y mặc một chiếc áo phông trắng bên dưới bộ quần áo tù nhân màu cam, tóc y cắt ngắn, và ria mép y lún phún râu. “Tôi rất hối hận về những gì đã xảy ra và tôi thành thật xin lỗi gia đình nạn nhân cũng như gia đình mình,” y nói lí nhí. “Không có ngày nào là tôi không nghĩ về chuyện hôm ấy.” Ford bị giam giữ từ hôm 30/9, 4 tháng sau khi My’onna bị bắn và 5 ngày trước khi cô bé về nhà lần đầu tiên. Nhờ máy quay an ninh, cảnh sát D.C. đã điều tra ra động thái của Ford sau khi y đem súng rời khỏi hiện trường.
Juwan Ford trong một bức hình từ một đoạn video ca nhạc trong hồ sơ của công tố.
Theo lời khai của y sau này, lúc đó y nói chuyện với một người bạn ở sân trước là để nhờ bạn gọi 911. Y còn xô bé Tee, cảnh sát đoán là để đuổi cậu bé đi. Rồi Ford chạy ra ngoài để phi tang chứng cứ, các điều tra viên cho biết. Họ không tìm thấy khẩu súng. Thám tử phỏng vấn Tee trước khi nói chuyện với hai đứa trẻ khác cùng có mặt tại vụ nổ súng. Cả hai gần như đồng lòng khai là Tee đã mang súng vào trong căn hộ. Hai đứa trẻ cũng khẳng định chúng không biết gì hết về Ford, ngay cả tên của y, mặc dù y đã khá nhẵn mặt ở căn hộ hơn hai tháng. Các điều tra viên tin rằng Ford đã bắt hai đứa trẻ nói dối, công tố viên nói với thẩm phán trong phiên tòa. Sau khi y bị bắt, Văn phòng luật sư Hoa Kỳ quyết định không truy tố y tội gây tổn thương cho trẻ em. Trọng tội ấy có khả năng khiến y chịu án tù 10 năm, nhưng lại phải cần Tee và những đứa trẻ khác ra tòa làm chứng. Thay vào đó, Ford đồng ý với thỏa thuận bào chữa, thú nhận sở hữu súng không có giấy phép và cố ý phi tang chứng cứ. Về sau, Ford bóng gió với một thanh tra viên rằng y mang súng ra khỏi căn hộ là để bảo vệ bọn trẻ chứ không phải bản thân y. Y tiếp tục nêu lên luận điểm này trong phiên tòa xét xử của bản thân, dưới sự chứng kiến của Brayonna qua điện thoại. “Tôi chỉ có ý muốn giúp,” y thưa với Thẩm phán Neal E. Kravitz của Tòa thượng thẩm D.C. “Tất cả những gì tôi có thể làm lúc đó là giúp đỡ.” Một kẻ dối trá, Brayonna nghĩ, vì y không đã không hề giúp gì. Nhiều khi chị thấy, dường như chẳng có ai hiểu được sự cẩu thả của Ford đã khiến gia đình chị phải trả giá đến nhường nào. Trước vụ tai nạn súng, chị nuôi nấng ý định trở thành cảnh sát hoặc gia nhập quân đội, nhưng giờ đây, chị chỉ có thể làm nhân viên bảo vệ dưới trung tâm D.C. vào ban đêm, bởi đó là thường là thời gian mà y tá có thể trông bé My’onna.
