top of page

Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ

Translated from The Wall Street Journal article U.S. Finds Vietnam Manipulated Currency.


Cuộc điều tra của Bộ Ngân khố mở ra khả năng Hoa Kỳ áp mức thuế trừng phạt lên lốp xe xuất khẩu của Việt Nam.


Josh Zumbrun, ngày 25 tháng 8, 2020


Hôm thứ Hai, phía Mỹ nói rằng đồng Việt Nam bị định giá thấp hơn 4.7% so với tỷ giá hối đoái thực tế.


Bộ Ngân khố khẳng định rằng Việt Nam đã định giá thấp tiền đồng năm 2019, và điều này sẽ mở ra khả năng áp thuế trừng phạt lên mặt hàng lốp xe từ Việt Nam và nêu ra trường hợp thử nghiệm đầu tiên cho đề xuất đánh thuế các quốc gia bị cho là có hành động thao túng tiền tệ từ chính quyền Trump.


Quyết định được công bố tối thứ Hai của Bộ Ngân khố đánh dấu trường hợp đầu tiên bị bộ này “tuýt còi” kể từ khi các điều luật mới chống trợ cấp tiền tệ được ban hành và có hiệu lực vào tháng Tư.


Chính quyền đã tập trung nhiều vào vấn đề thao túng tiền tệ trong trường hợp của Trung Quốc, quốc gia bị cáo buộc cố tình kiềm giữ tỷ giá hối đoái để giảm giá thành của các mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc trên thị trường quốc tế, tăng cường thúc đẩy nền công nghiệp của họ đạt lợi thế cạnh tranh không lành mạnh với Mỹ và các đối thủ quốc tế khác.


Tuy nhiên, những năm gần đây, Trung Quốc không có những động thái rõ ràng để kìm hãm tỷ giá hối đoái, vậy nên Việt Nam đã trở thành mục tiêu đầu tiên.


Trường hợp cụ thể này có phạm vi áp dụng giới hạn, và các loại thuế liên quan sẽ chỉ ảnh hưởng lốp xe chở khách và xe tải nhẹ. Năm 2019, nước Mỹ đã nhập khẩu lượng lốp xe trị giá khoảng 470 triệu dollars, chiếm chưa tới 1% lượng hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam năm đó - tổng cộng khoảng 67 tỷ đô.


Tuy vậy, theo các nhà phân tích thương mại cho biết, việc xác định này ám chỉ một biên độ rộng hơn, có thể hiểu rằng tất cả hàng hóa từ Việt Nam năm 2019 đều hưởng lợi từ tiền trợ cấp.


Ông Scott Lincicome, một thành viên kinh tế học thâm niên tại Viện Cato, thành viên viện chính sách tự do tại Washington, D.C., nói rằng, nếu Bộ Ngân khố xác nhận việc áp thuế chống trợ cấp, sẽ có rất nhiều trường hợp tương tự bắt chước đòi áp dụng thuế cho đối thủ của họ và dùng tỷ giá đối hoái làm sự bào chữa cho lý lẽ của mình.


“Một khi Bộ Ngân khố thông báo việc kiềm giữ tỷ giá hối đoái này, có nghĩa là mọi sản phẩm vận chuyển từ Việt Nam đều hưởng lợi từ chính sách trợ cấp tiền tệ,” ông Lincicome nói. Chính sách này là “một ví dụ kinh điển về sự leo thang của Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, nó được dùng để chống lại Trung Quốc, nhưng rồi cuối cùng các nước khác nhận lãnh hậu quả.”


Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã lên tiếng trả lời những cáo buộc Việt Nam cố tình giảm giá tiền đồng. Trong một lá thư, ông nói rằng Việt Nam đơn giản chỉ thực thi những chính sách tiền tệ thông thường, và những chính sách này “không được hoạch định với mục đích tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu.”


Ông cũng cho rằng không có một phương thức rõ ràng nào nhằm xác định việc đồng tiền bị hạ giá, và các chính sách tiền tệ cần được giải quyết bởi các cơ quan như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) hay Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) thay cho việc đơn phương áp đặt các thuế quan.


Điều tra của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ là một phần của chiến dịch chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm sự khắc phục trước hành động trợ cấp tiền tệ của chính phủ các nước.


Trường hợp vừa nêu trên cáo buộc Việt Nam đã không công bằng trong việc trợ cấp cho các mặt hàng lốp xe khách và xe tải nhẹ. Ngoài việc giảm giá trị đồng tiền, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ đang điều tra việc Việt Nam sử dụng các chương trình hỗ trợ thuế, trợ cấp thay thế các mặt hàng nhập khẩu, các khoản trợ cấp hay các khoản vay từ chính phủ nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp lốp xe của VIệt Nam. Ngoài việc xem xét sự thao túng tiền tệ, những mảng khác trong trường hợp điều tra này chỉ mang tính chất định kỳ.


Một phần nội dung điều tra cho biết, Bộ Ngân khố nói tiền Đồng của Việt Nam đã bị hạ giá những 4.7%. Bộ Ngân khố cũng đưa ra kết luận rằng chính phủ Việt Nam đã có những hành động cụ thể thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm giảm tỷ giá hối đoái qua việc mua 22 tỷ đô la để tăng dự trữ ngoại hối.


Bộ Thương mại Hoa Kỳ vẫn chưa áp đặt các mức thuế chính thức đối với trường hợp này. Nhưng theo thông lệ, loại thuế được áp dụng sẽ là thuế đối kháng, đặt ở mức bù đắp cho việc mất lợi thế từ trợ cấp. Một phát hiện cho thấy nếu đồng tiền bị hạ giá 5% thì thuế suất sẽ tăng 5%.


Ông Mark Sobel, một cựu quan chức cao cấp của Bộ Ngân khố trải qua các chính quyền của hai đảng, đặt mối hoài nghi: “Không có một phương thức chính xác hay được ủng hộ trong việc đo lường việc hạ giá tiền tệ, huống chi đây chỉ là cặp tỷ giá đối hoái song phương,” ông Sobel cho ý kiến. “Những ước lượng đo lường còn gặp phải nhiều vấn đề về tính chính xác. Nếu những quốc gia khác đều hành động tương tự hay phản đối lại chính sách thuế quan này của Hoa Kỳ, điều này sẽ gây ra những tác hại đến hệ thống tiền tệ quốc tế.”


Hoa Kỳ có thể điều chỉnh những phương thức định giá tiền tệ nhằm xác định một loạt ngoại tệ từ các quốc gia khác đều bị hạ giá, ông Sobel cho ý kiến.


Những quốc gia khác đều có thể theo đuổi phương thức tương tự, chẳng hạn như cáo buộc rằng các hành động từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ nhằm giảm lãi suất và thu mua trái phiếu chính phủ có tác dụng giảm tỷ giá hối đoái của Hoa Kỳ. Họ có thể tạo ra những phương thức tương tự nhằm áp đặt những thứ thuế riêng theo nước sở tại.


Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã khiển trách các thuế quan tiền tệ Hoa Kỳ trong đánh giá chính thức các chính sách Hoa Kỳ vào tháng trước rằng “Những loại thuế chống trợ cấp dựa vào tiền tệ sẽ dẫn đến những hành động trả đũa. Các quốc gia khác sẽ có những chính sách với tiếp cận và phương thức riêng của họ. Và điều này sẽ chỉ khiến các căng thẳng thương mại gia tăng.”


Người dịch: Adelia D, Q. Mai

Biên tập: Diễm

Comments


bottom of page