Chị lúc trước không hề muốn phải phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ cho miếng ăn chỗ ở, nhưng giờ đây, làm sao mà một người mẹ đơn thân như chị có thể toàn tâm theo đuổi con đường sự nghiệp khi con gái chị còn phải cần người chăm sóc 24/24 trong vài năm tới, thậm chí là cả đời? Trong phiên xử trước đó, chị đã khẩn khoản nài xin tòa án bắt buộc Ford chịu trách nhiệm cho hành vi của y. “Làm sao mà một con người có thể cẩu thả và vô tâm tới vậy?” chị nói với tòa, trước khi trực tiếp nói với y. “Giờ thì anh lại muốn ra vẻ quan tâm. Anh không thèm quan tâm khi thấy con bé nằm trên sàn, máu chảy lênh láng. Anh đã bỏ đi. Còn bây giờ, đương nhiên là anh rất quan tâm. Giờ anh thấy hối hận vì anh có nguy cơ ở tù mọt gông.” Theo ghi chú của Trợ lý Văn phòng luật sư Hoa Kỳ Emma McArthur trước khi tuyên án, đây là lần thứ ba y “phạm tội với vũ khí”. Công tố viên công nhận rằng hai lần bắt giam trước đó của Ford không liên quan gì đến lần định tội này, nhưng cô lý luận rằng y biết thừa về sự nguy hiểm của việc sở hữu súng đạn bất hợp pháp. Ấy vậy mà, 2 tháng trước vụ tai nạn, Ford dùng khẩu súng làm đạo cụ cho một video âm nhạc của y. McArthur cho biết, ngay cả sau khi My’onna bị thương, Ford quay video có đạn dược và thứ gì đó giống với một khẩu súng trường trong một căn phòng rồi đăng lên Instagram. “Hình phạt bị cáo nhận được cho mỗi lần bắt giữ chỉ có tính giơ cao đánh khẽ,” McArthur lý luận với Kravitz. “Chúng chưa từng răn dạy anh Ford rằng hành động của anh ta có hậu quả khôn lường.” Cựu cảnh sát trưởng của D.C. là Peter Newsham cũng giữ vững lập trường đó trong nhiều năm. Ông quả quyết là hệ thống tư pháp của thành phố vẫn quá nhân nhượng với các đối tượng có tội danh liên quan đến súng.
Theo điều tra từ một viên cảnh sát D.C., trong tháng 7, có đến 49% những đối tượng phạm tội giết người tại D.C. vào năm 2021 đã từng có tiền sự về súng đạn. Con số của năm 2020 là 53%. D.C. vốn là một trong những thành phố có luật mua bán súng nghiêm ngặt nhất, nhưng Newsham cho biết, thông thường thì những người bị bắt tội tàng trữ súng trái phép chỉ lãnh án tù ít hơn 1 năm, đó là nếu như phải ở tù. Theo ông thì tội đó phải ở tù ít nhất là ba năm. Phán quyết mà thẩm phán xét xử Ford là Kravitz phải đưa ra không chỉ đơn giản là thời gian ngồi tù. Billy Ponds, luật sư bào chữa cho Ford, từ chối để Ford trả lời phỏng vấn. Trong phiên tòa, Ponds lập luận rằng bản án dành cho thân chủ của ông cần phải tuân theo Đạo luật Cải tạo Người trẻ của D.C. để thanh thiếu niên có cơ hội xóa án làm lại cuộc đời. Đạo luật Người trẻ ra đời năm 1985, trước khi phong trào biểu tình kêu gọi cải cách tư pháp hình sự nổ ra trên toàn quốc. Bên ủng hộ lý luận rằng luật này hạn chế vấn nạn kết án tù hàng loạt (mass incarceration) bằng cách cho thanh thiếu niên phạm tội có cơ hội tìm được việc làm, mượn nợ và thuê nhà. Hội đồng D.C. có một bản phân tích cho thấy những người có tiền án tiền sử bị ẩn thì ít có khả năng tái phạm hơn. Bên phản đối (gồm có cảnh sát và công tố viên) thì lại chỉ trích đạo luật dung túng cho tội phạm bạo lực, vì luật này chỉ không khoan hồng cho những kẻ phạm trọng tội như giết người hay bạo hành tình dục. 5 năm trước, Washington Post điều tra được có đến hàng trăm kẻ tội phạm tiếp tục trộm cắp, cưỡng hiếp, và giết người sau khi được Đạo luật Người trẻ giảm án. Bất chấp kết quả điều tra, Hội đồng D.C. nhất trí mở rộng nhóm đối tượng đạt tiêu chuẩn vào năm 2018, nâng độ tuổi giới hạn lên 24 bởi vì nghiên cứu cho thấy tâm lý của con người thường vẫn chưa hoàn thiện trước độ tuổi ấy. Ford được 23 tuổi khi My’onna bị bắn, nếu không vì luật thay đổi thì y đã không đạt yêu cầu. Nhưng ít ai đề cập tới một vấn đề là đạo luật này cũng khoan hồng cho các tội phạm súng ống trong cái thành phố mà chỉ từ 2019 đến 2020 có đến 1600 người bị bắn và 307 người thiệt mạng. Cũng trong thời gian ấy, thống kê tòa án cho thấy có ít nhất 51% trong số 610 đối tượng thụ án dưới đạo luật này tiếp tục gây án bằng súng đạn.
Luật sư bào chữa cố thuyết phục Kravitz đưa Ford vào danh sách ấy dù không cần thiết. Luật sư vẫn kiên định rằng thân chủ của ông chỉ nên bị trừng phạt cho tội danh sở hữu và phi tang khẩu súng bất hợp pháp thay vì phải chịu trách nhiệm cho những việc bọn trẻ gây ra khi chúng tìm thấy khẩu súng. Ông cũng nhấn mạnh tuổi thơ cơ cực của Ford: ở nhà thuê trợ cấp, mẹ là nhân chứng của một vụ giết người, họ hàng đùn đẩy không muốn nhận nuôi y, và bị đuổi khỏi trường cấp 3. Theo McArthur, hoàn cảnh khó khăn không thể biện minh cho sự nhẫn tâm của Ford. Cô nhấn mạnh, đây là một người cha thấy chết không cứu và chỉ nghĩ cho bản thân mình. “Vụ án này nhất định không thể xét bằng Đạo luật Người trẻ,” công tố viên quả quyết với thẩm phán Kravitz. “Cả đời cô bé này sẽ sống với những gì Ford đã gây ra. Cô bé không còn có thể đi bộ tới trường. Cô bé không còn có thể chơi đùa với bạn. Tệ nhất thì Ford cũng phải nhận lấy một bản án thích đáng, đủ để nhắc cho anh ta nhớ rằng hành động của anh ta là … không tốt.” Thẩm phán công nhận Ford đã rất “máu lạnh” khi bỏ mặc My’onna, nhưng ông so sánh việc y hớ hênh với khẩu súng giống như lái xe say xỉn. Đa số người lái đều an toàn về tới nhà, nhưng sẽ ra sao nếu người lái gây tai nạn và làm người khác bị thương?
My’onna cố sức nhấn nút gọi thang máy trong chung cư ở D.C. (Jahi Chikwendiu/The Washington Post
“Tùy vào cách mọi người nhìn nhận vấn đề, chúng ta đang trừng phạt một hành động sai trái hay đang trừng phạt hệ quả của hành động sai trái ấy,” Kravitz nói. “Đó là một câu hỏi hóc búa.” Ông gọi các quyết định của Ford là “hành vi gây án của một thanh niên trẻ người non dạ” và tuyên bố y đáng nhận được sự khoan hồng, “Theo tôi nghĩ, Đạo luật Cải tạo Người trẻ tồn tại chính là dành cho những người như Ford,” Kravitz kết luận. Ông từ chối trả lời phỏng vấn. Thẩm phán phạt Ford 18 tháng tù, đồng thời đe dọa tăng thêm 12 tháng nữa nếu y vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận bào chữa trước khi hoàn thành ba năm giám sát và cải tạo. Điều này có nghĩa là Ford, người đã ở tù được 9 tháng tính tới lúc này, dự là sẽ được phóng thích vào mùa xuân năm sau, và y có thể được xóa án tích vào năm 2025, trước sinh nhật 10 tuổi của My’onna. Brayonna bật khóc. Chị chỉ muốn Ford phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình trong suốt phần đời còn lại của y, giống như con gái chị. Đúng lúc đó, cánh cửa căn hộ bật mở, một y tá đẩy bé My’onna vào trong. Sau ba tiếng tập vật lý trị liệu ở Baltimore và hai tiếng ngồi trên xe, cô bé đã thiếp đi vì mệt lả. Sớm thôi, cô bé sẽ phải thức dậy để thay ống thông đường tiểu, 6 lần 1 ngày, rồi sau đó, cô bé phải uống thuốc nhuận trường, vitamin D bồi bổ xương, thuốc chống vọp bẻ, kẹo ngủ melatonin, và thuốc giảm đau để chống chọi với cơn đau toàn thân hàng ngày.
‘Cháu cảm nhận được à?’
“Chỗ trị liệu”, đó là cách cô bé gọi tòa nhà 6 tầng màu nâu thuộc có trần nhà mái vòm và chi chít cửa sổ hướng ra Baltimore. Ba buổi sáng một tuần, cô bé đến đó trong một chiếc xe van với mẹ hoặc y tá. Bé vẫy tay chào nhân viên lễ tân trong tiền sảnh, những người này gọi bé là “MyMy”, rồi điều khiển xe lăn dọc theo bức tường có dòng chữ in thảo: Tâm trí tôi tràn đầy hy vọng (In my mind, I am full of hope). Mỗi năm, dòng chữ này chào đón hàng nghìn trẻ em khuyết tật đến Trung tâm Kennedy Krieger điều trị. Trong đó có cả 9 đứa trẻ bị bại liệt vì súng đạn kể từ khi đại dịch bùng nổ. Có em 16 tuổi bị bắn trúng bụng, có em 13 tuổi bị bắn trúng lưng, có em 14 tuổi bị trúng đạn trong một chuyến đi săn, và có em 6 tuổi bị trúng đạn lạc vào cửa sổ phòng ngủ từ một vụ đuổi bắn qua xe. My’onna là đứa nhỏ nhất. Michelle Melicosta, giám đốc y tế khoa hồi phục bệnh nhân nội trú của Kennedy Krieger, cho biết tổn thương tâm lý mà bệnh nhi phải gánh chịu khiến cho việc chăm sóc tổn thương thân thể của các em khó khăn gấp bội “Chúng tôi có thể động viên các em tiếp tục cố gắng đến đâu khi mà các em đã phải trải qua những chuyện khủng khiếp như vậy?” Melicosta đặt vấn đề. “Nên dễ dãi với các em một chút? Nên đối xử với các em như bao đứa trẻ khác.” Bác sĩ vật lý trị liệu Beth Myers đã phải đối mặt với những câu hỏi này vào một buổi sáng tháng 6. Hôm đó, cô phải dùng thiết bị cố định My’onna lại một chỗ và dán điện cực lên người bé. Cô bé rất gắt gỏng vì đêm trước khó ngủ nên đã đập mạnh vào mặt nạ bảo hộ của Myers. “Dẹp hết đi,” con bé hét toáng lên trong khi Brayonna cố ghìm cánh tay con bé lại. “Tôi ghét mấy người.” “Được thôi, làm cái khác nào,” Myers từ tốn trả lời, cô đỡ My’onna ngồi dậy và bế bé qua chỗ máy chạy bộ đặc trị. Một chuyên viên trị liệu móc cơ thể bé vào một thiết bị nâng để kéo cô bé lên cho tới khi bé có thể đứng vững trên băng chuyền. My’onna giữ tư thế đó trong im lặng.
Nhân viên trị liệu Jennifer Renner theo dõi My'onna' trong một bài tập trị liệu.(Demetrius Freeman/The Washington Post)
Renner giúp giữ chân My'onna trong máy trị liệu.(Demetrius Freeman/The Washington Post)
Phần băng chuyền bắt đầu chuyển động với vận tốc 1.2 mph. Điều trị viên ôm lấy hông My’onna và Myers nắm lấy phía sau của hai bắp chân, thực hiện thao tác đẩy rồi kéo để tập cho đôi chân đi bộ. Bài tập này kích hoạt các múi cơ đã teo lại và kích thích phần tủy sống lành lặn bên dưới vết thương. Các tế bào và khớp thần kinh của cô bé phải khỏe mạnh thì mới mong có được đột phá. “Cháu làm tốt lắm MyMy,” bác sĩ trị liệu khen. “Sắp xong chưa ạ?” cô bé hỏi sau khi bắt đầu được 30 giây. Bọn họ tạm nghỉ sau 10 phút tập luyện và trước khi bắt đầu 10 phút tiếp theo, bé ngoẹo đầu sang một bên rồi nhờ điều trị viên nâng đầu lên giùm. Từ khi cô bé bắt đầu tập hồi phục thì đây đã là một vấn đề mãn tính bởi do phần cơ ở cổ của bé quá yếu, nhưng mấy tháng rồi bé chưa bị lại. “Được rồi, bây giờ cháu phải tự giữ đầu mình,” điều trị viên bảo. “Không,” My’onna cáu kỉnh đáp. “Chúng ta sắp tập đi bộ.” “Khôngggg.” Myers thở dài. Cô bé phải thấy bất mãn lắm. My’onna mới có 5 tuổi. Đáng lý ra cô bé phải dành buổi sáng mùa hè này bì bõm trong hồ bơi hay chạy nhảy trên sân chơi thay vì bị treo lủng lẳng vào một cái máy như con rối. Myers cũng hiểu là không ai biết chắc My’onna sẽ phục hồi được tới đâu, và điều này nghĩa là bọn họ đang đầu tư thời gian nỗ lực cho một tương lai có thể là ngoài tầm với. Tuy nhiên, vào một buổi sáng, My’onna xin dừng lại trong khi đang tập trên máy chạy bộ. “Vớ của cháu bị tuột rồi,” bé nói. Myers bán tính bán nghi, nhưng cô vẫn cúi xuống kiểm tra, và quả thật là vớ phải của My’onna đã tuột trong giày. “Cháu cảm nhận được à?" Myers hỏi. Nếu đúng là vậy, thì đây là lần đầu tiên My’onna có thể cảm nhận được cái gì đó tại bộ phận mà các bác sĩ đều lo là cô bé sẽ không bao giờ có thể. “Dạ”, My’onna trả lời, đôi mắt bác sĩ Myers bắt đầu ngân ngấn nước.
Brayonna chuẩn bị thuốc cho con gái tại căn hộ của họ. (Jahi Chikwendiu/The Washington Post)
My’onna tạm nghỉ giữa các trò chơi với mẹ tại nhà của họ ome.(Jahi Chikwendiu/The Washington Post)
Brayonna thử cảm giác ở phần chân của My'onna.(Jahi Chikwendiu/The Washington Post)
‘Thằng bé vẫn ổn chứ?’
Tee đang chơi với quả bóng cao su màu đỏ trong phòng khách của Brayonna khi cậu nghe có tiếng gõ cửa “Ai đấy,” cậu la lên. Brayonna mở cửa. Hai nhân viên cấp cứu Alex Henry và Eric Budd bước vào cùng với năm người lính cứu hỏa đeo khẩu trang, họ cầm theo rất nhiều túi quà và bong bóng, trên một quả có ghi “You’re So Special” (con rất đặc biệt). Mấy tháng qua, Brayonna đã luôn mong mỏi được gặp những người đã cứu sống con gái chị. Chị giải thích với họ là My’onna vẫn đang trên đường về từ trung tâm trị liệu. Họ không ngại phải đợi. “Tôi với ảnh nói chuyện này rất nhiều,” Budd kể về cái đêm định mệnh năm ngoái, đồng thời ra hiệu với Henry, người đã bế bé đến xe cấp cứu. Bọn họ hồi tưởng lại với nhau. Budd và Henry không biết là Brayonna đã đuổi theo họ đến xe cứu thương, và chị không biết chính lúc đó họ đang cố hồi sinh My’onna.
My’onna gặp ân nhân cứu mạng mình trong vụ nổ súng. (Michael Blackshire/The Washington Post)
Tee chỉ ngồi nghe trên sofa, không nói không rằng. Không ai trong họ biết về cậu bé. “Cháu bé làm gì trong mùa hè này rồi?” Trung úy Paul Patterson, một trong những người có mặt tại hiện trường tai nạn, hỏi cậu. “Có quậy phá gì không?” Tee lắc đầu nguầy nguậy, không, và các vị khách cười ồ lên. Cậu bé ném bóng cho Henry, và Henry ném lại cho cậu. “Thằng bé là người đã lỡ tay gây ra chuyện đó,” Brayonna hạ giọng nói vọng ra từ trong bếp. “Chuyện gì cơ?” Budd hỏi lại. “Thằng bé là người đã lỡ tay, ừm —” “À, được rồi. Tôi hiểu.” “Thằng bé vẫn ổn chứ?” Patterson hỏi. Vẫn ổn, Brayonna nói. Không khí trong phòng trầm xuống. Họ biết, Tee cũng là một nạn nhân của bạo lực súng đạn, chỉ là người ta sẽ không cầm quà hay bóng bay đến thăm các nạn nhân giống như cậu bé. Đứa trẻ học lớp ba này vẫn chưa được gặp bác sĩ tâm lý, nhưng em nói mẹ đã không cho em chơi với súng đồ chơi nữa. Mỗi khi có ai mang chuyện em làm ra, em đều cố để không bận tâm. Cậu bé lại ném bóng cho Henry. 5, 10, rồi 15 phút trôi qua, Brayonna lo là các nhân viên cứu hỏa sẽ có việc phải đi trước khi My’onna kịp về nhà. Cuối cùng thì cánh cửa cũng mở ra. “Chào cháu, My’onna,” Patterson lên tiếng. “Có người đến thăm cháu nè.” “Thật ạ?” cô bé ngỡ ngàng đáp lại. Y tá giao chiếc xe lăn lại cho mẹ bé, Brayonna đẩy cô bé đến chính giữa phòng khách. “Chào My’onna,” Tee vừa nói vừa vẫy tay từ trên sofa, nhưng cô bé không trả lời nên cậu đành phải lặp lại. “Chào em, My’onna”. Mắt cô bé không rời những người lạ cao to vạm vỡ trước mặt mình
My’onna đến thăm đơn vị cảnh sát để được thăm một chiêc trực thăng. (Michael Blackshire/The Washington Post)
“Bọn chú có nhiều thứ hay ho cho cháu lắm nhé,” Henry nói, và mẹ bé bắt đầu mở các túi quà ra: có cát động lực (kinetic sand), có chất nhờn ma quái (slime), và hai thẻ quà tặng cho bé muốn mua gì tùy thích. “Kẹo thạch trái cây!” bé reo lên và lập tức chọn món kẹo lừng danh. “Thế con nói ‘cảm ơn’ chưa?” Brayonna hỏi. “Cảm ơn các chú ạ,” My’onna làm theo lời mẹ. “Tất nhiên rồi,” Budd ôn tồn. “Bọn chú rất vui vì cuối cùng cũng gặp được cháu.” “Con muốn cho mấy chú thấy chân con ngọ nguậy được rồi không?” Brayonna hỏi. Cô bé nhìn xuống đôi bàn chân sơn móng tím của mình, gồng cả người, rồi nâng gót chân trái lên khỏi thanh đỡ chừng nửa giây. “Hay quá,” Budd khen ngợi. “Nếu được, chúng ta nên chụp một tấm hình với cô bé chứ nhỉ?” Patterson gợi ý. Trong khi bọn họ quây quần xung quanh cô bé, Tee cố gọi em thêm lần nữa. “My’onna,” Tee khẽ gọi, và cô bé liếc qua phía cậu. “Anh cũng muốn chụp hình chung với em.” Cô bé nhìn mẹ mình và nhoẻn miệng cười tươi chụp hình, để lộ ra cái răng cửa vừa rụng tối hôm trước. Sau đó, Patterson quay qua cậu bé Tee đang nằm ôm gối cuộn lại trên sofa. “Cháu có muốn chụp hình chung với bọn chú luôn không?” ông hỏi. Tee vô cùng bất ngờ. Cậu bé thả lỏng người ra. “Cháu có thể đứng ở đây này,” Budd chỉ vào vị trí bên cạnh My’onna. Tee quỳ xuống, đặt tay lên bánh xe lăn. Cậu bé cười toe toét. Tee lao về phòng của My’onna để lấy quả bóng đỏ trong khi những người lính cứu hỏa nói lời tạm biệt. “Để xem em có bắt được bóng không nhé My’onna,” cậu hào hứng nói." Cậu bé nhẹ nhàng thảy bóng lên đùi em, và cô bé cầm nó lên bằng hai tay. “My’onna bắt được rồi!” Tee nói. Bọn trẻ tiếp tục chơi đùa cho đến khi Tee chuyển qua đập bóng ồn ào và Brayonna phải bắt cậu bé dừng lại. Rồi cậu bắt đầu bóp một quả bóng bay của My’onna, và Brayonna cũng cấm cậu làm thế. Tee khui một bịch bánh Doritos ra ăn nhưng lại làm rớt vài miếng xuống sàn, tiếp tục làm Brayonna bực mình. Sau đó, cậu lại mang bóng ra và hai đứa cùng chơi với nhau cho đến lần Tee ném trái bóng quá mạnh và quá cao. “Cháu về nhà đi,” Brayonna bực mình nói. “Tại sao ạ?” cậu rụt rè hỏi. “Vì cháu quậy quá,” chị đáp lại.
My’onna vui vẻ luyện tập trong một buổi trị liệu tại trung tâm Kennedy Krieger. (Demetrius Freeman/The Washington Post)
Cậu bé hứa là sẽ chơi ngoan, cậu cố gắng cầu cạnh My’onna nói đỡ giúp cậu. Cô bé đang cân nhắc xem nên dùng thẻ quà tặng để mua gì vài tuần trước sinh nhật thứ 6 của mình trên iPad. Tee vẫn nhớ như in My’onna trước khoảnh khắc cậu bóp cò và nghe tiếng súng nổ, khoảnh khắc em gái chật vật lắm mới đón được trái bóng hay gõ chữ trên iPad. Cậu thỉnh thoảng vẫn thấy dè dặt bên cạnh em. Em hay nổi giận với cậu lắm, và cậu biết tại sao, nhưng cậu vẫn ước gì em không giận cậu. Cậu ước gì mọi thứ trở lại như xưa. Cậu đứng dậy và tiến về phía em, chờ đợi trong khi cô bé vọc cái iPad của mình. “My’onna,” cậu lên tiếng, nhưng em mặc kệ cậu. “MyMy,” cậu không bỏ cuộc. “My’onna. MyMy. MyMy.” Cuối cùng, cô bé cũng nhìn qua. “Gì?” “Em có muốn anh ở lại không?” cậu hỏi. “Em muốn anh về hay ở lại?” My’onna quay đi chỗ khác, im lặng suy nghĩ một lát. “Ở lại,” cô bé nói.
Người dịch: Phuong Dang
Biên tập: Vũ Yên & Bảo Trân
Commentaires